Công viên Thống Nhất: Biểu trưng của khát vọng hoà bình | Hà Nội tin mỗi chiều
Nếu đã từng đi ngang qua phố Nguyễn Đình Chiểu, hẳn bạn sẽ nhận ra cánh cổng sắt luôn đóng im lìm ở góc Công viên Thống Nhất. Nhiều người đi qua, nhiều thế hệ lớn lên cùng công viên này, nhưng không phải ai cũng biết: nơi ấy từng là lễ đài chính, là mặt tiền danh dự trong những năm đầu công viên đi vào hoạt động. Một chi tiết nhỏ, nhưng gợi lại cả một thời khắc đáng nhớ của Hà Nội.
Công viên Thống Nhất được khởi công cuối năm 1958, khi miền Bắc vừa bước vào thời kỳ kiến thiết sau chiến thắng Điện Biên Phủ và tiếp quản Thủ đô. Lúc đó, khu vực này còn là vùng trũng, ngập nước, rậm rạp lau sậy, gọi là hồ Bãi Dài. Từ vùng đất ấy, ý tưởng về một không gian xanh, hiện đại và giàu ý nghĩa đã được hình thành. Và hơn thế nữa, công viên ấy còn mang một cái tên gói trọn khát vọng của cả dân tộc: “Thống Nhất”. Tên gọi ấy không chỉ là biểu tượng. Nó là ước mơ, là niềm tin về một ngày đất nước liền một dải, Bắc – Nam sum họp.
Đặc biệt, công trình này không chỉ được xây dựng bằng ngân sách, mà bằng cả bàn tay và trái tim của người Hà Nội. Học sinh, cán bộ, bộ đội… ai có thời gian góp thời gian, ai có sức góp sức. Người thì mang cuốc, người mang xẻng, có người gom cả gạch vụn, đá vỡ để lát lối đi trong công viên. Mỗi mét vuông đất được đắp lên đều có dấu tay của những người dân yêu thành phố mình.
Ngày 30/5/1961, công viên được khánh thành. Nhưng trước đó hơn một năm, ngày 11/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghé thăm và trồng một cây đa trong khuôn viên. Cây đa ấy vẫn còn đến hôm nay – đứng lặng lẽ nhưng bền bỉ, như chính tinh thần Hà Nội. Một chi tiết nữa, rất đáng nhắc lại: tượng Bác Hồ và Bác Tôn được đặt giữa hồ Bảy Mẫu – nằm trên đảo Thống Nhất – chính là tác phẩm được vận chuyển ra Hà Nội bằng một chuyến tàu đặc biệt từ TP.HCM, chuyến tàu không chở khách, không chở hàng, chỉ chở duy nhất pho tượng đồng nặng hơn 20 tấn, thể hiện tình cảm đoàn kết Bắc – Nam gắn bó keo sơn.
Dẫu vậy, trong suốt nhiều năm, công viên lại bị bao quanh bởi hàng rào sắt – và chỉ có vài cổng chính được mở cho người dân ra vào. Cảm giác “cách một hàng rào” ấy, có lẽ ai từng dạo quanh công viên đều từng thấy: cây xanh vẫn đó, hồ nước vẫn trong, nhưng luôn có một chút khoảng cách giữa công viên và đường phố. Và gần đây, khi thành phố quyết định gỡ bỏ một phần hàng rào, mở các cổng phụ ra nhiều tuyến phố như Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Nguyễn Đình Chiểu – công viên mới thực sự “mở lòng” với người dân. Hiệu quả rõ nét nhất sau khi chuyển thành công viên "mở" đó là lượng khách vào công viên tăng 20 - 30%, chất lượng khách cũng được nâng cao khi trước đây chủ yếu là người vào tập thể dục thì nay có nhiều đoàn đến công viên tham quan, chụp ảnh kỷ niệm, trong đó có nhiều người nước ngoài.
Mở rào không chỉ là mở cổng, mà còn là mở tư duy. Tư duy mới trong cách quản trị đô thị – khi không gian công cộng không còn là thứ được “cho phép tiếp cận”, mà là phần thuộc về đời sống thường ngày của mỗi người, là khi một công viên từng được xây nên bằng sức dân nay được trả lại đúng vai trò: không gian chung, dễ gần, dễ đến, dễ sẻ chia.
Công viên Thống Nhất – một phần ký ức của Hà Nội – vẫn còn đó. Cây đa Bác Hồ trồng vẫn xanh. Hồ Bảy Mẫu vẫn phẳng lặng. Và giờ đây, khi hàng rào dần được gỡ bỏ, cũng là lúc ký ức, khát vọng và hiện tại gặp nhau, cùng hướng về một tương lai xanh hơn, mở hơn, nhân văn hơn cho Thủ đô.


Với tiểu thuyết "Cha và Con", nhà văn Hồ Phương đã đi vào một góc độ hoàn toàn mới về Bác Hồ. Nhà văn đã thể hiện được con người vừa giản dị, vừa vĩ đại của Bác mà lại không bị trùng lặp trong phong cách, lối dẫn dắt với các tác giả khác.
Bên cạnh nhịp sống sôi động nơi đô thị, có một thế giới khác, mang đậm dấu ấn của sắt thép và dầu mỡ, nơi những người thợ đang miệt mài "thổi hồn" vào những cỗ máy khổng lồ. Đó là các xưởng sửa chữa đầu máy tàu hỏa, nơi những người công nhân, kỹ sư tận tâm ngày đêm "chăm sóc" cho những "chiến mã" sắt, đảm bảo cho những chuyến tàu xuôi ngược an toàn, thông suốt.
Ngày Quốc tế Lao động trong kỷ nguyên AI; Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2025; Bộ phim "Lật mặt 8" mở màn như vũ bão, một mình vượt qua 24 đối thủ;... là những thông tin đáng chú ý trong Hà Nội lúc 17h00 hôm nay.
Công an Hà Nội công bố Quyết định đặc xá cho 139 phạm nhân; Chậm nhất ngày 7/6, công khai các trường hợp không đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT; Tổng thống Trump lên tiếng sau khi Mỹ ký thoả thuận khoáng sản với Ukraine;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình Thời sự 19h00 hôm nay.
Hà Nội và TP.HCM được bầu 125 đại biểu HĐND, tăng 30 đại biểu sau sáp nhập; Kho bạc Nhà nước sắp vận hành hệ thống tích hợp với mạng đấu thầu quốc gia; Tổng thống Donald Trump tiết lộ các nước có thể đạt thỏa thuận thương mại;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình hôm nay.
Nét mới ở Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam; Công viên Thống Nhất - biểu tượng khát vọng hòa bình; Hàng trăm nhà chờ xe buýt được duy tu sạch đẹp...là những nội dung đáng chú ý trong bản tin hôm nay.
0