Giảm trừ gia cảnh theo vùng: Bước tiến hợp lòng dân | Hà Nội tin mỗi chiều
Người nộp thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam đang đều được áp dụng chung một mức giảm trừ gia cảnh: 11 triệu đồng mỗi tháng cho bản thân và 4,4 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc.
Điều này nghe qua có vẻ công bằng. Nhưng nếu nhìn sâu vào đời sống thực tế, chúng ta sẽ thấy điều đó chưa hẳn đã hợp lý.
Ví dụ cụ thể: một người làm văn phòng ở trung tâm Hà Nội, thu nhập 15 triệu/tháng, sau khi trừ các khoản chi phí như tiền nhà, tiền học cho con, thực phẩm… có thể chẳng còn dư là bao. Trong khi đó, với cùng mức lương, người sống ở một huyện miền núi lại có thể để dành được kha khá, vì chi phí sống ở đó thấp hơn nhiều. Thế nhưng, cả hai lại được giảm trừ và nộp thuế giống nhau. Vậy câu hỏi đặt ra là: liệu có công bằng không khi đánh thuế như nhau với những người có mức sống rất khác nhau?
Câu hỏi này đang được đặt ra một cách nghiêm túc tại các diễn đàn chính sách. Mới đây, tại hội thảo do Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài chính và Oxfam Việt Nam phối hợp tổ chức, nhiều chuyên gia đã đề xuất: nên tính đến phương án giảm trừ gia cảnh theo vùng, tùy thuộc vào mức sống, chi phí sinh hoạt tại nơi người nộp thuế đang cư trú.
Trước tiên, đây là một đề xuất đúng hướng và rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi vì, nếu chi phí sinh hoạt giữa thành phố và nông thôn đã khác nhau, thì mức giảm trừ thuế cũng nên phản ánh được sự khác biệt đó. Chính sách thuế vì vậy không nên chỉ dựa vào con số thu nhập, mà phải nhìn rộng hơn: người dân còn lại bao nhiêu sau khi chi trả cho các nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống?
Thực ra, chuyện giảm trừ thuế theo vùng không phải là điều quá mới mẻ. Nhiều nước trên thế giới đã đi trước Việt Nam một bước khá dài, và kết quả mà họ đạt được là rất đáng tham khảo.
Tại Canada, chính quyền liên bang quy định một ngưỡng giảm trừ chung, nhưng mỗi tỉnh bang có thể tự điều chỉnh các khoản miễn giảm để phù hợp với điều kiện sống cụ thể của người dân trong vùng. Mô hình này cho phép linh hoạt và đảm bảo tính công bằng giữa các khu vực có mức sống khác nhau. Trong khi đó, Nhật Bản thì không giảm trừ đơn thuần theo vùng, mà tính luôn các khoản chi phí thiết yếu như nhà ở, giáo dục, chăm sóc người thân… vào cơ sở tính thuế. Cách làm này có ưu điểm là phản ánh sát thực tế cuộc sống của người nộp thuế, đồng thời khuyến khích người dân chi tiêu vào những lĩnh vực Nhà nước muốn thúc đẩy.
Hiệu quả rõ nhất từ các chính sách là khi người dân cảm thấy thuế “đúng” hơn, hợp lý hơn và ít tạo phản ứng xã hội. Việc giảm trừ hợp lý cũng giúp khoanh đúng nhóm có khả năng đóng thuế, tránh việc thu không đều, người đủ ăn cũng phải nộp ngang với người khá giả. Tất nhiên, chúng ta không thể bê nguyên mô hình quốc tế về áp dụng một cách máy móc. Điều quan trọng là khi thế giới đã có những cách tiếp cận thuế nhìn từ cuộc sống thực tế của từng người dân, chúng ta cũng cần mạnh dạn đặt lại các khuôn mẫu cũ.
Có lẽ, giảm trừ gia cảnh theo vùng chỉ nên là điểm khởi đầu. Câu chuyện sâu xa hơn nằm ở chỗ: thuế cần tiến tới phản ánh mức sống, hoàn cảnh, và cả đóng góp xã hội của mỗi người dân một cách công bằng và linh hoạt hơn. Nếu bắt đầu từ một đề xuất nhỏ như thế này, nhưng với một tư duy mới thì tương lai của chính sách thuế có thể sẽ khác. Khác ở chỗ, người dân không chỉ là “đối tượng nộp thuế”, mà sẽ trở thành đối tác của chính sách.
Tất nhiên, để làm được như vậy ở Việt Nam, chúng ta sẽ cần nhiều bước chuẩn bị: từ việc xác định chỉ số chi phí sinh hoạt theo vùng, đến việc cập nhật cơ sở dữ liệu thu nhập gắn với nơi cư trú của từng cá nhân. Nhưng trong thời đại chuyển đổi số, với mã số định danh cá nhân và hệ thống thuế điện tử đang ngày càng hoàn thiện, thì những điều đó không còn là rào cản quá lớn. Vấn đề chỉ còn là: chúng ta có điều chỉnh không?
Nhiều người cho rằng đã đến lúc cần thay đổi. Không thể để chính sách thuế mãi đi chậm hơn thực tế. Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại được điều chỉnh lần gần nhất từ năm 2020. Từ đó đến nay, vật giá leo thang, mức sống đổi thay, nhưng chính sách thuế thì vẫn đứng yên. Và người thiệt thòi chính là người lao động, đặc biệt là nhóm thu nhập trung bình, vốn dễ bị “lọt” vào diện chịu thuế mà thực tế lại chẳng dư dả gì nhiều.
Tóm lại, người dân hoàn toàn ủng hộ phương án giảm trừ gia cảnh theo vùng. Bởi vì nó thể hiện một điều rất quan trọng: thuế không chỉ là công cụ thu ngân sách, mà còn là cách Nhà nước thể hiện sự chia sẻ với người dân. Khi chính sách thuế tiệm cận với đời sống thực tế, người dân sẽ cảm thấy được tôn trọng hơn và từ đó, họ sẵn lòng hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau quanh đề xuất này. Nhưng đó là điều bình thường với bất kỳ thay đổi chính sách nào có ảnh hưởng đến hàng chục triệu người.