Chợ Tết

Quê tôi không có những phiên chợ đặc biệt như chợ Viềng (Nam Định), chợ Âm Dương (Bắc Ninh)… nhưng phiên chợ Tết quê nhà vẫn đặc biệt trong cảm xúc của mỗi người. Tôi muốn giữ lại chút gì của những ngày chộn rộn Tết xưa trong cuộc sống hiện tại.

Trong cuộc sống hiện đại, chỉ cần vài thao tác tìm kiếm, một cú click chuột theo đơn hàng đã chọn sẵn, là mỗi người có thể lo đầy đủ cho gia đình một cái Tết. Không cần đi chợ tốn xăng, khỏi lấn lướt tất bật, khỏi nhớ trước quên sau, đồ tươi đồ khô, cá thịt, rau củ, bánh mứt hoa quả, mai vàng hồng đỏ… cứ  thế mà theo xe chàng shipper giao tận nhà. Không thiếu thứ gì. Thậm chí có người còn gọi đó là cách “đi chợ” văn minh, tiện lợi, ưng ý và cả thân thiện môi trường. Tôi cũng thấy như vậy là hợp lý khi thời gian nghỉ Tết âm lịch của cả nhà đều eo hẹp, công việc thì bộn bề… Nhưng tôi vẫn cứ thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Có lẽ là không khí chợ Tết thuở xưa. Mời bạn cùng Hường và Diệu Hiền đi chợ quê ngày cuối năm, một miền quê xa ở Quảng Nam.

Ai cũng để dành một khoản thu nhập để sắm Tết. Háo hức đi chợ Tết. Chợ để bán. Chợ để mua. Như là thói quen, mọi người đều mong phiên chợ những ngày giáp Tết.

Sáng sớm, sương còn mơ màng giăng, trên mọi nẻo đường đến ngôi chợ nhỏ nằm giữa lòng thị trấn, nhiều gánh hàng kĩu kịt. Này là gánh củ kiệu, củ gừng buộc thành từng kẹp bằng lạt tre hoặc lá cau. Này là mớ lá dong xanh được xếp rất đẹp. Này hàng bánh mứt với bao nhiêu màu sắc rực rỡ, bắt mắt... Rồi kia là hàng thịt cá, rau xanh. Chợ Tết cứ thế mở rộng và nối dài ra luôn mấy ngả đường. Hàng hóa giăng giăng đủ sắc màu xanh vàng đỏ tím. Trật tự ngày thường của các gian hàng nơi đây đã không còn nữa. Người bán người mua chen hết cả lối đi. Điều đặc biệt của phiên chợ Tết là sản vật quê nhà bán đi, hàng hóa mua về. Mà ai cũng phóng tay, khác hẳn ngày thường, dù giá cả có nhích hơn tí xíu. Bán mua gì cũng đều vui, vì là chợ Tết. Chiếc cassette trong những tiệm tạp hóa mở thật to những giai điệu xuân. Thêm những tiếng xôn xao cười đùa, đã nghe thấy tết rộn ràng khắp nơi.

Tôi nhớ mãi những ngày ấu thơ được mẹ cho đi chợ Tết. Cả đêm trằn trọc mong trời mau sáng. Tôi lon ton đi sau gánh rau cải và  kiệu mẹ đã cắt tỉa lá vàng và bó, xếp rất cẩn thận. Từ nhà tôi đến thị trấn hơn năm cây số, nhưng tôi thấy chẳng có gì xa lắm. Lúc đó, tôi chưa biết để ý đến nỗi vất vả của mẹ, cũng không biết mẹ bán hàng được nhiều tiền hay không. Chỉ háo hức được xem chợ, được mẹ mua cho ổ bánh mì thơm phức giòn tan, hay con tò he sặc sỡ được nặn từ bột.

Đến chợ, mẹ dặn tôi nhớ đứng bên gánh rau kẻo bị lạc. Tôi ngoan ngoãn nghe lời mẹ. Đứng yên nhìn người ta mua bán, hoặc ngắm nhìn những món hàng lạ lẫm vui mắt rồi theo mẹ mua hàng cũng là niềm hạnh phúc lớn lao của tôi. Tôi sẽ có rất nhiều chuyện để kể lại với đám bạn trong xóm. Bao nhiêu cái Tết như vậy cứ ăm ắp một miền trong trẻo. Ngày xưa đã trôi xa vào miền ký ức. Người ta vốn thường chỉ cảm nhận được hạnh phúc khi nó vuột khỏi tầm tay.

Quê tôi không có những phiên chợ đặc biệt như chợ Viềng (Nam Định), chợ Âm Dương (Bắc Ninh)…, nhưng phiên chợ Tết quê nhà vẫn đặc biệt trong cảm xúc của mỗi người. Tôi muốn giữ lại chút gì của những ngày chộn rộn Tết xưa trong cuộc sống hiện tại. Chợ Tết ngày nay vẫn rộn ràng và tràn đầy hương sắc, nhưng vì tôi đã không còn thơ bé để nghe xôn xao tiếng đời hay vì những chợ online làm giảm ý vị? Tự nhủ lòng phải biết chắt chiu từng khoảnh khắc quý giá của những ngày sắp sang xuân./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một câu nói cũ, chắc nhiều người từng nghe qua: "May mắn là khi cơ hội gặp gỡ sự chuẩn bị". Nhưng có lẽ, may mắn không chỉ đơn giản là cuộc hẹn tình cờ giữa cơ hội và sự chuẩn bị, mà còn là kết tinh của niềm tin và nỗ lực. Một người may mắn không phải là người chỉ ngồi yên chờ đợi vận may gõ cửa, mà là người dám tin vào những điều tốt đẹp và nỗ lực không ngừng để khiến điều đó xảy ra.

Có người kể với tôi, ngoại của cô là một người rất hiền, lành và thương người. Tình thương ấy không chỉ dành cho con cháu trong nhà mà ngoại còn ân cần thương cả những người xa lạ nữa. Ngoại thường bảo: Chẳng ai thiếu ai mà không sống được cả. Chỉ là mình thương người ta nhiều một chút thì thêm một lý do để sống thôi.

Nhắc tới sa mạc, có lẽ ai cũng hình dung ra một vùng đất đầy khắc nghiệt, trơ trọi với những cơn bão cát, cái nắng bỏng rát và chẳng còn gì khác. Nhưng không, cuộc sống trên sa mạc phong phú hơn nhiều. Có người kể với tôi rằng, sa mạc rồi cũng nở hoa.

Bạn biết không, có lúc mỏi mệt, bất chợt, tôi lại nhớ tới câu nói mà một người đã từng nói với tôi rằng: Khi đời người là một cuộc thi marathon, hãy kiên trì đến phút cuối cùng của đường đua.

Mỗi người đều có cho mình những đức tin riêng để neo đậu. Ánh sáng giác ngộ từ đức tin chính là kim chỉ nam làm bản thân tìm được hướng đi đúng đắn thoát khỏi cơn mê, là nơi nâng đỡ, là điểm tựa vững chãi trước những bão giông của cuộc đời.

Thuở ấu thơ, ta ngóng trông ngày mình khôn lớn. Đến khi trưởng thành, ngoảnh đầu nhìn lại, mới giật mình nhận ra những ngày thơ bé ấy là quãng thời gian tươi đẹp nhất của cuộc đời. Những ngày tháng vô tư, hồn nhiên, chẳng lo âu phiền muộn, chỉ đong đầy niềm vui và những giấc mơ trong trẻo.