Cháy rừng như 'ngày tận thế' ở California, Mỹ gồng mình ứng phó

Bang California, Mỹ, đang trải qua đợt cháy rừng kỷ lục, thiêu rụi hàng ngàn hecta rừng, khiến gần 10 người tử vong cùng nhiều người bị thương và buộc hàng trăm nghìn người phải đi sơ tán. Trận cháy rừng gây ra cảnh tượng kinh hoàng được ví như “ngày tận thế”.

Thiệt hại thảm khốc do cháy rừng

Các vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử của Los Angeles vẫn đang diễn ra và tàn phá thành phố đông dân lớn thứ hai thuộc bang California, miền Tây nước Mỹ, gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Đám cháy ở Palisades hiện được xếp hạng là đám cháy có mức tàn phá nghiêm trọng nhất trong lịch sử Los Angeles, với hàng trăm ngôi nhà, các công trình bị phá hủy và thiệt hại lớn đến mức làm cạn kiệt nguồn cung nước của thành phố.

Tại Pacific Palisades, những cư dân giàu có đã vội vã sơ tán, bỏ lại những chiếc xe hơi đắt đỏ giữa những khu phố bị tắc nghẽn. Tại Pasadena, đám cháy lan nhanh đã khiến người dân phải sơ tán xa đến tận khu đô thị.

Tôi đã tới nhà của mẹ tôi, nơi đó đã bị thiêu rụi. Và khi tôi trở về nhà mình, cảnh tượng tương tự cũng xảy ra. Nó đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Tôi không thể tin vào mắt mình.

Anh Oliver Allnatt, người dân ở Pacific Palisades, Mỹ.

Không chỉ là cháy rừng. Dường như cả khu vực đều đang chìm trong biển lửa, khi hàng loạt đám cháy bùng phát đồng loạt ở các khu dân cư trên khắp khu vực. Các đám cháy riêng lẻ kết hợp với biển lửa do gió tạo ra, tạo thành một “siêu thảm họa” đối với người dân Nam California. Tro bụi, khói, gió và lửa đang tạo ra một cảnh quan mới tàn rụi, không thể kiểm soát.

Ước tính, thiệt hại về kinh tế do các đám cháy lần này gây ra ở California dao động từ 52 tới 57 tỷ USD, bao gồm các tác động trực tiếp và gián tiếp do thảm họa gây ra, khiến nó trở thành vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử Mỹ, vượt qua cả vụ cháy Camp ở Paradise, California năm 2018. Nếu các đám cháy tiếp tục lan tới các khu vực đông dân tổng thiệt hại về mặt kinh tế sẽ còn cao hơn so với ước tính hiện nay.

Gió mạnh đã cản trở hoạt động cứu hộ, trong đó có việc triển khai trực thăng để dập lửa từ trên không. Điều kiện thời tiết và nhiên liệu dự trữ, cộng thêm các vấn đề về nguồn cung cấp nước, là những yếu tố gây ra khó khăn trong việc dập tắt đám cháy. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong một phát biểu đã gọi các vụ cháy rừng chết người ở California là một thảm kịch thực sự.

Thị trưởng thành phố Los Angeles Karen Bass trong một tuyên bố gọi tình hình cháy rừng là chưa từng có tiền lệ.

Tôi biết thế giới đang nhìn vào hình ảnh về sự tàn phá của thành phố chúng ta. Tôi đã chứng kiến tuyến đầu của đám cháy Palisades và nó thật kinh hoàng. Nhiều người đã nhận được lệnh sơ tán. Nếu nhận được lệnh, mong mọi người hãy rời đi ngay lập tức. Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Biden và Thống đốc California Gavin Newsom và họ đảm bảo với tôi rằng sẽ có sự hỗ trợ toàn diện của địa phương.

Bà Karen Bass, Thị trưởng thành phố Los Angeles, Mỹ.

Tổng thống Joe Biden đã hủy chuyến đi đến Italy để tập trung chỉ đạo công tác ứng phó với thảm họa này. Trong thông báo đưa ra vào đêm 8/1 theo giờ địa phương, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã tuyên bố cháy rừng ở California là thảm họa lớn, đồng thời yêu cầu chính phủ liên bang triển khai viện trợ tài chính và nhân lực để hỗ trợ California khắc phục hậu quả do cháy rừng bùng phát từ hôm 7/1.

