Đường đời xuôi ngược

Guồng quay cuộc sống hối hả, vội vàng. Có bao giờ bạn tự hỏi, những người mà chúng ta vô tình gặp trên đường đời, họ có ý nghĩa gì trong bức tranh cuộc đời của chúng ta?

Chiều nay, Hường chia sẻ cùng bạn đôi chút suy tư của Nhung Phạm trong dòng đời xuôi ngược, ngược xuôi…

Sáng nào cũng vậy hối hả, vội vã. Chúng tôi lục tục ra khỏi nhà. Con gái đến trường học. Vợ chồng tôi đi làm. Sáng nào cũng một nhịp điệu ấy ra khỏi nhà, leo lên xe. Chúng tôi lại ùa vào dòng người đổ đi trăm ngả.

Chồng tôi cầm lái, tôi ngồi phía sau. Thật tình tôi quá thảnh thơi để ngắm đất, ngắm trời, thả hồn theo mây theo gió. Nhưng không phải hôm nào tôi cũng rảnh rang như vậy. Con tôi đêm trước mới sốt cao trên bốn mươi độ. Mẹ tôi vừa mổ mắt. Nhóm nghiên cứu của tôi đang bị sếp hối thúc ra sản phẩm mới. Có biết bao điều quay tôi mòng mòng mỗi sáng. Đến nỗi có đôi lúc những tiếng còi xe inh ỏi lại khiến tôi giật mình đánh thót.

Một đoạn đường từ nhà đến công ty chưa đầy năm cây số. Mỗi ngày, mỗi giờ, những bức tranh thu nhỏ của cuộc đời cứ liên tục bày ra trước mắt tôi. Kẻ cao sang, người khốn khó, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ, béo, gầy, nắng cũng như mưa, những dòng xe cứ rầm rập nối nhau tiến về phía trước. Họ đi đâu? Nhà máy, công trường, cửa hàng, bệnh viện hay là…không đâu cả? Những bóng lưng xa lạ. Những khuôn mặt vội vàng, gấp gáp.

Ảnh minh họa

Người ta vẫn nói: “Tu trăm năm mới đi chung một thuyền”. Vậy tu bao lâu mới đi chung một đường? Một cụ già ăn xin chìa chiếc mũ rách bươm ở ngã tư. Một cô gái trẻ cười giả lả bên quầy cà phê ven đường. Một anh taxi đang mặt mày gay gắt vì bị xe phía sau tông phải. Một chiếc Lexus kiêu hãnh vụt qua. Đôi lúc tôi tự hỏi, họ có ý nghĩa gì trong bức tranh cuộc đời của tôi hay không. Liệu anh chàng mặc đồng phục màu cam đỏ kia có liên quan đến việc sửa chữa trong vụ mất điện ở chung cư tôi ngày hôm qua? Liệu anh lái xe tải chở hàng phía trước có liên quan đến bữa cơm tôi ăn hàng ngày? Nếu vào giờ cao điểm, mỗi người mặc kệ luật giao thông, cố nhích một chút, một chút, liệu có vì thế mà số tiền tôi phải nộp phạt vì muộn giờ làm sẽ tăng lên vào cuối tháng?

Vạn vật đều có nhịp điệu tự nhiên của riêng mình, tôi từng đọc ở đâu đó có viết. Những nhịp điệu riêng hòa trong nhịp điệu chung thống nhất. Và tôi cũng chỉ là một nhịp điệu nhỏ bé, mong manh trong guồng quay của cái toàn thể đó. Thuận theo nhịp điệu tự nhiên hay đi ngược lại? Có lẽ đó là nhân duyên và lựa chọn của mỗi người.

Ảnh minh họa: Kenh14

Tôi vẫn nhớ buổi sáng hôm ấy. Một buổi sáng bình thường như bao buổi sáng khác. Ra khỏi nhà, leo lên xe, chúng tôi lại hối thúc nhau lên đường. Mùa mưa, các con đường xung quanh nhà tôi đều xuống cấp thấy rõ, lún ngang, lún dọc, ổ voi, ổ gà. Chồng tôi không đi giống mọi ngày mà ngoặt vào một con đường tắt. Chiếc ô tô chắn ngang phía trước lao vụt đi. Đập vào mắt tôi là một người đàn ông già nua, lọm khọm đang ngồi thụp xuống ven đường. Chiếc xe đạp cũ kĩ dựng sát bên lề. Nghiêng chiếc thau nhôm xỉn màu, ông tỉ mỉ xúc từng chút đất trong thau lấp xuống những chỗ trống ven đường. Nhìn quanh mới thấy, không phải một mà nhiều ổ gà đã được ông lấp phẳng.

Tôi ngoái đầu lại phía sau, người đàn ông nhỏ thó và lặng lẽ. Nhưng dường như ông ấy thật thảnh thơi. Một sự thảnh thơi hiếm hoi giữa đoạn đường người qua kẻ lại. Tôi cứ nhìn mãi cho đến khi chồng tôi lái xe ra con đường lớn. Chúng tôi lại ùa vào dòng người đổ đi trăm ngả. Người xe xuôi ngược. Đường đời vẫn cứ ngược, cứ xuôi./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Mỗi người đều có cho mình những đức tin riêng để neo đậu. Ánh sáng giác ngộ từ đức tin chính là kim chỉ nam làm bản thân tìm được hướng đi đúng đắn thoát khỏi cơn mê, là nơi nâng đỡ, là điểm tựa vững chãi trước những bão giông của cuộc đời.

Thuở ấu thơ, ta ngóng trông ngày mình khôn lớn. Đến khi trưởng thành, ngoảnh đầu nhìn lại, mới giật mình nhận ra những ngày thơ bé ấy là quãng thời gian tươi đẹp nhất của cuộc đời. Những ngày tháng vô tư, hồn nhiên, chẳng lo âu phiền muộn, chỉ đong đầy niềm vui và những giấc mơ trong trẻo.

Mỗi khi có người chuyển đến một vùng đất xa xôi, có lẽ ai cũng nghĩ, chỉ có người trưởng thành mới nhớ quê hương da diết. Nhưng sự thật là, ngay cả những người trẻ, cũng khao khát một ngày được quay trở về.

Bạn biết không, thời sinh viên, khi mà món đồ công nghệ giá trị nhất mà ta sở hữu là một chiếc điện thoại Nokia cục gạch đã qua sử dụng và những quyển sách đọc được bằng cách đi mượn hoặc lân la ở những tiệm sách cũ, thì viết nhật ký với ai đó là một cách để giải toả những điều khó chia sẻ với người khác.

Con người ta ai lớn lên rồi cũng có cho riêng mình một miền ký ức tươi xanh. Đôi khi vì những bộn bề của cuộc sống hiện tại mà nó bị lãng quên, vùi lấp, đã tưởng nó mất đi. Nhưng không, nó vẫn ở đó. Và trong một trưa đầy nắng, miền ký ức tươi xanh của một người được tắm mát trong tiếng gà cục tác…

Cuộc sống cần có sự kết nối. Con người sống lại càng cần sự kết nối hơn bao giờ hết. Nhưng nhịp sống hiện đại, đặc biệt là sự xuất hiện của thế giới công nghệ, đôi khi lại khiến người ta quên đi sự kết nối, gắn kết với những người xung quanh, lãnh cảm với những gì tồn tại quanh mình. Bởi vậy, mỗi người nên chăng ngắt kết nối với những điều không thực sự cần thiết để kết nối với những điều thực sự thiết thực quanh mình?