Đường sắt cao tốc 'tăng tốc' cho doanh nghiệp tư nhân

Đề xuất chỉ định thầu, đặt hàng doanh nghiệp tư nhân làm những dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ là lời khẳng định của Nghị quyết 68/NQ-TW xem kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Doanh nghiệp tư nhân tự tin làm lớn

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed mới đây đã đăng ký đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây được xem là siêu dự án có vốn đầu tư khoảng 61,35 tỷ USD (tương đương khoảng hơn 1,5 triệu tỷ đồng) theo phương án đã được duyệt tháng 11/2024, không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.

VinSpeed là doanh nghiệp mới được cấp giấy phép thành lập từ ngày 6/5 vừa qua, với mục tiêu đầu tư xây dựng kinh doanh (vận hành, khai thác) các công trình đường sắt cao tốc, sản xuất các phương tiện giao thông vận tải đường sắt (đầu máy, toa xe) và hệ thống tín hiệu, điều khiển đường sắt nhằm góp phần vào việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước.

VinSpeed đề xuất chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312,33 nghìn tỷ đồng (khoảng 12,27 tỷ USD). 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), VinSpeed đề xuất vay vốn Nhà nước lãi suất 0% trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân. Đây cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp tư nhân tiến nhanh hơn trong quá trình xây dựng năng lực đảm đương các dự án trọng điểm quốc gia, từ đó gia tăng cơ hội vươn tầm quốc tế.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed mới đây đã đăng ký đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Khẳng định về năng lực của doanh nghiệp dù mới thành lập, bà Đào Thụy Vân - Phó tổng giám đốc VinSpeed cho biết, doanh nghiệp có chung nhà sáng lập với tập đoàn Vingroup là tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Trước đó, Vingroup đã đăng ký đầu tư các tuyến đường sắt cao tốc khác nên không xa lạ gì lĩnh vực này. Hiện tại, VinSpeed cũng đang thỏa thuận với đối tác Trung Quốc, Đức, Nhật để nhận chuyển giao công nghệ, cũng như sản xuất các đầu máy, toa xe cùng hệ thống tín hiệu, điều khiển tại Việt Nam.

Theo bà Vân, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam rất dài, lại chạy qua nhiều địa phương có thu nhập chưa cao nên khả năng khai thác kinh doanh để hoàn vốn vô cùng khó khăn. Đó là lý do thời hạn khai thác phải đủ dài để bù đắp chi phí xây dựng và vận hành. Còn về thời gian hoàn vốn, 98% tuyến đường sắt cao tốc trên thế giới lỗ, chỉ 2% là có lãi. “Theo các chuyên gia, cứ sau khoảng 30 năm vận hành sẽ phải tái đầu tư hàng chục tỷ USD để bảo trì, nâng cấp. Do vậy, nếu giao cho VinSpeed, ngân sách nhà nước sẽ không phải chịu những áp lực tài chính này”, Phó Tổng giám đốc VinSpeed nói.

Trao đổi với Đài Hà Nội, ông Hồ Đức An - Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần FECON cho biết, doanh nghiệp này có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng và thi công dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội nên cũng mong muốn được tham gia thi công dự án đường sắt tốc độ cao.

Công ty cổ phần FECON có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng và thi công dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội.

Theo ông Đức An, dự án có hai hợp phần, hợp phần đầu tiên liên quan các công trình ở dưới đường dây thì bao gồm các khu nhà ga, kết cấu hạ tầng giao thông, cầu, đường, hầm và công trình dọc tuyến để bảo vệ mái dốc và bảo vệ an toàn trong quá trình chạy tàu. Hợp phần thứ hai bao gồm hệ thống đầu máy, toà xe, thông tin tín hiệu, điều khiển, điện…

“Chúng tôi hoàn toàn tự tin có thể đảm nhận được các công việc của hợp phần thứ nhất. Về hợp phần thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể hợp tác với các đơn vị quốc tế để thực hiện, sau đó học hỏi và chuyển giao công nghệ”, ông An khẳng định.

Nội địa hóa để quốc tế hóa cơ hội cho doanh nghiệp

Giám đốc kỹ thuật FECON cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam muốn tham dự vào các dự án đường sắt tốc độ cao thì phải có 3 yếu tố: nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng kết nối quốc tế; mô hình quản trị và quản lý dự án tiên tiến; làm chủ được công nghệ. Ngay từ năm 2012, FECON đã cử 30 kỹ sư và 80 công nhân tham dự các khóa đào tạo và thực hành vận hành, thi công tuyến ngầm metro và máy khoan ngầm. Đến nay, doanh nghiệp đã có nguồn nhân lực trình độ cao gồm các tiến sĩ, thạc sĩ và chuyên gia được đào tạo bài bản tại các nước trên thế giới như: Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ở mảng kết cấu, Hòa Phát đã đầu tư sản xuất thép phục vụ công trình cầu, hầm nên có thể tham gia sản xuất đường ray cho đường sắt cao tốc, trong khi các nhà thầu lớn như Vinaconex, Cienco, FECON và các doanh nghiệp tư nhân khác cũng có thể học hỏi công nghệ quốc tế để chủ động tiếp nhận các gói thầu kỹ thuật cao.

