Đường về nhà

Có một người con gái lấy chồng xa, hơn hai mươi năm xa quê, xa gia đình, vật lộn với cuộc sống mưu sinh, trong một lần trở về nhà, cô chợt giật mình thảng thốt: Tóc mẹ đã bạc đến thế rồi sao?

Ngày tôi đi lấy chồng, bác tôi vỗ vỗ lên vai vừa cười vừa bảo: "Con gái mà lấy chồng xa/ Giống như lợn béo khái tha lên rừng". Tôi không hiểu sao bác nói ra câu đó trong khi nhà chồng chỉ cách nhà tôi chừng mươi cây số.

Những ngày đầu, hôm nào tôi cũng tìm mọi cách để về nhà vì nhớ. Nhưng càng về sau thì ngày một thưa dần. Nhất là từ khi các con tôi lần lượt ra đời, quỹ thời gian dường như không còn nữa.

Ảnh minh hoạ: VOV.

Sáng lo dậy sớm nấu nướng, quét dọn nhà cửa, chuẩn bị mọi thứ cho con rồi đến cơ quan. Chiều tan giờ làm vội vã phi nhanh về nhà để kịp lo bữa tối cho gia đình và chăm con nhỏ. Cứ thế tôi lần lữa chuyện về nhà thăm bố mẹ, người thân.

Lòng tôi tự nhủ, tối nào cũng gọi điện hỏi thăm tình hình sức khoẻ, động viên, thỉnh thoảng chuyển qua ngân hàng cho mẹ mấy đồng, mẹ thích mua gì thì mua, tiêu gì thì tiêu chứ tay xách nách mang cái này cái kia làm gì cho cực. Vậy là có thể yên tâm lo việc của mình rồi. Đợi sau này con cái lớn khôn, mọi thứ ổn định, lúc ấy sẽ dành thời gian về thăm nhà, thăm bố mẹ nhiều hơn.

Cái ngày ổn định và thư thái mà người ta hay nói đến, trước mắt tôi cứ xa vợi, xa vời. Ảnh minh hoạ: 24h.

Quãng đường về nhà vì thế ngày một xa dần, lúc thì trời mưa lạnh, lúc thì nắng chang chang, lúc thì đường người ta đang thi công nên gồ ghề trơn trượt. Nhưng hơn hết là sự ái ngại về thời gian, tôi cần dành nó để chăm con, để làm thêm kiếm tiền xây nhà, mua xe, mua đất, để chăm sóc tổ ấm của mình cho trong ấm ngoài êm. Có những lúc ngồi ôm con nhớ mẹ, tôi lại ngẫm về câu nói của bác tôi: "Con gái mà lấy chồng xa/ Giống như lợn béo khái tha lên rừng".

Sự xa cách không phải vì địa lý mà còn vì hàng trăm lý do khác. Sự tham lam của con người không bao giờ là giới hạn và tôi không ngoại lệ. Vì thế, cái ngày ổn định và thư thái mà người ta hay nói đến, trước mắt tôi cứ xa vợi, xa vời.

Hơn hai mươi năm xa vòng tay mẹ, vật lộn với mưu sinh, cuộc đời tôi đã ở phía bên kia triền con dốc. Nay trở về nhà trên con đường quen thuộc, tôi dong xe chậm rãi qua những cánh đồng, chợt chạnh lòng khi thấy những bác nông dân ướt đẫm mồ hôi trong nắng chiều oi bức.

Tóc mẹ đã bạc trắng. Ảnh minh hoạ: Báo Kon Tum.

Hình ảnh mẹ cha hôm nào dãi nắng dầm sương lại hiện về trong cõi nhớ. Phải rồi, ngày ấy để có bát cơm cho chúng tôi ăn, có áo quần và sách vở cho chúng tôi đi học, cha có quản gì nhọc nhằn, gian khó, mẹ có ngại gì miệng người đời dè bửu, khinh khi vì rách nát. Chiếc áo tơi dãi dầu quanh năm trên đồng sâu ruộng cạn, bươn bả chợ gần, chợ xa như hứng trọn bão giông cuộc đời.

Khi vệt nắng chiều xuyên qua ô cửa rọi vào tóc mẹ, tôi giật mình thảng thốt. Trời ơi! Tóc mẹ đã bạc đến thế rồi sao? Tôi tự trách mình sao quá đỗi vô tâm. Trên đời này chẳng có gì thiêng liêng bằng tình mẹ, chẳng có con đường về nhà xa xôi, cách trở mà chỉ có lòng con chưa trọn hiếu với người.

Giờ đây, khi nhận ra điều đó thì liệu còn bao nhiêu thời gian nữa cho tôi về thăm mẹ, thăm mái nhà yên ấm ngày xưa. Khoé mắt tôi cay xè khi nhớ về câu hát:

"Còn mẹ còn lối đi về

Mất mẹ cả lối về quê cũng mờ

Còn mẹ ngày đợi đêm chờ

Mất mẹ ngay cả giấc mơ cũng buồn".

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tháng Ba khép lại bằng những ngày nồm ẩm, lạnh se sắt xen lẫn những cơn mưa phùn lê thê. Miền Bắc giao mùa như một cô gái đỏng đảnh, lúc nắng ấm dịu dàng, lúc lại trở mình hờn dỗi, để lại trong không gian hơi ẩm bức bối, khiến lòng người cũng chùng xuống theo những giọt mưa.

Thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, có người thường xem lại quyển sổ chép thơ mà cô đã viết tay một thời, hoặc mở máy laptop, mở điện thoại, nghe lại những bài nhạc yêu thích. Cô thích nhất là lắng nghe âm thanh quen thuộc từ những tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Những lúc như vậy, cô lại tự hỏi mình: Ta là ai trong cuộc đời này?

Mỗi khi đến tiết Thanh minh, trong tâm thức của nhiều người lại nhớ về những ngày thơ bé hạnh phúc, được cùng ba mẹ làm món bánh trôi để đón Tết Hàn thực. Dẫu chỉ là món bánh đơn thuần nhưng đó lại là hương vị của đoàn viên.

"Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - tiết Thanh minh nhắc nhở người Việt Nam ta hướng về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Vào những ngày giữa tháng Ba, mùa xuân ấm áp khẽ khàng làm sáng bừng sắc đỏ rực rỡ của hoa gạo ở ven sông. Ở một nơi xa, có một người con lại thao thức nhớ sắc hoa gạo quê nhà.

Tháng Ba về, khi thời tiết ở Hà Nội dần trở nên ấm áp hơn, có người thường ra phố, tìm mua ít quả nhót từ gánh hàng của các chị bán rong trên phố. Dẫu không thích ăn chua nhưng chỉ cần nhìn thấy mấy quả nhót chín ứng đỏ như đôi má trẻ thơ khi gió xuân tràn về, lòng cô không khỏi nôn nao nỗi nhớ quê hương.