EU phản ứng trước đe dọa áp thuế của ông Trump

Sau đe dọa áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Liên minh châu Âu (EU) đang tích cực tăng cường thỏa thuận thương mại với các đối tác khác trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á và các khu vực đang phát triển, để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Nguy cơ đối đầu về thuế quan

Căng thẳng thương mại giữa EU và Mỹ diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sau khi Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng với chính sách "Nước Mỹ trên hết".

Ngày 26/2, tại Nhà Trắng, ông Trump đã chỉ trích gay gắt Liên minh châu Âu (EU), cho rằng khối này được thành lập để làm suy yếu nước Mỹ thông qua sự mất cân bằng thương mại. Do vậy, ông khẳng định sẽ có hành động mạnh mẽ trong thời gian tới. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, chính quyền của ông sẽ sớm áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ EU, với mức thuế dự kiến là 25% cho ô tô và các mặt hàng khác.

“Chúng tôi đã đưa ra quyết định sớm công bố mức thuế quan mới khoảng 25%, áp dụng cho ô tô và những thứ khác của Liên minh châu Âu. Liên minh châu Âu là một trường hợp khác với Canada. Họ thực sự đã lợi dụng chúng tôi theo một cách khác. Họ không chấp nhận ô tô của chúng tôi. Về cơ bản, họ không chấp nhận các sản phẩm nông nghiệp của chúng tôi. Còn chúng tôi thì chấp nhận mọi thứ của họ.”

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Cuộc tranh cãi thương mại giữa Mỹ và EU không phải là mới. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu từ EU và 10% đối với nhôm, EU cũng áp thuế trả đũa. Ngoài ra, ông Trump cũng từng đe dọa áp thuế đối với ô tô châu Âu, dù điều này không xảy ra. Tổng cộng, hai bên đã áp thuế đối với hàng hóa trị giá hơn 10 tỷ USD.

Để thực hiện kế hoạch áp thuế lần này, ông Trump quyết định áp mức thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ EU, có hiệu lực từ ngày 4/3, nâng cao mức thuế hiện tại. Ông cũng giao cho Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick đề xuất các mức thuế mới theo từng quốc gia trước ngày 1/4 để tái cân bằng thương mại.

Ngay sau tuyên bố của ông Trump, Ủy ban châu Âu cảnh báo sẽ phản ứng "kiên quyết và ngay lập tức" chống lại các rào cản vô lý đối với thương mại tự do và công bằng. Theo Ủy ban châu Âu, Liên minh châu Âu là thị trường tự do lớn nhất thế giới và là thị trường đem lại lợi ích cho Mỹ.

"Để bảo vệ lợi ích của châu Âu, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phản ứng kiên quyết và nhanh chóng. Nhưng chúng tôi hy vọng sẽ tránh được kịch bản này và vẫn cam kết đối thoại mang tính xây dựng. EU quan tâm đến việc thực hiện các thỏa thuận, các thỏa thuận thúc đẩy sự công bằng, chia sẻ gánh nặng và lợi ích chung. Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là mối quan hệ tự nhiên nhất đối với chúng ta. Tôi tin chắc rằng, cả EU và Mỹ đều nên hợp tác để củng cố mối quan hệ này và mở rộng sang các thị trường mới". 

Ông Maros Sefcovic, Ủy viên thương mại châu Âu

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã lên án động thái mới của Mỹ, bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về quyết định này.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết, EU nên làm mọi cách có thể để tránh “cuộc chiến thuế quan hoàn toàn không cần thiết”.

Với việc EU tuyên bố sẽ phản ứng "ngay lập tức" và "kiên quyết" đối với các rào cản thương mại "vô lý" của ông Trump, các chuyên gia nhận định, khối này có thể phản ứng bằng nhiều biện pháp khác nhau, nhưng có khả năng sẽ bao gồm thuế quan trả đũa đối với các mặt hàng xuất khẩu chung của Mỹ sang EU.

Tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ

Nhiều nhà kinh tế cảnh báo, kế hoạch của ông Trump có nguy cơ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ, kéo theo cuộc chiến tranh thương mại quy mô toàn cầu. Việc Mỹ áp thuế cao có thể khiến hàng hóa EU trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Trong khi các doanh nghiệp EU có thể đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do sự bất ổn về thương mại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu mà còn làm tăng chi phí sản xuất đối với nhiều ngành công nghiệp tại châu Âu.

Một kịch bản khác là việc các nước ngoài EU, chẳng hạn như Trung Quốc và Mexico, có thể tìm cách chuyển hướng hàng hóa của họ sang thị trường châu Âu để tránh thuế quan của Mỹ. Điều này tạo ra áp lực cạnh tranh lớn hơn cho các doanh nghiệp EU, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp.

