Đậu phộng rang vào Nam ra Bắc

Có một món ăn dân dã đi cùng một người từ Bắc vào Nam. Nó mộc mạc mà đậm đà như tình quê, tình người. Đó là món lạc rang, hay gọi theo người miền Nam là món đậu phộng rang.

Đậu phộng rang là món tôi hay làm trong bữa cơm những ngày ăn chay. Chồng và con tôi đều thích. Còn tôi thì đỡ phải đau đầu suy nghĩ sao cho khẩu phần ăn phù hợp với một nhà ba người mà người ăn chay, người ăn mặn.

Nhà tôi thích nhất là đậu phộng rang mộc. Chẳng dầu, muối, chẳng mắm. Mộc nên nguyên vị. Rang vừa chín tới thơm lừng khắp phòng thì đổ ra bát, bỏ vỏ là ăn. Sau tôi phát hiện ra để nguyên vỏ, đến bữa ăn rồi mới bóc lại hay hơn. Chồng tôi bóc lớp vỏ lụa sạch sẽ, bỏ hạt đậu phộng trắng ngà vào thìa cơm của con, nựng: “ăn hết miếng cơm rồi ba cho thêm”. Con giơ bàn tay nhỏ xíu nhón một hạt, cũng cố bóc vỏ bỏ vào bát ba: “ba ơi, ngon nhắm”, cái giọng ngọng líu ngọng lô nghe sao mà thương. Bữa cơm chỉ có đậu phộng rang thôi mà ngập tràn tiếng cười.

Tôi là người Bắc vào Sài Gòn sống đã lâu. Người Bắc gọi đậu phộng là lạc. Tôi vào Sài Gòn nghe người ta gọi đậu phộng mãi thành quen. Ở Sài Gòn, người ta hay cho đậu phộng rang vào món ăn để làm tăng hương vị. Bánh tráng trộn, bánh tráng cuốn đã ngon nức nở thêm chút đậu phộng rang giòn thì đến người kén ăn như chồng tôi cũng phải gật gù tấm tắc. Bún, mì xào, nhất là mấy món gỏi mà thiếu đậu phộng rang thì chưa thể tròn vị. Ngày nóng oi ả, có một cốc nước me đá hột dẻo ngọt ngọt, chua chua, mát lạnh để giải khát thì còn gì bằng, nhưng cũng phải rắc thêm vài hạt đậu phộng rang mới chuẩn vị. Chả thế mà khi tôi bán hàng, gặp mấy chị khách sành ăn, kiểu gì mua đá me cũng nhắc cho thêm đậu phộng rang.

Nghĩ cũng lạ. Cái món ấy ăn vặt cũng được ăn cơm cũng ngon, ăn kèm cũng chẳng mất đi hương vị béo bùi. Nhiều hôm, tôi lấy nửa bát đậu phộng, mè đen rang thơm, dăm bảy hạt điều thế là có cốc sữa hạt vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe.

Người Sài Gòn nói đậu phộng là gọi trại từ âm gốc đậu phụng, phụng là phượng trong phượng hoàng, ý của người miền Nam muốn so sánh củ đậu phộng với con mắt của chim phượng. Còn về quê, tôi vẫn một tiếng “lạc”, hai tiếng “lạc”. Thuở còn thơ, người quê tôi nhà nào cũng có mảnh vườn, thửa ruộng để trồng lạc. Vụ đông sang vụ hè, những luống lạc xanh non bên đồi, bên sông, điểm những bông hoa vàng tươi như nắng, đẹp như bức tranh.

