Greenland trước cuộc tổng tuyển cử mang ý nghĩa lịch sử

Ngày 11/3, người dân Greenland sẽ bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử mang ý nghĩa lịch sử. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, hầu hết người dân Greenland mong muốn độc lập khỏi Đan Mạch và cũng phản đối việc trở thành một bộ phận của Mỹ.

Greenland mong muốn gì?

Một phong trào ở Greenland đòi độc lập khỏi Đan Mạch bắt đầu vào những năm 1970, đã phát triển mạnh mẽ trong những tháng gần đây. Mối quan hệ giữa Greenland và Đan Mạch đã trở nên căng thẳng sau những tiết lộ về việc ngược đãi người dân Greenland trong lịch sử dưới chế độ thực dân. Tuy nhiên, mối quan tâm của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc biến hòn đảo này thành một phần của Mỹ đã thúc đẩy Đan Mạch đẩy nhanh công việc cải thiện mối quan hệ với Greenland. Ở chiều ngược lại, sự quan tâm của Tổng thống Mỹ đã khiến 57.000 cư dân của hòn đảo này chấn động và kết hợp với lòng tự tôn ngày càng tăng, nhiều người dân Greenland coi cuộc bầu cử lần này là cơ hội lịch sử để giải phóng Greenland khỏi ảnh hưởng của Đan Mạch.

Các cuộc thăm dò ý kiến ​​cho thấy, phần lớn cư dân Greenland ủng hộ độc lập, nhưng họ lại chia rẽ về thời điểm và tác động tiềm tàng đến mức sống. Tuy nhiên, nhiều người dân cảnh báo không nên hành động vội vàng.

Kể từ năm 2019, các chính trị gia Greenland đã nhiều lần tuyên bố rằng, họ quan tâm đến việc tăng cường hợp tác và thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, Thủ tướng Greenland Mute Egede, người đã đẩy mạnh nỗ lực giành độc lập nhấn mạnh rằng hòn đảo này không phải để bán và chỉ có người dân của hòn đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.

Tại sao ông Trump muốn có Greenland?

Vị trí chiến lược và các nguồn tài nguyên của Greenland có thể mang lại lợi ích cho Mỹ. Hòn đảo này nằm dọc theo tuyến đường ngắn nhất từ ​​châu Âu đến Bắc Mỹ, rất quan trọng đối với hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo của Washington.

Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mở rộng sự hiện diện quân sự hiện có trên đảo, bao gồm cả việc đặt radar ở đó để giám sát vùng biển giữa đảo, Iceland và Anh, nơi là cửa ngõ cho các tàu hải quân và tàu ngầm hạt nhân của Nga.

Hòn đảo này có thủ phủ là Nuuk, gần New York hơn thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, tự hào về sự giàu có về khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, nhưng quá trình phát triển diễn ra chậm. Cho đến nay, nền kinh tế của Greenland vẫn phụ thuộc vào đánh bắt cá, chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu và trợ cấp hàng năm từ Đan Mạch chiếm khoảng một nửa ngân sách công. Trong khi đó, Đan Mạch chi chưa đến 1 tỷ USD mỗi năm cho Greenland, hay 17.500 USD cho mỗi cư dân.

Lãnh sự quán Mỹ ở Nuuk, thủ đô của Greenland. (Ảnh: Reuters)

Sự hiện diện của Mỹ tại Greenland

Quân đội Mỹ duy trì sự hiện diện thường trực tại căn cứ không quân Pituffik ở phía Tây Bắc Greenland. Một thỏa thuận năm 1951 giữa Mỹ và Đan Mạch cho phép Mỹ được tự do di chuyển và xây dựng các căn cứ quân sự tại Greenland, miễn là Đan Mạch và Greenland được thông báo. Trong lịch sử, Đan Mạch đã đáp ứng yêu cầu của Mỹ vì Copenhagen không có khả năng bảo vệ Greenland và vì Mỹ đảm bảo an ninh cho Đan Mạch thông qua NATO.

Tình trạng của Greenland hiện nay

Hòn đảo này, một cựu thuộc địa của Đan Mạch, đã trở thành một lãnh thổ chính thức của vương quốc Bắc Âu vào năm 1953 và chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp Đan Mạch.