Bên cạnh đó, sự bất ổn do căng thẳng thương mại có thể khiến các doanh nghiệp trì hoãn đầu tư, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của EU.

Ủy viên Kinh tế châu Âu Valdis Dombrovskis đã cảnh báo rằng, thuế quan bổ sung của Mỹ có thể gây hại cho doanh nghiệp ở mức tệ hơn cho người tiêu dùng và có thể thúc đẩy lạm phát.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ 27 quốc gia thành viên EU đạt tổng cộng 605,8 tỷ USD vào năm 2024. Nếu mức thuế quan mà ông Trump đưa ra chính thức được áp dụng, các công ty Mỹ mua hàng hoá từ EU sẽ phải chịu mức thuế này. Họ có khả năng trang trải ít nhất một phần chi phí phát sinh đó bằng cách tăng giá cho khách hàng của họ ngay lập tức hoặc tăng dần theo thời gian. Các nhà kinh tế nhìn chung đều đồng ý rằng, thuế quan làm tăng lạm phát.

“Tổng thống Donald Trump nên nhìn vào lịch sử đất nước mình, thuế quan đã được áp dụng đối với một số sản phẩm từ Liên minh châu Âu và trên thực tế, nó đã có tác động rất tiêu cực đến cả việc làm và năng suất của các công ty Mỹ ở trong nước và châu Âu. Vì vậy, không ai thắng trong cuộc chiến thương mại này.”

Bà Sophie Primas, Người phát ngôn của Chính phủ Pháp

Thuế quan 25% của Trump đối với EU có thể tác động đến nhiều sản phẩm. Neil Saunders, một nhà phân tích về bán lẻ tại Công ty nghiên cứu và phân tích GlobalData, nhấn mạnh tác động có thể xảy ra đối với hàng hóa cao cấp và các thương hiệu thời trang xa xỉ như Louis Vuitton, Chanel và Hermes. Các thương hiệu giá cả phải chăng hơn, như Công ty quần áo Zara có trụ sở tại Tây Ban Nha, cũng có thể bị ảnh hưởng.

Các tập đoàn ô tô, vốn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi mức thuế đề xuất đối với hàng nhập khẩu của Mỹ từ Canada và Mexico cũng như EU, đã cảnh báo nhu cầu về ô tô sẽ bị ảnh hưởng vì người tiêu dùng buộc phải trả giá cao hơn nếu áp dụng mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu. Ngành công nghiệp này vốn đã ở trong tình thế mong manh và sự bất ổn lớn này đang làm chậm lại các thỏa thuận, đầu tư và phân bổ vốn.

Nhà phân tích Neil Saunders giải thích, nếu thuế quan áp dụng cho các mặt hàng được sử dụng trong sản xuất như nhựa hoặc cao su, chúng có khả năng làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Ông đưa ra ví dụ về cách các hóa chất hữu cơ nhập khẩu được sử dụng để sản xuất các sản phẩm vệ sinh gia dụng và da được sử dụng để sản xuất các mặt hàng từ ghế sofa đến ô tô.

Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề nông nghiệp và thực phẩm Christophe Hansen cho rằng, việc áp thuế không phải là một lựa chọn đúng đắn và có thể gây tổn hại cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Việc loại trừ các nước EU khỏi các cuộc đàm phán hòa bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine, càng làm căng thẳng thêm mối quan hệ Mỹ-EU.

Ông Trump cũng chỉ trích các quốc gia châu Âu vì không phân bổ đủ nguồn lực cho quốc phòng, cho rằng các thành viên NATO nên tăng chi tiêu quốc phòng từ mức trung bình hiện nay là 1,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 5%.

EU tìm cách mở rộng thị trường 

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, EU đang tìm kiếm các hướng đi để giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ và bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. EU nhận thức được rằng, để đối phó với các thách thức từ bên ngoài, cần phải củng cố sức mạnh nội tại. Ngoài ra, EU cũng đang phải tìm cách  tăng cường thỏa thuận thương mại với các đối tác khác trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á và các khu vực đang phát triển, để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã có chuyến thăm kéo dài hai ngày tới Ấn Độ, từ ngày 26/2. Giới quan sát chú ý đến chuyến thăm này và cho rằng, đây có thể là động thái của châu Âu nhằm thắt chặt hơn quan hệ với Ấn Độ, giữa làn sóng dịch chuyển quan hệ toàn cầu. Theo bà Von der Leyen, trong thời đại cạnh tranh địa chiến lược gay gắt như hiện nay, châu Âu ủng hộ sự cởi mở, quan hệ đối tác và mở rộng.

Trước đây, EU và Ấn Độ từng hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề như chính sách đối ngoại, quốc phòng và phát triển công nghệ. Hiện Brussels tăng cường nỗ lực để hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do bị trì hoãn từ lâu với quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhu cầu hợp tác cũng được đẩy mạnh khi cả hai tìm kiếm mối liên kết chiến lược trước nguy cơ thuế quan của Mỹ.

