Chiến sự ngày 14/3: Lính Ukraine không thể rút khỏi Sudzha

Quân đội Ukraine ngày 14/3 đã chịu tổn thất nặng nề trong nỗ lực sơ tán thiết bị của NATO bị hư hại gần Sudzha ở Vùng Kursk. Trong khi đó, thời điểm diễn ra cuộc đối thoại giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa được xác định.

Quân đội Ukraine nỗ lực sơ tán thiết bị của NATO ở vùng Kursk

"Bộ chỉ huy quân đội Ukraine đã ra lệnh cho các nhân viên cấp dưới sơ tán xe bọc thép và các thiết bị khác của NATO khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, dẫn đến tổn thất thậm chí còn lớn hơn", nguồn tin quốc phòng Nga cho biết.

Quân đội Ukraine đã nhiều lần cố gắng đột phá vào Vùng Sumy bằng xe bọc thép chở quân, xe chiến đấu bọc thép và xe bán tải nhưng không thành công. Nguồn tin cho biết, hầu hết thiết bị của Ukraine đã bị phá hủy trong các cuộc giao tranh tại đây.

Quân đội Ukraine không thể rút lui an toàn khỏi Sudzha

Theo chỉ huy nhóm Aida thuộc đơn vị biệt kích Akhmat của Nga, quân đội Ukraine đã không thành công trong việc thực hiện một cuộc rút lui có tổ chức khỏi Sudzha trong quá trình giải phóng địa điểm này.

"Sau 'Chiến dịch đường ống' khiến tiền tuyến của kẻ thù sụp đổ, không có cuộc rút lui có tổ chức nào của các lữ đoàn Ukraine. Ở Sudzha có nhiều nhóm, biệt đội hỗn hợp và các nhóm từ các đơn vị khác nhau không thể rút lui. Những nhóm này hiện đang bị phát hiện, truy đuổi và tiêu diệt. Không có cuộc rút lui có tổ chức nào đến các vị trí phòng thủ hơn", vị chỉ huy này tuyên bố.

Trước đó, Apty Alaudinov, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Akhmat và phó chỉ huy Cục Chính trị và Quân sự chính của Lực lượng Vũ trang Nga đã chỉ ra rằng, quân đội Nga có kế hoạch dọn sạch các nhóm vũ trang Ukraine khỏi Vùng Kursk trong vài ngày tới. Ông cũng lưu ý, năm khu định cư ở Khu vực Kursk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraine.

Lực lượng Ukraine phát động cuộc tấn công vào Khu vực Kursk vào ngày 6/8/2024 và chiếm được khoảng 100 khu định cư. Theo Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Nga, hơn 86% lãnh thổ do quân đội Ukraine chiếm đóng hiện đã được giải phóng. Tuần trước, Nga đã phát động một cuộc tấn công mạnh mẽ nhằm đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi Kursk. Ở một số khu vực dọc biên giới, quân đội Nga đã tiến vào Khu vực Sumy của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga báo cáo rằng, Ukraine đã phải chịu tổn thất hơn 67.000 quân kể từ khi bắt đầu giao tranh ở Khu vực Kursk.

Quân đội Nga đã giải phóng được hơn 86% lãnh thổ ở khu vực Kursk

Chiến dịch Kursk trở thành quả bom hẹn giờ đối với Kiev

Theo hãng thông tấn TASS của Nga, Igor Kimakovsky, cố vấn của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk ngày 14/3 cho biết, chiến dịch của quân đội Ukraine tại Khu vực Kursk đã chứng tỏ là quả bom hẹn giờ đối với giới lãnh đạo Ukraine.

"Rõ ràng ngay từ đầu và giờ chúng ta có thể thấy rõ, cuộc phiêu lưu tại Kursk đã tước đi của giới lãnh đạo Ukraine những con bài mặc cả trên tiền tuyến và về mặt chính trị. Họ đã phải chịu những tổn thất không thể khắc phục trên mọi mặt trận. Cuộc xâm nhập vào khu vực này đã kích hoạt một quả bom hẹn giờ đối với Kiev".

Ông Kimakovsky giải thích rằng, việc triển khai lực lượng Ukraine đến khu vực Kursk đã giúp quân đội Nga có thể tiến vào những khu vực chiến thuật quan trọng nhất. Đối với quân đội Ukraine, họ đã mất những đơn vị sẵn sàng chiến đấu nhất tại khu vực Kursk. "Tất cả đều vô nghĩa. Kiev đã mất vĩnh viễn những vùng lãnh thổ rộng lớn, không có cơ hội thành công trên tiền tuyến và đang cạn kiệt quân đội", ông Kimakovsky kết luận.

