Chiến sự ngày 18/5: Nga tập kích UAV ồ ạt vào Ukraine

Quân đội Nga ngày 18/5 đã tiến hành tấn công quy lớn bằng máy bay không người lái (UAV), được phóng đi từ vùng Krasnodar, Belgorod, vùng Kursk của Nga và bán đảo Crimea vào Ukraine.

Nga tập kích UAV quy mô lớn vào Ukraine

Lực lượng không quân Ukraine cho biết, khu vực Thủ đô Kiev cùng các vùng lân cận và miền Đông Ukraine liên tục nhận cảnh báo đột kích trong suốt 9 giờ qua đêm, trước khi lệnh cảnh báo được dỡ bỏ vào sáng sớm. Tính đến 8 giờ sáng (giờ địa phương), Nga đã phóng 273 UAV, chủ yếu nhắm vào khu vực trung tâm thủ đô và các khu vực Dnipropetrovsk và Donetsk ở phía Đông đất nước.

Các UAV này được xác định phóng đi từ vùng Krasnodar, Belgorod, vùng Kursk của Nga và bán đảo Crimea. Chúng được triển khai theo nhiều đợt liên tục với quỹ đạo tầm thấp để gây khó khăn cho việc đánh chặn. Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 88 chiếc trong khi 128 chiếc khác biến mất khỏi radar, được nghi ngờ đóng vai trò mồi nhử để làm suy yếu hệ thống phòng không. Đây được xem là cuộc tấn công bằng UAV lớn nhất của Nga vào Ukraine kể từ khi xung đột giữa hai nước nổ ra hồi tháng 2/2022.

Một máy bay không người lái (UAV) của Ukraine bị Nga bắn hạ.

Ở chiều ngược lại, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này đã bắn hạ 14 máy bay không người lái của Ukraine trên vùng Belgorod.

Các diễn biến này xảy ra chưa đầy 2 ngày sau khi phái đoàn hai nước kết thúc vòng đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ mà không đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Nhóm tác chiến phía Đông của Nga tiêu diệt 11 điểm điều khiển UAV của Ukraine

Trong vòng 24 giờ qua, lực lượng thuộc Nhóm tác chiến phía Đông của Nga đã phá hủy 11 điểm điều khiển máy bay không người lái (UAV) của Ukraine và hai lựu pháo do Mỹ sản xuất. Thông tin được Đại tá Alexander Gordeyev, đại diện của nhóm tác chiến phía Đông cho biết.

"Trong ngày, đối phương đã mất hai lựu pháo kéo, gồm: 1 khẩu M777 và 1 khẩu M198 do Mỹ chế tạo, cùng với 11 điểm điều khiển UAV" - Đại tá Gordeyev nói.

Ông nhấn mạnh rằng, Nhóm tác chiến phía Đông vẫn đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt.

Nga tuyên bố phá hủy trạm Starlink và 34 điểm điều khiển UAV của Ukraine

Ngày 18/5, lực lượng thuộc Nhóm tác chiến phía Tây của Nga đã phá hủy một trạm liên lạc vệ tinh Starlink và 34 điểm điều khiển máy bay không người lái (UAV) của lực lượng vũ trang Ukraine trong 24 giờ qua. Thông tin được ông Ivan Bigma, đại diện của Nhóm tác chiến phía Tây cho biết.

Lính Ukraine sử dụng thiết bị đầu cuối Starlink ở Chernihiv.

“34 điểm điều khiển UAV và một trạm liên lạc vệ tinh Starlink đã bị phá hủy” - ông Bigma nói.

Cũng theo ông Bigma, trong cùng khoảng thời gian, phía Ukraine đã mất 15 tổ súng cối và 3 nền tảng robot.

“Một binh sĩ Ukraine đã đầu hàng” - ông Bigma bổ sung.

Nga tuyên bố kiểm soát khu định cư Bogatyr tại Donetsk

Bộ Quốc phòng Nga ngày 18/5 thông báo, Nhóm tác chiến Vostok của quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát khu định cư Bogatyr thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk.

