Giá vé máy bay vẫn 'chưa đủ cao'?

CEO BamBoo Airways Lương Hoàng Nam cho rằng giá vé máy bay ở Việt Nam không quá cao nếu so với chi phí thực tế mà các hãng đang phải gánh chịu.

Điều này tạo ra một nghịch lý. Người dân cảm thấy giá vé quá cao, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết. Hãng bay than giá như vậy vẫn chưa đủ để họ có lãi. Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Giữa năm 2025, khi còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Hồ Đức Phớc cho biết, tỷ lệ thuế và phí trong một chiếc vé máy bay rất ít và quan trọng là các khoản này không hề thay đổi trong nhiều năm qua. Như vậy, giá vé cao là có thật, nhưng nguyên nhân không đến từ thuế. Thực ra, giá vé máy bay cao còn do các mức phí mà hãng bay phải trả cho các dịch vụ tại sân bay. Ví dụ như dịch vụ soi chiếu an ninh, dịch vụ phục vụ hành khách và đặc biệt là phí cất cánh, hạ cánh... Phần lớn các dịch vụ này đều được thanh toán cho một đơn vị duy nhất: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, còn gọi là ACV.

ACV là một doanh nghiệp đặc biệt với trên 95% cổ phần thuộc sở hữu của nhà nước, có thể xem như một doanh nghiệp nhà nước. Họ đang vận hành và khai thác hầu hết các sân bay dân sự trên cả nước. Với đặc thù gần như độc quyền, trong khi các hãng hàng không lao đao vì thiếu khách, thị trường chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch và phải chịu thua lỗ, ACV vẫn là một doanh nghiệp đều đặn báo lãi đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Có một nghịch lý trong hoạt động của ACV là trong năm 2024. Tổng lượng hành khách thông qua các sân bay do ACV quản lý đã giảm 3% so với năm 2023. Tổng số lượt cất hạ cánh thương mại cũng giảm 6%. Tuy nhiên, doanh thu từ các dịch vụ hàng không của họ vẫn đạt trên 18.600 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với năm 2023.

Có thể thấy, lượng khách đi máy bay lẫn số lượt cất hạ cánh của máy bay đều giảm nhưng doanh thu dịch vụ hàng không của ACV lại tăng mạnh. Điều này có thể được lý giải bằng một cách duy nhất: mức giá dịch vụ mà họ thu từ các hãng hàng không đã tăng lên một cách đáng kể. Gánh nặng chi phí này đang đè nặng lên vai các hãng bay và hãng bay tiếp tục dồn lên khách hàng.

Thống kê đến cuối quý I/2025 cho thấy, ba hãng hàng không lớn nhất của Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways đều đang nợ ACV những khoản tiền khổng lồ, dao động từ 2.500 đến 2.800 tỷ đồng cho mỗi hãng. Với món nợ gần 2.500 tỷ đồng của riêng Bamboo Airways, ACV thậm chí đã phải trích lập dự phòng toàn bộ, xem như đây là một khoản nợ xấu khó có khả năng thu hồi.

Vậy, làm sao để giảm giá vé máy bay cho việc di chuyển bằng đường hàng không trở nên dễ tiếp cận hơn với đại đa số người dân? Đây không còn là câu chuyện của riêng các hãng hàng không nữa, mà còn là câu chuyện của ACV và sâu xa hơn là câu chuyện của Nhà nước, vai trò quản lý Nhà nước trong việc điều tiết một lĩnh vực kinh doanh có tính chất độc quyền, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời