Giảm 50% nhiều loại phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp | Hà Nội tin mỗi chiều
Hàng chục khoản phí, lệ phí sẽ được miễn, giảm 50% để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân từ 1/7 đến hết 31/12/2026.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 64/2025/TT-BTC quy định mức thu, miễn một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Có thể nói, đây là một chính sách tài khóa rất đáng ghi nhận bởi sự kịp thời, thiết thực và rõ ràng.
Thật ra, giảm phí không phải là chuyện mới. Kể từ năm 2020, Bộ Tài chính đã có tới 4 lần điều chỉnh giảm phí, lệ phí, chủ yếu là để hỗ trợ sản xuất kinh doanh sau đại dịch.
Nhưng điều khác biệt lần này là: thời gian giảm phí kéo dài hẳn hai năm rưỡi (từ 1/7/2025 đến 31/12/2026), thay vì từng đợt ngắn như trước. Danh mục được giảm lên tới 36 khoản phí, lệ phí, trải dài các lĩnh vực như: căn cước công dân, hộ chiếu, đăng ký cư trú, xây dựng, vận tải, chứng khoán, y tế, tài nguyên môi trường…
Theo Bộ Tài chính, tổng số phí - lệ phí giảm trong chính sách này có thể khiến ngân sách hụt thu khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm. Nhưng bù lại, nó sẽ giúp cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng và thúc đẩy chuyển đổi số.
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng với một người dân chuẩn bị đi làm lại căn cước công dân, làm hộ chiếu, hoặc chủ doanh nghiệp nhỏ đang xin giấy phép vận tải, đăng ký xây dựng… thì việc giảm được 50% phí hành chính có thể là cả một sự khích lệ.
Không phải ai cũng có thể “vượt qua khó khăn” bằng một khoản vay ưu đãi, nhưng giảm chi phí thủ tục là một cách hỗ trợ công bằng và rộng khắp hơn rất nhiều.
Sau đại dịch, nhiều quốc gia thành viên OECD cũng chọn giải pháp tạm hoãn hoặc giảm phí hành chính, nhất là trong lĩnh vực logistics, xây dựng, cấp phép đầu tư. Không phải vì họ thiếu tiền, mà vì họ muốn khơi thông dòng vốn và giảm rào cản cho doanh nghiệp.
Việt Nam không phải ngoại lệ và cách chúng ta làm đều đặn suốt 5 năm qua thể hiện một chiến lược hỗ trợ tài khóa có độ bền và sự nhất quán.
Cũng cần nhấn mạnh: nội dung giảm phí lần này hoàn toàn đúng quy trình, nằm trong thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính. Mức giảm cụ thể (50%) được xác định rõ, danh mục được niêm yết công khai, minh bạch. Điều này tạo nên sự an tâm rất lớn trong quá trình thực hiện.
Chính sách thì rõ, nhưng người dân có biết để tận dụng hay không lại là chuyện khác. Vì thế, bài toán tiếp theo không phải là giảm thêm bao nhiêu, mà là làm sao để chính sách đến được với người cần hưởng. Những nội dung như thế này cần được truyền thông theo cách gần gũi hơn, dễ hiểu hơn.
Việc giảm phí và lệ phí đến hết 2026 là một điển hình của cách làm hiệu quả. Nó thể hiện một tư duy tài khóa hiện đại: không chỉ tập trung vào “thu đúng - thu đủ”, mà còn biết “giảm đúng - giảm trúng” khi cần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.