Đề xuất về vùng đệm tương lai ở Vùng Kursk

Theo chuyên gia quân sự Nga Oleg Ivanov, một vùng đệm tương lai được đề xuất dọc theo biên giới của Vùng Kursk phải mở rộng ít nhất 20 đến 30 km vào lãnh thổ Ukraine. Biện pháp này rất cần thiết để bảo vệ cư dân ở các khu vực biên giới và tạo điều kiện khôi phục các khu định cư đã được giải phóng.

Trong chuyến thăm gần đây tới Vùng Kursk, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh đến nhu cầu thiết lập một vùng an ninh dọc theo biên giới nhà nước sau khi khu vực này được giải phóng.

"Bây giờ chúng ta đã giải phóng được Sudzha, việc khôi phục lãnh thổ có thể sẽ bắt đầu, bao gồm việc xây dựng các cơ sở xã hội, cơ sở hạ tầng và nhà ở. Điều quan trọng là khu vực này phải rộng không dưới 20 km và tốt nhất là 30 km, mở rộng sâu vào lãnh thổ Ukraine. Người dân ở khu vực biên giới đã phải chịu đựng rất nhiều và chúng ta phải làm mọi cách có thể để đảm bảo họ không còn nghe thấy tiếng nổ hoặc nhìn thấy máy bay không người lái nữa", Ông Ivanov tuyên bố.

Ông Ivanov cũng nhấn mạnh rằng, quân đội Nga đã đạt được tiến triển đáng kể trong việc thiết lập một khu vực an ninh bằng cách giải phóng các khu vực đông dân ở Sumy khỏi sự kiểm soát của kẻ thù. Quân đội Nga rất cần vùng đệm này để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực như vậy tái diễn.

Nga tiêu diệt trung đội quân Ukraine được tái triển khai từ Kursk đến Donbass

Ngày 14/3, lực lượng Nga đã tiêu diệt một trung đội quân Ukraine được tái triển khai từ Kursk về phía tây Krasnoarmeisk (Ukraine gọi là Pokrovsk) tại khu vực Donbass, theo một nguồn tin trong giới quốc phòng Nga.

"Tại các khu vực định cư Kotlino và Udachnoye, phía Tây Krasnoarmeisk, một trung đội quân địch đã bị tiêu diệt. Đơn vị này vừa mới đến từ khu vực Kursk", nguồn tin quốc phòng cho biết.

Nguồn tin nêu rõ, quân đội Ukraine đang nỗ lực với sự hỗ trợ của lực lượng dự bị để phản công tại khu vực tiền tuyến đó.

Vào ngày 12/3, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine đã tuyên bố trên mạng xã hội, trong đó nói rằng hướng Krasnoarmeysk ở Cộng hòa nhân dân Donetsk, vùng Donbass mặt trận khó khăn nhất đối với Lực lượng vũ trang Ukraine. Tuyên bố nhấn mạnh, khu vực này hiện đang “nóng nhất”. Vào cuối tháng 2, Bộ quốc phòng báo cáo rằng, các lực lượng Nga đã chiếm được thành phố Krasnoarmeysk ở Cộng hòa nhân dân Donetsk bằng một thế gọng kìm. Trong bối cảnh này, các sĩ quan Lực lượng vũ trang Ukraine có mặt tại khu định cư đã chuyển đến vùng Dnepropetrovsk.

Thời điểm đàm phán Trump - Putin chưa được quyết định

Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14/3 cho biết, thời điểm diễn ra cuộc đối thoại giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa được xác định. Các điều khoản sẽ được thiết lập sau khi đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff chuyển báo cáo về chuyến thăm Moscow cho Tổng thống Trump.

Ông Peskov nói trong cuộc họp báo: "Thời điểm chính xác của cuộc đối thoại giữa hai tổng thống vẫn chưa được thống nhất. Tuy nhiên, sau khi ông Witkoff chuyển tất cả các chi tiết nhận được tại Moscow cho nguyên thủ quốc gia của mình, chúng tôi sẽ quyết định thời điểm diễn ra cuộc đối thoại".

Ông Peskov cho biết thêm: "Cả hai bên đều công nhận rằng cuộc đối thoại này là cần thiết".

Trước đó, hôm 13/3, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc trò chuyện với ông Witkoff, sau cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ukraine tại Jeddah. Ông Peskov cho biết, Tổng thống Putin đã truyền đạt thông tin và các tín hiệu bổ sung cho ông Trump thông qua đặc phái viên Mỹ.

Cuộc trò chuyện qua điện thoại gần đây giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump diễn ra vào ngày 12/2 và kéo dài một tiếng rưỡi. Hai vị tổng thống đã thảo luận về việc chấm dứt xung đột Ukraine, cũng như các vấn đề trong quan hệ song phương. Sau đó, các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã đồng ý tiếp tục liên lạc, bao gồm cả việc sắp xếp các cuộc gặp mặt trực tiếp.

