Giải thể cơ quan truyền thông Mỹ, ông Trump có vượt quyền?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cắt giảm 7 cơ quan liên bang, trong đó có cơ quan chủ quản của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America - VOA) và các cơ quan truyền thông do Chính phủ Mỹ tài trợ trên toàn cầu.
Động thái này nằm trong chiến lược thu hẹp bộ máy nhà nước, cắt giảm chi tiêu liên bang và tái cấu trúc chính phủ của ông Trump. Tuy nhiên, sắc lệnh cũng đặt ra nhiều câu hỏi về giới hạn thẩm quyền tổng thống và tác động của nó đối với các cơ quan truyền thông quốc tế của Mỹ.
Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Mỹ hiện tài trợ cho Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Phát thanh châu Âu Tự do/Đài Phát thanh Tự do (RFE/RL) và Đài Phát thanh châu Á Tự do (RFA), với hơn 2.000 nhân viên và ngân sách khoảng 270 triệu USD. Các đài này phát sóng bằng 49 ngôn ngữ và có lượng khán giả ước tính hơn 361 triệu người mỗi tuần, đặc biệt là tại các quốc gia có chính sách kiểm duyệt truyền thông chặt chẽ.
Ngay sau sắc lệnh của Tổng thống Trump, nhiều nhân viên của VOA đã nhận thông báo nghỉ hành chính.
Theo tờ The New York Times, tình trạng cắt giảm trên diện rộng khiến đài gần như tê liệt. Giám đốc Michael Abramowitz xác nhận trên mạng xã hội rằng, “hầu như toàn bộ nhân viên” của VOA, bao gồm cả ông đã bị cho nghỉ việc. Điều đáng chú ý là Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Mỹ được Quốc hội công nhận là một cơ quan độc lập.
Năm 2020, Quốc hội đã thông qua một đạo luật nhằm giới hạn quyền hạn của giám đốc điều hành cơ quan này, người do Tổng thống bổ nhiệm, nhằm đảm bảo tính tự chủ của Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Mỹ. Điều này làm dấy lên tranh luận về việc liệu sắc lệnh của ông Trump có vượt quá giới hạn thẩm quyền hay không?
Không chỉ cơ quan truyền thông, 6 cơ quan liên bang khác cũng nằm trong diện giải thể hoặc cắt giảm mạnh mẽ, bao gồm: Dịch vụ Hòa giải Liên bang, Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson, Viện Bảo tàng và Dịch vụ Thư viện, Hội đồng Liên ngành về Người vô gia cư Mỹ, Quỹ Các tổ chức Tài chính Phát triển Cộng đồng và Cơ quan Phát triển Doanh nghiệp Thiểu số.
Sắc lệnh yêu cầu trong vòng 7 ngày, lãnh đạo các cơ quan trên phải trình báo cáo thực hiện lên Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB), trong đó xác định rõ những chức năng bắt buộc cần duy trì theo luật định.
Đây không phải lần đầu tiên chính quyền Trump thực hiện các biện pháp cắt giảm quy mô lớn. Trước đó, Bộ Giáo dục Mỹ đã sa thải hơn 1.300 nhân viên và sau khi nhiều người chấp nhận chính sách trợ cấp nghỉ việc, cơ quan này chỉ còn một nửa nhân sự so với đầu năm. Tuy nhiên, không phải quyết định nào cũng được thực thi suôn sẻ.
Một số lệnh sa thải của chính quyền Trump đã bị tòa án liên bang chặn lại, điển hình là phán quyết yêu cầu khôi phục công việc cho hàng nghìn nhân viên bị sa thải trong giai đoạn thử việc.
Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh các ràng buộc pháp lý từ Quốc hội và hệ thống tư pháp, khả năng thực thi sắc lệnh giải thể các cơ quan truyền thông Mỹ sẽ phụ thuộc không chỉ vào ý chí chính trị của Nhà Trắng mà còn vào sự kiểm soát của các thể chế dân chủ khác trong hệ thống chính trị Mỹ.


Bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds ở trung tâm thành phố London, Anh, đã ra mắt tượng sáp mới của Công nương xứ Wales Kate Middleton.
Các nước G7 đang bắt đầu thảo luận về việc đánh thuế lên những mặt hàng giá trị thấp của Trung Quốc.
Yoshinoya - chuỗi thức ăn nhanh hơn 120 năm tuổi của Nhật Bản đang muốn đưa mì ramen thành trụ cột kinh doanh thứ ba của hãng.
Việc xóa bỏ các biện pháp trừng phạt với Syria có thể xem như một "củ cà rốt" nhằm thúc đẩy chính quyền chuyển tiếp hoặc ít nhất là kéo Syria ra khỏi quỹ đạo quá gần với các đối thủ địa chính trị của phương Tây.
Chính sách siết chặt của Mỹ có thể lại trở thành “chất xúc tác” đẩy nhanh quá trình tự cường công nghệ của Trung Quốc - điều mà Washington có lẽ không hề mong muốn.
Phiên dịch viên Oleg Golovko, thành viên trong nhóm của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov, bất ngờ rời bỏ cuộc đàm phán với phía Nga tại Istanbul hôm 19/5 và biến mất không dấu vết.
0