Cơ hội cho người thu nhập thấp mua nhà
Chị Hoa và chồng hiện đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Vợ chồng chị dự định cố gắng làm thêm vài năm trong khu công nghiêp, kiếm ít vốn rồi quay về quê chứ khó có thể gắn bó lâu dài, bởi với mức giá nhà ở xã hội hiện tại, vợ chồng chị sẽ không thể mua nổi. Chưa kể còn nhiều điều kiện để xét duyệt hồ sơ, nên vợ chồng chị cũng như nhiều công nhân khác vẫn lựa chọn thuê các căn nhà trọ bên ngoài.
Chị Hoàng Thị Hoa, công nhân Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, cho biết: “Tiền trọ nhà em trung bình 2 triệu đồng, nhưng mà lương thì tùy ca, ví dụ em mà làm lâu thì tháng 10 triệu, chả đủ sống".
Với chị Nguyễn Thị Hồi, công nhân Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội: “Bản thân tôi là rất mong muốn, nhưng mà tại vì nguồn vốn để mua một căn chung cư, chỉ một nửa thôi mình cũng không có".
Cơ hội sở hữu được nhà ở xã hội của vợ chồng chị Hoa và chị Hồi được mở ra khi có những chính sách được nới lỏng hơn trong Luật Nhà ở 2023. Cụ thể, theo Luật Nhà ở năm 2014, người muốn mua, thuê mua nhà ở xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện: nhà ở, cư trú, thu nhập.
Tuy nhiên, Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ 1/8 đã bỏ điều kiện cư trú, nghĩa là người dân muốn mua nhà loại này không cần có đăng ký thường trú, hoặc tạm trú từ một năm trở lên tại địa phương nơi có công trình. Ngoài ra, các điều kiện về thu nhập cũng được nới. Theo các cơ quan chức năng, đây sẽ là một điểm giúp tháo gỡ nút thắt cho việc tiếp cận nhà ở của người lao động thu nhập thấp.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà ở và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, cho biết: “Hiện nay chúng ta có quy định với người độc thân, sẽ có điều kiện thu nhập dưới 15 triệu đồng. Đối với hộ gia đình cá nhân, 2 vợ chồng, sẽ có tổng thu nhập dưới 30 triệu đồng. Trước đây thì chúng ta phải thực hiện xác nhận qua các cơ quan thuế, nhưng đối với quy định hiện nay thì chỉ xác nhận qua bảng lương thực nhận của cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị mà người đó hiện đang công tác, thì việc xác nhận điều kiện này sẽ giảm đi rất nhiều so với thủ tục hành chính trước đây".
Các dự án nhà ở xã hội đã góp phần giải quyết nhu cầu chỗ ở của người dân ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hay tại thủ phủ các khu công nghiệp (KCN) như Bắc Ninh, Bình Dương... Tuy nhiên, cũng tại những thành phố lớn, việc người lao động mua được một căn nhà ở xã hội không dễ dàng.
Ngoài khó khăn về tài chính, nhiều công nhân không có nhu cầu mua nhà bởi đa số họ là người ngoại tỉnh, tính chất cư trú không ổn định, thường xuyên thay đổi vị trí việc làm, “nay đây mai đó” nên không mặn mà với việc mua nhà mà chỉ muốn thuê trọ.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc mua nhà ở xã hội, nhà nước cũng cần cân nhắc xây dựng các chiến lược về nhà cho thuê, phù hợp với nhu cầu của người lao động.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng: “Nhà nước cần phải ban hành những chính sách để hỗ trợ, để thúc đẩy phát triển loại hình nhà cho thuê. Chúng tôi được biết là công đoàn cũng đang nghiên cứu những giải pháp để tạo ra quỹ nhà để cho thuê. Vấn đề ở đây là làm thế nào quỹ nhà cho thuê đó giá cả phải phù hợp chứ không phải giá trên trời như hiện nay. Lúc đó người lao động mới có cơ hội có nhà ở để an cư lập nghiệp".
Các chuyên gia cho rằng để thực hiện được mục tiêu xây dựng 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024, tiến tới đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030, các địa phương phải rất quyết liệt trong việc đôn đốc thực hiện. Nếu chủ đầu tư không xây dựng thì Nhà nước phải kiên quyết thu lại quỹ đất này để lựa chọn nhà đầu tư mới hoặc đầu tư nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách để cho thuê.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động tạo quỹ đất nhà ở xã hội độc lập do Nhà nước tự quy hoạch, tự giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư, tránh lệ thuộc hoàn toàn vào quỹ đất 20%.
Ngoài ra, muốn triển khai chính sách nhà ở xã hội cũng như mọi chính sách an sinh xã hội hiệu quả thì cần đến sự tham gia chủ động, quyết liệt hơn từ Nhà nước trong vấn đề cho vay ưu đãi. Việc dùng ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất cho ngân hàng là cơ chế cần được tính đến.
Liên quan đến giải quyết kiến nghị của Cục Thuế Hà Nội, UBND Thành phố đã có văn bản số 3845 về việc xác định nghĩa vụ tài chính thuế thu nhập cá nhân và các khoản thu từ đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.
Khảo sát từ các ngân hàng thương mại cho thấy lãi suất cho vay mua nhà của một số ngân hàng có xu hướng giảm và được đánh giá là thấp nhất kể từ đầu năm 2024, nhưng dư nợ vẫn còn thấp.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3840 về việc triển khai Nghị định số 108/2024/NĐ-CP ngày 23/8/2024 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở, giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.
Nhiều diện tích ki-ốt tầng 1 ở một số tòa nhà tái định cư, nhà ở công nhân tại Hà Nội đang bị bỏ hoang, không cho thuê trong nhiều năm nay.
Tại diễn đàn "Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển", các chuyên gia cho rằng để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, cần phải có các giải pháp tổng thể và đồng bộ. Đặc biệt, pháp lý và nguồn vốn được coi là hai điểm nghẽn chính cần phải khơi thông càng sớm càng tốt.
Năm 2024, thị trường bất động sản đã có những chuyển dịch tích cực. Tuy nhiên đà phục hồi này vẫn chưa đồng đều, có sự khác biệt lớn giữa các phân khúc.
0