Chiến sự ngày 25/5: Nga không kích ồ ạt vào Ukraine

Nga tiến hành một đợt không kích lớn bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Thủ đô Kiev, cùng nhiều khu vực khác của Ukraine, vào rạng 25/5.

Nga không kích ồ ạt vào Ukraine

Nga tiến hành một đợt không kích lớn bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Thủ đô Kiev và nhiều khu vực khác của Ukraine, vào rạng sáng 25/5. Thông tin này được Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Ihor Klymenko thông báo trên Telegram.

Lực lượng Không quân Ukraine cho biết, Nga đã phóng tổng cộng 69 tên lửa và 298 UAV trong đợt tấn công. Trong đó, phòng không Ukraine đã bắn hạ 45 tên lửa hành trình và 266 UAV, tuy nhiên 22 địa điểm vẫn ghi nhận bị trúng đạn trực tiếp.

Đợt tấn công diễn ra chỉ một ngày sau khi Kiev hứng chịu một trong những đợt oanh tạc dữ dội nhất kể từ đầu cuộc xung đột. Thời điểm tấn công cũng trùng với Ngày Kiev - một ngày lễ thành phố thường được tổ chức vào Chủ nhật cuối cùng của tháng 5.

Một toà nhà bị hư hại sau cuộc không kích của Nga ngày 25/5

Lực lượng Không quân Ukraine đã cảnh báo vào đêm 24/5 về làn sóng UAV nhắm vào nhiều khu vực, đồng thời phát đi cảnh báo tên lửa đạn đạo ngay trước nửa đêm. Sau đó, báo động không kích được kích hoạt trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả các tỉnh miền Tây xa xôi.

Theo các quan chức địa phương, nhiều vụ nổ trong đêm đã được ghi nhận tại Kiev, Odesa, Dnipro, Mykolaiv, Sumy, Konotop, Chernihiv và Kharkiv.

Nga đã gia tăng các cuộc tập kích Ukraine sau khi tuyên bố nước này phải hứng chịu hàng loạt cuộc tấn công UAV quy mô lớn của các lực lượng Kiev. Theo Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ 110 UAV của Ukraine trong đêm 24/5.

Cuộc không kích lớn của Nga nhằm vào Ukraine diễn ra vài giờ trước khi Nga và Ukraine hoàn tất việc trao đổi 1.000 tù nhân mỗi bên theo thỏa thuận trước đó. Quá trình trao đổi bắt đầu vào ngày 23/5 và tiếp tục đến hết ngày 25/5.

Trong giai đoạn đầu, hai bên đã trao đổi 390 tù binh mỗi bên và vào ngày 24/5, tiếp tục trao đổi thêm 307 tù binh mỗi bên. Trong các cuộc đàm phán tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên bang Nga cũng đồng ý trao đổi các tài liệu nêu rõ các điều kiện ngừng bắn tương ứng của mỗi bên.

Ngoài ra, Liên bang Nga đang chuẩn bị một “bản ghi nhớ liên quan đến một hiệp ước hòa bình tiềm năng trong tương lai”, mà Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin lần đầu đề cập trong cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các quan chức Điện Kremlin đã làm rõ rằng, bản ghi nhớ này là tài liệu tách biệt với danh sách các điều kiện ngừng bắn hiện đang được soạn thảo. Mặc dù danh sách các điều kiện của Moscow vẫn chưa được tiết lộ, nhưng Nga đã nhiều lần nhấn mạnh các yêu sách tối đa, bao gồm việc Ukraine phải chấp nhận mất bán đảo Crimea và bốn vùng lãnh thổ khác.

Nhóm tác chiến phía Tây bắn hạ 14 UAV của Ukraine

Các đơn vị phòng không thuộc Nhóm tác chiến phía Tây của Nga đã bắn rơi 14 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine trong vòng 24 giờ qua - người phát ngôn của nhóm, ông Ivan Bigma, thông tin với hãng tin TASS.

“Các kíp chiến đấu phòng không đã tiêu diệt 14 UAV loại cánh cố định”, ông Bigma cho biết.

Ngoài ra, 43 trạm điều khiển UAV, 8 thiết bị đầu cuối Starlink, 1 trạm chế áp điện tử Kvertus và 2 kho đạn dã chiến của Ukraine cũng bị phá hủy, ông Bigma bổ sung. Nga tuyên bố tên lửa Iskander đánh trúng tàu chở container vận chuyển vũ khí cho Ukraine

Tên lửa Iskander

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, một tên lửa Iskander của nước này đã đánh trúng một tàu chở container đang vận chuyển hàng quân sự tới cảng Odessa của Ukraine, gây ra vụ hỏa hoạn lớn.

“Các kíp chiến đấu thuộc lực lượng tên lửa Iskander đã thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa có tổ chức nhằm vào một tàu chở container đang vận chuyển trang thiết bị quân sự tới cảng Odessa, cũng như một kho chứa container trong khu vực cảng này. Con tàu khi đó chở khoảng 100 container chứa hàng quân sự, bao gồm xuồng không người lái trên biển, UAV và đạn dược”, thông cáo nêu rõ.

“Do tác động của hỏa lực, đã xảy ra hiện tượng kích nổ thứ cấp đối với số đạn dược và container được lưu trữ trên cầu cảng, kéo theo một đám cháy lớn”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm.

Quân đội Ukraine nã 33 loạt đạn vào các khu dân cư thuộc Donetsk trong 24 giờ qua

Ngày 25/5, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) cho biết, các lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành 9 đợt tấn công nhằm vào các khu dân cư trên địa bàn khu vực này trong vòng 24 giờ qua, với tổng cộng 33 loạt đạn các loại được bắn ra.

