Di dời các trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành | Hà Nội tin mỗi chiều
Không khó để nhận thấy rằng việc tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội trong những năm gần đây là do dân số cơ học tăng nhanh. Một phần nguyên nhân của tình trạng này do quy mô sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tăng mạnh. Do đó, việc di dời các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ra khỏi nội đô là vấn đề cấp bách không kém việc đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp ô nhiễm ra khỏi các khu dân cư.
Được coi là tuyến đường có mặt cắt ngang rộng nhất Hà Nội, nhưng vào giờ cao điểm tuyến đường Nguyễn Trãi lại luôn ở trong tình trạng ùn ứ, lộn xộn. Chỉ dài hơn 1km trên đoạn từ Nhà máy thuốc lá Thăng Long đến siêu thị Co.opmart đã phải “gánh” đến 7 trường ĐH lớn (ĐH KHXH&NV, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Hà Nội, Học viện An ninh, Học viện Bưu chính viễn thông…)
Bình quân mỗi trường ĐH ở thủ đô có khoảng 10.000 sinh viên (ĐH, sau ĐH và các loại hình đào tạo khác). Vào giờ cao điểm tất cả cùng đổ về cổng trường tham gia giao thông khiến tuyến đường luôn rơi vào tình trạng quá tải nặng nề. Tình trạng ùn tắc tương tự cũng xảy ra với nhiều tuyến phố, nút giao thông đang có nhiều trường ĐH, CĐ lớn như: tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy, tuyến đường Tây Sơn - Chùa Bộc, đường Giải Phóng, phố Chùa Láng.
Cách đây chục năm, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội (Bộ Xây dựng) đã đề xuất di dời một số trường đại học khỏi nội đô, nhưng đến nay chưa thực hiện được. Thiếu quỹ đất, nguồn lực, cơ chế, quyết tâm... là những nguyên nhân chính khiến đề xuất này chậm tiến độ.
Hà Nội hiện có 96 trường đại học, cao đẳng. Sớm nhìn ra áp lực dân cư khu vực này, từ năm 2010 - 2011, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội (Bộ Xây dựng) đã đề xuất di dời 12 trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô. Đến nay, mới có Trường Đại học Y tế Công cộng được di dời, 11 trường còn lại trong danh sách vẫn ở nguyên vị trí. Chuyện di dời còn nhiều ý kiến, quan điểm. Có người cho rằng, thủ đô các nước như Paris, Washington, London…vẫn duy trì trường đại học với mật độ và quy mô nhất định.
Ý kiến khác lại đưa ra vai trò dẫn dắt hệ sinh thái phát triển kinh tế - xã hội nên việc duy trì trường đại học tại Thủ đô một cách hợp lý cũng tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa. Do đó, việc di dời không nên cứng nhắc mà cần nghiên cứu giải pháp hài hòa giữa điều kiện và vai trò của giáo dục đại học và cao đẳng trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội Thủ đô.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc di dời các trường đại học ra khỏi nội thành sẽ phá vỡ cấu trúc nền kinh tế vi mô của các quận nội thành, tạo ra tác động rất lớn cư dân và các cơ sở sản xuất và kinh doanh trong nội thành. Khi các trường di dời ra khỏi nội thành thì số nhân công thời vụ và các khoản doanh thu do tiêu dùng của sinh viên mang lại cũng sẽ rời khỏi nội thành Hà Nội. Nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ sẽ phá sản vì mất đi khách hàng chính của mình mà hầu như không có cơ hội điều chỉnh hoạt động kinh doanh.
Chuyển các trường đại học từ nội đô ra ngoại thành xa cũng sẽ làm giảm cơ hội làm thêm của sinh viên dẫn đến sự hấp dẫn của các trường đại học Hà Nội sẽ giảm sút, sinh viên sẽ tìm kiếm cơ hội học tập và làm việc ở các thành phố khác. Các đối tác của các trường đại học cũng sẽ có điều chỉnh mối quan hệ nếu như khoảng cách đi lại sẽ trở thành hạn chế của việc triển khai các hoạt động hợp tác. Giảng viên cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thay đổi phương thức di chuyển, mất thời gian di chuyển và đảo lộn sinh hoạt gia đình. Các nhà cung cấp dịch vụ cũng sẽ tăng chi phí cung ứng dịch vụ và như vậy làm tăng khoản chi của các trường đại học.
