Gỡ 'nút thắt' trong việc cải tạo khu tập thể Nghĩa Tân
Theo đó, Quận Cầu Giấy đã chỉ đạo các phòng ban chức năng gấp rút tiến hành các bước lộ trình theo quy định để việc triển khai xây dựng sớm được thực hiện.
Buổi lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng khu tập thể Nghĩa Tân, tỷ lệ 1/500 mới được quận Cầu Giấy tổ chức tại phường Nghĩa Tân. Đây được coi là “viên gạch” đầu tiên của quá trình cải tạo chung cư cũ.
Cuộc họp đã thu hút được gần 80 người dân có quyền lợi cùng đại diện chính quyền phường Nghĩa Tân tham gia. Rất nhiều ý kiến tâm huyết đã được cư dân bày tỏ đồng thuận với nhiệm vụ lập quy hoạch. Đồng thời mong muốn các đơn vị có chức năng làm việc trách nhiệm, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, để việc cải tạo sớm được thực hiện, đảm bảo an toàn cho người dân đang phải sinh sống trong các nhà tập thể cũ nát.

Nhiệm vụ quy hoạch yêu cầu về vị trí, danh giới, quy mô nghiên cứu và làm cơ sở để lập đồ án Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân tỷ lệ 1/500 theo quy định. Khu vực cải tạo có diện tích 31,66ha; Phía Bắc giáp đường Hoàng Quốc Việt, phía Nam và Đông Nam giáp đường Tô Hiệu, phía Tây giáp đường Nguyễn Phong Sắc.
Trong khu vực nghiên cứu cải tạo có 29 công trình chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn cho cư dân sinh sống tại đây. Đến nay đơn vị tư vấn được giao đã hoàn thành việc lập nhiệm vụ quy hoạch để lấy ý kiến cộng đồng dân cư.
Sau một tháng lấy ý kiến cộng đồng dân cư, UBND quận Cầu Giấy sẽ tập hợp lại để báo cáo các Sở, ban, ngành nghiên cứu, trình thành phố phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Khi nhiệm vụ quy hoạch được thành phố phê duyệt, quận Cầu Giấy sẽ tổ chức đấu thầu công khai chọn đơn vị lập đồ án quy hoạch chi tiết.Tiếp đó, các cơ quan chức năng của quận sẽ tiếp tục lấy ý kiến người dân về đồ án quy hoạch chi tiết khu tập thể Nghĩa Tân tỷ lệ 1/500.

Khu tập thể Nghĩa Tân là khu chung cư cũ đầu tiên được thành phố lập quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng lại trong giai đoạn 2021-2025. Trước đó, việc cải tạo chung cư cũ chỉ được thực hiện với từng tòa nhà không làm đồng bộ cả khu.
Ông Vũ Trung Kiên - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy cho biết: ''Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư là bước rất quan trọng, thực hiện theo chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội... Rất mong đẩy nhanh để đảm bảo quá trình lập quy hoạch sau này''.
Cải tạo và xây dựng lại các khu tập thể đã xuống cấp đảm bảo an toàn cho người dân được TP. Hà Nội coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Trước đây việc chung cư cũ chậm được cải tạo do thiếu quy hoạch chi tiết, giờ việc này thành phố đã giao cho các quận có chung cư cũ triển khai. Do đó, các địa bàn có chung cư cũ cần nêu cao quyết tâm giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng ban chức năng “sắn tay” hoàn thiện các bước lập quy hoạch. Có được quy hoạch chi tiết mới có thể kêu gọi được nhà đầu tư tham gia vào quá trình cải tạo các khu chung cư cũ.


Quận Đống Đa đã công khai lấy ý kiến của cộng đồng đối với đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo các khu tập thể: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng và Hào Nam.
Thành phố Hà Nội đấu giá quyền sử dụng đất được khoảng 6.860 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2025, đạt 34% chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2025.
Huyện Mỹ Đức (TP. Hà Nội) đã đấu giá thành công 47 thửa đất tại các xã An Tiến, Vạn Tín, Hương Sơn, Lê Thanh, Phù Lưu Tế, Mỹ Xuyên và thị trấn Đại Nghĩa với mức giá cao nhất 50,5 triệu đồng/m².
Theo quy định, không phải tất cả các trường hợp giao dịch về nhà ở đều bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ).
UBND thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tập trung xử lý các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trong quý II và quý III năm nay.
Theo quy định của Luật Nhà ở 2023, giao dịch về nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận (sổ đỏ) thuộc một trong các trường hợp sau:
0