Giáo viên cần được dạy thêm trong tâm thế đàng hoàng | Hà Nội tin mỗi chiều
Hôm qua (20/11), trong phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (đoànThái Bình) phản ánh tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học. Mặt khác, theo đại biểu này, nhìn vào thực tế đời sống của đại bộ phận giáo viên hiện nay, dạy thêm là giải pháp để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống. Vấn đề cử tri mong muốn là quy định và tổ chức việc dạy thêm, học thêm như thế nào để lành mạnh và đúng quỹ đạo, để những người thầy chân chính có cơ hội cải thiện thu nhập, học sinh có nguyện vọng chính đáng được bổ trợ và nâng cao năng lực. Đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị Chính phủ chỉ đạo đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết học thêm, học tập ngoài nhà trường là nhu cầu thực tế. Bộ đã có nhiều những văn bản quy định, đặc biệt là có Thông tư số 17 ngày 16/5/2012 “Ban hành quy định về dạy thêm, học thêm”. Ngoài ra, các quy định về đạo đức của nhà giáo trong quy tắc ứng xử của trường học, văn hóa học đường cũng đầy đủ các quy định với hoạt động dạy thêm, học thêm trong môi trường nhà trường. Tuy nhiên, đối với môi trường ngoài nhà trường thì còn đang thiếu một cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát và xử lý. Trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ Giáo dục và đào tạo đã gửi Văn bản số 134 cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn bản số 2026 gửi Thủ tướng Chính phủ vào năm 2020 đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Song không rõ lý do tại sao từ năm 2020-2021, việc này không được chấp thuận.
Thực tế cho thấy, học thêm dạy thêm là nhu cầu có thật. Xét trên phương diện thị trường, có cầu ắt có cung. Khi học sinh có nhu cầu học thêm, phụ huynh kỳ vọng và mong muốn con em có kiến thức vững vàng, sẽ có các thầy, cô giáo sẵn sàng đồng hành, giúp sức. Song để dạy thêm, học thêm thực sự mang ý nghĩa nhân văn, thiết thực và không biến tướng, thì lại phụ thuộc vào cá nhân giáo viên, thậm chí là phụ thuộc vào ý thức của phụ huynh. Thực tế, trong một số trường hợp, việc dạy thêm làm phát sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích, có học sinh sợ bị “trù dập”, sợ bị điểm thấp, thường xuyên bị gọi lên bảng, nên phải tới các lớp học thêm của giáo viên đang dạy mình giờ chính khóa.
Nhìn nhận công bằng, trong khi hệ thống trường công lập quá tải và chưa thể cung cấp một nền giáo dục cân bằng và toàn diện cho mọi học sinh, việc học thêm là điều cần thiết. Hạn chế việc học không bao giờ là một lựa chọn tốt. Bởi bản thân việc mong muốn học hỏi đã thể hiện sự tiến bộ, khao khát hướng tới tri thức và văn minh. Việc cần làm của cơ quan quản lý là đảm bảo việc dạy thêm không tạo ra mâu thuẫn lợi ích, khiến học sinh bị “cưỡng bức” học thêm. Các nhà quản lý phải đưa ra những quy định, điều kiện cụ thể để giáo viên tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường một cách liêm khiết, chính trực. Giải pháp về việc minh bạch thông tin về số lượng học sinh, trình độ giáo viên, nội dung, chương trình giảng dạy, các yêu cầu về cơ sở vật chất tối thiểu là giải pháp được xét đến đầu tiên. Dạy thêm đảm bảo chất lượng, đúng luật, thậm chí có thể công khai quảng cáo trên phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội để người học lựa chọn.
Đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện chính là để giáo viên phát huy được nghề nghiệp của mình một cách đúng luật và có thể kiếm tiền một cách minh bạch. Hơn nữa, tìm ra được một con đường hợp pháp để phát huy nghề nghiệp, đó cũng là xu hướng cho không chỉ ngành giáo dục mà cả các ngành nghề ở lĩnh vực khác. Thay vì cấm dạy thêm thì hợp pháp hóa việc dạy thêm bằng luật. Khi đó, giáo viên sẽ ý thức được trách nhiệm của mình, đồng thời, bảo vệ được quyền lợi và danh dự nghề nghiệp của chính mình./.
- Đánh thức những di sản công nghiệp | Hà Nội tin mỗi chiều
- Đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa | Hà Nội tin mỗi chiều
- Từ giao thông xanh đến đô thị xanh | Hà Nội tin mỗi chiều
- Tặng quà thầy cô như thế nào cho đúng nghĩa tri ân? | Hà Nội tin mỗi chiều
- Cư dân bức xúc vì chủ đầu tư lộng quyền | Hà Nội tin mỗi chiều


UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo khẩn, yêu cầu kiểm tra, xử lý ngay tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của Công ty Cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội gây ra tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai.
Thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đã chính thức bị cấm tại Việt Nam theo Nghị quyết 173/2024/QH15. Thế nhưng, lệnh cấm đã có, chế tài xử lý thì chưa. Tình trạng mua bán, sử dụng các sản phẩm này vẫn diễn ra công khai. Câu hỏi đặt ra là: Bao giờ mới có khung xử phạt đủ mạnh để chặn đứng nguy cơ này?
Mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng là cao hay thấp? Thực ra, câu trả lời có thể khác nhau, tùy vào hoàn cảnh sống, nơi chúng ta ở và những chi phí phải chi trả mỗi tháng. Nhưng với hệ thống chính sách hiện nay, con số 15 triệu đồng/tháng lại đặt nhiều người vào tình thế đầy nghịch lý.
Sân khấu nổi trên hồ Hoàng Cầu đã dần thành hình sau gần một năm thi công, với thiết kế mở, sức chứa khoảng 1.000 chỗ, lan can kính tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên và lối đi dạo ven hồ được mở rộng.
Dưới lớp sóng lăn tăn phản chiếu ánh hoàng hôn, Hồ Tây đang gánh trên mình một sức nặng vô hình: nước thải từ các khu dân cư, nhà hàng, khách sạn. Đẹp nhưng chưa chắc đã sạch.
Khi việc nhập cảnh dễ dàng hơn, Hà Nội và Việt Nam sẽ càng có cơ hội đón làn sóng du khách quốc tế, đặc biệt là nhóm khách hàng cao cấp, mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế và ngành du lịch. Nhưng cơ hội này có dễ dàng nắm bắt hay không? Cần làm gì để biến chính sách miễn thị thực thành lợi thế thực sự?
0