Giấc mơ F-47 của ông Trump nằm trong tay Trung Quốc?

Giữa lúc chính quyền Tổng thống Donald Trump đẩy mạnh chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới F-47 nhằm củng cố ưu thế quân sự của Mỹ, Trung Quốc bất ngờ tung đòn trả đũa bằng cách siết chặt xuất khẩu đất hiếm – nguyên liệu thiết yếu cho ngành công nghiệp quốc phòng.

Động thái này không chỉ làm dấy lên lo ngại trong giới sản xuất hàng không vũ trụ Mỹ, mà còn phơi bày mức độ phụ thuộc sâu sắc của Washington vào Bắc Kinh trong chuỗi cung ứng các khoáng sản chiến lược. Trong cuộc đối đầu thương mại ngày càng căng thẳng, liệu tham vọng "thống trị trên không" của ông Trump có bị Trung Quốc kìm hãm ngay từ khâu nguyên liệu?

Đòn đánh đất hiếm

Ngày 4/4, Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp trả đũa mạnh mẽ nhằm phản ứng với các chính sách thương mại mà Bắc Kinh cho là vô lý của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các hành động này bao gồm: áp thuế 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đình chỉ giấy phép xuất khẩu cho 6 công ty Mỹ, đưa 11 thực thể, trong đó có Skydio Inc., vào danh sách đen “thực thể không đáng tin cậy” và bổ sung 16 công ty Mỹ, ví dụ như HighPoint Aerotechnologies, vào danh sách hạn chế xuất khẩu.

Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp trả đũa mạnh mẽ với Mỹ. Ảnh: AFP.

Trong số các biện pháp này, đáng chú ý nhất là lệnh hạn chế xuất khẩu đối với 7 nguyên tố đất hiếm trung bình nặng - samarium, gadolinium, terbi, dysprosium, lutetium, scandium và yttrium. Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ “những vật liệu này có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự, và việc áp dụng hạn chế xuất khẩu là phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Để hiểu rõ hơn về tác động của lệnh hạn chế này, chúng ta cần biết rằng, đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố, bao gồm 15 nguyên tố nhóm lanthanide cùng với scandium và yttrium. Các nguyên tố này thường cùng tồn tại và có ứng dụng tương tự. Đất hiếm có thể được chia thành hai loại: đất hiếm nhẹ và đất hiếm trung bình-nặng. Trong khi đất hiếm nhẹ tương đối phổ biến và dễ phân bố, đất hiếm trung bình - nặng lại rất hiếm và phân bố không đều, phần lớn tập trung ở Trung Quốc.

Đặc biệt, đất hiếm trung bình - nặng đóng vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp quốc phòng và quân sự. Các nguyên tố này không chỉ được sử dụng trong sản xuất vũ khí, máy móc quân sự mà còn trong các công nghệ tiên tiến, như radar, động cơ tên lửa và các thiết bị điện tử quân sự. Việc Trung Quốc áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu đối với các nguyên tố này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực sản xuất quân sự của Mỹ, vì đất hiếm là nguồn tài nguyên thiết yếu cho quốc phòng và công nghiệp quân sự.

Lệnh hạn chế xuất khẩu này không chỉ là một biện pháp kinh tế, mà còn là một tín hiệu chính trị mạnh mẽ từ phía Trung Quốc, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tố này trong bối cảnh căng thẳng thương mại và chiến lược toàn cầu.

Trung Quốc thống trị thị trường đất hiếm. Ảnh: DPA.

Vì vậy, khi người ta nói rằng “Trung Quốc thống trị thị trường đất hiếm”, điều họ thực sự muốn nhấn mạnh là sự kiểm soát áp đảo của Trung Quốc đối với trữ lượng, khai thác và đặc biệt là năng lực tinh chế các nguyên tố đất hiếm trung bình - nặng - nhóm nguyên tố hiếm, quan trọng và khó thay thế nhất. Theo dữ liệu từ Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), gần như 100% lượng đất hiếm trung bình-nặng nhập khẩu vào Mỹ trong những năm gần đây đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Thực tế này cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng trong lập luận phổ biến của nhiều hãng truyền thông phương Tây rằng, Mỹ “có thể tìm nguồn đất hiếm từ nơi khác”. Theo trang China Academy, dù là ở Australia hay Ukraine, cái gọi là “nguồn tài nguyên đất hiếm” của các quốc gia này chủ yếu vẫn chỉ là đất hiếm nhẹ - không phải loại đất hiếm trung bình - nặng có giá trị chiến lược cao mà Trung Quốc gần như độc quyền.