Cũng theo Bộ này, việc giành lại Bogatyr đã giáng một đòn mạnh vào hệ thống phòng thủ của lực lượng Ukraine tại khu vực phía Nam Donetsk, đồng thời làm gián đoạn kế hoạch ngăn chặn đà tiến công của nhóm Vostok tại khu vực này.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm: Nhóm tác chiến Tsentr đã tiêu diệt tới 420 binh sĩ Ukraine trong vòng 24 giờ qua.

Nhóm tác chiến Yug tiêu diệt khoảng 200 binh sĩ Ukraine và phá hủy một xe chiến đấu bọc thép Puma do Italy sản xuất.

Nhóm tác chiến Zapad loại khỏi vòng chiến khoảng 240 binh sĩ Ukraine, 3 xe chiến đấu bộ binh, 1 pháo tự hành AS-90 do Anh sản xuất, 2 trạm tác chiến điện tử và 3 kho đạn.

Nhóm tác chiến Vostok gây thiệt hại hơn 175 quân nhân Ukraine trong các cuộc giao tranh.

Nhóm tác chiến Sever tiêu diệt hơn 160 binh sĩ Ukraine.

Nhóm tác chiến Dnepr loại khỏi vòng chiến hơn 50 binh sĩ Ukraine, 1 xe bọc thép HMMWV do Mỹ sản xuất, 4 phương tiện cơ giới, 1 lựu pháo 155mm M777 của Mỹ, 1 trạm tác chiến điện tử và 1 kho đạn.

Tổng thống Nga nêu lập trường sau hòa đàm Istanbul

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đang tìm kiếm một nền hòa bình lâu dài và bền vững ở Ukraine thông qua việc giải quyết những nguyên nhân cốt lõi gây ra xung đột.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Russia 1, ông Putin khẳng định, Nga “có đủ sức mạnh và nguồn lực để hoàn thành những gì đã bắt đầu từ năm 2022” và tiếp tục theo đuổi các mục tiêu chiến lược của mình. Tổng thống Nga nhấn mạnh mục tiêu của Moscow là “loại bỏ những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng, tạo điều kiện cho một nền hòa bình bền vững và đảm bảo an ninh cho nước Nga cũng như quyền lợi của người dân tại các vùng lãnh thổ có liên quan”.

Các khu vực mà ông Putin đề cập bao gồm: Crimea, Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia - những nơi đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý vào các năm 2014 và 2022.

Liên quan đến các nỗ lực ngoại giao do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian, Tổng thống Putin thừa nhận rằng người dân Mỹ có những lợi ích quốc gia riêng và bày tỏ mong muốn Nga cũng nhận được sự tôn trọng tương tự trên nguyên tắc bình đẳng.

Tuyên bố của ông Putin được đưa ra sau cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine kể từ năm 2022, với sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ tại Istanbul. Hai bên đã đạt được một số thỏa thuận ban đầu, bao gồm việc trao đổi danh sách điều kiện cho một lệnh ngừng bắn tiềm năng, tiến hành trao đổi tù binh quy mô lớn và thảo luận về các vòng đàm phán tiếp theo. Điện Kremlin không loại trừ khả năng tổ chức cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky nếu quá trình đàm phán đạt được tiến triển rõ rệt và có các thỏa thuận cụ thể.

Ông Trump thông báo sẽ điện đàm với lãnh đạo Nga và Ukraine

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17/5 cho biết, ông sẽ có các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và lãnh đạo một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày mai (19/5). Quyết định được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Moscow và Kiev tái khởi động đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ sau gần ba năm gián đoạn, mở ra hy vọng về một lệnh ngừng bắn toàn diện đầu tiên kể từ năm 2022.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng những cuộc thảo luận vào ngày mai sẽ hiệu quả, giúp hướng đến một lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine. Tổng thống Mỹ cũng nhắc lại “mối quan hệ tốt đẹp” với người đồng cấp Nga Putin, cho rằng điều này có thể biến “cửa sổ ngoại giao hẹp” thành bước ngoặt kết thúc chiến sự.

Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận, các công tác chuẩn bị cho cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Nga và Mỹ đang được tiến hành. Ông Peskov cho biết, Moscow đang soạn danh sách điều khoản ngừng bắn để chuyển cho Kiev, tuy nhiên ông từ chối tiết lộ nội dung vì “quá trình đàm phán cần được bảo mật”. Ngoài ra, người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố, khả năng tiến hành cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky là hoàn toàn có thể, nhưng chỉ khi phái đoàn hai nước đạt được những thỏa thuận cụ thể. Ông Peskov cũng đặt câu hỏi về người đại diện phía Ukraine khi ký kết các văn bản thỏa thuận.

Các phát biểu trên được đưa ra sau khi Nga và Ukraine nối lại đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, với việc hai bên nhất trí trao đổi 1.000 tù binh mỗi bên. Cho tới nay, các bên vẫn còn bất đồng quan điểm về các điều kiện chính để chấm dứt giao tranh. Nga phản đối đề xuất của Ukraine và các đồng minh phương Tây về lệnh ngừng bắn tạm thời như bước đầu tiên hướng tới một giải pháp hoà bình. Điện Kremlin muốn các cuộc đàm phán phải hướng tới loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột, bao gồm Ukraine phải trung lập, công nhận chủ quyền của Nga đối với những vùng lãnh thổ do Moscow kiểm soát và NATO phải chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cũng như ngừng mở rộng về phía Đông.

Ông Peter Slezkine, Giám đốc chương trình Nga tại trung tâm Stimson nhận định, xung đột có thể kết thúc ngay trong năm nay, khả năng này là rất cao. Nếu không kết thúc, cuộc chiến có thể kéo dài thêm nhiều năm nữa. Khi đó, kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế trên chiến trường. Gần như không bên nào sẽ nhượng bộ lãnh thổ lớn, chỉ có thể có một vài cuộc trao đổi nhỏ. Mỹ khó có thể đảm bảo an ninh lớn cho Ukraine. Ukraine sẽ không gia nhập NATO, dù có thể đạt được một số thỏa thuận với các nước châu Âu.

Nếu chuỗi điện đàm ngày 19/5 của Tổng thống Mỹ Trump cùng các cuộc tham vấn NATO định hình được khuôn khổ ngừng bắn, đây sẽ là bước ngoặt lớn nhất của cuộc xung đột hơn ba năm qua ở Ukraine. Ngược lại, bất cứ sự đổ vỡ nào cũng có thể đánh sập “khoảng lặng” mong manh mà hòa đàm Istanbul vừa thiết lập, đẩy tương lai chiến sự trở lại vòng xoáy bạo lực.

Trước thềm cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cảnh báo, Washington “không muốn cuộc thương lượng kéo dài vô tận” và sẵn sàng áp đặt biện pháp trừng phạt mới nếu không đạt tiến triển. Đặc biệt, ông nhấn mạnh khả năng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua đề xuất đánh thuế 500% với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia vẫn tiếp tục mua dầu, khí đốt hoặc uranium từ Nga.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Washington bắt đầu nới lỏng các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực quốc phòng và phê duyệt một thương vụ vũ khí lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Nga hôm nay 18/5 đã tiến hành tấn công quy lớn bằng máy bay không người lái (UAV) vào Ukraine.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa thông báo sẽ cắt giảm 10% lực lượng lao động trong những năm tới, nhằm “tái cơ cấu” tổ chức để đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động.

Nhà sản xuất ô tô Nissan của Nhật Bản đang lên kế hoạch cắt giảm số lượng nhà máy sản xuất trên toàn cầu từ 17 xuống 10, đồng thời thu hẹp khoảng 15% lực lượng lao động.

Quan chức cấp cao của Hamas cho biết các cuộc đàm phán gián tiếp giữa phong trào này và Israel đã được nối lại vào ngày 17/5 tại Doha, Qatar.

Mưa lớn kéo dài ở Argentina đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng tại thị trấn Exaltacion de la Cruz, buộc hàng nghìn người phải sơ tán.