Chợ ẩm thực 'nhà giàu' trên phố cổ
Đã hàng trăm năm nay chợ Hàng Bè là nguồn chính cung cấp thực phẩm cho người dân phố cổ Hà Nội. Với người Kẻ Chợ - Thăng Long, chợ Hàng Bè là một phần trong cuộc sống của họ, là nơi sinh hoạt, giao lưu, là một không gian văn hóa của những người dân sống trong phố cổ. Chợ Hàng Bè được coi là "chợ nhà giàu" giữa lòng phố cổ.
Theo lẽ thường, hễ cứ chỗ nào đông dân cư sinh sống, ấy sẽ là nơi có chợ. Nhìn vào chợ, người ta sẽ biết được đời sống của người dân nơi ấy ra sao. Ở Kẻ Chợ - Thăng Long xưa, Hà Nội nay, chợ luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người dân.
Nằm ngay cạnh Hồ Gươm, với người dân phố cổ, chợ Hàng Bè gắn bó, thân thiết với họ cả trăm năm nay và đã trở thành một không gian văn hóa rất riêng của người Hà Nội. Xét về một khía cạnh nào đó, nó cũng phản ánh được một phần cuộc sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống của người dân nơi đây.
Bà Trần Bích Liên, nhà ở phố Hai Bà Trưng, năm nay đã gần bước qua tuổi 80. Với bà, đi chợ Hàng Bè đã trở thành một thói quen, một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. "Chợ này là chợ thân quen của tôi rồi, mấy chục năm nay rồi. Chợ Hàng Bè, tất cả những đồ đều đầy đủ và rất ngon. Giá cả cũng hợp lý. Cho nên dù đi đâu nhưng tôi vẫn về chợ này vì yên tâm hơn và thấy nó ngon hơn", bà Liên chia sẻ.
Chợ Hàng Bè chỉ có vài trăm mét chạy dọc con phố Gia Ngư, Hàng Bè và ngõ Trung Yên trong khu phố cổ Hà Nội, nhưng lại nổi tiếng bởi tập hợp đầy đủ các cửa hàng bán thực phẩm và đồ ăn chế biến sẵn. Những món ăn này không chỉ phục vụ cho người dân phố cổ mà cả những thực khách tỉnh xa, thậm chí là người nước ngoài cũng về đây để mua những món ăn hợp vị của người Hà Nội.
Với những bà, những chị yêu nội trợ, chợ Hàng Bè là một thiên đường phục vụ các mặt hàng cho họ trổ tài nấu nướng. Không những thế, chợ còn có rất nhiều hàng quà bánh đặc sản để phục vụ ngay tại chỗ cho những thực khách ưa ẩm thực phố phường. Với những người bận rộn, chợ có đủ các đồ làm sẵn, nóng hổi.
Ở Hà Nội có lẽ hiếm có khu chợ nào mà phố phải nhường đường cho chợ như là chợ Hàng Bè. Mặc dù đã chuyển nhà, nhiều người dân trước đây từng đi chợ Hàng Bè vẫn giữ thói quen lên đây để đi chợ. Người ta vẫn thường kháo nhau rằng đến chợ Hàng Bè thì gái vụng cũng trở thành gái đảm.
Ngoài mắm tép, gà luộc, các món cỗ sẵn, có một món ăn rất nổi tiếng ở chợ Hàng Bè, đó là cá kho. Thực ra chợ Hàng Bè có đến 3 - 4 hàng bán món cá kho "gây thương nhớ" cho thực khách. Các hàng bán cá kho ở đây có bán đủ món, nào là cá trắm kho riềng, cá kìm kho cà chua, cá quả kho củ cải, sườn xào chua ngọt, thịt kho… nhưng đắt hàng nhất là cá trắm kho. Đây cũng là món mang lại danh tiếng cho khu chợ này, cũng như khiến khách hàng ngày nóng cũng như ngày lạnh, ngày dưng hay ngày Tết đều tấp nập khách ra vào đợi mua.
Cá kho là một trong những món ăn truyền thống của người Hà Nội, nhưng kho làm sao cho chuẩn vị là điều không hề dễ dàng. Quán cá kho Huyền, ngõ Cầu Gỗ, Hà Nội là một trong những quán cá kho đắt khách trên khu chợ Hàng Bè. Chị Phạm Cẩm Huyền, chủ cửa hàng, chia sẻ gia đình chị có truyền thống nhiều đời gắn bó với những nồi cá kho, từ đời bà ngoại, rồi đến mẹ chị, bây giờ là đến đời chị vẫn dành trọn tình yêu với những nồi cá kho. Bởi gửi cả tấm lòng vào những nồi cá kho, nên khi ăn, ta như thấy cả quê hương, cả ân tình thấm vào hương vị.