Vậy lệnh hạn chế xuất khẩu mới đây của Trung Quốc đối với các vật liệu đất hiếm trung bình - nặng sẽ tác động ra sao? Các chuyên gia đang đặt ra nhiều lo ngại về tương lai của chương trình chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu F-47 - dự án quân sự đầy tham vọng mà Tổng thống Donald Trump công bố vào ngày 21/3, với Boeing là nhà thầu chính.

Số phận của F-47 sẽ ra sao?

Dự án F-47 được xem là bước tiến chiến lược nhằm hiện đại hóa năng lực không quân Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ quân sự toàn cầu ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, lớp phủ tàng hình tiên tiến của F-47 đòi hỏi gadolinium - một nguyên tố có từ tính đặc biệt và khả năng hấp thụ neutron mạnh - trong khi các cánh động cơ của máy bay sử dụng hợp kim chứa yttrium để tăng khả năng chịu nhiệt và ổn định ở tốc độ siêu thanh. Cả hai nguyên tố này đều nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc, khiến chương trình F-47 có nguy cơ đối mặt với thách thức nghiêm trọng về chuỗi cung ứng vật liệu chiến lược.

Theo trang tin Newsweek, Trung Quốc không ban hành lệnh cấm tuyệt đối, nhưng có thể kiểm soát chặt việc cấp phép, tạo ra sự khan hiếm nguồn cung toàn cầu. Trong khi đó, theo hãng tư vấn SFA Oxford, ngoài gadolinium và yttrium, F-47 còn phụ thuộc vào nhiều nguyên tố đất hiếm khác như neodymium, praseodymium, dysprosium và terbi để tạo ra nam châm, bộ truyền động và hệ thống radar hiệu suất cao. Tất cả các yếu tố này đều liên quan trực tiếp đến Trung Quốc.

Dự án F-47 được xem là bước tiến chiến lược nhằm hiện đại hóa năng lực không quân Mỹ. Ảnh: Defense News.

Vì vậy, theo các nhà phân tích, trước khi chiếc F-47 - máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 đầy tham vọng của không quân Mỹ kịp thực hiện chuyến bay đầu tiên, Trung Quốc đã ra tay trước bằng cách siết chặt nguồn cung các vật liệu quan trọng mà dự án này cần đến. Những khó khăn của F-47 chỉ là một ví dụ rõ nét cho thách thức lớn hơn mà các hệ thống vũ khí công nghệ cao của Mỹ đang phải đối mặt, khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm trung bình - nặng.

Ngoài F-47, các máy bay chiến đấu thế hệ mới, cũng như hệ thống chiến đấu Aegis thế hệ tiếp theo, đều sử dụng rộng rãi gadolinium, terbium, yttrium và dysprosium – những nguyên tố đang nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu mới nhất của Trung Quốc – để chế tạo radar mảng quét điện tử chủ động (AESA). Một ví dụ điển hình là radar AN/APG-81 của F-35, vốn sử dụng nam châm neodymium pha tạp terbium để đạt được độ nhạy và hiệu suất tối đa.

Bài học từ nam châm samarium - coban

Để thấy rõ tác động của lệnh hạn chế xuất khẩu mới, có thể nhìn lại một sự kiện từng gây xôn xao vào năm 2022. Khi đó, truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin rằng động cơ F135 – “trái tim” của máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Lockheed Martin sản xuất – có chứa một linh kiện “bị cấm” có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Cụ thể, cuộc điều tra cho thấy một loại nam châm samarium - coban được sử dụng trong hệ thống bơm bôi trơn của động cơ đã được nhập khẩu từ một nhà cung cấp Trung Quốc. Loại nam châm này có khả năng chịu nhiệt cao và giữ từ tính ổn định trong môi trường khắc nghiệt – tính chất lý tưởng cho các thiết bị quân sự. Dù khối lượng sử dụng rất nhỏ, nhưng nguồn gốc Trung Quốc của linh kiện này đã khiến Lầu Năm Góc ra lệnh tạm ngừng giao hàng F-35, làm dấy lên tranh cãi gay gắt về sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ đối thủ địa chính trị.