Thách thức từ biến đổi khí hậu

Ngay cả trong một bang đã trở nên quá quen thuộc với các vụ cháy rừng nghiêm trọng như California, đợt bùng phát nhanh chóng các đám cháy đang thiêu rụi khu vực Los Angeles vẫn khiến nhiều người sửng sốt.

Theo ông Ariel Cohen, nhà khí tượng học tại Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia ở Los Angeles, mặc dù cháy rừng không phải là điều mới mẻ đối với California, nhưng một số yếu tố đã góp phần thổi bùng ngọn lửa, dẫn đến một trong những đợt bùng phát cháy lớn nhất trong lịch sử. Những vụ cháy này không chỉ là thảm họa đối với cư dân Los Angeles, mà còn đánh dấu khởi đầu của kỷ nguyên biến đổi khí hậu phức tạp.

Cần nhấn mạnh rằng, cháy rừng vào tháng 1 ở Los Angeles là hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử. Nguyên nhân là do khí thải nhà kính do con người gây ra, làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu, các vụ cháy rừng trở nên phổ biến hơn tại California. Khi bầu quyển ấm lên, không khí nóng hơn sẽ khiến nước bốc hơi nhanh và tình trạng hạn hán càng nghiêm trọng hơn.

Băng tan tại Bắc Cực cũng gây ra những thay đổi trong hoạt động của luồng gió xoáy, làm tăng khả năng xảy ra các vụ cháy rừng do gió tại California.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy trong những tháng mùa đông, hiện tượng gió Santa Ana có thể ít thường xuyên hơn nhưng mạnh mẽ hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Các đám cháy đã lan nhanh chóng nhờ vào những cơn gió mạnh thổi với tốc độ lên đến 129 km/h, thậm chí lên tới 161 km/h ở một số khu vực miền núi.

Mùa đông ở California thường mang theo gió Santa Ana. Đây là những cơn gió khô và mạnh từ sa mạc rộng lớn phía Tây của Mỹ thổi vào miền Nam California. Những cơn gió này mang theo không khí khô và ấm, đẩy về phía bờ biển, ngược lại với không khí ẩm ướt thường xuyên từ đại dương Thái Bình Dương thổi vào khu vực này. Điều này khiến độ ẩm giảm xuống, làm khô thảm thực vật dễ cháy và kích thích ngọn lửa. Gió Santa Ana từng góp phần gây ra một số đám cháy tồi tệ nhất ở California.

Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia đã cảnh báo trước khi xảy ra các đám cháy mới nhất ở Los Angeles: “Đây là một tình huống đặc biệt nguy hiểm. Nói cách khác, xét về thời tiết dễ gây cháy rừng thì tình trạng này là tồi tệ nhất”.

Tình hình càng phức tạp hơn khi các nhà khoa học cảnh báo về “thảm họa khí hậu kép” – khi các hiện tượng khí hậu xảy ra cùng lúc, gây ra hậu quả lớn hơn nhiều so với khi diễn ra riêng lẻ. Khi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các hệ thống khí quyển, đại dương và sinh thái tương tác với nhau, gây ra những thay đổi khó dự đoán. Đây cũng là trọng tâm của đánh giá khí hậu quốc gia năm 2023 do Chính quyền Tổng thống Biden đưa ra.

Chỉ trong 16 tháng qua, Los Angeles đã trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử và chỉ nhận được 2% lượng mưa bình thường, trở thành một trong những thời kỳ khô hạn nhất trong lịch sử. Sau khi cơn bão nhiệt đới năm 2023 gây mưa lớn, các đám cỏ đã mọc lên. Những đám cỏ này, khi khô, trở thành vật liệu dễ bắt lửa, tạo điều kiện cho các vụ cháy rừng xảy ra sau đó.

Vào tháng 1, chúng tôi chưa thấy có mưa ở Los Angeles. Đây là đợt khô hạn thứ hai kéo dài từ tháng 5 năm ngoái. Ngoài ra, gió rất mạnh để thổi bùng những đám cháy này một khi chúng bắt đầu. Tàn lửa bốc ra từ đám cháy khi có gió mạnh như vậy thực sự có thể bịthổi bay nhiều dặm về phía hạ lưu từ nơi đám cháy thực sự đang bùng phát. Vì vậy, đó là lý do khiến cháy rừng lan rộng rất nhanh.

