Đi chợ không cần đến túi nilon
Hà Nội đang đề ra lộ trình cho việc tiến tới không sử dụng túi nilon và các bao bì từ nhựa sử dụng một lần.
Lộ trình này của Hà Nội không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao chất lượng sống của người dân.
Thói quen dùng túi nilon khi mua bán
Nhiều người đi chợ thường yêu cầu đựng mỗi loại rau, quả vào một túi riêng. Có người xin thêm túi để xách hàng các loại vì sợ quai túi không chắc. Với "ưu điểm" gọn nhẹ, giá thành thấp, túi nilon đang là vật dụng quen thuộc của đông đảo người bán và người mua.
Từ chợ cóc, chợ dân sinh đến cửa hàng tạp hóa, nơi đâu cũng thấy cảnh người bán thoăn thoắt cho hàng vào túi: rau, thịt, cá, bánh trái… tất cả đều được gói ghém trong lớp nilon mỏng manh nhưng khó phân hủy suốt hàng trăm năm. Từ loại bé xíu đựng vài lạng đến loại to vài kg - chỉ cần khách hàng cần đến, người bán có ngay. Thực tế, gần như 100% các quầy hàng thực phẩm tươi sống đều "phụ thuộc" vào túi nilon, cho thấy một thói quen tiện lợi nhưng đang âm thầm tạo gánh nặng khổng lồ cho môi trường.
Gia đình anh Nguyễn Bá Tuấn Anh (phường Hà Đông, Hà Nội) đã buôn bán các sản phẩm đồ nhựa, túi nilon từ nhiều năm nay tại khu vực gần chợ Hà Đông. Nhu cầu mua bán của các tiểu thương trong chợ với những mặt hàng này rất lớn. Trước thông tin chợ và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố sẽ không còn được phép lưu hành, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học từ 1/1/2028, gia đình anh cũng tính sẽ thay đổi sản phẩm kinh doanh để tuân thủ quy định pháp luật.
Anh Tuấn Anh chia sẻ: "Túi nilon rẻ nên mọi người sử dụng nhiều. Túi giấy đắt hơn, các hộ khó buôn bán có lãi. Nếu cấm sử dụng túi nilon thì mình chuyển sang bán túi giấy, theo nhu cầu thị trường".
Một hộ kinh doanh sẵn sàng từ bỏ các hàng hóa vốn nuôi sống gia đình trong nhiều năm vì lợi ích chung của toàn xã hội, thì chắc chắn con đường tiến tới môi trường xanh, không gian sống sạch, sẽ không còn xa với người dân Thủ đô.
Chuẩn bị cho việc ngừng sử dụng túi nilon
Tại nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội, việc chuẩn bị ngừng sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa gây hại cho môi trường đang được triển khai thông qua việc dần thay thế bằng các vật liệu thân thiện với môi trường.
Tại cơ sở nhà khách Sơn La (phường Thanh Xuân, Hà Nội), toàn bộ chai nước bằng nhựa, đã được thay hoàn toàn bằng chai thủy tinh. Trước đây, với số lượng hơn 100 phòng đưa vào khai thác, nếu sử dụng chai nhựa thì một ngày có đến mấy trăm vỏ nhựa sẽ thải ra môi trường.
Chị Bùi Thị Tuyết - đại diện nhà khách Sơn La cho biết: "Trước đây, mỗi phòng bỏ tầm 2-3 chai nước nhựa sau khi sử dụng, thải ra ngoài rất nhiều. Sử dụng bình thủy tinh sẽ giảm chi phí, giảm độc hại ra ngoài môi trường, khách cũng cảm thấy rất hài lòng khi sử dụng như vậy".
Còn tại hệ thống siêu thị BRG, túi nilon phân hủy sinh học đã được sử dụng thay thế cho túi nilon thông thường từ lâu. Dù chi phí cao hơn, kéo theo giá bán sản phẩm có phần nhỉnh hơn, nhưng cách làm này vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng.
Mặc dù hiện nay, các sản phẩm thân thiện với môi trường vẫn có giá thành cao hơn sản phẩm nhựa nhưng với sự quyết tâm của các đơn vị kinh doanh dịch vụ, những sản phẩm thay thế đồ nhựa vẫn đang ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn, lan tỏa lối sống xanh, du lịch xanh tới cộng đồng.