Năm 2009, hòn đảo này được trao quyền tự chủ rộng rãi, bao gồm quyền tuyên bố độc lập khỏi Đan Mạch thông qua trưng cầu dân ý. Theo luật năm 2009, quốc hội Greenland có thể viện dẫn một điều khoản cho phép Đan Mạch và Greenland bắt đầu đàm phán về việc giành độc lập hoàn toàn.

Người dân Greenland sẽ cần phải xác nhận độc lập thông qua trưng cầu dân ý và thỏa thuận độc lập giữa Đan Mạch và Greenland cũng sẽ yêu cầu sự chấp thuận của quốc hội Đan Mạch.

Đánh bắt cá chiếm 95% xuất khẩu của Greenland. (Ảnh: Reuters)

Ông Trump có thể mua Greenland không?

Theo Ulrik Pram Gad, nhà nghiên cứu cấp cao và chuyên gia về Greenland, ông Trump không thể mua Greenland. Ý tưởng mua Greenland dựa trên sự hiểu lầm về luật pháp quốc tế và nguyên tắc tự quyết, nguyên tắc này trao cho mọi người quyền lựa chọn địa vị chính trị của riêng mình.

Phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington hôm 4/3, Tổng thống Trump cho biết, Mỹ sẽ kiểm soát Greenland "bằng cách này hay cách khác". Ông gửi hông điệp đến "những người dân tuyệt vời của Greenland" rằng: "Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ quyền tự quyết định tương lai của các bạn. Và nếu các bạn lựa chọn, chúng tôi chào đón các bạn đến với nước Mỹ". Ông cũng cam kết với người dân Greenland: "Nước Mỹ sẽ giữ an toàn cho các bạn. Chúng tôi sẽ làm cho các bạn giàu có và cùng nhau, chúng ta sẽ đưa Greenland lên tầm cao mà các bạn chưa từng nghĩ là có thể trước đây".

Sẽ thế nào nếu Greenland trở nên độc lập?

Nếu Greenland trở nên độc lập, họ có thể chọn liên kết với Mỹ mà không trở thành lãnh thổ của nước này. Hòn đảo này có thể hình thành cái gọi là "liên kết tự do" với Mỹ, thay thế trợ cấp của Đan Mạch bằng sự hỗ trợ và bảo vệ của Washington để đổi lấy các quyền quân sự, một thiết lập tương tự như Quần đảo Marshall, Micronesia và Palau.

Bên cạnh đó, người dân Greenland, những người được hưởng mô hình phúc lợi theo phong cách Bắc Âu bao gồm chăm sóc sức khỏe toàn dân và giáo dục miễn phí, có thể muốn đảm bảo rằng, họ không trở nên tồi tệ hơn về mặt kinh tế trước khi tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập.

Đan Mạch nói gì?

Khi ông Donald Trump đề nghị mua Greenland vào năm 2019 trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã bác bỏ ý tưởng này và gọi đó là "vô lý". Khi được hỏi về sự quan tâm mới của ông Trump vào tháng 1 vừa qua, bà Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết, Đan Mạch cần hợp tác chặt chẽ với Mỹ, nhưng nhấn mạnh rằng Greenland phải tự quyết định tương lai của mình.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada, ông Mark Carney sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của quốc gia này.

Thành phố cảng Bahia Blanca Argentina vẫn chìm trong nước sau trận lũ lụt nghiêm trọng, khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và gây thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu tuyên bố, Pháp sẽ sử dụng lãi suất thu được từ tài sản bị phong tỏa của Ngân hàng trung ương Nga để mua vũ khí cho Ukraine.

Chính phủ Canada đang áp đặt các mức thuế trả đũa cho đến khi người Mỹ thể hiện sự tôn trọng với Canada, ông Mark Carney cho biết trong bài phát biểu mừng chiến thắng của mình.

Nhà lãnh đạo Syria đã tuyên bố sẽ truy lùng những kẻ gây ra các cuộc đụng độ bạo lực và ông sẽ buộc bất kỳ ai vượt quá thẩm quyền phải chịu trách nhiệm.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum phát biểu rằng, đối thoại và tôn trọng đã thắng thế trong việc đạt được lệnh tạm dừng áp thuế của Mỹ và chủ quyền của Mexico sẽ luôn được đặt lên hàng đầu.