Chiến sự ngày 7/3: Nga tấn công hàng trăm UAV vào Ukraine
Nga tấn công ồ ạt các cơ sở năng lượng của Ukraine
Lực lượng không quân Ukraine ngày 7/3 cho biết, Nga đã tiến hành một trong những cuộc tấn công lớn nhất trong năm vào Ukraine, với hơn 200 tên lửa và máy bay không người lái vào các mục tiêu trên khắp Ukraine. Cụ thể, Nga đã bắn 67 tên lửa và 194 máy bay không người lái (UAV) vào Ukraine. Phía Ukraine đã bắn hạ 34 tên lửa và 100 máy bay không người lái trong số đó, còn 86 UAV khác đã biến mất trên không.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine cho biết, cuộc tấn công đã nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng và khí đốt trên khắp Ukraine, tập trung vào Odesa và Poltava. Cuộc tấn công đã làm hư hại các cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên của Công ty dầu khí Nhà nước Naftogaz của Ukraine.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 7/3 cho biết: "Lực lượng vũ trang Nga đã tấn công kết hợp bằng vũ khí chính xác tầm xa phóng từ trên không, trên biển và trên bộ, cùng máy bay không người lái vào các cơ sở hạ tầng cung cấp khí đốt và điện của khu vực công nghiệp - quân sự Ukraine. Mục tiêu của cuộc tấn công đã đạt được. Tất cả các mục tiêu đều bị tấn công".
Cuộc tấn công này của Nga diễn ra chỉ một ngày sau khi Mỹ ngừng chia sẻ thông tin tình báo với Kiev, trong khi một phái đoàn Ukraine chuẩn bị gặp gỡ các đại diện Mỹ tại Ả Rập Xê Út để đàm phán về khả năng chấm dứt xung đột.
Kiev tuyên bố sử dụng máy bay phản lực của Pháp trong chiến đấu
Người phát ngôn của Không quân Ukraine cho biết, lực lượng này đã lần đầu tiên triển khai máy bay phản lực chiến đấu Mirage 2000 do Pháp cung cấp trong chiến đấu để đẩy lùi cuộc tấn công UAV và tên lửa của Nga vào các cơ sở năng lượng đêm 6/3.
Kiev đã nhận được lô máy bay phản lực thế hệ thứ tư đầu tiên từ Pháp vào tháng trước. Tháng 10/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu xác nhận rằng các phi công Ukraine đang được đào tạo tại Pháp để vận hành loại máy bay này.
Không quân Ukraine tuyên bố, các máy bay phản lực của Pháp đã chặn hơn 100 máy bay không người lái và 34 tên lửa của Nga, đồng thời ngăn chặn 10 tên lửa tiếp cận mục tiêu.

Ban đầu, Pháp công bố kế hoạch cung cấp máy bay phản lực Mirage 2000 cho Ukraine vào mùa hè năm 2024, nhưng việc giao hàng liên tục bị trì hoãn. Mặc dù tổng số máy bay được cung cấp vẫn chưa được tiết lộ, truyền thông Pháp đưa tin rằng, Ukraine dự kiến chỉ nhận được 6 máy bay.
Tập đoàn quốc phòng Nga Rostec đã coi loại máy bay Mirage 2000 là lỗi thời, cho rằng nó "kém hơn đáng kể" so với các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga. Một đại diện của công ty trước đây đã lập luận rằng, máy bay này có chung các điểm yếu về cấu trúc với F-16 do Mỹ sản xuất, hạn chế hiệu quả của chúng ở gần tiền tuyến.
Ông Trump đe dọa cân nhắc lệnh trừng phạt và thuế bổ sung với Nga
Ngay sau cuộc tấn công của Nga vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đang cân nhắc áp dụng các lệnh trừng phạt và thuế quan bổ sung đối với Nga, buộc nước này phải đàm phán chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài ba năm với Ukraine.
Trong một bài đăng trên Truth Social, ông Trump cho biết: “Dựa trên thực tế là Nga đang ‘đập tan’ Ukraine trên chiến trường ngay lúc này, tôi cân nhắc mạnh mẽ các lệnh trừng phạt ngân hàng, lệnh trừng phạt và thuế quan trên diện rộng đối với Nga cho đến khi đạt được lệnh ngừng bắn và thỏa thuận cuối cùng về hòa bình. Đối với Nga và Ukraine, hãy ngồi vào bàn đàm phán ngay bây giờ, trước khi quá muộn”.