Rác thải nhựa - mối đe dọa của hành tinh
Rác thải nhựa với tuổi thọ hàng trăm năm và đặc tính khó phân hủy đang gây ra thảm họa môi trường toàn cầu, đe dọa hệ sinh thái, sức khỏe con người và kinh tế biển. Hành động giảm thiểu rác thải nhựa và các giải pháp bền vững trở thành nhu cầu cấp bách để bảo vệ hành tinh.
Những núi rác khổng lồ, những nguồn nước bị phủ kín bởi chai lọ nhựa, đáy biển trôi nổi những chiếc lưới hay đường phố trở nên nhếch nhách... đều một phần do rác thải nhựa gây ra. Túi ni lông hay chai nhựa ra đời giúp cho cuộc sống của con người trở nên tiện lợi hơn, nhưng cũng kéo theo thảm họa về môi trường.
Ông Antonio Guterres - Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết: “Ô nhiễm nhựa đang bóp nghẹt hành tinh của chúng ta, gây hại cho hệ sinh thái, sức khỏe con người và khí hậu. Nó xâm nhập vào mọi ngóc ngách của Trái đất, từ đỉnh Everest đến đáy đại dương, từ não bộ con người cho đến sữa mẹ”.
Túi nilon và chai nhựa mang lại sự tiện lợi cho cuộc sống con người nhưng kéo theo thảm họa môi trường nghiêm trọng. Vào những năm 1950, sản lượng nhựa toàn cầu chỉ đạt 2 triệu tấn, nhưng sau 7 thập kỷ, con số này đã tăng gấp 200 lần và lên hơn 400 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, 80% lượng nhựa trở thành rác thải. Nhựa hầu như không thể phân hủy sinh học. Tuổi thọ của nó ước tính hơn 400 năm. Nhựa có trọng lượng rất nhẹ vì thế chúng dễ phân tán, làm gia tăng ô nhiễm môi trường.
Theo nghiên cứu, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa trôi ra đại dương, chiếm 80% tổng lượng rác thải biển. Đặc biệt, một "đảo rác" khổng lồ trên Thái Bình Dương với diện tích gấp 5 lần Việt Nam đang gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, ngành du lịch và sức khỏe cộng đồng. Rác thải nhựa làm tăng chi phí dọn dẹp môi trường và giảm giá trị kinh tế của các vùng biển. Dưới tác động của nước, muối và ánh sáng mặt trời, nhựa phân rã thành các hạt vi nhựa (có đường kính dưới 5mm), xâm nhập vào cơ thể các loài sinh vật biển, gây rối loạn quá trình trao đổi chất. Nhiều loài chim, động vật có vú và cá đã chết do nuốt phải nhựa. Đáng lo ngại hơn, các nhà khoa học đã phát hiện vi nhựa trong máu người với số lượng đáng báo động, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Không thể phủ nhận sự cần thiết của các sản phẩm nhựa nhưng việc hạn chế số lượng loại rác thải này là một vấn đề rất cấp bách. Tại nhiều quốc gia, việc phân phối túi nhựa miễn phí tại các cửa hàng đã bị cấm và cấm bán các loại ống hút nhựa, tăm bông nhựa, cốc nhựa và nhiều mặt hàng nhựa dùng một lần. Theo các nhà khoa học, tối ưu hóa thiết kế sản phẩm, tái sử dụng, tái sản xuất và giảm thiểu rác thải ngay từ đầu mới là giải pháp dài hạn, hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn bền vững.
Giáo sư Ali Abbas, Đại Học Sydney, Australia chia sẻ: "Có những bước quan trọng hơn mà xã hội chúng ta phải thực hiện, bao gồm thiết kế sản phẩm mới ở giai đoạn đầu, tái thiết kế, tái sản xuất và tái sử dụng. Quy trình này giúp chúng ta tạo ra ít rác thải hơn".
Trước khi tìm ra các giải pháp đột phá, mỗi hành động nhỏ của chúng ta như giảm sử dụng nhựa, tái chế và ủng hộ các giải pháp bền vững đều góp phần bảo vệ môi trường, gìn giữ hành tinh xanh cho các thế hệ mai sau.