Cuộc điện đàm Trump - Putin: Những tín hiệu đáng mong chờ
Tín hiệu tích cực trong quan hệ Nga - Mỹ
Trong bài đăng trên Truth Social, Tổng thống Trump mô tả cuộc gọi với Tổng thống Putin là "kéo dài và cực kỳ hiệu quả", đồng thời cho biết hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, bao gồm Ukraine, Trung Đông, trí tuệ nhân tạo và các mối quan hệ song phương.
Ông Trump tuyên bố hai bên đã đồng ý "hợp tác chặt chẽ, bao gồm cả việc đến thăm đất nước của nhau". Ông Trump nhấn mạnh trong bài viết: "Chúng tôi đã nói về sức mạnh của các quốc gia tương ứng của mình và lợi ích to lớn mà một ngày nào đó chúng tôi sẽ có được khi hợp tác với nhau".
Cuộc điện đàm là hình thức tiếp xúc cấp cao chính thức đầu tiên giữa Moscow và Washington kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào ngày 20/1. Trước đó, mặc dù có nhiều đồn đoán về các cuộc gọi điện thoại giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin, nhưng chưa có thông tin chính thức nào được công bố.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng xác nhận, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump, trong đó nhấn mạnh về việc hợp tác giữa hai nước.
"Tổng thống Nga cũng ủng hộ một trong những luận điểm chính của nguyên thủ quốc gia Mỹ rằng đã đến lúc hai nước chúng ta phải hợp tác với nhau. Trong cuộc trò chuyện, các chủ đề về giải quyết vấn đề Trung Đông, chương trình hạt nhân của Iran, cũng như quan hệ song phương Nga - Mỹ trong lĩnh vực kinh tế đã được thảo luận".
Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin, Nga
Ông Peskov cũng cho biết: "Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đồng ý tiếp tục các cuộc tiếp xúc cá nhân, bao gồm cả việc sắp xếp một cuộc gặp mặt trực tiếp". Tổng thống Putin đã mời ông Trump đến thăm Moscow. Ông Trump cũng đã đề xuất Ả rập Xê út là nơi tổ chức cuộc gặp đầu tiên giữa ông và ông Putin trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Các chính trị gia Nga hầu hết cũng có thái độ tích cực từ về cuộc đối thoại được mong đợi từ lâu giữa hai tổng thống Mỹ và Nga. Dù không ai coi đây là một bước đột phá, nhưng đa số đều tin rằng, đối thoại vẫn là điều tốt hơn là không có bất kỳ cuộc trao đổi nào. Tuy nhiên, một chặng đường dài vẫn còn ở phía trước, khi các quan chức Nga cho rằng, những người tiền nhiệm của Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm trước việc làm quan hệ Nga - Mỹ xấu đi trong thời gian qua.
Sau cuộc điện đàm, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết, còn quá sớm để xác định khả năng Tổng thống Trump sẽ thăm Nga hoặc những điều kiện cần thiết để điều đó xảy ra. Bà Leavitt cho biết, Nhà Trắng coi Nga là đối thủ, tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump luôn nỗ lực duy trì quan hệ ngoại giao tốt với các nhà lãnh đạo thế giới. Nhà Trắng cho biết các cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine là “rất tích cực”, đồng thời khẳng định cam kết của Mỹ trong việc chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Tờ New York Times nhận định, đối với Tổng thống Putin, cuộc điện đàm là một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự sụp đổ của những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga về mặt ngoại giao sau khi xung đột Ukraine nổ ra ba năm trước. Kể từ khi ông Trump tái đắc cử vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Nga đã gửi lời chúc mừng cho ông Trump, đồng thời nhấn mạnh hy vọng của Điện Kremlin rằng nhà lãnh đạo mới của Mỹ có thể định hình lại mối quan hệ của Moscow với Washington và ngừng hỗ trợ Ukraine.
Cuộc điện đàm giữa hai tổng thống diễn ra một ngày sau khi Nga đồng ý thả một giáo viên người Mỹ bị giam giữ 3 năm qua để đổi lấy việc Mỹ trao trả một tội phạm mạng bị kết án cho Nga, sau khi đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Trump, ông Steve Witkoff đích thân bay đến nước này để đàm phán. Các nhà quan sát nhận định, động thái này sự thể hiện thiện chí của Nga và là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang đi đúng hướng trong việc cải thiện quan hệ với Nga.
Sự khởi đầu cho các cuộc đàm phán hòa bình
Một nội dung chính trong cuộc điện đàm giữa hai vị Tổng thống và cũng là nội dung được dư luận thế giới quan tâm là việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine. Cả hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng, họ muốn ngừng xung đột và “ngăn hàng triệu người thiệt mạng trong xung đột Nga và Ukraine". Ông Trump tuyên bố muốn ngay lập tức bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Đây được xem là bước đi quan trọng của ông Trump, người từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của mình rằng sẽ chấm dứt xung đột Ukraine "trong 24 giờ" sau khi nhậm chức.
