Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chia sẻ nỗi lo nhà ở công nhân
Chiều 28/5, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2025.
Hội nghị do UBND TP phối hợp với Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức với sự tham dự của hơn 200 công nhân đại diện cho hơn 2,7 triệu đoàn viên, người lao động trên địa bàn.
Nỗi lo nhà ở, trường học
Một trong những nội dung được nhiều công nhân, người lao động gửi tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại hội nghị đối thoại là vấn đề nhà ở cho người lao động và trường học cho con em của họ.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, thu nhập bình quân của người lao động trong quý I/2025 đạt 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức thu nhập này vẫn được đánh giá là thấp, nhất là với công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Hiện Hà Nội có 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao đang hoạt động, thu hút hơn 167.000 lao động, phần lớn là người ngoại tỉnh. Trong số này, khoảng 60% công nhân phải thuê trọ trong các khu dân cư, nhiều nơi chật hẹp, thiếu an ninh và vệ sinh, giá thuê cao, chi phí điện nước đắt đỏ. Ngoài ra, tình trạng thiếu trường học công lập cho con em công nhân cũng gây thêm áp lực chi tiêu.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang (Công ty TNHH Thời trang Star, KCN Phú Nghĩa) cho biết: “Nhiều công nhân từ các tỉnh xa muốn lên Hà Nội làm việc nhưng không thể ổn định cuộc sống vì không có chỗ ở phù hợp. Tôi đề xuất thành phố xem xét xây dựng khu nhà trọ giá rẻ và nhà trẻ gần các khu công nghiệp để tạo điều kiện an cư, yên tâm lao động cho người lao động”.
Theo chị Trang, việc đầu tư không chỉ giúp giảm gánh nặng cho công nhân mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút lao động cho các khu công nghiệp.

Trong khi đó, chị Chu Thị Báu (Công ty TNHH Kanepackage) nêu vấn đề: “Hiện quy định chỉ công nhân có thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng mới đủ điều kiện mua nhà ở xã hội là bất cập. Lương công nhân ở Hà Nội hiện đã cao hơn mức tối thiểu, lại còn có thưởng. Nhưng với chi phí sinh hoạt cao, thu nhập dù trên 15 triệu đồng cũng vẫn rất khó khăn”.
Chị Báu đề xuất Hà Nội kiến nghị Trung ương điều chỉnh quy định cho phù hợp: “Nên nâng ngưỡng thu nhập được mua nhà xã hội lên 20 hoặc 25 triệu đồng/tháng để sát với thực tế người lao động ở đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM”.

Còn Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Xuân Đỉnh Vi Văn Thắng cho hay việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đang gặp trở ngại do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, không gian cho học tập kỹ năng và hoạt động trải nghiệm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục và sự an toàn của học sinh. Anh Vi Văn Thắng đề nghị thành phố có chính sách đầu tư đồng bộ cho các trường học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và tạo niềm tin cho phụ huynh.
Nghiên cứu cơ chế để công nhân tiếp cận nhà ở xã hội
Giải đáp các ý kiến của công nhân về vấn đề nhà ở, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương nhấn mạnh đây là những kiến nghị thiết thực và cấp bách. Trong thời gian qua, TP Hà Nội đã đặc biệt quan tâm đến chính sách nhà ở cho công nhân. Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030 của thành phố đã nêu rõ chủ trương phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn này.
Thành phố đã giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội (nay là Ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp Hà Nội) phối hợp với Liên đoàn Lao động TP Hà Nội nghiên cứu, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động thuê gắn với các thiết chế Công đoàn. “Đề án đầu tư xây dựng nhà ở gắn với thiết chế Công đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xác định cụ thể nhu cầu nhà ở của công nhân hiện nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng,” ông Luyện Văn Phương nêu.

Cũng theo ông Luyện Văn Phương, Sở Xây dựng không trực tiếp thực hiện công tác khảo sát nhu cầu nhưng qua trao đổi với Ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp Hà Nội cho thấy, việc nắm bắt nhu cầu tại các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa có cơ sở dữ liệu cụ thể. “Việc phát triển nhà ở xã hội chậm trễ một phần có trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Chúng tôi xin nhận trách nhiệm và cam kết sẽ khắc phục trong thời gian tới. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội một số đề xuất tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, thủ tục, giao chủ đầu tư… để thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở này” ông Phương nói và đề nghị Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tiếp tục phối hợp khảo sát, xác định rõ nhu cầu của công nhân lao động.
Liên quan đến quy định về điều kiện mức lương khi mua nhà ở xã hội, ông Phương nhấn mạnh đây là các quy định được quy định rõ trong Luật. Trong phạm vi thẩm quyền, Sở Xây dựng ghi nhận ý kiến và sẽ kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bổ sung về nội dung này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, quy định về mức lương tối thiểu để mua nhà ở xã hội hiện đã được nêu rõ trong Luật. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố đặt vấn đề: “Liệu Hà Nội có thể áp dụng một cơ chế riêng không?”.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị Liên đoàn Lao động TP Hà Nội phối hợp với các cơ quan của TP nghiên cứu, kiến nghị áp dụng cơ chế đặc thù theo Luật Thủ đô, từ đó có thể trình HĐND TP Hà Nội ban hành nghị quyết riêng về nội dung này để hỗ trợ công nhân tiếp cận nhà ở xã hội một cách dễ dàng hơn. “Thực tế có những doanh nghiệp đang trả lương cao hơn một chút, thậm chí thu nhập của công nhân có thể đạt 20 triệu đồng/tháng. Cần tính toán có hệ số K nào đó để họ vẫn đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Đây là một kiến nghị rất đáng lưu ý trong bối cảnh đặc thù của Thủ đô", Chủ tịch UBND Thành phố cho biết.
Về vấn đề nhà trọ cho công nhân, Chủ tịch UBND Thành phố thông tin, Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội vượt chỉ tiêu được Thủ tướng giao. Tuy nhiên, cơ chế vận hành loại hình này hiện vẫn còn nhiều ràng buộc, chủ yếu là hình thức bán, thuê, cho thuê sơ cấp và thứ cấp, chưa linh hoạt. Do đặc thù hình thành các khu công nghiệp từ trước, nhiều mô hình nhà trọ do người dân cung cấp dịch vụ thuê trọ cho công nhân vẫn tồn tại. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và an ninh trật tự Nhà nước cần có cái nhìn bài bản hơn trong công tác quản lý và quy hoạch.
Theo đó, “Thành phố sẽ tiếp thu và có giải pháp mở hơn trong quy hoạch, phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà ở cho thuê tại các khu công nghiệp, bảo đảm sát thực tiễn và đáp ứng nhu cầu thực tế của người lao động”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.


Các đại biểu Quốc hội được khuyến khích phát biểu trực tiếp thay vì cầm giấy đọc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục phát huy vai trò cầu nối tin cậy, đối tác trách nhiệm, sẵn sàng đồng hành, đóng góp vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung cho tất cả người dân, các quốc gia của ASEAN, GCC và Trung Quốc.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hungary Sulyok Tamas là sự kiện quan trọng, góp phần đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Lực lượng CSGT đã triển khai ghi hình bằng camera giám sát để xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm giao thông.
UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu chuyển đổi xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên toàn địa bàn thành phố chậm nhất vào năm 2030.
Tình trạng thi công chậm tiến độ có thể kéo dài tại dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (km185- km189) thuộc địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội.
0