Chiến sự ngày 14/4: Nga bác cáo buộc tấn công vào Sumy

Cơ quan tình trạng khẩn cấp Ukraine cáo buộc Nga đã tấn công tên lửa vào thành phố Sumy, khiến ít nhất 34 người thiệt mạng và 117 người khác bị thương, tuy nhiên Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc này.

Nga phóng 62 UAV Shahed vào Ukraine

Quân đội Ukraine cho biết, lực lượng Nga đã phóng 62 máy bay không người lái loại Shahed trong đêm 14/4, trong đó có 40 chiếc bị bắn hạ; 11 máy bay không người lái khác biến mất khỏi radar, có khả năng đóng vai trò là mồi nhử để áp đảo hệ thống phòng thủ của Ukraine. Các đơn vị tác chiến điện tử, không quân và các đội hỏa lực cơ động đã tham gia đẩy lùi cuộc tấn công.

Các cuộc tấn công của Nga nhằm vào một loạt khu vực như Kharkiv, Odessa, Donetsk, Dnipropetrovsk, Zaporizhzhia, Chernihiv. Các cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh tiến trình đàm phán tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine do Mỹ làm trung gian vẫn chưa đem lại kết quả. Hiện tại, Nga vẫn chưa chấp thuận đề xuất của Mỹ về lệnh ngừng bắn toàn diện kéo dài 30 ngày.

Một khu nhà ở Odessa, Ukraine sau đợt tấn công bằng UAV của Nga (Ảnh: Reuters)

Nga bác cáo buộc tấn công vào dân thường ở Sumy

Hãng tin TASS dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/4 cho biết, hai tên lửa của họ đã bắn trúng một địa điểm diễn ra cuộc họp của các sĩ quan quân đội Ukraine tại thành phố Sumy. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi phía Ukraine cáo buộc rằng các cuộc không kích của Nga vào thành phố này đã khiến 34 người thiệt mạng và làm bị thương 117 người.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng của họ đã bắn hai tên lửa chiến thuật Iskander-M vào địa điểm họp của nhóm chiến thuật tác chiến của lực lượng vũ trang Ukraine. Theo cơ quan trên, hơn 60 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc tấn công.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu một phản ứng quốc tế cứng rắn đối với Moscow về cuộc tấn công. Các nhà lãnh đạo của Anh, Đức và Italy cũng đã lên án vụ tấn công.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định rằng, lực lượng quân đội của Moscow chỉ tấn công vào các mục tiêu quân sự.

Việc gia hạn lệnh tạm ngừng bắn cơ sở năng lượng phụ thuộc vào ông Putin

Trả lời báo giới ngày 14/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhắc lại rằng, lệnh tạm ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng về cơ bản không được phía Ukraine tuân thủ. Theo ông Peskov, việc gia hạn lệnh trên hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Lệnh ngừng bắn tạm thời đối với cơ sở hạ tầng năng lượng về cơ bản không được phía Ukraine tuân thủ. Do đó, tất nhiên, cần phải phân tích 30 ngày này. Có lẽ là để trao đổi thông tin và cân nhắc với phía Mỹ. Và sau đó, Tổng thống Putin sẽ đưa ra quyết định", ông Peskov tuyên bố  khi được hỏi liệu thỏa thuận có được gia hạn sau khi hết hạn vào ngày 16/4 tới.

Vào ngày 18/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm thảo luận về tình hình ở Ukraine. Ông Putin đã đồng ý với đề xuất tạm ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng trong 30 ngày và ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga thực hiện như vậy. Sau đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev sẽ ủng hộ đề xuất ngừng các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng.

Tuy nhiên trong suốt thời gian qua, Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần tố Ukraine tiếp tục đơn phương tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga trong khi Moscow vẫn cam kết thực hiện các thỏa thuận.