Ngày 14/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài đăng trên Truth Social, cho biết: “Chúng tôi đã có cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ năm (13/3) về việc chấm dứt xung đột Ukraine”. Trong bài đăng, ông Trump mô tả cuộc thảo luận là "rất tốt và hiệu quả". Ông Trump có thể ám chỉ đến cuộc hội đàm giữa đặc phái viên Steve Witkoff với Tổng thống Nga Putin vào cuối ngày thứ Năm.

Ông Trump cho rằng, có nhiều cơ hội để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu này, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, hàng nghìn binh lính Ukraine đang bị quân đội Nga bao vây. Tình hình của họ hết sức tồi tệ và mong manh. Tổng thống Donald Trump đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin tha mạng cho "hàng nghìn quân lính Ukraine" đang "bị bao vây" tại Kursk. Lời đề nghị được đưa ra sau khi Tổng thống Putin tuyên bố quân đội Ukraine ở khu vực Kursk của Nga chỉ có hai lựa chọn: "đầu hàng hoặc chết".

Tổng thư ký NATO: Tư cách thành viên của Ukraine không nằm trong nội dung đàm phán hòa bình

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO Mark Rutte ngày 14/3 cho biết, tư cách thành viên NATO mà Kiev kỳ vọng sẽ không được đưa vào nội dung đàm phán giữa Mỹ và Nga về việc chấm dứt xung đột Ukraine. Trả lời phỏng vấn Bloomberg sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, ông Rutte cho biết, vấn đề đảm bảo an ninh cho Kiev sẽ được thảo luận sau khi có thỏa thuận hòa bình hoặc lệnh ngừng bắn.

Tổng Thư ký NATO Mark Rutte

Ukraine từ lâu đã yêu cầu một tư cách thành viên NATO như một đảm bảo an ninh để chấm dứt xung đột với Nga. Tuy nhiên, Moscow cho rằng, tham vọng NATO của Kiev là một trong những nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột ngay từ đầu và kêu gọi sự trung lập của Ukraine làm nền tảng cho bất kỳ giải pháp nào.

Khi được hỏi liệu ông Trump có ý định cung cấp cho Kiev các đảm bảo an ninh trong nỗ lực chấm dứt xung đột hay không, ông Rutte nói rằng, Ukraine sẽ cần những đảm bảo này để "duy trì một thỏa thuận hòa bình", nghĩa là còn quá sớm để thảo luận về chúng khi chưa có thỏa thuận nào.

Ông Rutte nói thêm rằng, Tổng thống Trump muốn "hòa bình lâu dài và bền vững", ám chỉ rằng một số đề nghị khác sẽ được đưa ra cho Ukraine để thuyết phục nước này đồng ý ngừng bắn. Tuy nhiên, ông đã loại trừ sự tham gia chính thức của NATO vào quá trình này.

"Có nhiều cách để cung cấp các đảm bảo an ninh... Nhưng để NATO tham gia như một khối quân sự thì sẽ rất khó. NATO có lẽ sẽ luôn đưa ra lời khuyên", ông Rutte tuyên bố.

“Trước khi đi sâu vào quá nhiều chi tiết về cách duy trì hòa bình, trước tiên bạn cần phải có thỏa thuận và đó là cách tiếp cận từng bước”, ông Rutte lưu ý, đồng thời nói thêm rằng, ông lạc quan về một thỏa thuận có thể được thực hiện trong năm nay.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Một trực thăng Mi-35M của Nga đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu đã nhắm mục tiêu vào thiết bị và quân nhân Ukraine, tại khu vực biên giới Kursk.

Một nhà khoa học tuyên bố đã phát hiện ra xác máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines - chiếc máy bay biến mất 11 năm trước trong hành trình đến Trung Quốc.

Israel đã nối lại các cuộc không kích vào Dải Gaza, sau khi các cuộc đàm phán với phong trào vũ trang Hamas của Palestine về việc thả các con tin và thực hiện lệnh ngừng bắn thất bại.

Quyết định tạm dừng viện trợ nước ngoài của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây gián đoạn nghiêm trọng đến nguồn cung cấp thuốc điều trị HIV tại 8 quốc gia.

Ukraine được cho là đang cân nhắc phương án nhượng bộ một phần lãnh thổ nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Nga.

Bộ Quốc phòng Nga đã công bố hình ảnh về các thiết bị quân sự mà binh sĩ Ukraine bỏ lại các khu vực ở tỉnh Kursk đã bị Nga tái kiểm soát.