Đồng tiền nối liền lòng tin | Hà Nội tin mỗi chiều
Với tinh thần thương người như thể thương thân, ngay sau vụ hỏa hoạn thảm khốc xảy ra tại chung cư mini ở phố Khương Hạ, Hà Nội, một đợt quyên góp lớn đã được phát động nhằm hỗ trợ cho các nạn nhân và người nhà nạn nhân. Rất nhanh chóng hơn 130 tỉ đồng đã được quyên góp. Nhưng đến hôm nay, tiền của người cho chưa tới được người cần, vẫn đang ách tắc ở cơ quan chịu trách nhiệm phân bổ. Một công việc không quá khó, tưởng có thể thực hiện nhanh chóng, lại phải để đại biểu Quốc hội nhắc nhở.
Đại diện Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cho biết quy trình giải ngân là hoàn toàn đúng theo hướng dẫn tại Nghị định số 93 năm 2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo quy định này thì việc giải ngân sẽ được thực hiện trong vòng không quá 20 ngày kể từ ngày kết thúc quyên góp. Nếu tính từ thời gian kết thúc ủng hộ là ngày 16/10 thì đến ngày 6/11 là thời hạn chậm nhất giải ngân tiền ủng hộ.
Nghị định 93 năm 2021 được Chính phủ ban hành trong bối cảnh trước đó xảy ra khá là nhiều lùm xùm về hoạt động từ thiện. Nhưng người dân không mấy ai quan tâm đọc hay tìm hiểu về nghị định, họ chỉ biết đã gần hai tháng nay số tiền quyên góp đến bây giờ chưa được giải ngân. Những gia đình không may gặp nạn đều rất khó khăn, mất người, mất của, nhà cửa cháy hết, thì ngoài sự động viên về mặt tinh thần cần động viên cả về vật chất.
Số tiền 130 tỉ đồng ủng hộ nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ là tấm lòng, là sự đùm bọc của đồng bào với những người không may. Con số to thường gây ấn tượng nhưng con số nhỏ lại động lòng trắc ẩn. Số tiền nhỏ ấy có thể là khẩu phần ăn sáng mà ai đó đã cắt lại, là chắt chiu trong khả năng để dành cho người khó hơn mình. Gom góp thực đúng theo nghĩa “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, cảm động và đáng quý biết bao. Số tiền này thực sự sẽ mang lại nhiều ý nghĩa nếu như là việc phân phát, bàn giao cho nạn nhân, thân nhân của nạn nhân kịp thời.
Những năm gần đây, hoạt động từ thiện xã hội ở nước ta ngày càng lan tỏa rộng rãi và phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực cùng chính quyền giảm bớt khó khăn cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các địa phương còn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, thiếu điều kiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Ngoài đóng góp bằng giá trị vật chất to lớn, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hoạt động này còn góp phần truyền cảm hứng về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, thắt chặt tình đoàn kết trong nhân dân.
Thiên tai, lũ lụt hay dịch bệnh, nếu không có những tấm lòng thơm thảo của các nhà hảo tâm, các tổ chức đóng góp hỗ trợ thì những hoàn cảnh khó khăn chắc chắn sẽ càng khó khăn hơn khi mà ta đều biết nếu họ chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước thôi thì chưa đủ. Từ thiện là trao những thứ cần thiết vào đúng thời điểm người gặp nạn cần nhất chứ không đơn thuần chỉ là chuyện tặng quà.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng Tháp, các đơn vị liên quan cần xem xét để sớm giải ngân, đưa tận tay số tiền ủng hộ đến các nạn nhân và gia đình trong vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân. Nếu chi đúng đối tượng, với tâm trong sáng thì không sợ sai, và có thể dễ dàng phân bổ tiền quyên góp mà không cần phải quá cứng nhắc. Ngược lại, nếu chỉ sợ sai mà máy móc, thủ tục rườm rà dẫn đến không hỗ trợ hoặc không cứu người kịp thời thì ít nhiều mất đi ý nghĩa tốt đẹp của việc làm nhân ái. Tiền từ thiện đến đúng địa chỉ và kịp thời, công khai, minh bạch cũng là một cách khuyến khích người dân làm từ thiện nhiều hơn và từ đó lan tỏa việc làm này. Những quy định của pháp luật về làm từ thiện, một mặt cần chặt chẽ, mặt khác phải khuyến khích được hoạt động này./.


Hàng triệu người trẻ mới đây đã thức trắng đêm, mất ăn mất ngủ vì buổi phát sóng trực tiếp (livestream) trong đêm 28/3 về cuộc đối chất tình ái ồn ào của một nam streamer. Con số đó cho thấy sức hút khủng khiếp của chuyện đời tư người nổi tiếng đối với công chúng.
UBND thành phố Hà Nội vừa triển khai cơ chế “làn xanh”, yêu cầu xử lý hồ sơ trong 24 giờ cho 10 dự án trọng điểm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 8% trong năm 2025.
Thành phố Hà Nội đã quyết định lắp đặt thêm 3.700 camera AI. Đây chính là một bước đi quan trọng trong lộ trình xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh.
UBND Thành phố Hà Nội đã có quyết định giao hơn 70.500 m² đất cho quận Long Biên để thực hiện dự án xây dựng công viên, hồ nước, mở ra một không gian xanh cho người dân khu vực.
Những cảnh tượng quen thuộc như không kiên nhẫn vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng vút lên vỉa hè lại xuất hiện trên đường. Có phải một bộ phận người dân đã quên Nghị định 168? Phải chăng, luật chỉ là thứ để đối phó, thay vì tuân thủ? Nếu tình trạng "nhờn" luật này không được chặn đứng, liệu trật tự có thể được lập lại?
Hà Nội đang tính chuyện chuyển đổi toàn bộ taxi và xe cá nhân sang phương tiện xanh. Đây không chỉ là một bước đi tất yếu mà còn là một quyết định mang tính chiến lược cho tương lai của thủ đô.
0