Chiếc nhẫn Ngư phủ quyền lực của Giáo hoàng
Sự ra đi của Giáo hoàng Francis đánh dấu một thời khắc quan trọng với Giáo hội Công giáo toàn cầu, đồng thời kích hoạt loạt nghi thức truyền thống đã tồn tại hàng thế kỷ, trong đó có nghi lễ tiêu hủy Chiếc nhẫn Ngư phủ, một hành động mang tính biểu tượng sâu sắc và thiêng liêng.
Chiếc nhẫn Ngư phủ là gì?
Chiếc nhẫn Ngư phủ (Piscatory Ring) là một trong những biểu tượng cổ xưa và mạnh mẽ nhất gắn với ngôi vị Giáo hoàng. Theo truyền thống, chiếc nhẫn khắc hình Thánh Peter cầm hai chiếc chìa khóa – biểu tượng thẩm quyền tối cao trong Giáo hội – và được dùng để niêm phong các tài liệu chính thức, khẳng định tính xác thực của văn bản do Giáo hoàng ban hành.
Tên gọi "Ngư phủ" bắt nguồn từ nghề nghiệp của Thánh Peter – một ngư dân vùng Galilê, người được Chúa Jesus chọn làm tông đồ trưởng và cũng được xem là vị Giáo hoàng đầu tiên.

Chiếc nhẫn giản dị của Giáo hoàng Francis
Khác với các đời Giáo hoàng trước đây, chiếc nhẫn của Giáo hoàng Francis không được làm từ vàng nguyên chất mà là bạc mạ vàng, do nghệ nhân Enrico Manfrini thiết kế. Đây thực chất là mẫu nhẫn từng được Manfrini sáng tác cho Đức Giáo hoàng Paul VI, nhưng không được sử dụng vào thời điểm đó.
Nhiều năm sau, bản mẫu bằng sáp ban đầu đã được đúc thành kim loại, trở thành chiếc nhẫn mà Giáo hoàng Francis lựa chọn khi nhậm chức. Thiết kế đơn giản của chiếc nhẫn thể hiện phong cách sống khiêm nhường của ngài — người từ lâu đã quen đeo một chiếc nhẫn bạc khắc hình thánh giá từ thời còn là giám mục.
Chiếc nhẫn của các Giáo hoàng khác có gì đặc biệt?
Chiếc nhẫn của Giáo hoàng Benedict XVI được lấy cảm hứng từ một tác phẩm của nhà điêu khắc Michelangelo, được chế tác bằng 35 gram vàng nguyên chất sau khi xem xét hơn 200 bản phác thảo. 8 nghệ nhân phải làm việc liên tục 15 giờ mỗi ngày trong hai tuần để hoàn thiện chiếc nhẫn, được khắc dòng chữ Benedictus XVI – tước hiệu Latinh của Giáo hoàng – cùng hình ảnh Thánh Peter.

Tại sao chiếc nhẫn bị tiêu hủy sau khi Giáo hoàng qua đời?
Theo truyền thống Vatican, Chiếc nhẫn Ngư phủ sẽ bị tiêu hủy – thường bằng cách nung chảy – sau khi Giáo hoàng qua đời hoặc từ nhiệm. Nghi lễ này có hai ý nghĩa quan trọng:
Ngăn chặn việc giả mạo: Việc tiêu hủy giúp ngăn ngừa nguy cơ chiếc nhẫn bị sử dụng trái phép để giả mạo văn bản mang quyền lực giáo hoàng.
Khẳng định sự chấm dứt triều đại: Đây là hành động mang tính biểu tượng để tuyên bố triều đại của vị Giáo hoàng đã chấm dứt hoàn toàn, mở đường cho Mật nghị Hồng y chọn ra người kế nhiệm.
Kể từ năm 1521, nghi lễ này được thực hiện đồng thời với việc phá vỡ ấn tín bulla, con dấu cá nhân của Giáo hoàng, để đảm bảo không văn kiện nào có thể bị làm giả sau khi ngài tạ thế. Dù trong thời hiện đại, nguy cơ giả mạo đã giảm đáng kể, nhưng nghi thức vẫn được duy trì như một dấu ấn truyền thống của Giáo hội.
Trong giai đoạn “trống tòa”, Hồng y Nhiếp chính – người điều hành Tòa thánh tạm thời – sẽ là người đảm nhiệm việc phá hủy nhẫn và ấn tín, dưới sự chứng kiến của Hồng y đoàn. Lần này, Hồng y Kevin Joseph Farrell sẽ thực hiện nghi lễ này.
Kể từ sau khi Giáo hoàng Benedict XVI trở thành vị giáo hoàng đầu tiên thoái vị sau gần 600 năm, Vatican đã thay đổi hình thức: không tiêu hủy hoàn toàn chiếc nhẫn mà khắc hình thánh giá sâu lên bề mặt – một cách vừa giữ lại vật chứng lịch sử, vừa đảm bảo không thể sử dụng lại cho mục đích chính thức.