Điện Kremlin cảnh báo việc Đức có ý định gửi tên lửa tầm xa Taurus tới Ukraine

Điện Kremlin ngày 14/4 đã chỉ trích Thủ tướng tương lai của Đức Friedrich Merz về những bình luận cho rằng Đức có thể gửi tên lửa tầm xa Taurus tới Ukraine. Theo phía Nga, lập trường này có nguy cơ leo thang chiến tranh. Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí hôm 13/4, ông Merz cho biết sẽ cân nhắc nếu việc gửi tên lửa tầm xa Taurus tới Ukraine là một phần của gói hỗ trợ rộng hơn đã được thỏa thuận với các đồng minh châu Âu.

"Điều này phải được thống nhất chung. Và nếu được thống nhất, thì Đức nên tham gia", ông Merz nhấn mạnh.

Ông Friedrich Merz, Thủ tướng tương lai của Đức bày tỏ ý định gửi tên lửa tầm xa Taurus tới Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Đức là một trong những nước hậu thuẫn quân sự chính của Ukraine, cung cấp khoảng 7,1 tỷ euro viện trợ quân sự chỉ riêng trong năm 2024. Nhưng Berlin chưa bao giờ cung cấp tên lửa Taurus, có tầm bắn vượt quá 480 km, bất chấp những yêu cầu liên tục của Kiev.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố với các phóng viên rằng, rõ ràng những bình luận mới nhất cho thấy ông Merz sẽ ủng hộ một lập trường cứng rắn hơn mà chắc chắn sẽ chỉ dẫn đến tình hình xung quanh Ukraine leo thang hơn nữa.

"Thật không may, đúng là các nước châu Âu không có xu hướng tìm cách đạt được các cuộc đàm phán hòa bình, mà thay vào đó lại có xu hướng tiếp tục kích động chiến tranh", ông Peskov nhấn mạnh.

Quân đội Ukraine ở Kursk đã suy sụp và chủ động đầu hàng

Hãng tin TASS dẫn lời một sĩ quan quân đội Nga cho biết, quân đội Ukraine còn ở lại vùng Kursk của Nga đang suy sụp tinh thần, nhiều người trong số họ đã đầu hàng trong bối cảnh gặp thất bại trên chiến trường.

"Chúng tôi thường xuyên bắt giữ lính Ukraine làm tù binh. Họ đã suy sụp tinh thần", một phó chỉ huy của Trung đoàn súng trường cơ giới số 30 thuộc Nhóm tác chiến phía Bắc của Nga có biệt danh Yesenin cho biết.

Trước đó, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga, tướng Valery Gerasimov cho biết, khoảng 430 binh lính Ukraine đã bị bắt ở vùng Kursk trong những ngày qua. Theo lời ông, quân đội Ukraine đã chủ động đầu hàng vì họ đang chấp nhận sự thật rằng việc tiếp tục kháng cự là vô ích.

Ukraine đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào Khu vực biên giới Kursk của Nga vào tháng 8/2024. Theo Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Nga, hơn 86% diện tích do lực lượng vũ trang Ukraine chiếm đóng đã được giải phóng kể từ đó. Tại một số khu vực dọc biên giới, quân đội Nga đã xâm nhập vào Khu vực Sumy. Bộ Quốc phòng Nga báo cáo rằng khoảng 74.000 quân Ukraine đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu giao tranh ở Kursk.

Ông Zelensky: Chiến tranh sẽ kết thúc thông qua ngoại giao

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với CBS News rằng, quân đội Nga không thể chiếm đóng Ukraine, nhưng Ukraine cũng không có đủ sức mạnh để phi chiếm đóng. Do đó, cần phải có giải pháp ngoại giao.

"Chắc chắn sẽ có các cuộc đàm phán khác nhau, cả ba bên và song phương, theo các định dạng khác nhau. Chúng tôi sẽ đạt được giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến này", ông Zelensky nói.

