Chiến sự ngày 12/5: Ukraine nêu điều kiện đàm phán trực tiếp
Tuyên bố trên được ông Zelensky đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị Ukraine tái khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vốn đã bị Kiev đơn phương từ bỏ vào năm 2022.
Ông Zelensky sẵn sàng gặp trực tiếp ông Putin
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, Kiev sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Moscow nếu Nga cam kết thực hiện một lệnh ngừng bắn toàn diện trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 12/5. Ông Zelensky cũng tuyên bố, việc Moscow bắt đầu cân nhắc chấm dứt xung đột là một "dấu hiệu tích cực". Đây được coi là lời đáp của ông Zelensky đối với đề nghị trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc đàm phán trực tiếp vào ngày 15/5 tới tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chấm dứt hơn 3 năm xung đột.
Ông Putin cho biết thêm rằng, trong quá trình thương lượng, không loại trừ khả năng hai bên có thể nhất trí về một số giải pháp mới liên quan đến ngừng bắn, chấm dứt các hành động thù địch và một giải pháp mà cả Moscow và Kiev đều ủng hộ. Ông Putin đưa ra đề nghị trên sau khi Anh, Pháp và Đức cùng lên tiếng đòi ông Putin chấp nhận ngừng bắn 30 ngày, bắt đầu ngay từ ngày 12/5 và doạ sẽ tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine cũng như gia tăng mức độ trừng phạt Nga nếu phía Nga không đồng ý, coi đó là một dạng tối hậu thư đối với Nga.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, mục tiêu của cuộc đàm phán trực tiếp mà Nga đề xuất với Ukraine là nhằm loại bỏ căn nguyên của cuộc xung đột và bảo vệ lợi ích của Nga. Cũng theo ông Peskov, đề xuất đàm phán của Tổng thống Putin đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới.
Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng, Moscow sẵn sàng đàm phán hòa bình bất cứ lúc nào, khẳng định rằng họ đang tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột. Nga cũng phản đối yêu cầu ngừng bắn trong 30 ngày của Kiev với lý do Ukraine sẽ sử dụng khoảng dừng này để tái vũ trang và tái tập hợp lực lượng.

Trước đề nghị của Nga về việc đàm phán trực tiếp với Ukraine, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/5 cho rằng, Kiev nên đồng ý với đề xuất đàm phán hòa bình của Moscow “ngay lập tức”. Theo ông, Moscow không muốn chỉ ngừng bắn mà còn muốn đàm phán để có thể chấm dứt đổ máu.
“Ukraine nên đồng ý với điều này ngay lập tức. Ít nhất họ vẫn có thể quyết định liệu một thỏa thuận vào lúc này có là điều khả thi hay không. Nếu không thì các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ sẽ biết còn vấn đề nào nổi cộm và có thể xúc tiến hành động tương ứng”, ông Trump phát biểu trên mạng xã hội Truth Social.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp lệnh trừng phạt với bất cứ bên nào trong xung đột Nga - Ukraine nếu họ không đồng ý đình chiến trong 30 ngày.
Năm 2022, Nga và Ukraine đã gần đạt được thỏa thuận hòa bình trong cuộc đàm phán tại Istanbul, tuy nhiên đã đổ vỡ do Ukraine rút lui vào phút chót. Truyền thông quốc tế sau đó hé lộ một số thông tin được cho là nội dung của dự thảo thỏa thuận trên, theo đó Kiev chấp nhận giữ thế trung lập và hạn chế quy mô quân đội, trong khi Moscow đồng ý rút quân cũng như để Kiev nhận được sự bảo đảm an ninh từ bên ngoài. Đến nay, cả Nga và Ukraine chưa xác nhận các thông tin trên, tuy nhiên trong các phát biểu, giới chức Nga đều khẳng định dự thảo nói trên là cơ sở để nối lại các cuộc đàm phán hòa bình.
Giáo hoàng Leo XIV điện đàm với Tổng thống Ukraine
Giáo hoàng Leo XIV ngày 12/5 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và thảo luận về các đề xuất ngừng bắn. Đây là cuộc trò chuyện đầu tiên giữa vị Giáo hoàng mới được bầu chọn và một nhà lãnh đạo nước ngoài. Trong một bài đăng trên ứng dụng Telegram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, cuộc trò chuyện đầu tiên của ông với Giáo hoàng rất nồng ấm và thực sự có ý nghĩa và ông Zelensky cũng đã gửi lời mời Giáo hoàng đến thăm Ukraine.

