Đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine có khả thi?
Nga lập kỷ lục phóng 267 máy bay không người lái vào Ukraine
Không quân Ukraine cho biết, các lực lượng Nga đêm 22/2 đã phóng 267 máy bay không người lái (UAV) vào Ukraine. Đây là số lượng UAV kỷ lục mà Nga sử dụng để tấn công Ukraine trong một đêm. Cuộc tấn công này vào thời điểm tròn ba năm kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Chính quyền Moskva đã liên tục thực hiện các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa vào ban đêm trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, xét về quy mô, các đợt tấn công gần đây đã tăng mạnh so với con số 193 máy bay không người lái được triển khai trong một cuộc tấn công vào tháng 12/2024.
Theo lực lượng không quân Ukraine, các khu vực Dnipropetrovsk, Odesa, Poltava, Kiev và Zaporizhzhia đã bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công. Không quân Ukraine đã bắn hạ 138 máy bay Shahed, trong khi 119 chiếc khác bị mất kiểm soát mà không gây thiệt hại đáng kể.

Chính quyền Odesa cho biết ba người đã bị thương trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, trong khi một người khác bị thương ở Zaporizhzhia.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ lòng biết ơn đối với lực lượng phòng không và các đội ứng cứu khẩn cấp.
Các cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp với nhóm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng không có sự tham gia của Ukraine hay các đồng minh phương Tây.
Tổng thống Ukraine nhấn mạnh rằng Kiev sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra mà không có sự đồng ý của Ukraine.
Mỹ khẳng định không triển khai quân đội đến Ukraine
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin Fox News, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tái khẳng định Washington sẽ không điều quân tới Ukraine. Ông Hegseth cũng đồng thời nhấn mạnh rằng điều quan trọng là quan hệ đối tác kinh tế Mỹ - Ukraine. Người đứng đầu Lầu Năm Góc lưu ý rằng ở lục địa châu Âu, châu Âu nên đi đầu trong việc bảo đảm an ninh.
Tuyên bố trên nhắc lại nội dung trước đó đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra trong chuyến thăm Đức hôm 11/2.
Lục địa châu Âu xứng đáng được thoát khỏi mọi cuộc xâm lược, nhưng những quốc gia lân cận phải đầu tư nhiều nhất vào khả năng phòng thủ cá nhân và tập thể đó.
Ông Pete Hegseth - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Hegseth tái khẳng định cam kết của Tổng thống Trump về việc chấm dứt xung đột Nga - Ukraine bằng con đường ngoại giao càng sớm càng tốt.
Các chuyên gia cho rằng chiến lược của ông Trump nhằm giảm sự can dự của quân đội Mỹ vào cuộc xung đột và tập trung nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao.

Trước đó, vào hôm 9/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz cho biết Tổng thống Trump dự định thực hiện tất cả các bước cần thiết để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Vai trò chính trong việc đảm bảo an ninh của Ukraine sẽ được chuyển giao cho các đối tác châu Âu.
Chính quyền Tổng thống Trump có truyền thống áp dụng cách tiếp cận thực tế đối với các xung đột quốc tế. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông liên tục chỉ trích Mỹ can dự quá mức vào các cuộc khủng hoảng quốc tế và nhấn mạnh sự cần thiết phải giao trách nhiệm cho các đồng minh. Quan điểm hiện tại về Ukraine khẳng định cam kết này.
Trong khi đó, Nga nhiều lần tuyên bố sẽ coi bất kỳ lực lượng nước ngoài nào triển khai tới Ukraine mà không có sự ủy quyền của Liên hợp quốc là mục tiêu quân sự hợp pháp của Moskva.
Trong một tuyên bố hồi giữa tháng này, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết sẵn sàng điều quân đội nước này đến Ukraine như một phần của lực lượng gìn giữ hòa bình. Động thái này được cho là nỗ lực của London khi cố gắng để Mỹ thấy rằng các quốc gia châu Âu nên đóng vai trò nhất định trong các cuộc đàm phán về việc chấm dứt xung đột.

