COP29 - Bước ngoặt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Thúc đẩy tài chính khí hậu vì tương lai bền vững
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Baku của Azerbaijan, thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới.
Với sự tham gia của trên 51.000 đại biểu, hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm 2024 được dự báo sẽ lập kỷ lục về nhiệt độ, tạo sức ép lớn để các chính phủ phải hành động quyết liệt hơn trong việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Mukhtar Babayev, Bộ trưởng Sinh thái và Tài nguyên thiên nhiên Azerbaijan, đồng thời là Chủ tịch COP29 đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cần phải nỗ lực để đạt được một thỏa thuận chung về chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh “thế giới đang bị hủy diệt”.
Chúng ta đang trên con đường hủy diệt. Nhưng đây không phải là những vấn đề trong tương lai. Biến đổi khí hậu đã hiển hiện trước mắt rồi. Từ những ngôi nhà bị ngập lụt ở Tây Ban Nha đến các vụ cháy rừng ở Australia, từ mực nước biển dâng cao ở Thái Bình Dương đến những đồng bằng cằn cỗi ở Đông Phi. Cho dù bạn có nhìn thấy hay không, mọi người vẫn đang phải chịu đựng trong bóng tối.
Ông Mukhtar Babayev, Chủ tịch COP29.
Một trong những chủ đề nóng nhất của COP29 chính là vấn đề tài chính khí hậu, nơi các quốc gia thảo luận để tìm ra con số tài chính thích hợp nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Mức cam kết ban đầu là 100 tỷ USD mỗi năm, nhưng nay con số này không đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Các quốc gia đang phát triển kêu gọi nâng mức tài trợ lên 1.000 tỷ USD, phần lớn dưới dạng viện trợ không hoàn lại thay vì cho vay.
Tuy nhiên, vấn đề tài chính không hề dễ dàng. Hai quốc gia đóng góp lớn là Mỹ và Đức đang đối mặt với bất ổn chính trị, làm lung lay cam kết hỗ trợ, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Các quốc gia nghèo, dù chỉ thải ra 4% tổng lượng khí nhà kính, lại phải chịu áp lực giảm phát thải, trong khi họ thiếu cả nguồn lực và cơ sở hạ tầng để từ bỏ năng lượng hóa thạch.
Mặc dù COP29 thiếu sự tham dự của nhiều lãnh đạo hàng đầu thế giới, nhưng hội nghị vẫn được kỳ vọng là bước ngoặt trong hành động về khí hậu, trong bối cảnh nhiệt độ tại nhiều nơi liên tục phá kỷ lục và các thảm họa khí hậu ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Các quốc gia tham dự COP29 đã nhất trí thông qua các tiêu chuẩn chất lượng tín dụng carbon, ngay trong ngày đầu tiên tại sự kiện kéo dài hai tuần ở Baku, Azerbaijan. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc khởi động thị trường carbon toàn cầu do Liên hợp quốc hậu thuẫn nhằm tài trợ cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, qua đó ngăn tình trạng nóng lên toàn cầu đang rất nghiêm trọng hiện nay. Một nhà đàm phán cho biết thỏa thuận có thể cho phép thị trường carbon toàn cầu do Liên hợp quốc hậu thuẫn, vốn đã được xây dựng trong nhiều năm, có thể bắt đầu hoạt động sớm nhất vào năm tới.
Hiệp hội Giao dịch Khí thải Quốc tế, một nhóm kinh doanh ủng hộ thị trường carbon toàn cầu, cho biết tổng giao dịch trên thị trường này có thể tạo ra 250 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 và cắt giảm 5 tỷ tấn khí thải carbon hàng năm.
Vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Theo các nhà đàm phán khí hậu, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã khiến triển vọng đạt được một thỏa thuận mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh COP29 có vẻ trở nên mờ mịt. Bởi lẽ Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể một lần nữa sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sau khi trở lại Nhà Trắng. Chiến thắng này đã gia tăng áp lực lên châu Âu và Trung Quốc, buộc họ phải giữ vai trò dẫn dắt trong tiến trình quốc tế nhằm kiểm soát sự nóng lên toàn cầu.
Tờ New York Times đưa tin, nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chuẩn bị các sắc lệnh hành pháp và tuyên bố về việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Vị lãnh đạo tương lai của nước Mỹ dự kiến cũng sẽ chấm dứt lệnh tạm dừng cấp phép xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng mới sang các thị trường lớn ở châu Á, châu Âu và thu hồi lệnh cho phép California cũng như các bang khác có các tiêu chuẩn ô nhiễm chặt chẽ hơn.