Nhiều chuyên gia nhận định, EU hiện muốn giảm phụ thuộc vào các đồng minh truyền thống như Mỹ, trong khi vẫn cảnh giác với Trung Quốc. Nhà ngoại giao kỳ cựu Ajay Bisaria đánh giá, EU tích cực đa dạng hóa quan hệ đối tác của mình và Ấn Độ là cái tên hàng đầu.

Giới chức EU cho biết, khối này muốn hối thúc Ấn Độ cắt giảm thuế đối với một số hàng hóa và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm của mình, đồng thời đưa ra sự linh hoạt về các vấn đề nông nghiệp để đẩy nhanh các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do.

Ủy viên châu Âu về thương mại và an ninh kinh tế Maros Sefcovic nhấn mạnh, quan hệ đối tác EU-Ấn Độ mang tầm chiến lược lâu dài. Ấn Độ là một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh hàng đầu thế giới và là một nhân tố quan trọng trong quản trị kinh tế toàn cầu. Trong khi EU là đối tác thương mại hàng đầu và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Ấn Độ, thì Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 9 của EU. Trong thập kỷ qua, hoạt động thương mại hàng hóa giữa EU với người Ấn tăng gần 90% khi hơn 6.000 công ty châu Âu thuộc nhiều lĩnh vực từ quốc phòng đến nông nghiệp, ô tô, năng lượng sạch đều có mặt tại Ấn Độ.

Giáo sư Gulshan Sachdeva tại Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) đánh giá, động lực để New Delhi mở rộng quan hệ với Brussels không chỉ giới hạn ở thỏa thuận thương mại tự do. Theo ông, Ấn Độ và EU có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và kết nối. Cả Ấn Độ và châu Âu đều đang tích cực tìm kiếm những hướng đi mới, thông qua các sáng kiến như Hội đồng Thương mại và Công nghệ cùng Hành lang Kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC) đầy tham vọng.

Đầu tháng 2/2025, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ Ấn Độ-EU trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Theo ông, trong một thế giới dự kiến nhiều bất ổn, mối quan hệ bền chặt hơn giữa Ấn Độ và EU có thể là yếu tố ổn định quan trọng.

Bên cạnh Ấn Độ, EU cũng tuyên bố tái khởi động đàm phán về một Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầy tham vọng và cân bằng với Malaysia, qua đó đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại song phương, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho cả hai bên. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh, Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU trong ASEAN và đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2025. Nước này đóng vai trò trung tâm trong việc định hình hướng đi của khối tại khu vực giàu tiềm năng ASEAN. Mối quan hệ thương mại sâu rộng hơn với Malaysia không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm mà còn góp phần tăng cường chuỗi cung ứng toàn cầu, bảo đảm an ninh kinh tế cho EU.

Trước các mối đe dọa áp thuế từ Mỹ, mở ra những cánh cửa hợp tác kinh tế mới chính là việc làm quan trọng để EU củng cố nền kinh tế. Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis khẳng định, thương mại cởi mở dựa trên luật lệ và công bằng là yếu tố không thể thiếu để duy trì sự thịnh vượng, khả năng cạnh tranh và an ninh kinh tế của khối. Vì vậy, châu Âu đang phải đi tìm những cơ hội xuất khẩu mới, phá bỏ các rào cản thương mại và đa dạng hóa nguồn cung, coi đây là giải pháp ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao kinh tế của EU.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nga cảnh báo việc Ukraine thay thế Tổng tư lệnh quân đội sẽ không cải thiện tình hình chiến trường. Trong khi đó, phương Tây vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí bất chấp các nỗ lực thúc đẩy hòa bình.

Israel vừa triển khai một chiến dịch trên bộ có giới hạn ở khu vực trung và nam Dải Gaza nhằm thiết lập vùng đệm giữa hai khu vực này.

Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nhóm họp trong ngày 20 - 21/3 tại Brussels, Bỉ để thảo luận về nhiều vấn đề được quan tâm hiện nay trong đó có Ukraine, Trung Đông, quốc phòng và di cư.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gợi ý rằng việc Mỹ sở hữu các nhà máy điện của Ukraine có thể giúp đảm bảo an ninh cho các cơ sở này.

Chính phủ Pháp đang lên kế hoạch phát “sổ tay sinh tồn” cho người dân, nhằm nâng cao kiến thức ứng phó trước các mối đe dọa xung đột vũ trang, khủng hoảng y tế và thiên tai.

Phiến quân Houthi của Yemen tuyên bố bắn một tên lửa đạn đạo về phía sân bay Ben Gurion, gần Thủ đô Tel Aviv của Israel.