Chiến sự ngày 4/11: Nga tấn công cơ sở năng lượng Ukraine

Trong 24 giờ qua, Nga đã nhắm mục tiêu vào cơ sở năng lượng, sân bay quân sự và nhà máy lọc dầu của Ukraine, trong khi Kiev tuyên bố giao tranh với binh sỹ Triều Tiên tại tỉnh Kursk của Nga.

Nga tấn công cơ sở năng lượng của Ukraine

Ngày 4/11, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin lực lượng nước này đã nhắm mục tiêu vào các cơ sở sản xuất và kho xuồng không người lái của Ukraine trong ngày qua.

“Không quân chiến thuật tác chiến, thiết bị bay không người lái tấn công, lực lượng tên lửa và các đơn vị pháo binh của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng của các sân bay quân sự, cơ sở năng lượng và một nhà máy lọc dầu được sử dụng để hỗ trợ Lực lượng vũ trang Ukraine, các cơ sở sản xuất và kho chứa xuồng không người lái, cũng như các khu vực tập trung binh sĩ và thiết bị quân sự của đối phương tại 132 khu vực”, đài Sputnik dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Nga tấn công các cơ sở quân sự và năng lượng ở Ukraine. Ảnh: RT

Theo bộ này, ngoài các hệ thống phòng không, Nga cũng đã bắn hạ 4 hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS do Mỹ sản xuất, một quả bom dẫn đường Hammer do Pháp sản xuất và 42 thiết bị bay không người lái của Ukraine.

Thống kê của Bộ Quốc phòng Nga chỉ ra rằng, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Moscow đã phá huỷ tổng cộng 647 máy bay, 283 trực thăng, 35.258 thiết bị bay không người lái, 585 hệ thống tên lửa phòng không, 19.038 xe tăng và các xe chiến đấu bọc thép khác, 1.484 xe chiến đấu của hệ thống tên lửa phóng loạt, 17.295 pháo và súng cối dã chiến, và 27.972 đơn vị thiết bị ô tô quân sự đặc biệt của đối phương.

Ảnh: © Sputnik / Evgeny Biyatov / Go to the mediabank

Về phần mình, trang tin Pravda của Ukraine cùng ngày cho biết Nga đã tấn công Ukraine bằng tên lửa đạn đạo, bom dẫn đường trên không và 80 thiết bị bay không người lái vào đêm mùng 3, rạng sáng ngày 4/11. Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 50 thiết bị bay không người lái của Nga. Cuộc không kích đã bị đẩy lùi bởi lực lượng tên lửa phòng không, không quân, các đơn vị tác chiến điện tử và các nhóm hỏa lực cơ động của Không quân và lực lượng phòng thủ Ukraine.

Ukraine trong những tuần gần đây đã liên tục kêu gọi phương Tây dỡ bỏ hạn chế đối với vũ khí tầm xa để tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Giới chức Kiev tin rằng với sự giúp đỡ đầy đủ từ phương Tây, Ukraine sẽ có thể gây ra những thất bại lớn cho Nga.

 Ukraine tuyên bố giao tranh với lính Triều Tiên trên lãnh thổ Nga

Lực lượng Ukraine hôm 4/11 được cho là đã giao tranh với binh lính Triều Tiên tại tỉnh Kursk của Nga trong trận chiến đầu tiên có sự tham gia của các đơn vị này.

“Những quân nhân đầu tiên của Triều Tiên đã bị tấn công tại tỉnh Kursk của Nga”, Andriy Kovalenko, người đứng đầu Trung tâm Chống thông tin sai lệch của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, thông báo trên Telegram.

Quan chức Ukraine không cung cấp thêm thông tin chi tiết về tình hình giao tranh hoặc tổn thất của các bên. Nga và Triều Tiên chưa lên tiếng về thông tin trên.

Trước đó, cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (DIU) ngày 2/11 tuyên bố Nga đã đưa hơn 7.000 binh lính Triều Tiên từ vùng ven biển của Nga đến các khu vực gần biên giới Ukraine vào tuần trước đó.

“Quân đội Triều Tiên đã được đưa đến tiền tuyến với sự trợ giúp của ít nhất 28 máy bay vận tải quân sự của lực lượng hàng không vũ trụ Nga", cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết.

Theo tình báo Ukraine, Moscow đã trang bị cho quân đội Triều Tiên các loại vũ khí của Nga, bao gồm súng cối 60mm, súng trường AK-12, súng máy, súng bắn tỉa, tên lửa chống tăng dẫn đường, súng phóng lựu chống tăng, cùng thiết bị nhìn ban đêm.

Báo cáo của DIU lưu ý rằng binh lính Triều Tiên đang được huấn luyện tại 5 địa điểm khác nhau ở Viễn Đông của Nga để có khả năng hỗ trợ cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc và phương Tây cáo buộc quân đội Triều Tiên tại Nga có thể sớm tham gia vào cuộc chiến chống lại Ukraine.

Nga và Triều Tiên đến nay tiếp tục bác bỏ cáo buộc Triều Tiên đưa quân đến Nga để tham chiến, cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ. Mặt khác, Moscow nêu rõ, kể cả kịch bản Triều Tiên đưa lính đến Nga cũng không vi phạm luật pháp quốc tế. Nga đã ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện với Triều Tiên. Theo hiệp ước, nếu một trong hai bên bị một hoặc nhiều nước khác tấn công và rơi vào tình trạng chiến tranh, bên còn lại sẽ lập tức sử dụng mọi phương thức có thể để cung cấp hỗ trợ về quân sự hoặc các lĩnh vực khác.

