Chiến sự ngày 6/3: Mỹ chia sẻ thông tin mật với Nga
Ngoại trưởng Mỹ Rubio: Xung đột Ukraine là cuộc chiến ủy nhiệm Mỹ - Nga
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thừa nhận rằng, cuộc xung đột tại Ukraine thực chất là một cuộc chiến ủy nhiệm giữa hai cường quốc hạt nhân: Mỹ và Nga.
“Tổng thống Trump coi đây là một cuộc xung đột kéo dài, bế tắc và thẳng thắn mà nói, đó là một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Mỹ - quốc gia đang hỗ trợ Ukraine và Nga”, ông Rubio phát biểu trên Fox News. Ông nhấn mạnh rằng, tình trạng bế tắc này cần sớm được giải quyết.

Hôm 4/3, Fox News dẫn lời một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết, Washington sẽ tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine cho đến khi Tổng thống Donald Trump xác định rằng, Kiev cam kết đàm phán hòa bình. Lầu Năm Góc cũng đã xác nhận quyết định này với RIA Novosti.
Theo thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov, việc Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể tạo ra cơ hội để chính quyền Kiev hướng đến một giải pháp hòa bình.
Ngày 18/2, các quan chức cấp cao Nga và Mỹ đã gặp nhau tại Riyadh, Ả rập Xê út để bàn về việc khôi phục hợp tác song phương, dỡ bỏ hạn chế đối với các đại sứ quán và tìm kiếm giải pháp cho xung đột Ukraine.
Trước đó, các phái đoàn của hai nước cũng đã gặp nhau tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về nguồn tài trợ cho hoạt động ngoại giao và khả năng khôi phục các chuyến bay thẳng. Trong khuôn khổ các cuộc đàm phán này, Mỹ đã đồng ý với đề xuất bổ nhiệm Alexander Darchiev làm Đại sứ mới của Nga tại Washington.
Ngoại trưởng Lavrov: Tuyên bố hạt nhân của Pháp là mối đe dọa đối với Nga
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho rằng, những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân là một mối đe dọa đối với Nga. Ông cũng bày tỏ lo ngại về quan điểm của ông Macron đối với xung đột Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng, Moscow không tìm kiếm một cuộc đối đầu quân sự với châu Âu.
Ông Lavrov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn sẵn sàng đối thoại, nhưng phía Pháp lại không tận dụng cơ hội này. Ông cũng chỉ trích đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine, cho rằng động thái này chỉ làm gia tăng căng thẳng và cản trở tiến trình hòa bình.
Ngoại trưởng Nga cảnh báo rằng, nếu quân đội châu Âu hiện diện tại Ukraine, Moscow sẽ coi đây là sự tham gia trực tiếp của NATO vào cuộc xung đột. Ông khẳng định, Nga sẽ không khoanh tay đứng nhìn trước bất kỳ hành động nào đe dọa đến lợi ích quốc gia của mình.

NBC: Nhà Trắng có thể chia sẻ thông tin mật với Nga
Theo NBC News, Nhà Trắng có thể bắt đầu chia sẻ một số thông tin mật với Nga, dựa trên nhận định từ các cựu quan chức tình báo Mỹ.
Một số cựu sĩ quan Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) tin rằng, Washington có thể giảm các hoạt động tình báo chống lại Nga do không còn coi Điện Kremlin là mối đe dọa hàng đầu. Cựu chuyên gia phân tích của CIA Emily Harding cũng nhận định rằng, chính quyền Mỹ có thể đã đạt được một thỏa thuận với Moscow về vấn đề an ninh mạng.
Trong khi đó, NBC cho biết, một số đồng minh của Mỹ, bao gồm Israel, Saudi Arabia và các nước thuộc liên minh tình báo Five Eyes (Anh, Canada, Australia, New Zealand và Mỹ), đang cân nhắc giảm lượng thông tin tình báo chia sẻ với Washington do lo ngại về chính sách đối với Nga. Tuy nhiên, chính phủ Anh, Canada và Israel đã phủ nhận thông tin này.
Tên lửa Anh mất tác dụng sau khi Mỹ ngừng chia sẻ tình báo với Ukraine
Tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất đã trở nên vô dụng đối với Lực lượng vũ trang Ukraine sau khi Mỹ ngừng cung cấp dữ liệu tình báo cho Kiev, theo tờ Daily Mail.
“Tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp đã mất đi hiệu quả tác chiến ở Ukraine vì Tổng thống Trump đã chặn việc chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ với các đồng minh”, bài báo cho biết. Trước đó, Sky News cũng trích dẫn nguồn tin từ Ukraine xác nhận rằng, Washington đã hoàn toàn dừng việc chia sẻ dữ liệu tình báo với Kiev. Đồng thời, Daily Mail cho hay, Nhà Trắng đã cấm Anh chuyển giao bất kỳ thông tin tình báo nào của Mỹ cho Ukraine ngay sau khi quyết định đình chỉ viện trợ quân sự.

Theo nhận định của Daily Mail, động thái này có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, bởi tên lửa Storm Shadow phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu tình báo từ Washington để nhắm mục tiêu chính xác. Trước xung đột, London sở hữu khoảng 900 tên lửa Storm Shadow, mỗi quả trị giá khoảng hai triệu bảng Anh. Tính đến tháng 11/2024, số lượng còn lại khoảng 600 quả, sau khi Anh đã viện trợ hàng trăm tên lửa cho Ukraine.
Trước đó, vào ngày 4 /3, Fox News dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ tạm dừng cung cấp đạn dược và thiết bị quân sự cho Kiev cho đến khi Tổng thống Donald Trump xác định rằng Ukraine cam kết đàm phán hòa bình.
Politico: Trợ lý của ông Trump bí mật gặp gỡ phe đối lập ở Ukraine
Theo Politico, một số trợ lý cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có các cuộc gặp gỡ bí mật với các chính trị gia đối lập tại Ukraine. Những cuộc trao đổi này được cho là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ Washington trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang đối mặt với nhiều thách thức.
Tổng thống Zelensky đã hoãn bầu cử tổng thống do thiết quân luật và không chuyển giao quyền lực tạm thời cho chủ tịch quốc hội, làm dấy lên tranh cãi về tính hợp hiến. Theo nguồn tin của Politico, các cuộc tiếp xúc với cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko và cựu Tổng thống Petro Poroshenko chủ yếu xoay quanh khả năng tổ chức bầu cử sớm.