Phát hiện hợp kim Trung Quốc trong tiêm kích F-35 Mỹ. Ảnh: US Navy.

Điều thú vị là mặc dù từng bị giới truyền thông Mỹ chỉ trích gay gắt vì sử dụng linh kiện có nguồn gốc từ Trung Quốc, chỉ một tháng sau khi vụ việc bị phát hiện, Lầu Năm Góc đã bất ngờ tuyên bố “miễn trừ” cho việc sử dụng nam châm samarium - coban do Trung Quốc sản xuất trong động cơ F-35. Quyết định này cho phép dòng tiêm kích tàng hình hàng đầu của Mỹ tiếp tục được trang bị các thành phần có xuất xứ từ Trung Quốc – một động thái cho thấy rõ ràng: Washington hiện chưa có giải pháp thay thế khả thi cho những linh kiện đất hiếm chiến lược này.

Trên thực tế, ứng dụng của nam châm samarium - coban vượt xa vai trò trong các máy bơm bôi trơn của động cơ F-35. Chúng còn được sử dụng trong con quay hồi chuyển và máy đo gia tốc – những thành phần then chốt giúp tên lửa và máy bay duy trì độ ổn định và độ chính xác dẫn đường trong điều kiện bay khắc nghiệt như tốc độ cao hoặc độ cao lớn. Ngoài ra, samarium - coban còn được tích hợp trong các hệ thống sonar, giúp tăng hiệu suất chuyển đổi tín hiệu và nâng cao khả năng phát hiện mục tiêu dưới nước.

Hiệu ứng boomerang

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: "Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng liên quan theo luật định, nhằm bảo vệ tốt hơn an ninh và lợi ích quốc gia cũng như thực hiện các nghĩa vụ quốc tế như không phổ biến vũ khí hạt nhân".

Diễn giải rộng hơn, đây không chỉ là đòn đáp trả thuế quan đơn thuần, mà là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng lợi thế tài nguyên như một công cụ chiến lược trong cuộc đối đầu với Washington.

Sau nhiều năm cạnh tranh và kìm hãm phát triển công nghệ với Trung Quốc – chẳng hạn như hạn chế ngành máy bay không người lái - giờ đây chính Lầu Năm Góc đang phải đối mặt với phản ứng ngược. Trung Quốc đang sử dụng một trong những lợi thế lớn nhất của mình: quyền kiểm soát chuỗi cung ứng vật liệu chiến lược, như một đòn phản công đầy tính toán.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 11/4 tuyên bố, Berlin hiện không thể cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine vì đã cạn vũ khí đánh chặn này.

Ngày 12/4, quân đội Nga đạt bước tiến ở Shevchenko gần Pokrovsk. Trong khi đó, các nhóm tác chiến của Nga ở các mặt trận cũng gây nhiều thiệt hại về người và trang thiết bị cho Ukraine.

Đến tháng 3/2025, các nước NATO đã chuyển cho Ukraine hơn 900 xe tăng, theo cổng thông tin Oryx chuyên theo dõi các đợt chuyển giao vũ khí.

Tập đoàn công nghệ Rostec của Nga đã chuyển giao cho quân đội Nga lô xe BMP-3 mới với lớp giáp bảo vệ được nâng cấp đáng kể.

Chỉ trong hơn 3 tháng, đã có hơn 600 ca nhiễm sởi được ghi nhận trên toàn nước Mỹ, gần gấp đôi tổng số ca của cả năm 2024.

Đối mặt với mức thuế quan cao chưa từng có của Mỹ, Trung Quốc không những không tìm cách đàm phán mà còn đáp trả Washington bằng mức thuế tương ứng.