Điêu đứng vì vỡ hụi | Hà Nội tin mỗi chiều
Một vụ vỡ hụi mới xảy ra ở xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tổng số tiền tính đến thời điểm này đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Chủ của dây hụi này là bà Nguyễn Thị Thu Hường - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thái học. Người này trả lãi cho các thành viên góp hụi với mức lãi suất gần 20% mỗi tháng.
Trong số những người góp hụi, có trường hợp bà Phạm Thị Cố, một người có hoàn cảnh khó khăn nhất xã. Bà kể rằng: Vì tin chủ hụi là người địa phương, lại làm việc ở xã, nên tiền hỗ trợ hộ nghèo neo đơn và tiền đi nhặt ve chai được tổng cộng 5 triệu đồng mỗi tháng bà tiết kiệm từng đồng, nhặt từng quả bí hỏng, từng mớ rau ôi người ta vứt bỏ để mang về ăn, chi tiêu tằn tiện, chắt bóp tiền đưa cho chủ hụi. Đường dây hụi do Chủ tịch Hội phụ nữ xã cầm đầu đã hoạt động hơn 10 năm. Điểm khác biệt của đường dây này là chủ hụi huy động từ số tiền chỉ vài trăm nghìn đồng trong khi các đường dây khác đều huy động từ vài triệu đồng. Vì thế, số người tham gia rất lớn, gần như nhà nào trong xã cũng có người tham gia. Có người dân thậm chí đã đi vay tiền, hoặc huy động từ nhiều nguồn khác nhau để chơi hụi.
Khi chủ hụi tuyên bố không còn khả năng chi trả, cả làng quê Thái Học đã không còn bình yên. Số tiền mồ hôi nước mắt tích góp trong hàng chục năm để phòng khi ốm đau, hoạn nạn có thể mất trắng. Người dân không chỉ bức xúc, mà còn đặt ra nhiều nghi vấn về sự vỡ nợ bất thường này. Việc một cán bộ Hội phụ nữ xã làm trái các quy định đối với cán bộ, công chức và đảng viên, không chỉ gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, gây thiệt hại cho người dân mà còn ảnh hưởng tới cấp ủy và chính quyền địa phương.
Hay như ở Bình Thuận, hôm qua (26/10), Công an phường Phú Thủy, TP Phan Thiết cho biết, đang tiếp nhận hướng dẫn người dân làm đơn gửi các cơ quan chức năng liên quan đến vụ vỡ hụi mới nhất trên địa bàn lên tới 17,5 tỷ đồng. Tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Quảng Nam, Thái Bình, Nam Định, Đồng Nai… và ngay cả tại Thủ đô Hà Nội cũng xảy ra những vụ vỡ hụi. Chủ hụi có khi là người thân, người của các cơ quan, đoàn thể tại địa phương. Trong khi lãi suất ngân hàng hiện nay chỉ khoảng 7%/năm, khi tham gia hụi được nâng lên tối đa có thể là 20%/năm, tức gần gấp 3 lần lãi suất ngân hàng. Thậm chí, có những chủ hụi còn trả gấp hàng chục lần. Vì thế nhiều người xuôi theo lời mời gọi, dù cho thu nhập hàng tháng của họ chỉ có vài triệu đồng.
Chơi hụi là một hình thức tín dụng dân gian. Ban đầu nó là một hình thức góp vốn có ý nghĩa nhân văn thể hiện tinh thần tương trợ nhau trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo thời gian, việc chơi hụi ở một số nơi đã biến tướng, và cũng không loại trừ trường hợp chủ hụi ngay từ khi mở hụi đã có ý đồ lừa đảo. Họ dùng mánh khóe phô trương vật chất khiến những người chơi cứ tưởng họ là người giàu có. Các chủ hụi này, lúc đầu thường chia sòng phẳng lãi cao để kích thích lòng tham của người chơi hụi. Thực chất là lấy tiền của người trước trả cho người tham gia sau. Đến khi các con hụi tham gia chơi nhiều thì chủ hụi tuyên bố vỡ hụi, thậm chí bỏ trốn.
Luôn cảnh giác và có những hiểu biết để không bị cái lợi trước mắt hấp dẫn, dẫn đến cảnh trắng tay vì vỡ hụi. Đó là khuyến cáo đã được cơ quan chức năng nhiều lần nhấn mạnh. Theo Thiếu tá Đoàn Văn Linh, Phòng trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trước khi tham gia vào dây hụi (hay còn gọi là họ, biêu, phường) người dân nên chú ý tới 4 vấn đề:
Thứ nhất, nên tìm hiểu những vấn đề về quy định pháp luật cụ thể về lãi suất; quyền, trách nhiệm pháp lý của người tham gia. Thứ hai, cần tìm hiểu về thân nhân của người chủ hụi, các điều kiện kinh tế và các thông tin khác liên quan đến người trong dây hụi. Thứ ba, liên tục tìm hiểu về quy tắc hoạt động của dây hụi có tuân thủ theo quy định của pháp luật hay không? Và thứ tư, khi phát hiện thấy những dấu hiệu nghi vấn cần kịp thời báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để can thiệp. Bên cạnh đó, để có thêm tính ràng buộc và chủ động cần phải tăng thêm một số nội dung về sự giám sát của chính quyền địa phương đối với hoạt động tổ chức chơi hụi. Chỉ có như vậy mới bảo vệ được lợi ích hợp pháp của người chơi, đặc biệt là những người chơi yếu thế không có điều kiện tiếp cận với các văn bản pháp luật ./.


“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”. Lời thơ, lời ca ấy đã phần nào nói lên tình cảm kính yêu và niềm tự hào của nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một trong số rất nhiều ca khúc sẽ được vang lên trong chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Người là niềm tin tất thắng” do Đài Hà Nội thực hiện vào đúng ngày 19/5.
Covid-19 hiện đã được coi là bệnh lưu hành tại Việt Nam, bởi vậy chúng ta cần tiếp cận Covid-19 như một bệnh truyền nhiễm thông thường, không chủ quan nhưng cũng không cần hoang mang.
Thành phố Hà Nội đang nỗ lực để mùa tuyển sinh năm nay diễn ra suôn sẻ, công bằng và minh bạch hơn, với điểm đáng chú ý nhất là bám sát tiêu chí “học gần nhà”.
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa phát động một đợt cao điểm toàn quốc để truy quét hàng giả, hàng nhái, buôn lậu và gian lận thương mại.
Một nguyên Cục trưởng và bốn cán bộ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa bị khởi tố vì hành vi nhận hối lộ vào ngày 13/5. Những người từng được trao quyền bảo vệ sự an toàn cho bữa ăn của hàng triệu người, nay lại bị cáo buộc “bán rẻ” chính điều đó.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có một đề xuất thu hút sự quan tâm của dư luận: Bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS - hay quen gọi là bằng tốt nghiệp lớp 9. Vậy, không cấp bằng, liệu học sinh có được học tiếp không? Có bị thiệt thòi gì không?
0