Đã đến lúc cần đề xuất cấm ô tô dừng, đỗ ở phố cổ | Hà Nội tin mỗi chiều
Đề xuất cấm ô tô dừng, đỗ ở phố cổ không chỉ là một quyết định về giao thông, mà còn là lời khẳng định cho một lựa chọn: giữ lại không gian sống – hay đánh đổi để nhường chỗ cho phương tiện?
Khu vực phố cổ có hạ tầng cũ kỹ, đường phố hẹp, mật độ dân cư cao – trong khi số lượng ô tô cá nhân tăng nhanh. Nhiều tuyến phố, đặc biệt là các phố chỉ rộng vài mét, đang rơi vào tình trạng bị xe cá nhân dừng, đỗ lấn chiếm trắng trợn. Kết quả là giao thông tắc nghẽn, người đi bộ mất lối, an toàn cháy nổ bị đe dọa, không gian văn hóa bị bóp nghẹt.
Vì thế, đề xuất cấm dừng, đỗ xe ô tô không phải chỉ nhằm giảm xe, mà là giải pháp tổng thể để bảo vệ một không gian sống đang bị quá tải. Đây là cách để làm rõ giới hạn cuối cùng mà phố cổ có thể chịu đựng.
Đề xuất này cần được ủng hộ, bởi vì:
Thứ nhất, phố cổ là không gian đặc biệt – với giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa tích tụ qua nhiều thế kỷ. Nếu không có sự bảo vệ chủ động, không gian này sẽ không thể gìn giữ không vì bị phá bỏ, mà vì bị “bóp nghẹt” bởi sự vận hành thiếu kiểm soát của đô thị hiện đại.
Thứ hai, phương tiện giao thông cá nhân – đặc biệt là ô tô – không thể mãi là ưu tiên số một trong mọi quyết định quy hoạch. Một chiếc xe chỉ chở vài người nhưng chiếm diện tích gấp hàng chục lần một người đi bộ – vậy có công bằng không khi đường phố bị “nhường” hết cho xe?
Thứ ba, việc cấm dừng, đỗ là cách để mở rộng tuyến phố đi bộ – điều mà quận Hoàn Kiếm từng thực hiện rất hiệu quả tại khu vực hồ Gươm, Hàng Đào – Đồng Xuân. Nhưng để kết nối các tuyến phố đi bộ thành mạng lưới liên hoàn, bắt buộc phải “dọn dẹp” phương tiện cá nhân khỏi những tuyến phố hẹp, ngõ nhỏ.
Tuy nhiên, cấm dừng, đỗ ô tô ở phố cổ nếu được thông qua - không thể chỉ là một mệnh lệnh hành chính. Muốn chính sách có hiệu quả, cần đi cùng một tư duy quản trị mềm, khoa học và có lộ trình. Một vài ý kiến đóng góp của các chuyên gia về vấn đề này khá hợp lý, như: quận Hoàn Kiếm cần tổ chức lại không gian giao thông, quy hoạch bãi đỗ xe vệ tinh ở rìa khu phố cổ, đầu tư hệ thống xe buýt nhỏ, xe điện trung chuyển. Quận cũng cần xây dựng cơ chế linh hoạt cho cư dân: cấp phép theo khung giờ, bố trí điểm đỗ ngắn hạn cho giao hàng, xe chở người già/trẻ nhỏ. Đặc biệt, quận phải truyền thông tốt, lấy ý kiến người dân, để tạo sự đồng thuận. Không thể “ép” người dân thay đổi, mà phải thuyết phục họ cùng gìn giữ không gian sống mỗi ngày.
Nhìn ra thế giới, các thành phố di sản như Florence (Ý), Kyoto (Nhật Bản) hay Barcelona (Tây Ban Nha) đều đã đi trước chúng ta bằng những chính sách giao thông mạnh mẽ.
Ở Florence, trung tâm phố cổ được phân vùng hạn chế giao thông. Du khách buộc phải gửi xe bên ngoài, cư dân được cấp phép theo giờ. Không gian đi bộ trở thành “đặc quyền” của người dân và du khách. Trong khi đó, Kyoto giới hạn phương tiện bằng hệ thống biển báo thông minh, kèm theo mạng lưới xe buýt nhỏ, tiện lợi và đúng giờ. Việc này khiến người dân không còn nhu cầu sử dụng ô tô trong nội đô. Còn Barcelona áp dụng mô hình “superblock” – nơi xe ô tô không được đi vào các khu dân cư, mà phải dừng ở ngoài rìa. Bên trong, người đi bộ, xe đạp, cây xanh và sân chơi công cộng tạo nên một môi trường sống đúng nghĩa.
Những thành phố đó đều chọn con người – chứ không chọn xe – làm trung tâm trong quy hoạch, và họ đã thành công. Phố cổ Hà Nội cần được sống đúng nghĩa là một “di sản sống”. Nhưng để không gian ấy thực sự sống – cần dũng cảm thay đổi. Có thể khó lúc đầu, có thể bất tiện, nhưng nếu cứ tiếp tục để xe đỗ tràn lan, lối đi bị chiếm, ký ức bị làm mờ – thì thứ chúng ta mất đi không chỉ là không gian, mà là văn hóa.


Chủ tịch nước Lương Cường bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đến Lào; Tự hào, biết ơn những đóng góp, hy sinh cho hòa bình Tổ quốc; Hà Nội: Kiện toàn Ban chỉ đạo và Tổ thường trực Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn; Ông Trump và ông Zelensky khẩu chiến về Crimea, đàm phán thêm trắc trở;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình hôm nay.
Trong những trang nhật ký nhòe mực và chi chít nét bút chì, người lính trẻ Lữ đã kể lại những khoảnh khắc khắc nghiệt và đầy cảm động nơi chiến trường. Giữa núi rừng miền Trung khốc liệt, tình bạn, lòng quả cảm và nỗi đau chiến tranh đan xen thành một mạch cảm xúc day dứt. Một trong những người bạn chiến đấu để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng anh chính là Kim - chàng trai người Vân Kiều có đôi mắt sáng, giọng nói lơ lớ và một quá khứ đau thương sau cuộc càn quét tàn bạo của quân Mỹ.
Độc đáo kiến trúc từ vật liệu tái chế; Nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Phạm Tu đã được điều chỉnh; Vi phạm trật tự đô thị trên phố Vũ Thạnh;... là những nội dung đáng chú ý trong bản tin hôm nay.
Đình Phú Gia - một ngôi đình cổ kính của phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, được xây dựng từ lâu đời, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của nơi đây. Đình làng không chỉ là một công trình kiến trúc đơn thuần mà còn là nơi phản chiếu đời sống tâm linh, niềm tin và bản sắc văn hóa của cộng đồng ở khu vực.
Những ngày này, nhiều người đang quan tâm đến các lực lượng tham gia các khối diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi thành viên của đoàn diễu binh, diễu hành là hiện thân của lòng yêu nước nồng nàn, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là biểu tượng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Xe buýt hoạt động dịp nghỉ lễ theo biểu đồ ngày thường; Nhà xe tăng chuyến, cam kết không tăng giá vé; Cấm xe tải vào nội đô TP. HCM trong ba ngày;... là một số nội dung đáng chú ý trong chương trình hôm nay.
0