Nhìn cách chị Huyền chăm chút để ý từng nồi cá kho trên bếp mới thấy dù vẫn những nguyên liệu cơ bản đó, thế nhưng để có được nồi cá kho muốn ngon còn phải phụ thuộc tay nghề và tình cảm của người nấu nướng. Giữa thời tiết se se lạnh có bát cá kho, thêm đĩa rau luộc chấm với nước cá béo ngậy, đối với nhiều người chẳng cao lương mỹ vị nào bằng.
Khách hàng tới lui cửa hàng nhà chị Huyền, phần lớn là do người này truyền tai người kia, chứ chẳng cần phải quảng cáo. Hữu xạ tự nhiên hương là thế, người ta kháo nhau cá kho ở đây đã có truyền thống từ nhiều đời, không những thơm ngon đậm đà, béo ngậy, rất đưa cơm. Tầm 4 - 5 giờ chiều là giờ cao điểm bán hàng của quán, khách đi làm về tạt qua chợ mua cá về ăn tối, đứng chật cả mặt đường. Có cả những khách du lịch cũng đến mua cá.
Trước đây, chợ Hàng Bè chiếm trọn cả con phố Gia Ngư và một phần các tuyến phố xung quanh. Lòng đường cũng là không gian của chợ. Nhưng cách đây vài năm, thành phố quyết định giải toả khu chợ này để trả lại lòng đường cho các phương tiện tham gia giao thông và sự thông thoáng của con phố này. Cũng có điều thật lạ, chợ họp trong lòng phố, thế nhưng đôi lúc người ta như bắt gặp những hình ảnh của một phiên chợ quê. Những ông già, bà cả, những cô gái bán hàng mộc mạc, giản dị với những món hàng mang chút hương vị quê khiến ta cứ nghĩ rằng khung cảnh ấy đang ở một phiên chợ xa nào đó ở một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ.
Chợ Hàng Bè hay được coi là khu "chợ nhà giàu" nằm giữa phố cổ Hà Nội bởi các món ăn ngon chế biến sẵn và đồ cúng lễ làm sẵn ở đây đều rất phong phú và đa dạng. Mặc dù có giá cao gấp 2-3 lần so với các khu chợ khác ở Hà Nội nhưng chợ Hàng Bè lúc nào cũng đông nghịt khách đến mua, nhất là vào các dịp lễ, Tết, đặc biệt vào ngày Rằm tháng 7 hàng năm.
Hà Nội ở khắp các phố phường, ngõ hẹp, nơi nào cũng tấp nập kẻ buôn người bán. Những phố chợ vừa mang dáng dấp của cuộc sống đô thị lại vừa phảng phất những nét quê bình dị.
Dân Hà Nội vẫn mách nhau, muốn ăn ngon thì lên chợ Hàng Bè. Những ngày giáp Tết là những ngày đắt hàng nhất của chợ này. Chợ Hàng Bè bây giờ còn phảng phất chút không khí của phiên chợ quê, của Kẻ Chợ khi xưa. Dù có trải qua nhiều biến đổi, chợ Hàng Bè vẫn là một phần thân thương không thể thiếu của người dân Hà thành.
Không cần phải đợi đến Tết, món bánh chưng rán mâm mang hương vị tuổi thơ của nhiều người giờ đây có thể được thưởng thức mọi lúc, nhưng ngon nhất là trong thời tiết se lạnh của Hà Nội dịp này.
Khác biệt với những môn thể thao phải vận động mạnh, yoga nhìn nhẹ nhàng nhưng lại giúp cho người tập rèn luyện cả về "tâm-thân-trí". Điều này cũng đòi hỏi những huấn luyện viên yoga phải có kinh nghiệm nhất định.
Bãi sông Hồng dưới chân cầu Long Biên gần đây đã đổi thay. Rác thải ô nhiễm tồn đọng lâu ngày được thu dọn để cải tạo, trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách.
Với mạng lưới phủ rộng khắp thành phố, xe buýt giờ đây là một phương tiện giao thông công cộng tiện lợi và an toàn, đặc biệt với những người lớn tuổi ở Hà Nội.
Hơn 40ha trồng đào ở Nhật Tân, làng đào nổi tiếng của Hà Nội, gần như bị cơn bão số 3 (Yagi) phá hủy hoàn toàn.
Nối huyện Đông Anh với quận Long Biên, cầu Đông Trù không chỉ nổi bật bởi vai trò giao thông quan trọng mà còn gây ấn tượng mạnh với thiết kế độc đáo.
0