Chiến sự ngày 17/3: Ukraine thay Tổng tham mưu trưởng quân đội
Nga-Ukraine tăng cường tấn công bằng UAV
Theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine, trong ngày 17/3, quân đội Nga đã mất 1.210 binh sĩ, một hệ thống tên lửa phóng loạt và hơn 100 máy bay không người lái (UAV). Theo đó, các đơn vị phòng không của Ukraine đã bắn hạ 90 trong số 174 chiếc UAV do Nga phóng trong một cuộc tấn công đêm 17/3. Ngoài những chiếc UAV bị bắn hạ, quân đội Ukraine sử dụng hệ thống tác chiến điện tử để chuyển hướng hàng chục UAV.
Ở chiều ngược lại, Bộ Quốc phòng Nga ngày 17/3 cho biết rằng, các lực lượng Nga đã phá hủy 72 máy bay không người lái của Ukraine trên các khu vực của nước này, trong đó có 36 chiếc UAV ở vùng Kursk.

Ukraine tấn công cơ sở năng lượng ở Astrakhan, Nga
Ngày 17/3, một cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine đã nhắm vào các cơ sở năng lượng và các mục tiêu khác ở khu vực Astrakhan của Nga. Ông Igor Babushkin, Thống đốc khu vực này cho biết trong một bài đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng, UAV Ukraine đã tấn công các cơ sở phức hợp nhiên liệu và năng lượng.
Do các mảnh vỡ rơi xuống, một đám cháy đã bùng phát tại một trong những cơ sở trên và một người đã bị thương. Hiện tình hình đã được kiểm soát và những người bị thương đã được đưa vào bệnh viện. Các hệ thống tác chiến điện tử và phòng không "hoạt động bình thường".
Ukraine thay Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thay thế tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang nước này, trong bối cảnh quân Ukraine ở tiền tuyến tiếp tục gặp khó khăn. Theo đó, tướng Anatoliy Bargylevych đã bị thay thế bởi tướng Andriy Hnatov làm Tổng tham mưu trưởng Ukraine, trong bối cảnh Kiev tìm cách đẩy nhanh quá trình cải cách quân đội.
Trong bài phát biểu qua video vào buổi tối, ông Zelensky cho biết tướng Hnatov sẽ được giao nhiệm vụ giúp quân đội Ukraine sẵn sàng chiến đấu hơn.
"Nhiệm vụ của ông ấy là tối đa hóa kinh nghiệm chiến đấu của các lữ đoàn của chúng tôi trong việc lập kế hoạch cho cả các hoạt động phòng thủ và tấn công, cũng như tích cực phát triển hệ thống quân đoàn".
Ông Hnatov có 27 năm kinh nghiệm trong quân đội, đã thăng tiến qua nhiều cấp bậc, từ chỉ huy lữ đoàn thủy quân lục chiến cho tới chỉ huy các binh sĩ ở khu vực Donetsk, Đông Ukraine.
Vào đầu năm nay, các quan chức quân đội Ukraine cho biết sẽ chuyển từ hệ thống dựa trên lữ đoàn sang hệ thống "quân đoàn" gồm các đơn vị lớn hơn, nhằm mục đích cải thiện sự phối hợp giữa các lực lượng trải dài trên hơn 1.000 km tiền tuyến và đẩy nhanh quá trình ra quyết định.
Ông Trump hé lộ nội dung điện đàm với ông Putin
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/3 thông báo rằng, ông có kế hoạch thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 18/3 và các nhà đàm phán đã thảo luận về việc "chia một số tài sản nhất định".
"Tôi sẽ nói chuyện với Tổng thống Putin vào thứ Ba (18/3). Rất nhiều công việc đã được thực hiện vào cuối tuần", ông Trump phát biểu với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một trong chuyến bay trở về thủ đô Washington D.C từ dinh thự ở Florida.

Ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng cũng đề cập đến việc sẽ thảo luận vấn đề lãnh thổ và nhà máy điện hạt nhân trong cuộc điện đàm tới với nhà lãnh đạo Nga, song không nêu rõ chi tiết.
Bình luận này được đưa ra sau khi đặc phái viên của ông, Steve Witkoff, cho biết rằng Tổng thống Nga “chấp nhận triết lý” về lệnh ngừng bắn và các điều khoản hòa bình của ông Trump. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, ông Witkoff nhận định rằng các cuộc thảo luận kéo dài nhiều giờ với Tổng thống Nga Putin trong tuần trước là “tích cực”.
Chỉ ít giờ sau thông báo của Tổng thống Mỹ, Điện Kremlin ngày 17/3 cũng xác nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, như lời ông Trump tuyên bố trước đó. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối tiết lộ thêm về nội dung cuộc trò chuyện sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo, cũng như không xác nhận liệu hai bên có bàn về lệnh ngừng bắn tại Ukraine hay không.
Cho đến nay, phản ứng của Tổng thống Nga Putin đối với đề xuất ngừng bắn do ông Trump hậu thuẫn vẫn còn mơ hồ. Trong tuyên bố hôm 13/3, ông Putin cho biết về mặt lý thuyết, Moscow đồng ý với đề xuất của Mỹ và Ukraine về lệnh ngừng bắn kéo dài một tháng, nhưng ông cũng đặt ra nhiều điều kiện mà theo giới chuyên gia là có khả năng làm trì hoãn tiến trình đàm phán, hoặc khiến triển vọng ngừng giao tranh trở nên bất khả thi.
Trong một tuyên bố hôm 16/3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, bất kỳ hiệp ước hòa bình lâu dài nào về Ukraine cũng phải đáp ứng các yêu cầu của Moscow. "Chúng tôi sẽ yêu cầu các đảm bảo an ninh chặt chẽ phải trở thành một phần của thỏa thuận này. Một phần của những đảm bảo này phải là tình trạng trung lập của Ukraine, các nước NATO từ chối chấp nhận Ukraine vào liên minh". Về khả năng quân đội châu Âu có mặt tại Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng: "Không quan trọng các nhóm quân NATO được triển khai trên lãnh thổ Ukraine dưới danh nghĩa nào, có thể là Liên minh châu Âu, NATO hoặc với tư cách là một quốc gia... Nếu họ xuất hiện ở đó, điều đó có nghĩa là họ được triển khai trong khu vực xung đột với tất cả hậu quả đối với các nhóm quân này với tư cách là các bên tham gia xung đột".
Trước đó, báo The Times dẫn một nguồn tin quân sự Anh cho biết, các nước châu Âu có kế hoạch triển khai hơn 10.000 quân nhân trong lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine. Theo The Times, mặc dù phần lớn lực lượng sẽ do Anh và Pháp cung cấp, nhưng Thủ tướng Anh Keir Starmer đã thành công trong việc thu hút nhiều nước tham gia hơn so với 3 nước ban đầu đề xuất gửi quân tới Ukraine. Hơn 35 quốc gia đã đồng ý cung cấp vũ khí, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật và tình báo cho sứ mệnh châu Âu tiềm năng này. Đây sẽ là một lực lượng đáng kể với sự tham gia của nhiều quốc gia cung cấp quân và một nhóm lớn hơn đóng góp theo các hình thức khác.
Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tuyên bố sự hiện diện của binh sĩ các nước NATO trên lãnh thổ Ukraine dưới bất kỳ danh nghĩa nào, kể cả với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình, đều là mối đe dọa đối với Nga, và Moscow sẽ không chấp nhận điều này trong bất kỳ trường hợp nào.
EU tìm cách tiếp cận mới với cuộc xung đột ở Ukraine
Ngày 17/3, Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tham dự cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại EU nhằm thảo luận về các vấn đề cuộc xung đột hiện nay, sự ủng hộ của khối đối với Ukraine, tình hình ở khu vực Trung Đông và mối quan hệ EU-Mỹ hiện tại.

Cuộc họp do bà Kaja Kallas, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh chủ trì. Ông Andrii Sybiha, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến. Trước Hội nghị Ngoại trưởng EU lần này, một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho rằng hội nghị cũng sẽ thảo luận về cách EU tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong năm 2025, đặc biệt là liên quan đến các nhu cầu quốc phòng cấp bách của nước này, như: đạn pháo, phòng không, sửa chữa thiết bị trước đây và đào tạo binh lính Ukraine.
Trong phát biểu với báo chí trước cuộc họp, bà Kallas cho biết EU hoan nghênh các cuộc đàm phán cấp cao Mỹ-Nga ở Jeddah, Ả Rập Xê Út hồi cuối tháng 2 vừa qua. Bà Kallas đã đề xuất một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, có khả năng lên tới 40 tỷ euro. Bà cho biết, sáng kiến này nhận được sự ủng hộ rộng rãi về mặt chính trị nhưng vẫn còn nhiều chi tiết cần phải giải quyết.
Một trong những nội dung trọng tâm đang thu hút được sự quan tâm của EU, đó là các chính trị gia châu Âu sẽ thảo luận về mối quan hệ Âu - Mỹ hiện tại, trong bối cảnh đàm phán hòa bình ở Ukraine và quan điểm của Mỹ để giải quyết vấn đề hiện nay. Trong bối cảnh leo thang chiến sự hiện nay, các đồng minh châu Âu hiểu rằng, một mối quan hệ rạn nứt giữa Mỹ và Ukraine cũng như EU sẽ là rủi ro rất lớn trong việc đàm phán hòa bình.
Tổng thống Ukraine ký luật điều quân tới các quốc gia khác
Ngày 17/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký phê chuẩn luật về quyền của Tổng thống cho phép triển khai các đơn vị thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine tới các quốc gia khác trong thời gian thiết quân luật. Dự luật trên được Quốc hội Ukraine thông qua ngày 25/2, nêu rõ các thông tin quan trọng, chẳng hạn như mục tiêu nhiệm vụ, quy mô lực lượng, chủng loại vũ khí và trang thiết bị quân sự, hệ thống chỉ huy, cũng như thời gian triển khai.


Các công trình biểu tượng ở Cảng Victoria của Hồng Kông (Trung Quốc) và Thủ đô Tokyo đã tắt đèn trong một giờ để hưởng ứng Giờ Trái đất.
Đại sứ quán Mỹ tại Israel đã đưa ra cảnh báo tới công dân Mỹ tránh tụ tập đông người và chuẩn bị tìm nơi trú ẩn sau khi xung đột leo thang ở quốc gia Trung Đông này.
Hai phần ba dân số toàn cầu đang chịu cảnh thiếu nước nghiêm trọng và đang có hơn 2 tỷ người sống tại các khu vực không có đủ nguồn cung nước sạch.
Israel vừa tiến hành một cuộc không kích tại thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza khiến một thủ lĩnh chính trị cấp cao của Hamas thiệt mạng.
Ít nhất 3 người thiệt mạng và 15 người bị thương trong một vụ xả súng tại tại công viên Tuổi trẻ ở thành phố Las Cruces, bang New Mexico, Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo Moscow sẽ đáp trả tương xứng nếu Ukraine tiếp tục tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này, vi phạm lệnh ngừng bắn một phần mới được thống nhất.
0