Gửi một niềm thương
Tôi biết đến Hà Nội lần đầu tiên từ những bài thơ khi còn ngồi trên ghế nhà trường qua lời thầy giảng. Hà Nội hiện lên trong những câu thơ của Nguyễn Đình Thi thật oai hùng nhưng cũng dịu dàng quá đỗi:
"Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác heo may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy"
Ngày ấy, tâm hồn của một cô học trò 16, 17 tuổi âm thầm nuôi một khát khao là được cùng ai đó nắm tay dạo trên những con phố dài xao xác heo may mà cảm nhận hết phong vị của Thủ đô. Và từ đó, tình yêu của tôi đối với Hà Nội cứ âm thầm được gieo trồng và vun xới. Mỗi ngày một chút, từng chút từng chút cứ thế lớn dần lên tự lúc nào không hay.
Tôi yêu Hà Nội. Hà Nội trong tôi còn là những ca từ neo vào lòng nỗi nhớ. "Hà Nội ơi, nhớ về mùa thu tháng mười/Áo học trò xanh những hàng me...". Trong tâm trí tôi, Hà Nội với con đường rợp bóng cây xanh thấp thoáng những tà áo dài như mây tràn xuống phố. Yêu quá Hà Nội ơi!

Hà Nội trong tôi không chỉ thơ mộng mà còn một Hà Nội quật cường. Tôi đã từng say mê nghe đi nghe lại rất nhiều lần bài hát "Người Hà Nội" của nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch và sáng tác nhạc Nguyễn Đình Thi do nghệ sĩ Lê Dung trình bày. Một Hà Nội hào hoa và kiêu dũng "Hà Nội cháy khói lửa ngập trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung/ Sông Hồng reo/ Hà Nội vùng đứng lên...".
Những lúc như vậy, ký ức của tôi lại men theo dòng lịch sử về với những ngày cuối tháng 12 năm 1972 với trận Điện Biên Phủ trên không làm khiếp sợ kẻ thù để rồi Hiệp định Paris được ký kết mở ra một giai đoạn mới trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng đưa đất nước đến ngày thống nhất. Nói sao cho hết niềm tự hào và tình yêu đối với Hà Nội những năm tháng khói lửa chiến tranh.

Tôi bỗng ước một lần nằm nghe gió sông Hồng thổi. Thổi từ quá khứ oai hùng, đau thương mà anh dũng đến hiện tại thanh bình hôm nay. Gió có thể đem theo bao ký ức ngủ vùi trong quên lãng trở về làm tươi mới hơn hiện tại. Tôi ước được tắm mình trong cơn gió truyền kỳ để tưới tắm cho tâm hồn khô cằn bởi những lo âu trong cuộc sống bộn bề.
Hà Nội qua những trang sách những lời ca. Hà Nội qua những chia sẻ của bạn bè. Hà Nội lúc nào cũng để lại trong tôi những ấn tượng đẹp.
Hà Nội trong tôi còn là những ngõ nhỏ đầy mê hoặc. "Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó"... Khi những ca từ này vang lên là muôn ngàn hình dung về Hà Nội theo về. Những hình dung của cuộc sống muôn hình vạn trạng luôn hướng con người ta đến những chân trời mới mẻ vượt ra khỏi hiện tại. Tôi cũng đã vượt ra khỏi thực tại đơn thuần của bản thân để đến với một Hà Nội nhộn nhịp nhưng đầy suy tư, sâu lắng của đất kinh kỳ.

Tôi yêu nhất Hà Nội khi đêm về. Hà Nội về đêm trái ngược hẳn với ban ngày. Nếu ban ngày ồn ào xe cộ thì khi đêm về Hà Nội trở nên trầm lắng và đầy suy tư. Lúc này Hà Nội như một con người từng trải, lắng lòng mình lại để chiêm nghiệm thời sôi nổi đã qua. Đâu đó từ một ô cửa sổ sáng đèn, tiếng dương cầm vang lên thật nhẹ. Những khóm hoa nhỏ xinh treo trên từng ô cửa như hồn phố tươi xinh. Hà Nội nên thơ và sâu lắng.
Tôi nhớ mùng 5 Tết năm 2018, sau một buổi chiều lang thang bên bãi đá sông Hồng, tôi trở về phòng trọ và không quên chụp lại vài tấm ảnh nơi mình vừa ghé qua, cũng là một cách để ghi lại những kỷ niệm. Tầm mười giờ đêm, người anh quen trên Facebook gọi tới: "Em ra Hà Nội sao không báo anh? Giờ em ở đâu, anh ghé". Tầm mười phút sau anh em gặp nhau. Anh cứ bảo sao không gọi anh sớm. Gặp nhau, nói với nhau vài câu rồi chia tay. Hà Nội hôm ấy đột nhiên ấm áp hơn giữa tháng Giêng rét ngọt.
Hà Nội cứ như thế mà ghi dấu ấn trong tôi, một Hà Nội nồng nàn. Xin cho tôi gửi một niềm thương đến Hà Nội.
Hà Nội tôi yêu.


Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, có người thường xem lại quyển sổ chép thơ mà cô đã viết tay một thời, hoặc mở máy laptop, mở điện thoại, nghe lại những bài nhạc yêu thích. Cô thích nhất là lắng nghe âm thanh quen thuộc từ những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Những lúc như vậy, cô lại tự hỏi mình: Ta là ai trong cuộc đời này?
Mỗi khi đến tiết Thanh minh, trong tâm thức của nhiều người lại nhớ về những ngày thơ bé hạnh phúc, được cùng ba mẹ làm món bánh trôi để đón Tết Hàn thực. Dẫu chỉ là món bánh đơn thuần nhưng đó lại là hương vị của đoàn viên.
"Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - tiết Thanh minh nhắc nhở người Việt Nam ta hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Vào những ngày giữa tháng Ba, mùa xuân ấm áp khẽ khàng làm sáng bừng sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo ở ven sông. Ở một nơi xa, có một người con lại thao thức nhớ sắc hoa gạo quê nhà.
Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.
Trong những giận dỗi ngơ ngẩn của trẻ con, những suy bì hiếu thắng ngây ngô của tuổi trẻ, những giọt nước mắt tủi hờn uất ức của tuổi trưởng thành, cô ấy luôn có cha bên cạnh. Người như ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho cô giữa đêm tối mịt mùng.
0