Chiến sự Nga - Ukraine ngày 14/9: Ukraine đã mất 13.100 quân
Ukraine mất hơn 13.100 binh sĩ trong chiến dịch ở vùng Kursk
Hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/9 cho biết quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát làng Zhelanne Pershe ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine.

Trong khi đó, tại mặt trận Kursk, Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cho biết, quân đội Ukraine đã tổn thất tổng cộng hơn 13.100 binh sỹ và 110 xe tăng kể từ khi bắt đầu chiến sự tại đây. Các lực lượng Nga đã đẩy lùi 5 nỗ lực của Ukraina nhằm vượt qua biên giới nước này.
Nga và Ukraine trao đổi 206 tù binh
Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cho biết, nước này và Ukraine đã tiến hành đợt trao đổi tù binh mới theo một thỏa thuận do Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) làm trung gian. Theo thỏa thuận, mỗi bên đã trao đổi 103 tù binh. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết những quân nhân Nga được trao đổi trong đợt này đã bị bắt làm tù binh tại khu vực Kursk. Hiện tất cả các binh sĩ Nga được trao trả đang ở Belarus và được cung cấp các hỗ trợ cần thiết. Hồi đầu tháng 8, quân đội Ukraine đã tiến hành cuộc xâm nhập bất ngờ vào tỉnh Kursk, miền tây nước Nga. Kể từ đó, các lực lượng Ukraine đã kiểm soát được khoảng 1.300 km2 lãnh thổ Nga tại Kursk. Tuy nhiên, từ mấy ngày qua, quân đội Nga đã bắt đầu phản công ồ ạt, với mục tiêu cuối cùng là đẩy lùi đối phương ra khỏi khu vực biên giới. Bộ Quốc phòng Nga ngày 12/9 tuyên bố, các lực lượng của nước này đã giành lại quyền kiểm soát 10 khu định cư ở tỉnh Kursk kể từ khi tiến hành cuộc phản công dọc theo sườn phía tây của khu vực do Ukraine kiểm soát.
Mỹ lên tiếng về chính sách tên lửa tầm xa đối với Ukraine
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 13/9 khẳng định, Mỹ không có thay đổi nào trong chính sách về tên lửa tầm xa đối với Ukraine. Theo người phát ngôn Nhà Trắng, điều này cũng đã được thống nhất sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra cùng ngày.

Hồi đầu năm nay, Mỹ đã nới lỏng một số hạn chế, cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các khu vực dọc biên giới Nga. Tuy nhiên, hiện tại, Mỹ và nhiều nước phương Tây, trong đó có Anh vẫn chưa cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga vì lo ngại căng thẳng leo thang.
Về phía Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cũng đã cảnh báo rằng, nếu phương Tây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa nhằm vào lãnh thổ Nga, điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ và các nước châu Âu tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine. Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh, sự tham gia trực tiếp của họ sẽ làm thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột Nga - Ukraine và Nga sẽ đưa ra quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa mà nước này phải đối mặt.
Tổng thống Zelensky nêu hai cách chấm dứt xung đột Nga - Ukraine
Tại cuộc họp Chiến lược châu Âu Yalta (YES), Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nêu 2 cách để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine giữa lúc căng thẳng ở biên giới leo thang.
Theo Pravda, tại sự kiện, ông Zelensky nói chỉ có 2 cách để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine: hoặc là quân đội Nga bị đẩy lui khỏi lãnh thổ Ukraine bằng vũ lực, hoặc một tiến trình ngoại giao được đưa ra để đảm bảo Ukraine giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ quốc gia.

Ngoài ra, ông Zelensky cũng nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong việc tăng cường năng lực phòng thủ cho Ukraine và hỗ trợ nước này trên con đường giành chiến thắng trong xung đột với Nga.
Cũng theo ông Zelensky, "kế hoạch chiến thắng" mà ông sẽ trình lên Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể trở thành nền tảng cho một nền hòa bình lâu dài và thực hiện đầy đủ công thức hòa bình của Ukraine. Ông cũng tin rằng, bất kỳ ảo tưởng nào về khả năng đàm phán với Nga, hoặc đặt ra các lằn ranh đỏ càng khiến xung đột kéo dài.
Tổng thống Zelensky đã đưa ra "công thức hòa bình" gồm 10 điểm vào cuối năm 2022 nhằm giải quyết cuộc xung đột với Nga. Công thức này gồm một số điểm như Nga phải rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và bồi thường chiến tranh.
Tuy nhiên, Nga coi các đề nghị này "phi thực tế". Moscow tuyên bố chỉ đàm phán dựa trên tình hình thực địa mới, bao gồm việc công nhận các vùng lãnh thổ tại Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập.
Kiev cũng tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần đầu vào tháng 6 tại Thụy Sĩ mà không có sự tham gia của Nga. Kiev kêu gọi Moscow tham dự hội nghị lần 2 dự kiến vào tháng 11, song Nga nhiều lần phát tín hiệu từ chối.


Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/5 đã chính thức đề xuất Ukraine nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 15/5, không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Ấn Độ và Pakistan ngày 10/5 đã bất ngờ đồng ý ngừng bắn, vào thời điểm các cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên đang leo thang đến mức nguy hiểm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/5 đã chính thức đề xuất Ukraine nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 15/5, không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Tờ New York Times đưa tin, Mỹ đã phê duyệt chuyển giao 100 tên lửa phòng không Patriot và 125 tên lửa pháo binh tầm xa từ kho dự trữ của Đức sang Ukraine.
Mỹ và Iran sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ tư liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra tại Oman và do các nhà ngoại giao Oman làm trung gian.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif ngày 10/5 tuyên bố nước này chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn với Ấn Độ, đồng thời bày tỏ hy vọng các vấn đề còn tồn đọng giữa hai quốc gia, bao gồm tranh chấp Kashmir sẽ được giải quyết thông qua đối thoại hoà bình.
0