Sau cuộc điện đàm, cả hai vị Tổng thống đều xác nhận mong muốn giải quyết xung đột Ukraine bằng giải pháp hòa bình.
"Tổng thống Putin đã nói rằng ông ấy muốn xung đột kết thúc. Ông ấy không muốn tạm dừng rồi lại tiếp tục chiến đấu sau 6 tháng. Chúng tôi đã nói về khả năng, tôi đã đề cập đến lệnh ngừng bắn để chúng ta có thể ngăn chặn việc giết chóc. Và tôi nghĩ rằng có lẽ chúng tôi sẽ đạt được lệnh ngừng bắn trong tương lai không xa".
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Phó Chủ tịch Thượng viện Nga, Konstantin Kosachev cho rằng, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump là “sự kiện chính” từ đầu năm đến nay. Ông cho rằng, các cuộc đàm phán đã tạo tiền đề cho các cuộc tiếp xúc trong tương lai, nhưng cảnh báo rằng bất kỳ "bước đột phá nào vẫn còn xa vời". Ông bày tỏ sự lạc quan thận trọng và nhấn mạnh rằng không có sai lầm cho cả hai bên.
Bà Rachel Rizzo, thành viên cấp cao tại Trung tâm Châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương cũng nhận định, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Vladimir Putin hôm 12/2 có thể đánh dấu “điểm khởi đầu” cho các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Ukraine.
Trước thông tin về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho rằng, châu Âu và Ukraine phải tham gia vào tiến trình giải quyết xung đột Ukraine.
“Chúng ta phải cùng nhau bước trên con đường này để hòa bình trở lại châu Âu. Chúng ta chỉ có thể đạt được hòa bình cùng nhau, tức là với Ukraine và với người châu Âu”.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock
Ngay sau cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, ông Trump đã lập tức có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong một bài phát biểu sau đó, ông Zelensky mô tả cuộc gọi là "ý nghĩa và mang tính xây dựng", nhấn mạnh rằng ông Trump đã chia sẻ chi tiết về cuộc đối thoại với Tổng thống Putin.
Ông Zelensky tỏ ra thận trọng nhưng không hoàn toàn bác bỏ khả năng đàm phán, cho biết Ukraine vẫn tin tưởng vào sức mạnh của liên minh quốc tế để gây áp lực buộc Nga chấm dứt các cuộc xung đột.
"Các cuộc đàm phán rất có ý nghĩa với Mỹ. Tôi đã có một cuộc trò chuyện sâu sắc và tốt đẹp với Tổng thống Trump, và tôi đánh giá cao sự quan tâm thực sự của Tổng thống đối với các cơ hội chung của chúng ta và cách chúng ta có thể mang lại hòa bình thực sự và gần gũi hơn với nhau”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
Bên cạnh vấn đề hòa bình, ông Zelensky cũng nhấn mạnh rằng, Ukraine đang chuẩn bị một thỏa thuận quan trọng với Mỹ để củng cố an ninh và thúc đẩy quan hệ kinh tế. Ông dự kiến sẽ hoàn thiện chi tiết thỏa thuận này tại Hội nghị Munich sắp tới.
Những vấn đề thách thức trong đàm phán
Các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Trump với Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky đã mở ra cơ hội thúc đẩy đàm phán hòa bình cho xung đột Ukraine. Đây là một sự tiến triển rõ rệt trong các nỗ lực của các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ và Ukraine trong thời gian gần đây trong việc tìm kiếm một giải pháp để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo vẫn còn nhiều vấn đề thách thức trong quá trình đàm phán giữa các bên.
Về vấn đề lãnh thổ, Điện Kremlin tuyên bố, Nga sẽ không chấp nhận bất kỳ trao đổi lãnh thổ nào, điều mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã từng đề xuất trước đó.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmirty Peskov cho biết, Moscow cũng sẽ giữ lại tất cả các vùng đất mà nước này đã giành được ở Ukraine. Đây là một điều mà chắc chắn Kiev sẽ không chấp nhận. Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, cũng như các tỉnh Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk vào năm 2022. Tuy nhiên, Nga hiện chỉ kiểm soát một phần của bốn tỉnh mà nước này tuyên bố chủ quyền.
Về tư cách thành viên NATO, Ukraine đã theo đuổi mục tiêu gia nhập liên minh này từ nhiều năm trước, thậm chí còn đưa mục tiêu này vào hiến pháp. Tuy nhiên, khối này vẫn trì hoãn trong kết nạp Ukraine. Trong điều kiện đàm phán hòa bình, Nga không chỉ yêu cầu trì hoãn việc Ukraine gia nhập NATO mà còn đòi hỏi Kiev chính thức từ bỏ mục tiêu này và trở thành một quốc gia trung lập. Giới chuyên gia nhận định rằng, Ukraine rất khó chấp nhận yêu cầu này. Nghị sĩ Ukrane Volodymyr Aryev cho rằng: “Tư cách thành viên NATO là một mục tiêu chiến lược và Ukraine sẽ giữ vững lập trường về vấn đề này bằng mọi giá”.
