Đường về nhà chưa bao giờ xa

Mỗi khi có người chuyển đến một vùng đất xa xôi, có lẽ ai cũng nghĩ, chỉ có người trưởng thành mới nhớ quê hương da diết. Nhưng sự thật là, ngay cả những người trẻ, cũng khao khát một ngày được quay trở về.

Gần một năm trước, gia đình chị tôi chuyển sang New Zealand định cư. Cuộc sống mới lạ nhanh chóng hấp dẫn hai cháu tôi đang ở tuổi tươi trẻ nhất của cuộc đời. Cứ tưởng chỉ người trưởng thành mới sống bằng hoài niệm và thương nhớ quê hương. Vậy mà cháu trai mười bảy tuổi của tôi lại đau đáu trở về.

Sau gần năm tháng vừa học vừa làm thêm, cháu tiết kiệm đủ tiền mua vé máy bay và để dành được một khoản nhỏ mang về Việt Nam. Gần đến ngày bay, cả nhà hỏi cháu đường xa mệt lắm phải không, phải bay hai chuyến dài mới về được đến nhà. Cháu nhẹ nhàng trả lời: "Đường về nhà có bao giờ là xa đâu ạ". Hơn hai mươi năm sống xa quê, tôi giật mình thấy bản thân còn chưa thấu đáo bằng một cậu nhóc. Ừ nhỉ, đường về nhà chưa bao giờ là xa.

Khoảng cách địa lý dẫu có dài thật đấy nhưng chỉ một hai chuyến bay hoặc chuyến xe là những người con dù đang ở đâu cũng có thể về nhà, về nơi mẹ cha đang mong ngóng mỗi ngày. Thế nhưng, chẳng phải khi nào người ta cũng cố tìm cho ra cách để về nhà. Khi còn trẻ, tôi mê mải với những chuyến đi trải nghiệm cuộc sống đó đây vào mỗi dịp lễ Tết hay bán mình cho công việc với hy vọng ngày một tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp. Từ khi có gia đình, tôi lại bị bủa vây bởi áp lực kinh tế và hàng trăm thứ cần lo toan khác. Tôi dè sẻn từng phút mỗi lần nghe điện thoại, trả lời qua quýt những tin nhắn của gia đình. Tôi giãy nảy, giận hờn trước những yêu cầu của bố mẹ. Tôi phớt lờ ngày giỗ của ông bà nội ngoại. Tôi lấy lối sống hiện đại, văn minh để biện hộ cho chính mình. Tôi viện lý do mình bận bịu tối tăm mặt mày để tránh né những sum vầy ấm cúng. Nhìn lại mình trong suốt mười mấy năm qua, tôi ngỡ ngàng khi tự đếm số lần về nhà với bố mẹ. Có năm tôi về nhõn một lần, có khi biền biệt tận mấy năm. 

Đến khi nghe cháu trai hớn hở trả lời rằng đường về nhà chưa bao giờ xa, tôi mới bàng hoàng nhận ra mười mấy năm đã vụt trôi trong chớp mắt. Chai dầu gội phủ bạc điềm nhiên đứng trong phòng tắm của bố tôi tự bao giờ. Cầm điện thoại chụp tấm hình hai ông cháu vui đùa cùng nhau, mắt tôi nhoè đi vì khuôn mặt gầy guộc, hốc hác của bố trên màn hình. Mái tóc bố chỉ còn thưa thớt vài sợi đen, hàm răng khấp khểnh cái ở cái mất. Đôi chân mẹ đã hằn lên những đường gân xanh chằng chịt. Trong khoảnh khắc ấy, tôi chua xót nhận ra chính mình còn không nhớ nổi lần cuối cùng ngắm bố mẹ thật kỹ là khi nào. Chỉ biết giờ đây, những nếp nhăn, những vết đồi mồi đã ngang nhiên hiện hữu trên khuôn mặt hai đấng sinh thành.

Tôi lần tìm lại những bức ảnh kỷ niệm của một năm trước, vài năm trước rồi mười năm trước và cả cuốn album ảnh những ngày tôi còn thơ bé. Nửa đời người hoá ra cũng chỉ thu vào trong vài tấm ảnh đã phai màu chẳng mấy ai mở ra ngắm lại. Sự trưởng thành của tôi được đánh đổi bằng mái tóc xanh, bằng đôi chân vững, bằng sức khỏe dẻo dai, bằng năm tháng tuổi trẻ rộng dài của bố mẹ. Thế mà tôi không đành bỏ vài ngày làm việc, không đành hủy một chuyến đi chơi để trở về nhà sum vầy bên mâm cơm có bố mẹ mong chờ. Đường về nhà liệu có xa đến thế?

Tôi nhớ mãi năm 2016, bố mẹ từ Hà Nội bay vào Sài Gòn để dự đám cưới của tôi. Đó là lần đầu bố mẹ được đi máy bay, cũng là lần đầu được đi xa khỏi mái nhà thân thuộc. Vậy mà suốt hơn một tuần bố mẹ ở Sài Gòn, ngoại trừ hôm tổ chức lễ cưới, tôi không nghỉ làm một ngày nào để đưa bố mẹ đi chơi. Bởi chính tôi cũng chưa từng dành thời gian cho thành phố mà mình đang sống và làm việc. Mỗi ngày tôi đều ra khỏi nhà từ bảy giờ sáng và trở về lúc bảy giờ tối trong tinh thần rệu rã. Tôi đâu biết trân trọng khoảng thời gian quý giá được ở bên cạnh bố mẹ khi bố mẹ còn trẻ khoẻ. Tôi không cảm nhận được sự ấm cúng của những bữa cơm nóng hổi bố mẹ đợi tôi về cùng ăn. Bởi tôi cho đó là cuộc sống tự do, tự lập giống như tôi từng ao ước khi bé. Mẹ bảo đồ ở siêu thị đắt đỏ, tôi nói mẹ 'tiền nào của nấy'. Bố than đồ ăn ở ngoài quán không hợp khẩu vị, tôi lại trách tại bố khó ăn. Giờ nghĩ lại, tôi chỉ ước mình chưa từng sống hời hợt, vô tâm như thế. Bố mẹ liệu còn có thể ở nhà chờ tôi thêm mấy lần trở về nữa?