Thực tế cho thấy, quy hoạch di dời để giảm tải cho trung tâm đô thị một cách hợp lý là việc cần làm. Hiện 4 quận lõi của thành phố Hà Nội có tới 26 trường đại học. Tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo là từ 55 đến 85 mét vuông đất/một sinh viên. Thế nhưng con số này ở nhiều trường nội đô chỉ là dưới 1m2. Để di dời trường đại học khỏi nội đô, thành phố Hà Nội đã bố trí quỹ đất ở các đô thị vệ tinh như Sóc Sơn, Sơn Tây, Gia Lâm, và Hòa Lạc… Quy hoạch chung là như vậy, nhưng quy hoạch chi tiết lại chưa có, thì các trường sẽ không có quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư chứ chưa nói đến lộ trình di dời. Đại học Quốc gia Hà Nội là một ví dụ về di dời khỏi nội đô. Hành trình này cũng mất tới 20 năm. Theo các chuyên gia, thiếu quỹ đất, thiếu nguồn lực, thiếu cơ chế là những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ.
Vấn đề đặt ra, để di dời trường đại học ra khỏi nội đô, cần xây dựng khu đô thị đại học đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng bộ về cơ sở vật chất và công nghệ; khuôn viên học tập và sinh hoạt được thiết kế hiện đại, thoáng đãng, kết hợp giữa không gian tự nhiên và tiện nghi. Sinh viên cần học tập trong môi trường đủ điều kiện về: Chỗ ở nội trú, học tập, thể dục thể thao, văn hóa, tham gia câu lạc bộ và đặc biệt phải đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự.
Một lãnh đạo trường đại học đã chia sẻ, trường có khuôn viên vô cùng chật chội trong khi quy mô tuyển sinh ngày càng tăng đã ảnh hướng lớn đến hoạt động đào tạo. Để phục vụ cho hoạt động giáo dục hiệu quả, chất lượng thì trường phải thuê nhiều địa điểm bên ngoài để dạy học. Thực tế, trường đại học nào cũng có mong muốn có cơ ngơi đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo. Nhưng việc này chưa thể thực hiện do việc cấp đất để di dời và nguồn kinh phí xây dựng trường mới vẫn đang là vấn đề nan giải, mà các trường không thể tự chủ.
Nhiều nhà giáo dục và quy hoạch đô thị cho rằng, di dời trường đại học ra khỏi nội đô không có nghĩa loại bỏ các trường đại học ở trung tâm, mà tiếp tục giữ lại cơ sở cũ làm nơi đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khởi tạo, khu vực học tập của sinh viên được chuyển lên cơ sở thứ hai./.


Trong một động thái cứng rắn nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Công điện yêu cầu các quận, huyện trên địa bàn kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, ao hồ, đất công trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính.
Giữa dòng chảy sôi động của đổi mới và hội nhập, Hà Nội đang dần khẳng định vị thế là một trong những điểm sáng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố then chốt cho sự bứt phá của Thủ đô trong tương lai.
“Bữa cơm ngon” không chỉ là chuyện vị giác. Với hàng nghìn suất ăn mỗi ngày tại các bếp ăn tập thể, “ngon” còn phải đi kèm với hai chữ “an toàn”. Nhưng giữa nhịp sống đô thị sôi động như Hà Nội, liệu có bao nhiêu bữa ăn đang thực sự được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng?
Thành phố Hà Nội đã công bố một kế hoạch quan trọng: tổ chức lại hệ thống khám chữa bệnh công lập theo ba cấp ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Đây là cách để người dân được khám đúng nơi, chữa đúng chỗ, mà không phải tất tả tìm kiếm, mỏi mòn chờ đợi.
Hà Nội – nơi những địa danh không chỉ đơn thuần là không gian, mà còn là ký ức, là thông điệp văn hóa của một thời kỳ. Trong số đó, Công viên Thống Nhất chính là một trong những biểu tượng như vậy – biểu tượng của niềm tin, của hòa bình và sự đoàn kết dân tộc.
Giữa bản hùng ca chiến thắng vĩ đại giành lại hòa bình, độc lập và thống nhất, Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng hiện lên như một dấu son rực rỡ với vai trò là "trái tim" của hậu phương lớn miền Bắc và là điểm tựa cho niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.
0