Trong chiến dịch tranh cử trước đó, ông Donald Trump nhiều lần tuyên bố sẽ cắt giảm các quy định, đặc biệt là để giúp ngành công nghiệp ô tô của Mỹ, đồng thời cũng cam kết sẽ cắt bỏ các khoản trợ cấp về khí hậu của chính quyền đương nhiệm Mỹ; tiếp tục hoạt động thăm dò năng lượng, bao gồm cả việc giảm thuế cho các nhà sản xuất dầu, khí đốt, than.
Việc thúc đẩy tài chính khí hậu gần như không thể thực hiện nếu không có sự tham gia của Mỹ. Điều này sẽ làm giảm động lực của các nước đang phát triển trong việc coi trọng tham vọng về khí hậu của phương Tây.
Bà Elisabetta Cornago, Trung tâm cải cách châu Âu.
Bộ trưởng Bộ Hành động Khí hậu Quốc tế Đức Jennifer Morgan cho rằng Đức và Liên minh châu Âu sẽ cần duy trì vai trò lãnh đạo trong các cuộc thảo luận về tài chính khí hậu để đảm bảo đạt được những kết quả đáng kể.
Việc không đạt được một thỏa thuận tài chính khí hậu vững chắc sẽ là một trở ngại lớn đối với nhóm 45 quốc gia kém phát triển nhất; vốn đang yêu cầu các quốc gia phát triển tăng cường hỗ trợ tài chính.
Cả chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden lẫn các nhóm vận động đều đang cố gắng bảo vệ các chính sách về khí hậu trước nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump.
Ông John Podesta, đặc phái viên của Mỹ về khí hậu tham gia COP29 cho biết các cơ quan trong chính quyền của Tổng thống Biden đang chạy đua với thời gian để có thể giải ngân hàng trăm triệu USD liên quan tới các dự án về môi trường và hoàn thiện các quy định môi trường trước khi ông Trump nhậm chức.
Ông Podesta cũng đang cố gắng thuyết phục các đối tác của Mỹ rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sạch sẽ vẫn tiếp diễn và phát thải của Mỹ vẫn sẽ giảm trong nhiệm kỳ của ông Trump. Theo ông, Mỹ sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Ông Biden đặt mục tiêu cắt giảm mức phát thải của Mỹ khoảng 50% (so với mức năm 2005) vào cuối thế kỷ này. Theo các nhà khoa học, đây là điều mọi nền kinh tế lớn cần làm nếu muốn tránh các tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo cố vấn của ông Biden, chính quyền Mỹ đã chi 98 tỷ USD trong lĩnh vực khí hậu và năng lượng sạch trong năm tài khóa 2023 - 2024, bằng 88% kế hoạch năm. Số tiền còn lại sẽ được giải ngân trước khi ông Biden rời nhiệm sở.
Báo động nhiệt độ toàn cầu vượt quá mức 1,5°C
Năm 2024 sẽ là năm nóng nhất từ trước đến nay và cũng là năm đầu tiên ghi nhận nhiệt độ toàn cầu đạt mức tăng hơn 1,5°C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là dự báo được Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu đưa ra ngay trước khi diễn ra Hội nghị COP29 tại Azerbaijan. Trong khi đó, báo cáo cập nhật tình hình khí hậu 2024 của Tổ chức Khí tượng Thế giới cho thấy từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2024, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu cao hơn 1,54°C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.
C3S cho biết, từ tháng 1 đến tháng 10, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã cao đến mức chắc chắn năm 2024 sẽ là năm nóng nhất thế giới - trừ khi nhiệt độ bất thường trong phần còn lại của năm giảm xuống gần bằng không.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến nóng kỷ lục của năm nay là do biến đổi khí hậu. Nói chung, khí hậu đang ấm lên ở tất cả các châu lục, ở tất cả các lưu vực đại dương. Vì vậy, chắc chắn chúng ta sẽ thấy những kỷ lục bị phá vỡ.
Ông Carlo Buontempo, Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus.
Các nhà khoa học cho biết, năm 2024 cũng là năm đầu tiên nhiệt độ trái đất nóng hơn 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1900, khi con người bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch ở quy mô công nghiệp.
Khí thải carbon dioxide từ việc đốt than, dầu và khí đốt là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Sonia Seneviratne, nhà khoa học về khí hậu tại Trường Đại học nghiên cứu công lập ETH Zurich (Thụy Sĩ), cho biết, bà không ngạc nhiên trước cột mốc này và kêu gọi các chính phủ tại COP29 nhất trí hành động mạnh mẽ hơn để giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch thải CO2 vào nền kinh tế của họ.