Ông Trump từng gọi ông Zelensky là “một nhà lãnh đạo không qua bầu cử”, trong khi các trợ lý của ông cáo buộc nhà lãnh đạo Ukraine đang gây cản trở cho kế hoạch hòa bình của Washington. Một số quan chức Mỹ thậm chí công khai kêu gọi ông Zelensky từ chức sau cuộc gặp căng thẳng tại Nhà Trắng tuần trước.
Bề ngoài, cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko và cựu Tổng thống Petro Poroshenko vẫn công khai ủng hộ chính quyền Kiev trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, theo Politico, họ đang tìm kiếm sự ủng hộ từ Mỹ cho một cuộc chuyển giao quyền lực trong tương lai.
Hiện tại, chính quyền Trump đã tạm dừng viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine. Dù các đồng minh châu Âu cam kết tiếp tục hỗ trợ Kiev, họ cũng thừa nhận rằng không thể thay thế vai trò của Washington. Những thay đổi này đang ảnh hưởng lớn đến cục diện cuộc xung đột, khi Nga dần giành ưu thế trên chiến trường.
Ukraine mất quyền truy cập dữ liệu, HIMARS bị vô hiệu hóa
Mỹ đã ngừng cung cấp dữ liệu tình báo cần thiết để Ukraine sử dụng hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS trong các cuộc tấn công tầm xa vào Nga, theo Oliver Carroll, biên tập viên của The Economist.
Quyết định này được đưa ra sau khi Washington xác nhận đình chỉ viện trợ quân sự và hỗ trợ tình báo cho Kiev, trong bối cảnh căng thẳng giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong một bài đăng trên nền tảng X hôm thứ Tư, Carroll viết: "Mỹ đã cắt một liên kết tình báo quan trọng vào lúc 2 giờ chiều, giờ Kiev." Ông nhấn mạnh rằng, trước đó, Ukraine vẫn nhận được dữ liệu mục tiêu cho HIMARS và thông tin thời gian thực cho các cuộc tấn công tầm xa.
Trước đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) John Ratcliffe xác nhận rằng, Mỹ đã đình chỉ cả việc chia sẻ thông tin tình báo lẫn hỗ trợ vũ khí, nhưng để ngỏ khả năng dỡ bỏ các hạn chế nếu Ukraine cam kết đàm phán hòa bình với Nga.
Theo Washington Post, quyết định này khiến Ukraine gặp khó khăn trong việc thực hiện các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga - điều từng được chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden cho phép trong một số trường hợp.
Một sĩ quan quân đội Ukraine tiết lộ rằng, trong tháng qua, ít nhất một nhóm vận hành HIMARS đã không nhận được tọa độ để thực hiện các cuộc tấn công xa hơn 40 dặm (khoảng 64 km) so với chiến tuyến với Nga. Một nguồn tin khác cho biết, chính quyền Trump chỉ chia sẻ dữ liệu khi cần thiết để bảo vệ lực lượng Ukraine đang bị tấn công.
Tính đến tháng 11/2024, Mỹ đã cung cấp hơn 40 hệ thống HIMARS cho Ukraine cùng hàng nghìn tên lửa. Tuy nhiên, hiện chưa rõ số hệ thống còn hoạt động cũng như lượng đạn dược còn lại của Kiev.
Moscow nhiều lần cáo buộc Ukraine sử dụng HIMARS với tầm bắn lên tới 300 km, để tấn công các mục tiêu dân sự. Nga cũng lên án việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev, cho rằng điều này chỉ kéo dài xung đột mà không thay đổi kết quả cuối cùng.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định: "Nếu Mỹ chấm dứt hoàn toàn viện trợ quân sự cho Ukraine, có lẽ đó sẽ là đóng góp tốt nhất cho hòa bình".


Nga cảnh báo việc Ukraine thay thế Tổng tư lệnh quân đội sẽ không cải thiện tình hình chiến trường. Trong khi đó, phương Tây vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí bất chấp các nỗ lực thúc đẩy hòa bình.
Israel vừa triển khai một chiến dịch trên bộ có giới hạn ở khu vực trung và nam Dải Gaza nhằm thiết lập vùng đệm giữa hai khu vực này.
Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nhóm họp trong ngày 20 - 21/3 tại Brussels, Bỉ để thảo luận về nhiều vấn đề được quan tâm hiện nay trong đó có Ukraine, Trung Đông, quốc phòng và di cư.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gợi ý rằng việc Mỹ sở hữu các nhà máy điện của Ukraine có thể giúp đảm bảo an ninh cho các cơ sở này.
Chính phủ Pháp đang lên kế hoạch phát “sổ tay sinh tồn” cho người dân, nhằm nâng cao kiến thức ứng phó trước các mối đe dọa xung đột vũ trang, khủng hoảng y tế và thiên tai.
Phiến quân Houthi của Yemen tuyên bố bắn một tên lửa đạn đạo về phía sân bay Ben Gurion, gần Thủ đô Tel Aviv của Israel.
0