Đàm phán Mỹ-Iran về hạt nhân đối diện nhiều khó khăn
Giống như vòng đàm phán đầu tiên diễn ra tại Oman cách đây một tuần, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi sẽ đàm phán gián tiếp với đặc phái viên về Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Witkoff, thông qua các nhà trung gian từ Oman. Phát biểu ngày 18/4, ông Abbas Araqchi bày tỏ tin tưởng vào khả năng đạt được thỏa thuận với Mỹ về chương trình hạt nhân nếu Mỹ không đưa ra những yêu cầu phi thực tế.
Ông Abbas Araqchi - Bộ trưởng Ngoại giao Iran cho hay: “Con đường ngoại giao vẫn rộng mở và có thể đạt được thỏa thuận thông qua các cuộc đàm phán gián tiếp. Chúng tôi đã thấy một mức độ nghiêm túc nhất định trong vòng đàm phán đầu tiên từ phía Mỹ ở Oman. Nếu họ sẵn sàng thảo luận về vấn đề hạt nhân và chỉ vấn đề hạt nhân trong một loạt các cuộc thảo luận nghiêm túc thì chúng tôi có thể tiến xa hơn nữa hướng tới một cuộc đối thoại mang tính xây dựng”.
Tuy nhiên, Tehran cũng tìm cách dập tắt kỳ vọng về việc hai bên có thể nhanh chóng đạt được một thỏa thuận, sau khi một số quan chức Iran suy đoán rằng, các lệnh trừng phạt chống nước này khó có thể sớm được dỡ bỏ. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trong tuần này cũng nói rằng ông “không quá lạc quan”.
Trong khi đó, đáp lại tuyên bố của Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, ông mong muốn Iran trở nên vĩ đại, thịnh vượng song phản đối việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân: “Tôi ủng hộ việc ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Họ không thể có vũ khí hạt nhân”.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, vòng đàm phán thứ hai giữa Mỹ và Iran tại Italy có thể dẫn đến khuôn khổ cho tiến trình đàm phán tương lai về một thỏa thuận nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán hạt nhân có thể kéo dài và khó khăn do các bên đều có những yêu sách riêng.
Theo một nguồn tin ngoại giao cấp cao của Iran, tại vòng đàm phán trước đó ở Oman, Iran đã bày tỏ quan điểm với Mỹ về việc sẵn sàng chấp nhận một số giới hạn đối với các hoạt động làm giàu urani. Tuy nhiên, Iran cần nhận được sự đảm bảo chắc chắn rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không lặp lại hành động rút khỏi thỏa thuận hạt nhân như hồi năm 2018. Phía Iran cũng đã định ra các “lằn ranh đỏ” không thể thỏa hiệp theo yêu cầu của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei - bao gồm không chấp nhận tháo dỡ các máy ly tâm làm giàu urani, không dừng hoàn toàn quá trình làm giàu urani hoặc thu hẹp quy mô của kho urani làm giàu xuống mức thấp hơn so với con số được đưa ra trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ngoài ra, Iran cũng sẽ không đàm phán về chương trình tên lửa mà nước này coi là nằm ngoài phạm vi của thỏa thuận hạt nhân.
Trong khi đó, tại vòng đàm phán thứ hai, ngoài việc yêu cầu Iran chấm dứt chương trình hạt nhân, Mỹ rất có thể sẽ yêu cầu Iran ngừng chương trình tên lửa đạn đạo và chấm dứt chính sách hỗ trợ các lực lượng dân quân trong khu vực để đổi lại việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Theo giới quan sát, trong bối cảnh quan điểm của hai bên vẫn còn cách xa nhau, kết quả của đàm phán sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ yêu cầu gì và Iran sẵn sàng nhượng bộ đến mức nào.


Quân đội Nga vừa hạ thêm ba bệ phóng MLRS M142 HIMARS được trang bị tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp cho Ukraine bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết việc nước này chậm chuyển giao tên lửa ATACMS tầm xa cho Ukraine trong giai đoạn năm 2022 - 2023 không phải do lo ngại xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn cầu, mà là vì tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng loại khí tài này trong kho vũ khí của Mỹ.
Lực lượng vũ trang Iran đã tổ chức diễu binh trên phạm vi toàn quốc để kỷ niệm Ngày Quân đội vào ngày 18/4.
Việc Mỹ rút quân khỏi Syria phản ánh sự thay đổi môi trường an ninh ở quốc gia này kể từ khi Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ vào tháng 12/2024, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tòa án Tối cao Mỹ đã ban hành lệnh tạm hoãn trục xuất nhóm người nhập cư đến từ Venezuela.
Giới chức Israel cho biết, nước này không loại trừ khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran trong những tháng tới, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây lưu ý với Thủ tướng Israel Netanyahu rằng, Mỹ hiện không muốn ủng hộ động thái như vậy.
0