Lời đe dọa mơ hồ của ông Trump trái ngược với các bước đi mà ông đã thực hiện đối với Ukraine, bao gồm việc chấm dứt nguồn cung cấp quân sự của Mỹ được công bố vào đầu tuần này và việc đóng cửa cơ quan tình báo.
Dữ liệu cho thấy, nhập khẩu của Mỹ từ Nga đã giảm mạnh, từ gần 30 tỷ USD năm 2021 xuống chỉ còn 2,9 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024.
Mỹ đã nhập khẩu 13,5 tỷ đô la các sản phẩm dầu mỏ của Nga vào năm 2014, nhưng con số này giảm xuống bằng 0 sau các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột Ukraine. Một số mặt hàng khác từng chiếm tỷ trọng lớn trong nhập khẩu của Mỹ, bao gồm thép bán thành phẩm và gang, cũng đã giảm xuống còn 0. Tuy nhiên, Mỹ vẫn nhập khẩu một lượng lớn phân bón của Nga dùng trong nông nghiệp - vào năm 2023 - cũng như hơn 1 tỷ đô la urani dùng cho mục đích sử dụng năng lượng hạt nhân và paladi, rhodi dùng trong sản xuất ô tô.
Ông Zelensky kêu gọi “im lặng trên bầu trời”
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi “im lặng trên bầu trời”. Ông viết trên Telegram rằng: “Những bước đầu tiên để thiết lập hòa bình thực sự là buộc nguồn gốc duy nhất gây ra cuộc chiến này, tức là Nga, phải chấm dứt chính xác những cuộc tấn công như vậy vào cuộc sống bình thường”.
Tổng thống Ukraine đã kêu gọi tạm dừng giao tranh ba lần trong vài ngày qua.
Ngày 7/3, ông cho biết nên đạt được sự "im lặng trên bầu trời", bao gồm "cấm sử dụng tên lửa, máy bay không người lái tầm xa và bom trên không".
Ông Zelensky nói thêm: "Im lặng trên biển - một sự đảm bảo thực sự cho hoạt động hàng hải bình thường. Ukraine sẵn sàng theo đuổi con đường hòa bình, và chính Ukraine đấu tranh vì hòa bình ngay từ giây đầu tiên của cuộc chiến này".
"Nhiệm vụ là buộc Nga phải dừng chiến tranh" - Tổng thống Zelensky đưa ra lời kêu gọi này sau khi Nga phóng gần 200 UAV và tên lửa vào các cơ sở năng lượng của Ukraine.
Kể từ khi các nhà đàm phán Mỹ và Nga gặp nhau tại Ả Rập Xê Út, Điện Kremlin đã tăng cường đáng kể cuộc không kích vào Ukraine. Cuộc tiến công trên bộ ở khu vực Donetsk phía Đông phần lớn đã dừng lại, lực lượng vũ trang Ukraine chỉ thực hiện các cuộc phản công cục bộ ở một số khu vực.
Nga cân nhắc hành động đáp trả kế hoạch quân sự hóa của EU
Các nhà lãnh đạo châu Âu hôm 6/3 đã ủng hộ các kế hoạch tăng chi tiêu cho quốc phòng và tiếp tục sát cánh cùng Ukraine trong một thế giới bị đảo lộn, bởi việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo ngược các chính sách của Mỹ.
Trả lời phóng viên về vấn đề này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Chúng tôi thấy rằng Liên minh châu Âu hiện đang tích cực thảo luận về việc quân sự hóa EU và phát triển mảng quốc phòng. Đây là một quá trình mà chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ, bởi vì EU đang định vị Nga là kẻ thù chính của mình".
Ông Peskov cho hay: "Tất nhiên, đây có khả năng là chủ đề khiến chúng tôi quan ngại sâu sắc và có thể cần phải thực hiện các biện pháp thích hợp để đáp trả nhằm đảm bảo an ninh của chúng tôi".
"Và tất nhiên, những lời lẽ và suy nghĩ mang tính đối đầu mà chúng ta đang chứng kiến ở Brussels và các nước châu Âu thực sự trái ngược với mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine".
Trước đó, lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu EU đã tham dự cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt về tái vũ trang châu Âu và vấn đề Ukraine tại Brussel (Bỉ) hôm 6/3. Hội nghị đã đạt được một tuyên bố chung của lãnh đạo 27 nước thành viên về tăng chi tiêu đáng kể cho quốc phòng và huy động 800 tỷ Euro - trong đó 150 tỷ Euro dưới dạng các khoản vay - để củng cố năng lực quốc phòng toàn châu lục.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy cũng có mặt tại hội nghị. Liên minh châu Âu dự kiến một khoản hỗ trợ mới cho Ukraine trị giá 30 tỷ Euro trong năm 2025, nhiều quốc gia thậm chí còn muốn con số này phải cao hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Victor Orban có thể ngăn cản khoản viện trợ Ukraine này.