Bận học thì thôi chứ vào mùa thu hoạch, lũ trẻ chúng tôi lại hò nhau ra đồng. Người lớn cuốc đất, trẻ con thì bới củ, rũ đất rồi xếp lại thành đống. Khâu tước củ ra khỏi thân nhìn thì dễ, mà cứ làm liên tục, đôi bàn tay nổi đỏ ngần ngần, ran rát. Củ lạc phơi đủ nắng, khô giòn. Các bà các chị chiều chiều ngồi trò chuyện bên hiên nhà, trẻ con rảnh rỗi xem tivi, đều có thể tranh thủ bóc vỏ lấy hạt. Nhiều hôm chỉ hào hứng được lúc đầu, đến khi đau rần ngón tay thành ra lười biếng, tôi lấy vật cứng đập nát lớp vỏ bên ngoài. Đập không khéo, vỏ tách được thì hạt bên trong cũng vỡ luôn.

Người quê tôi hồi xưa hay ăn cơm chan nước rau muống luộc, bỏ thêm vài hạt lạc rang. Chiều hè oi ả, cầm cái liềm, cắp cái rổ rảo bước ra cánh đồng. Nhoắng một cái đã đầy rổ những ngọn rau xanh bời bợi. Đổ nước vào nồi thêm chút muối, luộc với lửa to. Nước luộc rau có màu xanh nhạt vắt chút chanh vào thì chuyển ngay sang màu xam xám. Ai biết cái vị chua thanh, bùi ngậy của bát cơm chan nước rau muống luộc ăn kèm lạc rang mộc ấy lại ngon đến vậy. Cái hương vị khó quên đó theo tôi cả những năm tháng học hành ở nước ngoài.

Mỗi lần về quê, các cô các bác lại dúi vào tay tôi ít quà mang đi dù tôi không thiếu thứ gì. Quà quê mang theo tình quê. Trong hành lý lên đường của chúng tôi, đầy ắp những trứng gà, đậu xanh, lạc… Mẹ chồng tôi thi thoảng vào thăm cũng thường mang đậu phộng làm quà cho con cho cháu. Những hạt đậu đều đặn, căng tròn từ thổ nhưỡng của mảnh đất xứ Huế hiền hòa, chắt chiu vào từng hạt đậu phộng vị đậm đà, ngọt thơm.

Mỗi lần mẹ mang đậu phộng vào, tôi lại lụi cụi rang. Lửa to, chảo mỏng một tí, lơ đễnh là hỏng luôn một mẻ. Phải đều tay, chuyên tâm, lửa cũng phải điều chỉnh nhỏ dần. Hạt nối hạt tí tách nứt vỏ, rang vừa chín tới thì đổ ra rổ có bọc thêm tờ báo, để nguội thì hạt sẽ dần trở nên giòn và bùi hơn.

Giờ có nồi chiên không dầu, chị em nội trợ chẳng cần tốn thời gian, nhưng tôi vẫn thích tự tay rang đậu phộng hơn. Vừa đảo vừa đoán, thỉnh thoảng lại gọi chồng tạt ngang qua thử xem đậu phộng đã chín hay chưa. Hạt đậu hôi hổi trên tay, xuýt xoa “nóng quá”, rồi chồng nửa hạt vợ nửa hạt chuyện trò rôm rả.

Chỉ một món ăn dân dã, chân chất vậy  mà bao năm qua theo tôi từ Bắc vào Nam. Nó mộc mạc mà đậm đà hệt như tình quê, tình người. Để rồi, dẫu có đi xa, cứ nhớ, cứ thương mãi./.

Nhung Phạm

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hoa ngâu - loài hoa đặc biệt bởi chẳng có cánh mà hoa cứ tròn như hạt, như nụ. Bởi vậy mà các cụ cao niên thường gọi là nụ ngâu, chứ không gọi là hoa ngâu. Những bông hoa nhỏ xíu và chúm chím như nụ cười duyên của nàng thôn nữ.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng Gạ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã được phù sa của sông Hồng bồi đắp, bởi vậy, lúa nếp làng Gạ rất thơm, nấu xôi đặc biệt ngon. Nhắc đến xôi Phú Thượng là nhắc đến một chất xôi ngon, dẻo, hòa quyện với đỗ lạc và đến nay, làng nghề này vẫn giữ được nghề làm xôi truyền thống.

Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.

Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.

Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.

Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.