Còn ai cơm cháy nồi gang?
Chiều nay, Hường sẽ chia sẻ những dòng ký ức của Kim Sơn.
Dường như đã lâu không còn thấy lại một bếp củi đỏ lửa đỏ lửa, đến cả cái nồi gang dày, chiếc đũa cả đánh cơm cũng bị mất dấu. Nhà ai cũng bếp điện, nồi cơm điện. Nhanh, tiện, đỡ vất vả bao nhiêu khi chỉ việc đong gạo, vo gạo, bỏ vào nồi bấm nút là có cơm ngon. Có người cãi nhưng như thế chẳng có cháy mà ăn. Kẻ ra dáng thông minh từng trải thì bĩu môi, muốn có cháy thì đợi cơm chín một lúc lại kéo nút xuống thể nào cũng có cháy mà ăn.
Cũng lần mần làm theo kéo cái nút bấm nồi cơm điện xuống một lần rồi hí hửng chờ đợi miếng cháy cơm. Đến bữa, xới cơm nhẹ tay thấy miếng cháy dần bong theo mà thót ruột, bởi cái mui trong nồi cơm điện chỉ là cái mui nhựa, mà sao cháy cũng bong ra được. Nghĩ là do lớp chống dính nên cháy dễ bong mà an ủi mình, nhưng khi đưa nhẹ cái mui vòng xung quanh nồi để lấy cháy ra thì cảm giác mất mát thật lớn. Bởi cháy ra nguyên tảng dễ như một trò chơi vậy, đấy là chưa kể đến miếng cháy mỏng cắn vào thấy không thơm, không bùi, không giòn như miếng cháy tuổi thơ.

Cái miếng cháy cơm nấu bằng nồi gang dày cui ngày ấy nhất định không dễ cạy, không dễ để nấu như việc chỉ kéo nút bấm xuống là được. Những đứa trẻ của ngày xưa mới chỉ tầm sáu bảy tuổi mà đã biết nấu cơm củi, cái nồi gang bê bằng hai tay cẩn thận đã nặng mà đong gạo, vo gạo, cho nước thì nặng gấp ba. Đã thế việc canh nước cũng là một vấn đề, gạo dẻo thì cần ít nước, còn gạo nở thì phải nước nhiều hơn một chút, cái ngón tay chính là cái thang đo nước của mỗi nồi cơm. Mẹ cứ gióng giả một đốt ngón tay hay hai đốt ngón tay thì đổ theo chừng ấy. Cong cả người mới bê được cái nồi gang đã đầy gạo nước vào bếp, đã vậy muốn ngon cơm thì bếp củi phải đỏ lửa mới cho cơm lên nấu, nên bếp nấu cơm thường nấu sau khi đã nấu ấm nước, nấu đồ ăn để đảm bảo lửa đã đều, và phải có một ít than để khi cơm cạn, lớp than hồng ấy mới ủ ra được tảng cháy ngon.
Nấu nồi cơm bằng bếp củi vốn chẳng dễ dàng với những người trẻ bây giờ, vì chỉ riêng việc nhóm bếp, thổi lửa, canh lửa đã là cả một vấn đề. Nhưng ngày ấy đứa trẻ nào cũng làm nhoay nhoáy. Bởi đứa trẻ nào cũng từng trốn lạnh, trốn rét, trốn mưa bằng cách chạy vào bếp ngồi cùng với mẹ với bà để hít hà hơi ấm của lửa, của than, của khói bếp thơm nồng đến cay mắt, rồi tự mình nhìn theo, tự học hỏi. Đun lửa thế nào, đến lúc nào phải đưa đũa vào khuấy cho đỡ bén nồi, đến lúc cơm sôi thì nhớ mở vung rồi nhỏ lửa lại, cơm cạn thì tắt bếp, dàn than ra cho đều, không thì bê nồi xoay đảo chiều một lần để đảm bảo vừa lửa. Mẹ với bà lúc nào cũng vừa làm vừa nói, con ngồi cạnh cứ thế mà nghe, mà thuộc lòng từng động tác, từng giai đoạn.