Trên các mặt trận khác
Báo cáo ngày 7/3 của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội Nga giải phóng bốn khu định cư ở khu vực Donetsk trong tuần từ ngày 1-7/3.
Trong đó, nhóm tác chiến Dnepr đã gây ra khoảng 575 thương vong cho quân đội Ukraine và phá hủy hai kho đạn dược của đối phương trong khu vực do mình quản lý trong tuần.
Báo cáo cho biết, các đơn vị Nhóm tác chiến Trung tâm đã cải thiện vị trí chiến thuật của họ và giải phóng khu định cư Andreyevka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk, miền Đông Ukraine. Moscow cho biết ngôi làng này vốn từng là trung tâm tiếp tế chính của Ukraine, đã bị Ukraine kiểm soát vào tháng 1/2025.
Các đơn vị Nhóm tác chiến phía Đông tiếp tục tiến sâu vào hệ thống phòng thủ của đối phương và giải phóng các khu định cư Skudnoye, Burlatskoye và Privolnoye ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.
Trong tuần, quân đội Nga cũng tấn công kết hợp bảy lần, đánh vào các sân bay quân sự, kho đạn dược và xưởng lắp ráp UAV của Ukraine.
Nhóm tác chiến phía Bắc của Nga gây ra hơn 1.590 thương vong cho quân đội Ukraine trong tuần và phá hủy bốn kho đạn dược của đối phương tại các khu vực Kursk và Kharkov trong tuần.
Theo hướng Kharkov, các đơn vị của Nhóm tác chiến phía Bắc đã gây ra tổn thất cho các đội hình của hai lữ đoàn cơ giới và một lữ đoàn bộ binh cơ giới của quân đội Ukraine, hai lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ và hai đội biên phòng của Cục Biên phòng Ukraine.
Nhóm tác chiến phía Tây của Nga gây ra hơn 1.525 thương vong cho quân đội Ukraine và phá hủy mười vũ khí pháo binh của NATO trong khu vực do họ quản lý trong tuần. "Các đơn vị Nhóm tác chiến phía Tây đã giành được các tuyến và vị trí tốt hơn và gây ra tổn thất về nhân lực và trang thiết bị cho năm lữ đoàn cơ giới, một lữ đoàn xe tăng, một lữ đoàn tấn công và một lữ đoàn không quân của quân đội Ukraine cùng hai lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ", Bộ quốc phòng Nga cho biết.
Nhóm tác chiến phía Nam của Nga đã gây ra hơn 1.665 thương vong cho quân đội Ukraine và phá hủy 11 xe bọc thép chiến đấu của đối phương trong khu vực chịu trách nhiệm của mình trong tuần qua.
Nhóm tác chiến Trung tâm của Nga gây ra hơn 3.810 thương vong cho quân đội Ukraine và phá hủy hai xe tăng và 29 xe chiến đấu bọc thép của địch trong khu vực chịu trách nhiệm của mình trong tuần.
Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào cảng Odessa ở Biển Đen của Ukraine đã làm hỏng cơ sở hạ tầng năng lượng, gây ra hỏa hoạn trong khu vực.


Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt hàng loạt mức thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu, nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản xuất nội địa. Những biện pháp này không chỉ châm ngòi cho các cuộc chiến thương mại, mà còn làm lung lay niềm tin vào hệ thống thương mại tự do mà Mỹ từng dẫn dắt.
Các cơ quan liên quan của Myanmar đã có buổi làm việc với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar về kết quả tìm kiếm cứu nạn và giai đoạn tiếp theo trong chiều tối muộn ngày 3/4, tại Thủ đô Naypyidaw.
Sau 5 ngày có mặt tại Myanmar, Đội cứu hộ cứu nạn Công an Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và tình cảm đặc biệt cho người dân Myanmar.
Ông Yoon Suk Yeol đã gửi lời xin lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của đất nước và người dân, chỉ vài giờ sau khi bị tuyên bãi chức Tổng thống Hàn Quốc.
Myanmar và Thái Lan vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm thêm những người sống sót sau trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3.
Sự hỗ trợ của các phương tiện, kỹ thuật đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc cứu hộ, cứu nạn sau động đất tại Myanmar của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam.
0