Đánh giá cán bộ công chức không chỉ bằng KPI
Đây là ý kiến của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại thảo luận tổ Yên Bái ở Quốc hội diễn ra chiều 7/5 khi bàn về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Tuy nhiên tại tổ Hà Nội, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng chỉ dựa trên KPI là chưa đủ.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết công chức sẽ được xếp loại theo bốn mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình đánh giá dựa trên kết quả, sản phẩm công việc theo vị trí đảm nhiệm, mức độ đáp ứng yêu cầu và đạo đức công vụ.

Theo Bộ trưởng, sau khi Quốc hội thông qua dự thảo luật, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định riêng về việc đánh giá công chức. “Khi áp dụng phương pháp mới, việc đánh giá trở nên rất đơn giản. Công chức làm gì, hoàn thành như thế nào, bao nhiêu sản phẩm - tất cả đều được lượng hóa và dùng làm dữ liệu đầu vào. Đây là thước đo rõ ràng, minh bạch”.
Người đứng đầu ngành nội vụ cũng thông tin thêm, việc đổi mới phương thức đánh giá nhằm xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời": vào biên chế sẽ không đồng nghĩa với việc "ngồi chắc, không ra". Do vậy “cần hai công cụ chính là đánh giá theo vị trí việc làm và áp dụng cơ chế hợp đồng đối với chuyên gia, nhà khoa học và các chức danh đặc thù khác. Cơ chế hợp đồng cũng là cách làm phổ biến ở nhiều nước tiên tiến. Họ không duy trì biên chế cứng như ta mà linh hoạt trong tuyển dụng, quản lý và đánh giá".
Cũng liên quan tới đánh giá cán bộ công chức, tại tổ Hà Nội, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể việc áp dụng cơ chế đánh giá định kỳ dựa trên KPI. Tuy nhiên, việc này là chưa đủ mà cần lấy ý kiến phản hồi từ người dân và doanh nghiệp, làm cơ sở cho các khâu khác trong công tác cán bộ để đảm bảo sự khách quan và minh bạch.
Đại biểu Hà Nội cũng đề nghị rà soát, hoàn thiện các quy định bảo đảm quyền lợi và động lực cho cán bộ, công chức, trong đó có chính sách lương, thưởng công bằng, gắn với hiệu suất và điều kiện làm việc. “Nhiều nước trong khu vực đã áp dụng chính sách lương, thưởng theo hiệu suất công việc KPI hằng năm. Để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, chúng ta cũng nên áp dụng chính sách này”, đại biểu Tạ Đình Thi nói.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) từng đề xuất áp dụng KPI và đánh giá định kỳ cán bộ, công chức theo chu kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm. Những người hoàn thành xuất sắc sẽ được tặng thưởng, bằng khen, đề bạt, thăng chức phù hợp với mức độ đóng góp.
Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), kết quả đánh giá sẽ được lưu vào hồ sơ, thông báo đến cá nhân và công khai trong đơn vị công tác. Đây là căn cứ để sử dụng, bố trí, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức. Mục tiêu là sàng lọc, loại bỏ những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trường hợp công chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan quản lý có thể điều chuyển sang vị trí có yêu cầu thấp hơn hoặc cho thôi việc. Nếu hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, công chức sẽ bị buộc thôi việc. So với quy định hiện hành, đây là bước thay đổi đáng kể. Hiện nay, công chức chỉ bị cho thôi việc sau hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ; đối với công chức lãnh đạo, nếu không hoàn thành hai năm trong một nhiệm kỳ sẽ bị bố trí lại công việc khác hoặc không được bổ nhiệm lại.
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cũng nêu rõ, một trong các nội dung tập trung sửa đổi lần này là Chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Theo đó, quy định rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức; bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bố trí vào vị trí việc làm nào thì xếp vào ngạch công chức tương ứng, gắn với năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ, qua đó giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo động lực phấn đấu thực chất cho cán bộ, công chức.


Công an tỉnh Lạng Sơn vừa bắt giữ đối tượng Lê Việt Hùng sinh năm 1987 trú tại phường Hoàng Văn Thụ thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội sẽ được khai trương và đi vào hoạt động vào ngày 9/5/2025. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược đổi mới công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả phối hợp thông tin giữa chính quyền thành phố với báo chí và công chúng.
Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an cho biết, thực hiện kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Bộ Công an đã tích hợp tính năng lấy ý kiến góp ý thông qua ứng dụng VNeID.
Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) đã phối hợp truy bắt thành công đối tượng trộm cắp xe máy hàng loạt trên địa bàn thành phố Hà Nội và đang tiếp tục hoàn tất hồ sơ, khởi tố vụ án.
Tài xế Nguyễn Văn Tư bị khởi tố bị can, tạm giam sau vụ lật xe khách 29 chỗ trên đèo Tam Đảo khiến bốn người chết và nhiều người bị thương.
Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao kiến nghị nếu người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm, thời hạn để xem xét tối đa là một năm.
0