Ông John Dumas, nhà khoa học tại Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia Mỹ.

Mới chỉ cách đây hai năm, California phải đối mặt với một đợt hạn hán kéo dài hàng thập kỷ, là một phần của “cơn hạn hán siêu lớn” trên khắp Mỹ mà các nhà nghiên cứu ước tính là tồi tệ nhất trong ít nhất 1.200 năm. Nhiệt độ toàn cầu tăng cao do đốt nhiên liệu hóa thạch đã làm gia tăng số ngày có thời tiết cháy rừng vì thực vật cũng như đất đai đã khô trong khi độ ẩm giảm.

Các đám cháy ở miền Tây nước Mỹ ngày càng trở nên thường xuyên và lớn hơn. Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ cháy rừng lên khoảng 25% ở California. Mười trong số các đám cháy lớn nhất ở California đã xảy ra trong hai thập kỷ qua, trong đó 5 đám cháy trong số này xảy ra chỉ trong năm 2020. Các chuyên gia cảnh báo rằng biến đổi khí hậu đang kéo dài mùa cháy rừng ở California.

Các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra đã góp phần làm tăng 172% diện tích đất bị cháy ở California kể từ những năm 1970. Dự báo con số này sẽ còn tăng trong những thập kỷ tới. Theo dữ liệu gần đây, mùa cháy rừng bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn do nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm liên quan đến biến đổi khí hậu.

Tranh cãi về dịch vụ cứu hoả tư nhân

Đám cháy lớn nhất đã tàn phá phần lớn khu dân cư Pacific Palisades giàu có và hoa lệ, là nơi sinh sống của nhiều người nổi tiếng, trong đó có biệt thự của nhiều ngôi sao Hollywood. Lực lượng cứu hỏa tư nhân đã được triển khai tại Los Angeles, nhưng tốc độ cháy đã hạn chế vai trò của họ. Cháy rừng ở Los Angeles làm dấy lên tranh cãi về dịch vụ cứu hỏa tư nhân, khi người giàu sẵn sàng trả bất cứ giá nào để bảo vệ tài sản.

Lính cứu hỏa tư nhân đã triển khai tại Los Angeles khi cháy rừng tiếp tục bùng phát ngoài tầm kiểm soát. Ngọn lửa tiến về phía những khu dân cư đông đúc và giàu có, bao gồm Calabasas và Santa Monica, nơi sinh sống của những người nhiều tiền và nổi tiếng của California. Các ngôi sao Hollywood, bao gồm Mark Hamill, Mandy Moore và James Woods, nằm trong số người buộc phải sơ tán.

Palisades có thu nhập hộ gia đình trung bình là 155.000 USD, gần gấp đôi mức trung bình của Hạt Los Angeles. Căn nhà nơi xuất hiện ngọn lửa đầu tiên được báo cáo có giá trị ước tính khoảng 4,5 triệu USD. Các bất động sản đắt đỏ hơn, nổi tiếng, nằm trên các sườn đồi, thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt như Tom Hanks và Steven Spielberg. Bất động sản của Sugar Ray Leonard hiện đang được rao bán với giá gần 40 triệu USD.

Hãng tin Bloomberg, ngày 9/1 nhận xét, các dịch vụ chữa cháy tư nhân cho thuê đã vấp phải nhiều chỉ trích trong những năm gần đây. Việc Kim Kardashian và rapper Kanye West ghi nhận công lao của lính cứu hỏa tư nhân đã cứu ngôi biệt thự trị giá 60 triệu USD của họ ở Los Angeles khỏi cháy rừng năm 2018, được coi là ví dụ của bất bình đẳng ngày càng tăng, khi giới siêu giàu chi mạnh tay để bảo vệ tài sản của họ trong khi những người khác chỉ có thể lượm lặt những gì còn sót lại từ đống tro tàn.