Các cuộc tấn công đã gây hư hại cho hai ngôi nhà dân cư. Theo chính quyền DPR, các đợt pháo kích chủ yếu diễn ra theo hướng Gorlovka và Yasinovataya.

Nga nâng cấp tên lửa đạn đạo Iskander, khiến hệ thống Patriot của Ukraine khó đánh chặn hơn

Ngày 24/5, sau cuộc tấn công quy mô lớn vào thủ đô Kiev, phát ngôn viên Không quân Ukraine Yurii Ihnat cho biết Nga đã nâng cấp các tên lửa đạn đạo, trang bị thiết bị mồi radar và khả năng cơ động, khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn hơn, ngay cả đối với hệ thống phòng không Patriot.

Ông Ihnat xác nhận lực lượng phòng không Ukraine đã đánh chặn thành công 6 trong số 9 tên lửa đạn đạo mà Nga phóng vào Kiev, bao gồm các loại Iskander-M và KN-23.

“Việc đánh chặn được hai phần ba là con số cao”, ông nói, “Nhưng chúng ta cũng biết rằng Nga đang cải tiến vũ khí đạn đạo của họ”. Theo ông Ihnat, các tên lửa đã được trang bị hệ thống mồi đánh lừa radar và bay theo quỹ đạo bán đạn đạo, khiến việc theo dõi và đánh chặn bằng hệ thống Patriot trở nên khó khăn hơn.

“Việc đánh chặn trở nên phức tạp hơn, nhưng không phải là không thể”, ông nhấn mạnh. “Tôi tin rằng các đối tác của chúng ta đang nỗ lực cải thiện năng lực của hệ thống này”.

Ông cũng giải thích rằng: “Tên lửa đạn đạo bay theo quỹ đạo bán đạn đạo – tức là không chỉ bay theo đường thẳng như đang rơi mà còn có thể thực hiện các thao tác cơ động – khiến hệ thống Patriot, vốn tính toán điểm đánh chặn dựa trên phần mềm, gặp khó khăn trong việc dự đoán chính xác đường bay của tên lửa”.

Các vụ nổ và mảnh vỡ từ UAV đã gây ra nhiều đám cháy và thiệt hại trên diện rộng tại Thủ đô. Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo nhiều tòa nhà dân cư, ô tô và cơ sở kinh doanh ở các quận khác nhau đã bị trúng đạn.

Trước đó, hôm 12/4, Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Herman Smetanin cho biết Kiev đã tăng mạnh năng lực sản xuất vũ khí trong năm qua, bao gồm cả tên lửa tự chế tạo. Theo ông, sản lượng tên lửa hành trình của Ukraine trong năm 2024 đã tăng gấp 8 lần so với năm 2023.

Slovakia yêu cầu Ukraine bồi thường viện trợ quân sự

Liên minh cầm quyền Slovakia đang chuẩn bị đề xuất yêu cầu Ukraine bồi thường khoản viện trợ quân sự và tài chính mà Bratislava đã cung cấp trong suốt xung đột Nga-Ukraine.

Lãnh đạo Đảng Quốc gia Slovakia Andrej Danko

Theo đó, lãnh đạo Đảng Quốc gia Slovakia - ông Andrej Danko, kêu gọi Thủ tướng Robert Fico khởi động thủ tục tại Liên minh châu Âu nhằm bảo vệ lợi ích của EU trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại Ukraine.

Động thái này diễn ra sau khi Mỹ - nước viện trợ lớn nhất cho Kiev, ký thỏa thuận cho phép Washington tiếp cận tài nguyên khoáng sản của Ukraine. Phía Slovakia lo ngại Ukraine sẽ không còn khả năng hoàn trả khoản viện trợ khổng lồ từ châu Âu nếu toàn bộ tài nguyên khoáng sản được dành riêng cho Mỹ.

Lãnh đạo Đảng Quốc gia Slovakia - ông Andrej Danko yêu cầu Kiev bồi thường hơn 3 tỷ euro, tương đương khoảng 3,41 tỷ USD, tương tự cách Mỹ “thu hồi” viện trợ thông qua quyền khai thác khoáng sản. Dự kiến trong tuần tới, ông Danko sẽ đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp đầy đủ số liệu viện trợ mà Slovakia đã cấp cho Ukraine kể từ năm 2022.

Theo số liệu từ Viện Kiel của Đức, Mỹ đã viện trợ khoảng 135 tỷ USD cho Ukraine, trong khi EU đã phân bổ khoảng 158 tỷ USD hỗ trợ tài chính và quân sự trong 3 năm qua. Brussels từng ký thỏa thuận khai thác tài nguyên với Ukraine vào năm 2021, nhưng phía Slovakia cho rằng thỏa thuận này không đảm bảo quyền lợi công bằng cho các nước thành viên. Trước đó, Slovakia đã chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Thủ tướng Fico trở lại nắm quyền hồi năm 2023.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Donald Trump tiết lộ Mỹ tích cực theo dõi cuộc chiến của thiết bị không người lái trong xung đột Nga-Ukraine.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cam kết tiếp tục hỗ trợ Myanmar, đồng thời kêu gọi tăng cường sự đoàn kết trong khối nhằm xử lý hiệu quả các vấn đề khu vực.

Đức có thể khôi phục nghĩa vụ quân sự bắt buộc sớm nhất vào năm 2026, nếu không tuyển đủ quân tình nguyện nhằm đáp ứng cam kết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Moscow và Kiev đồng loạt trở thành mục tiêu trong các cuộc tập kích bằng máy bay không người lái vào rạng sáng nay, 25/5.

Nga tiến hành một đợt không kích lớn bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Thủ đô Kiev, cùng nhiều khu vực khác của Ukraine, vào rạng 25/5.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto cam kết hợp tác chặt chẽ để giải quyết các thách thức và thúc đẩy phát triển chung giữa hai nước.