Cựu Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc được đề nghị cho hưởng án treo
Sáng 14/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cùng 26 bị cáo khác trong vụ đất hiếm chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Theo đó, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (Điều 219 - Bộ luật Hình sự); bị cáo Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thái Dương) bị đề nghị từ 12-15 năm tù về ba tội: “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” (theo quy định tại Điều 227 - Bộ luật Hình sự), “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” (theo quy định tại Điều 221 - Bộ luật Hình sự), “Gây ô nhiễm môi trường” (theo quy định tại Điều 235 - Bộ luật Hình sự).

Cùng với cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, trong vụ án này còn có 6 bị cáo khác đều là cựu lãnh đạo, nhân viên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cũng bị truy tố về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” gồm Nguyễn Văn Thuấn (sinh năm 1955, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường) bị Viện Kiểm sát đề nghị từ 5-6 năm tù; Hoàng Văn Khoa (sinh năm 1957, cựu Vụ trưởng Vụ Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Hồ Đức Hợp (sinh năm 1964, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái) đều bị đề nghị từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm 6 tháng tù; Lê Duy Phương (sinh năm 1959, cựu Chuyên viên chính Vụ Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường) 4-5 năm tù; Lê Công Tiến (sinh năm 1982, cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái) 30-36 tháng tù; Bùi Đoàn Như (sinh năm 1973, cựu Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái) 24-30 tháng tù.
19 bị cáo khác gồm: Nguyễn Văn Chính (sinh năm 1960, Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty Thái Dương) bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 8-10 năm tù; Lưu Anh Tuấn (sinh năm 1974, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam) 16-18 năm tù; Đỗ Hạnh Hương (sinh năm 1979, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam) 6-7 năm tù; Phạm Thị Yến (sinh năm 1986, nhân viên xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam) 5-6 năm tù; Trương Thị Hiển (sinh năm 1987, nguyên Kế toán Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam) bị đề nghị mức hình phạt bằng với thời gian bị tạm giam; các bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 8 năm tù về các tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Gây ô nhiễm môi trường”, “Buôn lậu”, “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Bản luận tội nêu rõ, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh, xuất khẩu khoáng sản quặng đất hiếm và Cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm cấp, gia hạn, thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản.
Đất hiếm là một loại khoáng sản chiến lược có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp hiện đại. Vì vậy, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, quy hoạch và kế hoạch nhằm phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản quặng đất hiếm một cách bền vững và hiệu quả.
Mặc dù quy định của pháp luật cũng như chỉ đạo của Chính phủ chặt chẽ như vậy, nhưng các bị cáo trong vụ án này vẫn không chấp hành mà còn cố ý thực hiện những sai phạm.
Cụ thể, sau khi được cấp Giấy phép số 927 ngày 13/6/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quá trình khai thác khoáng sản, bị cáo Đoàn Văn Huấn đã chỉ đạo Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Quang Mạnh thực hiện việc khai thác không đúng Luật Khoáng sản 2010, Nghị định 158 của Chính phủ và nội dung Giấy phép số 927.
Các bị cáo đã tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép với số lượng 10.292.529 kg quặng đất hiếm, thu được số tiền hơn 736 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát xác định, trong vụ án này bị cáo Huấn chịu trách nhiệm chính đối với hành vi vi phạm quy định về khai thác tài nguyên, còn bị cáo Chính và Mạnh giữ vai trò giúp sức. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát đã phân hóa bị cáo Mạnh có vai trò thấp hơn bị cáo Chính trên cơ sở hành vi thực hiện của từng bị cáo.

Đối với các bị cáo có hành vi buôn lậu, Lưu Anh Tuấn là người giữ vai trò chính và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hậu quả hàng hóa buôn lậu là hơn 379 tỷ đồng. Bị cáo Hương phải chịu mức hình phạt cao hơn bị cáo Yến và bị cáo Hậu là nhân viên thực hiện hành vi sai phạm theo chỉ đạo.
Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, công tố viên đã ghi nhận lời khai của các bị cáo Nguyễn Linh Ngọc, Nguyễn Văn Thuấn, Hoàng Văn Khoa, Lê Duy Phương về bối cảnh khi các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, là do sự có thay đổi của hệ thống pháp luật cũng như chỉ đạo của Chính Phủ nên hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương bị tạm dừng.
Đến khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 thì các hồ sơ xin cấp phép đã nộp trước đó được ưu tiên giải quyết, không để hồ sơ tồn đọng.
Trước áp lực đó, các bị cáo cũng muốn giải quyết nhanh chóng, tránh bị hiểu lầm gây phiền hà cho doanh nghiệp. Mặc dù biết rõ hồ sơ của Công ty Thái Dương chưa đủ điều kiện nhưng vẫn tham mưu, đề xuất để Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc ký Giấy phép 927, cấp phép cho Công ty Thái Dương...
Sau khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội, các bị cáo, các luật sư bào chữa đã đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ nhằm giảm nhẹ mức độ, hậu quả hành vi vi phạm của các bị cáo.
Theo TTXVN


Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trên địa bàn huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình với những việc làm cụ thể, thiết thực.
"Phân cấp, phân quyền phải đi liền với tăng kiểm soát và giám sát" là nội dung được nhiều đại biểu đề cập khi thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật chính quyền địa phương (sửa đổi).
Bộ Xây dựng vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch sân bay Long Thành.
Hội đồng Chung khảo Cuộc thi viết về đề tài "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới" lần thứ 4 (2024-2025) đã thống nhất lựa chọn 30 tác phẩm xuất sắc trình Ban Tổ chức quyết định trao 03 loại giải.
Quận ủy Hai Bà Trưng sáng 14/5 đã tổ chức lễ trao Huy hiệu Đảng đợt 19/5 cho 440 đảng viên.
Quận ủy Long Biên sáng 14/5 đã trao tặng Huy hiệu Đảng cho 464 đảng viên đợt 19/5.
0