Nhưng vai trò của lính cứu hỏa tư nhân và hiệu quả của họ vẫn chưa rõ ràng. Ông Chris Dunn, người sáng lập Công ty an ninh Covered 6 tại Los Angeles, đang tham gia hỗ trợ các thành phố sơ tán và chữa cháy, cho rằng, lực lượng chữa cháy tư nhân không thể lách luật hay đóng vai trò thay thế mà chủ yếu giữ vai bổ sung và hỗ trợ.

Vào tháng 12/2024, nhân viên Covered 6 được điều động đến Đại học Pepperdine khi lửa đang chực chờ tấn công nơi đây. Tuy nhiên, theo luật của California, dịch vụ chữa cháy tư nhân phải đăng ký với chính quyền địa phương trước khi vào khu vực cháy rừng.

Trong khi đó, ông Holter chia sẻ có rất nhiều cơ hội và ông đang bận rộn hơn bao giờ hết. Công ty của ông chủ yếu ký hợp đồng với chính phủ liên bang để dập tắt các đám cháy rừng. Ông Holter cho biết thời điểm thuê lính cứu hỏa tư nhân là trước khi xảy ra hỏa hoạn thay vì thời điểm đám cháy đã hoành hành như cư dân Pacific Palisades Wasserman. Ông cùng đội của mình cố gắng đưa khách hàng đi trước một bước và biết cách ứng phó.

Thông thường, chủ nhà sẽ ký thỏa thuận với công ty để được tư vấn về cách bảo vệ tài sản của họ và sẽ được hỗ trợ ứng phó ngay lập tức nếu cần. Chi phí phụ thuộc vào quy mô của bất động sản, thiết bị và nhân sự được triển khai.

Các đội cứu hỏa đã phải đối mặt với cơn bão lửa với gió mạnh, độ ẩm thấp, và điều đáng lo ngại nhất là nguồn cung cấp nước không đủ để kiểm soát ngọn lửa.

Giới chức Los Angeles cho biết các hệ thống cấp nước của thành phố vẫn hoạt động hiệu quả, nhưng chúng được thiết kế để phục vụ môi trường đô thị, chứ không phải để xử lý các vụ cháy rừng.

Thành phố Los Angeles chuẩn bị đầy bình chứa nước trong kho dự trữ trước khi đám cháy bùng phát, nhưng chỉ trong vài giờ, ba bể chứa khoảng 3,8 triệu lít đã cạn kiệt.

Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng mạnh mẽ nguy cơ xảy ra các vụ cháy rừng có khả năng lan rộng nhanh chóng. Dự báo về mùa cháy rừng dữ dội, các nhà nghiên cứu cho biết nguy cơ này có thể tăng trung bình 59% vào cuối thế kỷ này nếu sự ấm lên toàn cầu được giới hạn ở mức 1,8 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp. Nguy cơ này sẽ tăng lên tới 172% trong trường hợp phát thải khí nhà kính ở mức cao và không thể kiểm soát được.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sau hơn nửa thế kỷ, Bảo tàng Nghệ thuật Sao Paulo (MASP), Brazil đã bước vào một hành trình mới với tòa nhà 14 tầng hiện đại.

Giới học giả Italia nhận định kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng trên toàn khối của Liên minh châu Âu đang phải đối diện với những thách thức ở Italia, một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ công trên tổng sản phẩm quốc nội cao nhất toàn cầu.

Gần một trăm robot hình người đang học cách làm bánh sandwich, lau quầy và cắm hoa trong suốt 17 giờ/ngày tại một nhà kho ở ngoại ô thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.

Người dân tại nhiều thành phố trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Bồ Đào Nha... ngày 5/4 đã tham gia phong trào biểu tình có tên "Hands Off" nhằm phản đối các chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Người dân cả nước hướng về ngày Giỗ Tổ; Phim “Địa đạo” thu hơn 30 tỷ đồng ngày đầu công chiếu; Kế hoạch quốc phòng mới của EU đối diện nhiều thách thức;... là những nội dung đáng chú ý trong chương trình hôm nay.

Một tuần sau trận động đất 7,7 độ richter hôm 28/3, nhiều thành phố của Myanmar vẫn trong khung cảnh đổ nát, tang thương. Hậu quả của cơn đại địa chấn đang khiến đất nước này lâm vào khủng hoảng nhân đạo chưa từng có trong lịch sử.