Cơm ngoại nấu, người ngoại thương
Ngoại tôi hiền lành lắm, sự hiền và lành hiện rõ trong đáy mắt, trên từng nếp nhăn gương mặt, trong từng cử chỉ. Những ngày còn ở với ngoại, chúng tôi thường quét dọn nhà cửa, quét dọn sân vườn cho ngoại, hoặc làm cỏ vườn, hoặc hái tiêu, hoặc trồng khoai trồng sắn. Hoặc chỉ ngồi vắt vẻo chơi và không làm gì, đợi ngoại đến bữa nhóm bếp nấu cơm cho chúng tôi ăn.
Cơm ngoại nấu bằng bếp củi, dẻo và thơm. Thức ăn ngoại nấu ngon, món thường thấy trên mâm cơm của ngoại là cá trích kho với củ nén cùng với một món canh mà rau có thể hái ngoài vườn, khế hái trên cây, một nhúm chua me đất cũng đủ cho ngoại nấu một bữa ngon lành rồi. Canh có thể thay đổi, đám rau trong vườn xuất hiện trên bữa cơm cũng thế nhưng nồi cá trích kho củ nén khi đến mùa thì ngày nào cũng có. Cá ngoại kho là buổi sáng mẹ hoặc dì đi chợ sẽ mua về, ngoại làm sạch rồi bỏ vào niêu đất, thêm gia vị rồi bắc lên bếp, phủ kín miệng nồi bằng một lớp lá chuối rồi mới đậy nắp nồi lên trên, để liu riu lửa rồi kho đến khi cá mềm rục, ăn miếng cá không cần nhả xương, mềm tan trong miệng thì mới thôi.

Lúc dọn cơm ra ăn, ngoại hoặc chúng tôi sẽ trải chiếu cói ra giữa nhà, đặt một cái rế làm bằng tre rồi bưng nồi cơm đặt lên trên để nó khỏi cháy chiếu. Cái mâm để đồ ăn của ngoại cũng lạ, không phải loại mâm nhôm nhẹ như nhà tôi thường dùng. Ngoại có mấy cái mâm bằng gỗ từ thời ông ngoại còn sống, nhưng cái thường dùng nhất vẫn là loại mâm ba chân, bằng đồng. Đám chúng tôi ngồi quây quần lại, bới cơm ra cho mỗi đứa một chén, rồi mời ngoại dùng cơm. Có lẽ là thói quen từ hồi nhà còn đói, ngoại vẫn chờ anh em chúng tôi vét sạch nồi mới lại đưa chén xuống, bảo ngoại ăn no rồi, như cách mà mẹ hay kể với tôi: Bọ mạ của mẹ hay nói no rồi để nhường cơm canh lại cho mẹ và các dì các cậu. Và dường như, đó cũng là một lời nói dối chung của các ông bố bà mẹ từ những thuở đói kém, như mỗi lần nhà hết gạo mà mẹ chưa kịp vay hàng xóm.
Mà ngoại không chỉ thương mỗi chúng tôi, ngoại còn thương cả những người lạ đói khổ hơn mình. Ngoại thường sẽ vét chum, lấy gạo cho một bác ăn xin lúc bác ấy đến nhà xin gạo, mặc dù bác rụt rè không nhận khi thấy ngoại cũng đã sắp hết gạo trong nhà. Ngoại cũng thường để dành tiền của mình để chia sẻ cho người khốn khó.
Trời về chiều, ngoại cũng dần xa chúng tôi. Bóng ngoại khuất núi, những bữa cơm ăn trên nhà ngoại vẫn còn, hình bóng ngoại vẫn còn vương vấn phảng phất ở mỗi góc nhà, mỗi khung cửa, mỗi tấc đất trong vườn. Vẫn là nồi cơm ấy, niêu cá ấy nhưng không còn ngoại, cơm ăn không còn ngon, cá chẳng còn mùi thương nhớ của ngoại nữa. Ngoại ơi!
Trang Lê


Tháng Tư trở về trong hơi thở dịu dàng của đất trời, khe khẽ như sợ đánh thức những giấc mơ cũ còn vương trên vòm lá. Lòng ai đó cũng có một góc nhỏ dành riêng cho tháng Tư - nơi cất giữ những hoài niệm không tên, chỉ một làn gió thoảng qua cũng đủ làm xao động.
Hà Nội vào chớm hạ, những ngọn gió heo may nhường chỗ cho những tia nắng nhẹ nhàng mà ấm áp. Nắng tháng Tư về, len lỏi qua từng con phố nhỏ của Hà Nội, phủ một màu vàng tươi mới khiến mọi vật như bừng lên sức sống.
Tháng Tư về, khắp phố phường Hà Nội ngập tràn sắc trắng của hoa loa kèn, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những gánh hàng rong với những đóa hoa trắng tinh khôi, được bó gọn gàng trong chiếc xe đạp.
Không biết từ bao giờ, Hà Nội luôn có những cuộc hẹn với các loài hoa. Và cũng không biết từ bao giờ, có người yêu các loài hoa ấy như chính tình yêu đối với Hà Nội.
Tháng Tư chạm ngõ, mang theo những tia nắng đầu hạ vàng ươm như mật ong rót xuống từng tán cây. Nắng nhẹ nhàng, chưa gay gắt, chỉ đủ để hong khô những giọt sương còn vương trên lá, đủ để làm bừng sáng những con đường ngập tràn hoa cỏ.
Có người ngồi bên hiên nhà, tay cầm ly cà phê đen sóng sánh, nhìn mưa rơi lách tách ngoài sân. Hương cà phê thoảng lên, đắng mà thơm nồng nàn, như chính những ngày cô đã đi qua trong đời.
0