Ngoại trưởng Đức thăm Ukraine

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm 4/11 đã tới thăm Ukraine và dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky và ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha. Đây là lần thứ 8 ngoại trưởng Baerbock tới Ukraine kể từ khi cuộc xung đột nổ ra.

“Chúng tôi đang cùng Kiev chống lại đối thủ thông qua các nỗ lực nhân đạo. Đức sẽ giúp người dân Ukraine vượt qua mùa đông khó khăn sắp tới, đồng thời đảm bảo Ukraine có thể bảo vệ an ninh quốc gia”, bà Baerbock cho biết.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thăm Ukraine ngày 4/11/2024. Ảnh: Reuters

Truyền thông địa phương cho biết, Kiev được dự báo sẽ phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt, khi Nga liên tục công kích cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong thời gian qua.

Kể từ mùa đông năm 2022, Đức đã luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp hỗ trợ năng lượng cho Ukraine. Ngoại trưởng Baerbock tiết lộ, Berlin đã cam kết thêm 170 triệu Euro để hỗ trợ hệ thống năng lượng của Kiev. Ngoài ra, ngoại trưởng Baerbock dự kiến sẽ công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, trong đó có xe tăng phòng không Gepard. Xe tăng Gepard được đánh giá là đặc biệt hiệu quả trong việc đẩy lùi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Cho đến nay, Đức đã cung cấp cho Ukraine 55 xe tăng phòng không Gepard, bao gồm cả phụ tùng thay thế, và 176.000 viên đạn từ kho dự trữ của Quốc hội Đức.

Nga cảnh báo Mỹ đẩy Châu Âu vào xung đột quân sự trực tiếp

Đài RT đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo Mỹ đang chuẩn bị cho châu Âu tham gia vào một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga trong trường hợp Ukraine thất bại. Lời cảnh báo trên được ngoại trưởng Lavrov đưa ra trong bài phát biểu tại hội thảo Phát minh tương lai ở Moscow hôm 4/11.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Sputnik/Ilya Pitalev

Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đề cập đến cuộc xung đột ở Ukraine, cáo buộc Mỹ và cả nước Anh đang nỗ lực “đánh bại Nga bằng bàn tay của Kiev”.

“Như một kế hoạch dự phòng, trong trường hợp chính quyền của nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky thất bại, họ đang chuẩn bị cho lục địa châu Âu lao vào một cuộc phiêu lưu tự sát và tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp với Nga”, ông Lavrov tuyên bố.

Ngoại trưởng Nga bày tỏ sự tiếc nuối khi giới tinh hoa cầm quyền ở nhiều nước châu Âu không nhìn thấy tương lai cho chính họ trong việc xây dựng một thế giới đa cực. Giới chức Nga gần đây liên tục đưa ra những phát ngôn răn đe trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy phương Tây đang tiến gần hơn đến quyết định nới lỏng hạn chế đối với Ukraine về sử dụng vũ khí viện trợ.

Trước đó, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9, Ngoại trưởng Lavrov cũng gọi những nỗ lực của phương Tây nhằm đánh bại Nga là “một cuộc phiêu lưu tự sát”. Ông Lavrov cáo buộc phương Tây sử dụng Ukraine như một công cụ để cố gắng "đánh bại" Nga về mặt chiến lược.

Ảnh: Alexey Konovalov/TASS

Ukraine đang hối thúc phương Tây nới lỏng hạn chế, cho phép quân đội nước này sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Đến nay, phương Tây vẫn chia rẽ về đề xuất của Kiev. Nhiều nước lo ngại điều này sẽ kéo theo một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine bằng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp sẽ bị Moscow coi là do NATO trực tiếp tiến hành. Chủ nhân Điện Kremlin tiết lộ, Moscow đang trong quá trình điều chỉnh học thuyết hạt nhân, hạ ngưỡng sử dụng hạt nhân. Theo đó, một cuộc tấn công tầm xa của Ukraine bằng vũ khí phương Tây sẽ bị coi là "vượt lằn ranh đỏ".

Nga, Ukraine có thể đang bí mật đàm phán các điều khoản nhượng bộ

Tuần báo Die Zeit của Đức đưa tin Nga và Ukraine được cho là đang tổ chức những cuộc đàm phán bí mật để thương lượng về các điều khoản nhượng bộ lẫn nhau. Die Zeit dẫn các nguồn tin tiết lộ những cuộc đàm phán sẽ tập trung vào các biện pháp khả thi nhằm ngăn chặn các vụ tấn công vào cơ sở năng lượng, trao đổi tù binh, trao trả trẻ em Ukraine và khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Die Zeit cho biết những cuộc gặp như vậy được cho là diễn ra với sự tham gia của các cố vấn chính trị của cả hai nước, nhằm thương thảo về những thỏa hiệp tiềm tàng. Những cuộc đàm phán đã diễn ra ở các thành phố như Copenhagen của Đan Mạch, Kiev của Ukraine, Davos của Thụy Sĩ và Jeddah của Saudi Arabia.

Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển (G7) và Trung Quốc đang theo dõi sát sao những diễn biến đó. Cũng theo Die Zeit, vấn đề hiện nay không phải là khả năng khởi động tiến trình hòa đàm, mà là thời điểm và phương thức tổ chức những cuộc đàm phán này./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.

Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.

Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.

Giá dầu thế giới gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 19/11. Những dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga - Ukraine khiến các nhà đầu tư thận trọng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

Ngày 20/11, quân đội Pakistan cho biết ít nhất 12 binh sĩ đã thiệt mạng do vụ tấn công liều chết nhằm vào đồn kiểm soát quân sự tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử tỷ phú Howard Lutnick, Giám đốc điều hành Công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald làm Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền sắp tới của mình. Việc bổ nhiệm ông Lutnick cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.