Đánh giá về tỷ lệ nội địa hóa dự án đường sắt tốc độ cao, nhiều doanh nghiệp trong nước sản xuất thép sẵn sàng tham gia sản xuất đường ray cho đường sắt tốc độ cao.

Đánh giá về tỷ lệ nội địa hóa dự án đường sắt tốc độ cao, ông Lê Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho hay, có rất nhiều doanh nghiệp trong nước sản xuất thép sẵn sàng tham gia sản xuất đường ray. Trong khi đó, các nhà đầu tư liên quan đến ô tô có thể tham gia quá trình xây dựng, lắp đặt, sản xuất thiết bị, công nghiệp phụ trợ để lắp ráp và sản xuất các đoàn tàu đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.

Theo ông Hiếu, kinh nghiệm của quốc tế thường phân chia nội dung công việc của một nhà thầu để chuyên môn hóa. Chẳng hạn nhà thầu sản xuất vật liệu thép có thể tham gia ngay vào quá trình nghiên cứu và nghiên cứu sâu công nghệ cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật của các ray cung cấp cho đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị. Phân thành các gói thầu khoa học, bài bản để mỗi nhà thầu tập trung chuyên môn hóa lĩnh vực có thế mạnh sẽ là điều kiện tiên quyết để thực hiện sứ mệnh nội địa hóa ở mức cao nhất đối với đường sắt cao tốc.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, ngoài việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp trong nước cần phải có chiến lược hết sức rõ ràng. “Chúng ta đặt mục tiêu thực hiện các dự án có hàm lượng chất xám và công nghệ cao như dự án đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị thì phải chuẩn bị nhân lực chất lượng cao ngay từ bây giờ”, ông Hiếu nhấn mạnh. “Chúng ta chủ động đi nhanh hơn trong quá trình tự xây dựng năng lực cho bản thân các nhà đầu tư trong nước, từ đó gia tăng cơ hội vươn tầm quốc tế cho doanh nghiệp”.

Cởi nút thắt tham gia dự án trọng điểm

Theo quy định của pháp luật Việt Nam và Luật Đấu thầu, các doanh nghiệp muốn tham dự vào các dự án như đường sắt tốc độ cao thì phải có năng lực và kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự. Tuy nhiên, đây lại là dự án lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ cần có cơ chế đặc thù như chỉ định thầu để các doanh nghiệp có thể thực hiện hạng mục dựa trên năng lực.

Thứ hai là cho phép doanh nghiệp và nhà thầu trong nước thuê chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm trong việc quản lý thiết kế, quản lý thi công và đảm bảo được đường sắt tốc độ cao đáp ứng các nhu cầu về mặt chất lượng. “Mỗi doanh nghiệp đều có một thế mạnh nhất định trong thi công các hạng mục của đường sắt tốc độ cao. Do đó, chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ cho phép các nhà thầu Việt Nam có thể hợp lực với nhau, tạo thành tổ hợp nhà thầu để tham gia các dạng đường sắt tốc độ cao”, Giám đốc Kỹ thuật FECON Hồ Đức An kiến nghị.

Trong phiên họp sáng 15/5, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó đáng chú ý là chính sách đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia như đường sắt tốc độ cao.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV.

Nghị quyết được thông qua sẽ mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân trong các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc các mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân theo quy định của pháp luật. Người có thẩm quyền, chủ đầu tư được lựa chọn áp dụng một trong các hình thức đặt hàng; đấu thầu hạn chế; chỉ định thầu; hoặc các hình thức phù hợp khác quy định của pháp luật để thực hiện các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia, trong đó có đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị…

Các doanh nghiệp tư nhân đang kỳ vọng Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị cùng Nghị quyết của Quốc hội sẽ cởi những “nút thắt” đầu tiên và tạo ra bệ đỡ đủ vững chắc giúp họ tham gia sâu hơn vào các dự án trọng điểm của quốc gia để từ đó vươn ra tầm thế giới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chăm lo, hỗ trợ người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống là một trong những chính sách nhân văn được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm trong những năm qua.

UBND huyện Đông Anh, TP. Hà Nội sáng 16/5 đã tổ chức Lễ khởi công, khánh thành các dự án trường học trên địa bàn.

Ranh giới “mờ” giữa việc có đối tượng tác động hay không trong việc sử dụng quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách. Những hành vi, nhận diện này phải được quy định rất rõ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi họp báo quốc tế diễn ra trưa 16/5, đã thông báo Việt Nam và Thái Lan chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Một trận động đất có độ lớn 5,0 - cấp độ gây rủi ro thiên tai đã xảy ra vào trưa nay 16/5, tại khu vực Mường Chà, Điện Biên.

Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục đưa vào định hướng phát triển cơ sở giáo dục chất lượng cao và cơ sở giáo dục nhiều cấp học, định hình các tiêu chí, tiêu chuẩn cho mô hình này.