Đến ngày phải thực hành thì mẹ cầm tay chỉ việc lúc cơm sôi phải bê nồi chắt nước cho vừa vặn, còn lại đều phải tự làm hết. Cái khoản không thể thiếu của những nồi cơm ngày ấy chính là nước cơm. Cái thứ nước trắng đục, sanh sánh dẻo, thơm mùi của cả cơm lẫn gạo này đã quyến rũ biết bao đứa trẻ con. Mẹ thiếu sữa thì đây chính là sữa cho em, là phần nước uống giữa buổi dành cho bà, thứ quà dành cho đứa nhỏ nhất trong nhà... Nhưng đây cũng là lúc nguy hiểm nhất với một đứa trẻ, bởi nồi cơm nặng không thể bưng ra chắt như người lớn nên phải chạy lại chạn lấy cái mui ra múc từng mui cho vào cái bát nhỏ. Xong việc mới quay ra dùng đũa cả đánh xồn xột cho đều cơm. Gặp khi thiếu gạo mà nhà đông miệng ăn thì ghế, độn thêm ít khoai, ít mì. Cơm cạn thì tắt bếp, vần nồi thêm một lúc cho cơm chín đều rồi chạy đi sắp mâm sắp đũa.
Nồi cơm bê lên rế, mẹ lấy đũa cả đánh tơi bồng lên rồi mới xới ra bát từng người. Cơm còn trong nồi, nạo vét sang bên rồi mới cho cái mui mỏng lưỡi vào để cạy cháy. Lửa đều, cháy sẽ vàng, giòn tan. Mẹ khéo tay nạy dần tảng cháy. Có cháy mẹ chia đều khi đang còn nóng, miếng cháy mới thơm, mới giòn rụm trong miệng. Dường như những ấm áp của bếp lửa, than hồng, gạo và lửa đỏ đã quyện vào miếng cơm cháy, khiến cho ăn xong vẫn mãi thòm thèm.

Miếng cơm cháy của tuổi thơ như một thức quà, dày dặn và ấm áp. Nên mỗi đứa trẻ đã từng lớn lên bên bếp lửa đều lưu lại trong lòng mình những hoài niệm, những nhớ thương khôn nguôi. Để đôi lúc cầm miếng cháy lạ, lòng bỗng bần thần lại nhớ lửa than cơm cháy nồi gang.


Cuộc sống cần có sự kết nối. Con người sống lại càng cần sự kết nối hơn bao giờ hết. Nhưng nhịp sống hiện đại, đặc biệt là sự xuất hiện của thế giới công nghệ, đôi khi lại khiến người ta quên đi sự kết nối, gắn kết với những người xung quanh, lãnh cảm với những gì tồn tại quanh mình. Bởi vậy, mỗi người nên chăng ngắt kết nối với những điều không thực sự cần thiết để kết nối với những điều thực sự thiết thực quanh mình?
Tới bây giờ, có người vẫn chưa thể lý giải nổi tại sao hai thứ không có “họ hàng” gì liên quan lại luôn đi kèm với nhau: Thuốc lào – Chè Thái. Dọc theo đường quốc lộ 1A ở xứ Thanh, rất dễ bắt gặp các quán có biển tên chỉ viết đúng bốn chữ này ở ven đường. Thuốc lào thì không viết rõ địa danh ở đâu, chứ chè thì nhất định phải là chè Thái bởi ý niệm: chè ở Thái Nguyên thì mới ngon nhất.
Les Brown, một nhà diễn thuyết nổi tiếng trên toàn nước Mỹ vì những thông điệp đầy sức sống, kêu gọi con người vượt qua mọi khó khăn để vươn lên và khẳng định chính mình, đã từng nói: “Quá nhiều người trong chúng ta không sống với giấc mơ của mình vì chúng ta sống với nỗi sợ hãi”.
Trước đây khi nghe ai đó nói rằng: "muốn yêu thương người khác, trước hết bạn phải biết yêu thương chính mình", có người thường bỏ ngoài tai và luôn tìm cách biện hộ cho việc không chăm sóc bản thân vì chẳng có thời gian. Khi sức khỏe lên tiếng báo động, cô mới giật mình lo sợ và nhận ra mình đã bỏ quên bản thân từ rất lâu rồi.
Tôi vốn không phải là người thích chạy theo xu hướng, kể cả việc thưởng thức phim. Chắc đó là lý do khi mọi người hào hứng tìm kiếm bộ phim "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt" trên khắp các nền tảng mạng xã hội, tôi vẫn bình thản với hiện tượng đặc biệt này. Dẫu thế, trong một ngày phố phường oi ả, cảm thấy đôi phần kiệt quệ vì đời sống, tôi đã ngồi nghiêm chỉnh xem trọn vẹn bộ phim. Có một người cũng giống như tôi.
Mùa nắng ở Hà Nội, có người thường giữ thói quen cùng người bạn thân dạo quanh những góc phố thân thuộc, ngắm nhìn phố phường Hà Nội óng ánh dưới nắng vàng.
0