Giáo hoàng Leo XIV được bầu làm người đứng đầu Giáo hội Công giáo tại mật nghị Hồng y hôm 8/5, sau khi người tiền nhiệm là Giáo hoàng Francis qua đời. Trong lần đầu chủ trì buổi đọc kinh ngày chủ nhật 11/5, ông kêu gọi "hòa bình thực chất, công bằng và lâu dài tại Ukraine".
EU chuẩn bị lệnh trừng phạt mới với Nga
Người phát ngôn chính phủ Đức Stefan Kornelius cho biết, nếu Nga không chấp thuận lệnh ngừng bắn vào cuối ngày 12/5, phía châu Âu sẽ công bố thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow. "Thời gian không còn nhiều nữa", người phát ngôn của chính phủ Đức Stefan Kornelius phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin.
Các nhà lãnh đạo của bốn nước châu Âu là Đức, Pháp, Anh và Ba Lan đã tới Kiev hôm 10/5 để gặp Tổng thống Ukraine Zelensky. Trong cuộc gặp này, các nước đã đề nghị Nga chấp thuận ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày kể từ cuối ngày 12/5. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ngầm từ chối lời đề nghị này, thay vào đó lại đề xuất đàm phán trực tiếp Nga -Ukraine tại Istanbul mà ông cho rằng có khả năng dẫn đến lệnh ngừng bắn lâu dài. Ông Putin và ông Zelensky đã không gặp nhau kể từ tháng 12/2019, hơn hai năm trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Ukraine ‘tố’ Nga tấn công dữ dội dọc tiền tuyến miền Đông
Không quân Ukraine cho biết, Nga đã sử dụng ít nhất 108 máy bay không người lái chiến đấu tầm xa để tấn công dọc theo tiền tuyến miền Đông trong ngày 12/5. Theo báo cáo của lực lượng không quân Ukraine, tính đến 5 giờ GMT ngày 12/5, tức 12 giờ trưa cùng ngày theo giờ Việt Nam, 55 máy bay không người lái Shahed của Nga đã bị bắn hạ ở khắp Ukraine, trong khi ít nhất 30 chiếc khác đã bị mất tín hiệu trên radar và không gây ra thiệt hại nào. Lực lượng không quân cho biết, Nga cũng đã phóng bom dẫn đường vào các mục tiêu ở vùng Kharkiv Đông Bắc và vùng Sumy phía Bắc, trong khi công ty đường sắt nhà nước Ukraine cho biết một máy bay không người lái của Nga đã bắn trúng một đoàn tàu chở hàng dân sự ở phía Đông.
Quân đội Nga kiểm soát khu định cư Kotlyarovka ở vùng Donetsk
Hãng tin Tass ngày 12/5 đưa tin, đơn vị chiến đấu Trung tâm của Nga đã gây ra hơn 440 thương vong cho quân đội Ukraine và phá hủy ba xe chiến đấu bọc thép và hai khẩu pháo của đối phương trong ngày. Theo thông tin của Bộ Quốc phòng Nga, đơn vị này đã giải phóng khu định cư Kotlyarovka ở khu vực Donetsk.
Trong khi đó, nhóm tác chiến phía Bắc của Nga thông báo đã gây ra hơn 190 thương vong cho quân đội Ukraine trong ngày 12/5, phá hủy một hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS do Mỹ sản xuất cùng ba kho đạn dược của đối phương. Các đơn vị thuộc Nhóm tác chiến phía Bắc đã gây tổn thất về nhân lực và trang thiết bị cho một lữ đoàn cơ giới, hai trung đoàn tấn công của quân đội Ukraine và một lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ ở các khu vực gần các khu định cư Ryzhevka, Iskriskovshchina, Volfino, Pavlovka và Katerinovka ở vùng Sumy.
Cùng ngày, nhóm tác chiến phía Tây của Nga gây ra hơn 230 thương vong cho quân đội Ukraine, phá hủy một xe tăng cùng ba khẩu pháo. Bộ quốc phòng Nga đánh giá, các đơn vị của Nhóm tác chiến phía Tây đã cải thiện vị trí chiến thuật của họ và gây ra tổn thất cho các đội hình gồm bốn lữ đoàn cơ giới, một lữ đoàn cơ động đường không, hai lữ đoàn tấn công của quân đội Ukraine và hai lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ ở các khu vực gần các khu định cư Sadovod, Kutkovka, Kupyansk và Gorokhovatka ở Vùng Kharkov, Redkodub và Yampol ở vùng Donetsk.

Cũng theo báo cáo từ Bộ quốc phòng Nga, Nhóm tác chiến phía Nam của nước này đã gây ra hơn 200 thương vong cho quân đội Ukraine và phá hủy ba xe chiến đấu bọc thép của đối phương, gây ra tổn thất về nhân lực và trang thiết bị của ba lữ đoàn cơ giới và một lữ đoàn không vận của quân đội Ukraine ở các khu vực gần các khu định cư Seversk, Zvanovka, Konstantinovka, Kleban-Byk và Pleshcheyevka thuộc vùng Donetsk.
Trong khi đó, nhóm tác chiến phía Đông của Nga gây ra hơn 170 thương vong cho quân đội Ukraine, phá hủy 8 khẩu pháo của đối phương, tiếp tục tiến sâu vào hệ thống phòng thủ của Ukraine và gây tổn thất về nhân lực và trang thiết bị cho hai lữ đoàn cơ giới, một lữ đoàn tấn công đường không của quân đội Ukraine, một lữ đoàn bộ binh thủy quân lục chiến, hai lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ và một lữ đoàn Vệ binh Quốc gia ở các khu vực thuộc Donetsk và Zaporozhye.


Nhóm vũ trang Đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng đã xung đột với nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn bốn thập kỷ qua, đã quyết định tự giải thể và chấm dứt cuộc đấu tranh vũ trang.
Hàng trăm du khách đã đổ về khu nghỉ dưỡng Fuji Motosuko, Nhật Bản để tham dự Lễ hội hoa Fuji Shibazakura, còn được biết đến với tên gọi Lễ hội hoa dưới chân núi Phú Sĩ.
Ấn Độ vừa khánh thành một đơn vị sản xuất tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos tại tiểu bang Uttar Pradesh ở phía Bắc quốc gia này.
Ngày 11/5 theo giờ địa phương, phong trào Hồi giáo Hamas cho biết họ sẽ thả một con tin người Mỹ gốc Israel bị bắt giữ ở Dải Gaza khi đang đàm phán trực tiếp với Mỹ về lệnh ngừng bắn cho vùng đất này.
Ngày 11/5 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ ký một sắc lệnh hành pháp để cắt giảm mạnh giá thuốc kê đơn tại Mỹ bằng cách điều chỉnh theo mức giá thấp nhất trên toàn cầu. Mức giảm ước tính lên tới 80% giá thuốc hiện tại.
Các ứng cử viên cho chức Tổng thống Hàn Quốc đã bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình vào hôm nay thứ Hai, ngày 12/5.
0