Gần đây, sức khoẻ của bố tôi ngày càng đi xuống. Cứ nghĩ về bố mẹ, tôi lại thấy nghẹn ngào. Tôi không dám tưởng tượng đến tình huống xấu sẽ xảy ra. Tôi tự trấn an bản thân rằng mọi chuyện sẽ dần ổn. Tôi nhớ từng đọc bài viết trên báo của một chị bạn văn. Chị cũng từng như tôi, từng mải miết với cuộc sống bộn bề của mình cho đến một ngày trở về nhà thì bố đã không còn nhận ra chị nữa. Bố chị mắc căn bệnh lãng quên tuổi già. Câu chuyện của chị như một cú đánh mạnh khiến tôi tỉnh ngộ. Thời gian tôi còn được ở bên bố mẹ đang cạn kiệt dần như chiếc đồng hồ cát dốc ngược. Bố mẹ còn đợi được bao lâu để tôi dùng hết những lý do của mình?

Người ta nói nếu muốn sẽ tìm cách, nếu không muốn sẽ tìm đủ lý do. Từ khi sinh con, tôi mới dần hiểu lòng bố mẹ. Tôi hiểu những lần đau như gãy hai mươi cái xương sườn một lúc của mẹ trong phòng sinh. Tôi hiểu những gánh nặng gia đình oằn trên đôi vai của bố. Tôi hiểu cảm giác háo hức, mong chờ ngày con về để rồi lại bồi hồi, thổn thức mỗi lần tiễn con đi. Tôi cũng hiểu cả những cơn nóng giận mà bố mẹ từng trút lên nhau và vô tình làm tổn thương sang cả con cái.

Mãi đến khi tôi hiểu ra những điều bình thường bố mẹ vẫn luôn giấu kín ấy, tôi mới nhận ra đường về nhà chưa bao giờ là xa khi có bố mẹ vẫn đang ngồi đó chờ ta trở về. Chợt nhớ đến lời trong ca khúc "Đi về nhà" của Đen Vâu: "Đường về nhà là vào tim ta, dẫu nắng mưa gần xa. Đường về nhà là vào tim ta, dẫu có muôn trùng xa. Vật đổi sao dời, nhà vẫn luôn là nhà"…

Đan Ngọc

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Áo dài từ lâu đã vượt qua ranh giới của một trang phục, để trở thành biểu tượng văn hóa. Bao đời nay, làng Trạch Xá (huyện Ứng Hòa) vẫn gìn giữ một nét tinh hoa riêng biệt: nghề may áo dài truyền thống. Không rực rỡ phô trương, nhưng từng đường kim mũi chỉ nơi đây là kết tinh của kỹ thuật thủ công, thẩm mỹ văn hoá và truyền thống gia truyền.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất giao UBND cấp xã cấp sổ đỏ lần đầu, rút ngắn thủ tục đất đai; Hà Nội kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm từ nay đến hết ngày 15/6; Trung Quốc, Mỹ kêu gọi Pakistan, Ấn Độ kiềm chế và giảm leo thang;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình Thời sự 19h00 hôm nay.

Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo dự án trọng điểm quốc gia; Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh triển khai Nghị quyết số 57; Người dân Trung Quốc lạc quan sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình hôm nay.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ mở đường bay thẳng Hà Nội - Moscow; Tránh “tư duy nhiệm kỳ” khi tự lập quy hoạch; Kiểm soát giao dịch thực để đánh thuế lãi chuyển nhượng BĐS; Đề xuất bán ngay xe vi phạm trong một số trường hợp;... là những nội dung đáng chú ý trong chương trình Thời sự 18h30 hôm nay.

Trong một buổi sáng sớm, bên dòng Hương Giang, những người bạn trẻ: Hùng, Côn, Khiêm, Cần, Phượng, Quý và Diệp Văn Kỳ lại hẹn nhau rong chơi nhưng không chỉ để ngắm cảnh hay vui đùa. Mỗi bước chân, mỗi lời nói của họ đều mang theo những khát vọng thầm kín, những hoài bão đang lớn dần trong một giai đoạn đầy biến động của đất nước. Những câu chuyện tưởng như chỉ để giải khuây dần hé mở tâm thế của cả một thế hệ thanh niên đang thao thức trước vận mệnh dân tộc. Trong tiếng cười trong trẻo, trong giọng hát ngọt ngào của thiếu nữ xứ Huế và cả trong ánh mắt rực sáng của người bạn tên Côn thấp thoáng hình hài một tương lai mà họ đều đang chờ đợi, đang muốn góp phần đổi thay.

"Tinh Hoa Bắc Bộ" nổi lên như một điểm sáng du lịch văn hóa, nơi những người nông dân chân chất của huyện Quốc Oai, Hà Nội trở thành diễn viên, hóa thân thành sứ giả truyền tải hồn cốt văn hóa dân tộc. Sân khấu thực cảnh lớn nhất miền Bắc này, sau hơn 10 năm, đã khẳng định vị thế là show diễn "đáng xem nhất Việt Nam".