Người Công giáo có hôn nhẫn Giáo hoàng không?
Trong nhiều thế kỷ, hôn nhẫn là một trong những cách thể hiện sự tôn kính dành cho Giáo hoàng. Tuy nhiên, Giáo hoàng Francis và người tiền nhiệm Benedict XVI đều chủ trương hạn chế truyền thống này.
Năm 2019, Giáo hoàng Francis từng gây chú ý khi nhiều lần rút tay lại khi các tín đồ tìm cách hôn nhẫn tại Nhà thờ Loreto (Italy). Hai ngày sau, ngài cho phép các linh mục và nữ tu thực hiện nghi thức này. Người phát ngôn Vatican khi đó, ông Alessandro Gisotti, cho biết:
“Đức Thánh Cha nói rằng lý do rất đơn giản: vệ sinh. Ngài muốn tránh nguy cơ lây nhiễm cho người khác, không phải cho ngài”.
Chiếc nhẫn Ngư phủ trị giá bao nhiêu?
Giá trị vật chất của chiếc nhẫn – nếu xét riêng phần vàng – có thể vào khoảng 2.000 đến 2.500 USD, tùy theo giá thị trường. Tuy nhiên, giá trị biểu tượng và lịch sử của chiếc nhẫn là vô giá.
Chiếc nhẫn đại diện cho hàng thế kỷ truyền thống, sự kế thừa tinh thần từ Thánh Peter, và là dấu ấn không thể thay thế trong quyền lực của ngôi vị Giáo hoàng.
Chiếc nhẫn Ngư phủ không chỉ là một vật phẩm trang sức. Nó đại diện cho niềm tin vào sự liên tục không gián đoạn giữa các Giáo hoàng, bắt đầu từ Thánh Peter – người được Chúa Jesus gọi là "nền tảng" để xây dựng Giáo hội.
Từ bàn tay của từng Giáo hoàng, chiếc nhẫn này đã chứng kiến những thời khắc lịch sử của Giáo hội Công giáo, và mỗi lần được tiêu hủy lại mở ra một hành trình mới trong đức tin, thẩm quyền và trách nhiệm thiêng liêng mà người kế nhiệm sẽ đảm nhận.


Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông có thể gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngay sau chuyến đi tới Ả Rập Xê Út, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Giới lãnh đạo dân sự và quân sự cấp cao của Pakistan ngày 24/4 sẽ tiến hành họp khẩn sau khi Ấn Độ quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao với Islamabad, đình chỉ Hiệp ước nước sông Ấn và trục xuất các tùy viên quân sự Pakistan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không đơn phương giảm thuế cho Trung Quốc. Hiện Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để bắt đầu đối thoại về vấn đề này.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Na Uy đã ký kết Thỏa thuận hợp tác mới cho dự án “Tăng cường quan hệ đối tác đa phương trong quản lý chất thải tuần hoàn và bền vững”.
Nhiều nghi thức truyền thống của Giáo hội Công giáo được khởi động sau sự ra đi của Đức Giáo hoàng Francis vào ngày 21/4. Trong đó, việc tiêu hủy chiếc nhẫn Ngư phủ – biểu tượng quyền lực của Giáo hoàng – lại một lần nữa thu hút sự chú ý.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã lên tiếng hối thúc phong trào Hamas trả tự do cho toàn bộ con tin ở Gaza.
0