Trong tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tiếp đó là Thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ có chuyến thăm, hội đàm với Tổng thống Mỹ Doanld Trump. Chuyến đi diễn ra sau cuộc đàm phán hòa bình ban đầu giữa chính quyền của Tổng thống Trump với phía Nga tại Saudi Arabia mà cả Ukraine và châu Âu đều không tham dự.
Một số nhà phân tích đánh giá có khả năng chuyến thăm có nguyên do xuất phát từ kết quả các hội nghị thượng đỉnh bất thường mà Pháp chủ trì trong tuần này bàn về vấn đề Ukraine.
Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin cho biết Thủ tướng Anh có thể gửi bản dự thảo kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Anh và Pháp tại Ukraine cho Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 27/2.
Theo nguồn tin, London và Paris muốn nhận được hỗ trợ quân sự từ Washington nếu lực lượng gìn giữ hòa bình của họ gặp nguy hiểm. Theo kế hoạch này, Pháp và Anh muốn triển khai cả lực lượng lục quân, không quân và hải quân, với quy mô lên đến 30 nghìn quân. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói rằng "hoàn toàn có khả năng" nước này gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine, nếu có nhiệm vụ rõ ràng.
Chúng tôi sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận đó và tất nhiên đó là điều hoàn toàn có thể. Cần phải có một nhiệm vụ rất rõ ràng cho các lực lượng đó và tôi không nghĩ chúng ta có thể thấy điều đó cho đến khi chúng ta tiến xa hơn trong các cuộc đàm phán. Nhưng Thụy Điển chúng tôi thường tham gia vào việc tăng cường an ninh ở khu vực và trên thế giới, vì vậy lần này, tôi thấy chúng tôi cũng sẽ là một phần của việc đó.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson.
Chính phủ Hà Lan cũng bắn tín hiệu rằng họ có thể đóng góp, với điều kiện có nhiệm vụ rõ ràng và Mỹ cam kết hỗ trợ trong trường hợp leo thang căng thẳng.
Trong khi đó, phía Nga khẳng định việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine sẽ là bước đi dẫn tới leo thang căng thẳng và không thể chấp nhận vì sẽ gây ra hậu quả an ninh cho Nga. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moskva kiên quyết phản đối việc triển khai binh sĩ NATO đến Ukraine. Điện Kremlin cũng nhiều lần cảnh báo rằng bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào của châu Âu hiện diện tại Ukraine đều bị Moskva coi là hành động khiêu khích, có thể khiến xung đột leo thang.
Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tất cả các tuyên bố chính thức đôi khi trái ngược nhau của người châu Âu về vấn đề triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình. Đây là vấn đề chúng tôi quan tâm, vì chúng tôi đang nói về khả năng gửi các nhóm quân sự của các nước NATO đến Ukraine. Điều này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác theo quan điểm an ninh của chúng tôi.
Tôi muốn nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của chúng tôi rằng tất nhiên việc triển khai các nhóm quân sự của các nước là thành viên NATO trên lãnh thổ Ukraine là điều không thể chấp nhận được đối với chúng tôi.
Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia tuyên bố bất kỳ hoạt động triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình nào đến Ukraine mà không có sự đồng ý của Moskva đều là "bất hợp pháp", đồng thời cảnh báo lực lượng này sẽ bị coi là mục tiêu hợp pháp. Tới nay, Nga vẫn phản đối việc đóng băng xung đột Ukraine và đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào Ukraine, nhấn mạnh rằng giải pháp duy nhất là giải quyết tận gốc rễ của xung đột.
Kiev thừa nhận kịch bản triển khai binh sĩ nước ngoài đến Ukraine là không thực tế
Ông Mikhail Podoliak, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, nhận định việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình hoặc binh sĩ nước ngoài đến Ukraine không phải là một kịch bản khả thi vào thời điểm hiện tại. Phát biểu trên được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn của ông với đài phát thanh Ba Lan RMF.
Theo cố vấn của Tổng thống Ukraine, châu Âu nên tăng chi tiêu quốc phòng và cùng với Kiev tập trung vào phát triển vũ khí cũng như duy trì hỗ trợ quân sự theo cách này.
Trước đó, vào tháng 1, Tổng thống Zelensky từng tuyên bố rằng Ukraine có thể cần tới 200.000 binh sĩ châu Âu để đảm bảo một thỏa thuận hòa bình. Trong trường hợp không thể huy động được con số trên, ông Zelensky cho rằng Kiev có thể tự bảo vệ mình nếu có quân đội hùng mạnh, đồng thời có đủ vũ khí và tài chính để duy trì lực lượng này.
Báo New York Times dẫn lời các nhà phân tích cho rằng con số này là không thể đạt được, đồng thời nói thêm rằng ngay cả việc triển khai 40.000 quân cũng là một thách thức với EU và không đưa ra được giải pháp hiệu quả.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 22/2, tờ Politico cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị một gói viện trợ quân sự trị giá ít nhất 6 tỷ euro (tương đương 6,2 tỷ USD) cho Ukraine, bao gồm 1,5 triệu quả đạn pháo và các hệ thống phòng không. Đây sẽ là một trong những gói hỗ trợ quân sự lớn nhất của EU kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022.


EU quyết định hoãn thực thi các biện pháp áp thuế trả đũa với Mỹ trong vòng 90 ngày, tạo cơ hội cho đàm phán với Tổng thống Donald Trump.
Các phái đoàn của Nga và Mỹ đã tới thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự vòng đàm phán mới.
Trước những dấu hiệu Nga có thể phát động một đợt tấn công mới, Anh và Pháp đang đẩy nhanh kế hoạch triển khai lực lượng quốc tế tới Ukraine để giám sát bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày với các đối tác thương mại, trừ Trung Quốc. Động thái này diễn ra sau khi Nhà Trắng thông báo đã có hơn 75 quốc gia chủ động đàm phán với Mỹ để giải quyết các bất đồng thương mại toàn cầu.
Phía Trung Quốc kêu gọi Mỹ thể hiện thái độ thiện chí nếu muốn thúc đẩy đối thoại, bao gồm việc rút lại các biện pháp áp thuế đơn phương, thay vì sử dụng sức ép để tìm kiếm nhượng bộ.
Một sĩ quan trinh sát Ukraine được triển khai trong khu vực nói với CNN rằng, Moscow đã điều quân tiếp viện và thiết bị để chuẩn bị cho các cuộc tấn công mở rộng.
0