Vì khả năng Ukraine gia nhập NATO trong tương lai gần là thấp, việc đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ phụ thuộc vào Mỹ. Kế hoạch của ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Ukraine có đề cập đến việc đảm bảo an ninh cho Ukraine. Theo đề xuất của ông Keith Kellogg, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Ukraine, Mỹ sẽ tiếp tục gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng không nêu rõ chi tiết. Dù vậy, ngay cả một hiệp ước phòng thủ song phương với Mỹ cũng không đảm bảo rằng Ukraine sẽ nhận được nhiều viện trợ quân sự hơn. Ông JD Vance tuyên bố rõ ràng vào ngày 11/2 rằng, Mỹ sẽ không gửi quân đến Ukraine. Tổng thống Zelensky cũng hiểu rằng nếu Tổng thống Trump muốn kết thúc xung đột, có nhiều khả năng ông sẽ ngừng cung cấp viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine.
Về đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu để thiết lập vùng đệm ở Ukraine, theo một kế hoạch hòa bình của ông Trump, giới chuyên gia cho rằng, điều này về lý thuyết là khả thi, nhưng Nga nhiều khả năng sẽ phản đối. Các nhà phân tích cho rằng để thực hiện nhiệm vụ quân sự, sẽ cần đến hàng chục nghìn binh sĩ. Phương Tây sẽ khó đồng ý với ý tưởng này vì đây sẽ là một nhiệm vụ cực kỳ tốn kém và rủi ro khi đưa quân đến khu vực đang xảy ra giao tranh. Ông Zelensky cũng nhấn mạnh rằng, mọi hoạt động của châu Âu trên thực địa phải có sự hậu thuẫn của Mỹ và việc đảm bảo an ninh mà không có Mỹ không phải là đảm bảo an ninh thực sự.
Về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga, theo các đề xuất của ông Kellogg, các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga sẽ được dỡ bỏ một phần. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng đối với Ukraine là liệu dỡ bỏ trừng phạt có phụ thuộc vào việc Nga tuân thủ một lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình tiềm năng hay không. Phía Ukraine có nhiều khả năng phản đối điều kiện này.
“Nếu việc dỡ bỏ trừng phạt không được thực hiện theo một quy trình từng bước dựa trên việc Nga có những hành động thực sự để khắc phục và bồi thường cho những tổn thất mà họ đã gây ra cho Ukraine và người dân Ukraine, thì ông Putin sẽ coi đó là một chiến thắng và tiếp tục làm những gì mình muốn”.
Bà Jenny Mathers, Giảng viên chính trị quốc tế tại Đại học Aberystwyth (Anh)
Sau các cuộc điện đàm với Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky, ông Trump cho thấy đã sẵn sàng là bên trung gian để thúc đẩy cuộc đàm phán hòa bình cho xung đột Nga - Ukraine. Tổng thống Trump rõ ràng đang tận dụng mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Putin để thúc đẩy Nga vào bàn đàm phán. Ukraine cũng có thể sẽ nhượng bộ Nga dưới áp lực từ Mỹ. Trong bước tiếp theo, Phó Tổng thống Mỹ JD. Vance sẽ gặp Tổng thống Zelensky tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần này. Trước những tín hiệu tích cực này, giới quan sát hầu hết có thái độ lạc quan nhưng cũng vẫn thận trọng về khả năng chấm dứt xung đột Ukraine dưới sự thúc đẩy của Mỹ.


Các cơ quan liên quan của Myanmar đã có buổi làm việc với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar về kết quả tìm kiếm cứu nạn và giai đoạn tiếp theo trong chiều tối muộn ngày 3/4, tại Thủ đô Naypyidaw.
Sau 5 ngày có mặt tại Myanmar, Đội cứu hộ cứu nạn Công an Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và tình cảm đặc biệt cho người dân Myanmar.
Ông Yoon Suk Yeol đã gửi lời xin lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của đất nước và người dân, chỉ vài giờ sau khi bị tuyên bãi chức Tổng thống Hàn Quốc.
Myanmar và Thái Lan vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm thêm những người sống sót sau trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3.
Sự hỗ trợ của các phương tiện, kỹ thuật đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc cứu hộ, cứu nạn sau động đất tại Myanmar của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam.
Viên kim cương nặng 2,33 carat, có màu đỏ thẫm là một trong những loại đá quý hiếm nhất trên Trái đất, đã được bổ sung vào bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ.
0