Ông Zelensky cũng một lần nữa tuyên bố rằng, Ukraine sẽ không công nhận các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng là của Nga, ngay cả trong trường hợp Nga gây áp lực lên Ukraine về vấn đề này thông qua Mỹ và một số đối tác khác.

Tháng trước, một số vòng đàm phán đã diễn ra giữa Ukraine, Mỹ và Nga. Theo kết quả của các cuộc đàm phán, Ukraine đã đồng ý với đề xuất ngừng bắn hoàn toàn với Nga trong 30 ngày. Tuy nhiên, Nga đã không ủng hộ ý tưởng này.

Hồi tuần trước, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, ông Steve Witkoff đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin. Tuy nhiên, nội dung chính xác của cuộc trao đổi không được công bố.

Ngoại trưởng các nước EU họp thảo luận về Ukraine và Trung Đông

Ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/4 đã nhóm họp tại Luxembourg để thảo luận về các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông, quan hệ EU-Châu Phi và Tây Balkan.

Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine ký merov và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tham dự lễ ký Thư bày tỏ ý định thành lập Liên minh năng lực tác chiến điện tử tại cuộc họp ở Brussels, Bỉ hôm 11/4. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu trước cuộc họp, đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại Kaja Kallas đã kêu gọi "gây sức ép tối đa" lên Nga để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Tại cuộc họp lần này, các ngoại trưởng EU sẽ thảo luận về các khoản đóng góp cho kế hoạch do bà Kallas đề xuất, bao gồm việc chi 5 tỷ euro (tương đương 5,7 tỷ USD) cho 2 triệu viên đạn pháo cỡ lớn viện trợ cho Ukraine trong năm nay. Cuộc họp cũng sẽ xem xét quá trình chuẩn bị cho gói trừng phạt thứ 17 của EU nhằm vào Nga. Ngoài ra, Ngoại trưởng các nước EU cũng sẽ bàn về tiến trình đàm phán gia nhập EU của Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh Hungary tiếp tục ngăn chặn việc mở các cụm đàm phán then chốt.

Một nội dung quan trọng khác sẽ được Ngoại trưởng các nước EU thảo luận là sáng kiến "liên minh tự nguyện" do Pháp và Anh dẫn đầu, nhằm chuẩn bị cho việc triển khai một phái bộ giám sát trong tương lai tại Ukraine sau khi đạt được lệnh ngừng bắn. Phái bộ này sẽ có nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ lệnh ngừng bắn và bảo đảm các cam kết an ninh cho Ukraine, hướng tới việc thiết lập một nền hòa bình công bằng và bền vững cho quốc gia này.

Hãng tin AFP dẫn lời các quan chức châu Âu giấu tên cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có sáu quốc gia, bao gồm Anh, Pháp và ba nước Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania cam kết đóng góp binh sĩ. Quốc gia thứ sáu chưa được nêu tên.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, Kiev sẵn sàng mua 10 hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất, với tổng trị giá 15 tỷ USD.

Ả Rập Xê Út đang lên kế hoạch trả hết khoản nợ 15 triệu đô la Mỹ của Syria tại Ngân hàng Thế giới, qua đó mở đường cho việc phê duyệt các khoản tài trợ tái thiết và hỗ trợ khu vực công vốn đang bị tê liệt của quốc gia Trung Đông này.

Một công ty công nghệ tại Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc, vừa công bố phát triển thành công loại “da điện tử” (e-skin) siêu mỏng.

Chính quyền Mỹ ngày 15/4 thông báo đã bắt giữ Jamison Wagner, 40 tuổi, với cáo buộc liên quan đến hai vụ phóng hỏa nghiêm trọng xảy ra tại bang New Mexico

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Iran cần nhanh chóng từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, nếu không Tehran sẽ phải đối mặt với khả năng bị tấn công vào các cơ sở hạt nhân.

35 nghệ nhân socola tài hoa nhất của Bỉ đã trình làng bộ sưu tập trứng Phục Sinh có một không hai, lấy cảm hứng từ phong cách Art Deco.