Các quốc gia đã nhất trí trong Thỏa thuận Paris năm 2015 về việc cố gắng ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5°C để tránh xảy ra những hậu quả tồi tệ nhất. Tổ chức khí tượng thế giới cho rằng vẫn có hy vọng đạt mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C.
Nhiệt độ cao hơn 1,5°C so với thời tiền công nghiệp là một ngưỡng nguy hiểm, vì hàng thập kỷ nay, các nhà khoa học cảnh báo rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu không nên vượt qua mức này. Bởi nếu vượt qua thì có thể những điều kiện thời tiết chết chóc sẽ xảy ra, ảnh hưởng đến người dân toàn thế giới, mà khó có thể đảo ngược. Trong những năm gần đây, Trái Đất đã nóng lên đáng kể và con người cũng đã chứng kiến hậu quả, cụ thể là những đợt nắng nóng kỷ lục nối tiếp nhau, hạn hán kéo dài, lũ lụt chưa từng có tiền lệ và những cơn bão mạnh liên tục.
Iraq: Chiến dịch trồng cây chống biến đổi khí hậu
Cây xanh có khả năng hấp thụ khí CO2 từ không khí thông qua quá trình quang hợp, chuyển đổi nó thành oxy và lưu trữ carbon trong thân, rễ và đất. Việc này giúp làm giảm lượng khí nhà kính, nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu. Hiểu được điều này, các tình nguyện viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, đã tham gia các chiến dịch trồng cây non trên khắp Iraq, nhằm chống lại biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu, vốn là chất xúc tác cho tình trạng sa mạc hóa ở quốc gia này.
Tại thành phố Basra, Iraq, một nhóm những người hoạt động vì môi trường và các tình nguyện viên đã cùng nhau tham gia dự án Eternity, với mong muốn chống lại tác động của nhiệt độ tăng cao và quá trình đô thị hóa, khi các công trình xây dựng xâm lấn đất nông nghiệp của thành phố này.
Basra bị ảnh hưởng nhiều hơn những nơi khác trên thế giới do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đặc điểm khí hậu địa phương. Nhiệt độ mùa hè ở Basra thường xuyên vượt ngưỡng 50°C, đến mức một số nhà dự báo thời tiết gọi thành phố này là lò nung toàn cầu.
Ông Ali Qassim, người sáng lập dự án Eternity.
Một tình nguyện viên của dự án cho biết họ đã bắt đầu chiến dịch với với 1.100 cây con: "Nếu may mắn, chúng tôi sẽ tiếp tục trồng hàng nghìn cây non còn lại ở nhiều nơi khác nhau trong thành phố. Điều đó có thể giúp vùng sa mạc này có một lớp chắn xanh bảo vệ trong mùa hè tới".
Liên hợp quốc xếp Iraq vào danh sách năm quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, nền nông nghiệp Iraq chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, khi lượng nước chảy qua hai con sông chính là Tigris và Euphrates ít hơn và nhiều thập kỷ xung đột đã cản trở việc canh tác.
Do đó, Thủ tướng Iraq và Bộ Nông nghiệp, phối hợp với các cơ quan khác trong chính phủ Iraq, đã phát động nhiều chiến dịch trồng rừng trên khắp cả nước, nhằm nỗ lực giảm thiểu phần nào sa mạc hóa, ô nhiễm không khí và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên gia tăng nhanh chóng và lượng khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn trên toàn cầu. COP29 mang đến một cơ hội lịch sử để thúc đẩy tham vọng khí hậu toàn cầu. Một kết quả tài chính mạnh mẽ ở Baku sẽ giúp đảm bảo tất cả các quốc gia - bao gồm cả những quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất - có các nguồn lực cần thiết để theo đuổi phát triển ít carbon, hỗ trợ cộng đồng và người lao động cũng như bảo vệ nền kinh tế khỏi các mối đe dọa khí hậu đang leo thang.
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Nga cáo buộc Ukraine phóng tên lửa đạn đạo ATACMS vào tỉnh biên giới Bryansk, đánh dấu giai đoạn xung đột mới. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặt mục tiêu chấm dứt xung đột vào năm 2025.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng Nga có quyền tự vệ và kêu gọi các nước phương Tây đánh giá kỹ lưỡng việc Moscow điều chỉnh học thuyết hạt nhân.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.
Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.
Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.
0