Động đất tại Myanmar: Nguyên nhân và mức độ thảm họa
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, một trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã xảy ra vào sáng nay (28/3) tại miền trung Myanmar, gây ảnh hưởng đến thủ đô Bangkok (Thái Lan) và nhiều khu vực lân cận. Thảm họa này đã gây thiệt hại nghiêm trọng với nhiều tòa nhà bị sập, đường sá hư hỏng và số người thiệt mạng không ngừng gia tăng.
Chuyện gì đã xảy ra?
Theo USGS, trận động đất được ghi nhận tại Mandalay, Myanmar lúc 13:21 (giờ Việt Nam), ở độ sâu chỉ 10km. Do tâm chấn ở mức nông, sức tàn phá của trận động đất rất lớn, khiến nhiều công trình bị đổ sập và cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng. Các báo cáo ban đầu cho thấy, Myanmar đã ghi nhận ít nhất 20 người thiệt mạng, trong khi Thái Lan báo cáo 3 trường hợp thiệt mạng. Tuy nhiên, con số này vẫn đang tiếp tục tăng.

Giáo sư Bill McGuire, chuyên gia về địa vật lý và khí hậu tại Đại học University College London nhận định: “Chất lượng xây dựng ở khu vực này có thể không đủ vững chắc để chịu được mức độ rung lắc mạnh như vậy. Số thương vong chắc chắn sẽ tăng lên khi có thêm thông tin về quy mô thực sự của thảm họa”.
Nguyên nhân của trận động đất
Trận động đất hôm 28/3 xảy ra dọc theo đứt gãy Sagaing, một trong những đứt gãy lớn nhất trong cấu trúc địa chất của Cao nguyên Tây Tạng. Đứt gãy này hình thành khi tiểu lục địa Ấn Độ va chạm vào lục địa châu Á hàng chục triệu năm trước. Đây là một ranh giới kiến tạo nơi hai mảng địa chất di chuyển theo hướng ngược nhau với tốc độ khoảng 18 mm mỗi năm. Sự dịch chuyển này tạo ra sức căng tích tụ dọc theo đứt gãy và sau mỗi vài thập kỷ, nó được giải phóng dưới dạng một trận động đất lớn.
Ông McGuire giải thích: “Trận động đất xảy ra trên đứt gãy Sagaing - ranh giới giữa mảng Ấn Độ ở phía Tây và mảng Á - Âu ở phía Đông. Mảng Ấn Độ đang di chuyển lên phía Bắc dọc theo đứt gãy này so với mảng Á - Âu”.
USGS cũng cho biết, khu vực này từng ghi nhận nhiều trận động đất mạnh trong quá khứ. Kể từ năm 1900, đã có ít nhất sáu trận động đất lớn với cường độ từ 7 độ richter trở lên trong phạm vi 250km từ vị trí trận động đất lần này.

Lịch sử động đất tại Myanmar
Trận động đất hôm 28/3 có thể là trận động đất mạnh nhất từng xảy ra ở Myanmar trong thời hiện đại. Trận động đất lớn nhất trước đó là vào năm 1946, với cường độ 7,6 - 7,7 độ richter, cũng xảy ra dọc theo đứt gãy Sagaing. Đây cũng là trận động đất đầu tiên có cường độ từ 7,0 trở lên tại Myanmar kể từ năm 1991 khi một trận động đất 7,0 độ richter xảy ra cách đó khoảng 160km về phía Bắc.
Ngoài ra, một trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã từng xảy ra ngay bên kia biên giới Trung Quốc vào năm 1988, cách trận động đất lần này khoảng 320km về phía Đông, khiến 730 người thiệt mạng.
So sánh với trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023
Trận động đất tại Myanmar có mức độ rung lắc và tổn thất tương tự như trận động đất 7,8 độ richter tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023, thảm họa đã cướp đi sinh mạng của hơn 50.000 người. Theo USGS, trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến 750.000 người chịu rung lắc dữ dội, trong khi tại Myanmar, con số này lên tới 800.000 người. Đặc biệt, số người chịu rung lắc cấp độ 8-9 ở Myanmar lên tới gần 5 triệu, gấp đôi so với 2,7 triệu người của trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Liệu còn xảy ra động đất nữa không?
Theo ông McGuire, một dư chấn lớn đã xảy ra sau trận động đất chính và nhiều dư chấn khác có thể tiếp tục trong những giờ hoặc ngày tới. “Những dư chấn này có thể khiến các tòa nhà đã bị hư hỏng sụp đổ hoàn toàn, làm cho công tác cứu hộ trở nên nguy hiểm và khó khăn hơn”, ông cảnh báo.
Có thể dự đoán trước động đất không?
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể dự đoán chính xác thời điểm xảy ra động đất. “Chúng ta không thể dự đoán động đất”, giáo sư McGuire nhấn mạnh. “Tuy nhiên, có thể nói rằng, trận động đất này đã được dự báo từ lâu, vì nó xảy ra tại một phần của đứt gãy địa chấn chưa bị kích hoạt trong thời gian dài - được gọi là ‘khoảng trống địa chấn’”, giáo sư McGuire nói.

Tiến sĩ Roger Musson, nghiên cứu viên danh dự tại Cục Khảo sát Địa chất Anh cho biết, trận động đất tương tự gần đây nhất trong khu vực này xảy ra vào năm 1956.
“Vì đã rất lâu mới có một trận động đất lớn tại đây, các công trình xây dựng khó có thể được thiết kế để chống chịu lực địa chấn mạnh, dẫn đến mức độ thiệt hại và thương vong cao hơn”, ông nói.
Hiện tại, các lực lượng cứu hộ vẫn đang gấp rút triển khai công tác tìm kiếm và cứu trợ tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.


Sau 5 ngày có mặt tại Myanmar, Đội cứu hộ cứu nạn Công an Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và tình cảm đặc biệt cho người dân Myanmar.
Ông Yoon Suk Yeol đã gửi lời xin lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của đất nước và người dân, chỉ vài giờ sau khi bị tuyên bãi chức Tổng thống Hàn Quốc.
Myanmar và Thái Lan vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm thêm những người sống sót sau trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3.
Sự hỗ trợ của các phương tiện, kỹ thuật đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc cứu hộ, cứu nạn sau động đất tại Myanmar của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam.
Viên kim cương nặng 2,33 carat, có màu đỏ thẫm là một trong những loại đá quý hiếm nhất trên Trái đất, đã được bổ sung vào bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ.
Những kiệt tác hội họa mang tính biểu tượng như "Mona Lisa" của Leonardo da Vinci và “Tiếng thét” của Edvard Munch đã được chuyển đổi thành âm thanh, giúp người khiếm thị có cơ hội cảm nhận và đắm chìm trong nghệ thuật.
0