Chất lượng giáo dục không chỉ là điểm số

Ai cũng có năng lực nổi trội của riêng mình và cần được khai phá phát huy để trở thành điểm sáng. Đó là nhiệm vụ của những người làm giáo dục. Chất lượng giáo dục của nhà trường không thể chỉ đo bằng điểm số, mà cần được đo đồng thời với chỉ số hạnh phúc và sự tiến bộ của mỗi học trò.

Chúng ta đang trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Sẽ có rất nhiều những dòng thư, những dòng cảm xúc của các thế hệ học trò khắp mọi miền gửi về cho thầy cô của mình. Biết bao kỉ niệm với mái trường với thầy cô và bạn bè lại được hiện lên trong tâm trí mỗi người.

Qua những hồi ức lại gợi lên cho tôi những  hình ảnh của người thầy với mái tóc bạc trắng có lẽ là vì trong suốt những năm tháng trên giảng đường, học sinh đông, bao nhiêu vấn đề cũng nảy sinh từ đó, từ an toàn trường học, tới áp lực học đường. Học sinh nhiều trò nghịch ngợm, hay gây gổ… Thầy cô là người hằng ngày phải xử lý các tình huống trực tiếp khó khăn…

Tôi lại nhớ đến những lần bị phạt khi còn ngồi trên ghế nhà trường, có lần vì nghịch ngợm trèo lên cửa sổ,  có lần vì không làm bài tập. Mặc dù biết nội quy của trường đưa ra, học sinh cần phải nghiêm túc chấp hành, nhưng không hiểu sao, tôi rất sợ khi nghe câu nói: "Yêu cho roi cho vọt". Kỷ luật tích cực là phương thức giáo dục dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho học sinh, không làm tổn thương về thể xác lẫn tinh thần các em. Là việc dạy và rèn luyện cho các em tính tự giác tuân theo các quy định và quy tắc đạo đức ở thời điểm trước mắt cũng như về lâu dài. Kỷ luật tích cực tôn trọng học sinh và không mang tính bạo lực.

Tôi nhớ về những tháng ngày học ba ca, không có ngày nghỉ. Lúc đó, tôi chỉ ước có thể tua cho thời gian trôi nhanh lên để mình nhanh được ra trường, để không còn phải trải qua những tháng ngày triền miên với những kỳ thi cử. Trong suốt nhiều năm, xu hướng chung của xã hội chạy theo thành tích. Cha mẹ mong ước con là ngôi sao, mong con mình phải được giỏi như “con người ta”, thích vào trường chuyên lớp chọn.

Thầy giáo tôi từng nói, trẻ con không nên chỉ học văn hóa, nếu chỉ học chữ thôi thì không cẩn thận sẽ trở thành một con người ích kỷ, tự tin thái quá. Chúng ta phải giáo dục cho các con biết tham gia các hoạt động tập thể, đóng góp cho tập thể. Nếu có thể luân phiên nhau làm cán bộ lớp, cán bộ liên đội, cán bộ đoàn được thì cũng sẽ phần nào rèn luyện cho các em có ý thức, có trách nhiệm với tập thể.

Thầy giáo tôi còn nói, học tập mà xa rời đời sống thì sẽ khiến cho người học như đang đi trên mây, không chạm đất, cái gì cũng biết mà lại không thực sự hiểu cái gì. Các em học ở trường mà không được giáo dục thông qua các hoạt động nhóm thì sẽ khiến con người sau này dễ ích kỷ và cũng không học được những bài học kinh nghiệm chỉ có thể rút ra từ những va chạm cộng đồng. Cũng vì lẽ đó các em sẽ không có đủ ý chí, không có đủ sức mạnh về cảm xúc để có thể tự vươn lên trong cuộc sống.

Trong những năm tháng học trò, mỗi khi tham gia công tác đoàn hội và trải nghiệm những hoạt động tập thể, tôi có cơ hội hiểu thêm về cuộc sống, về mối quan hệ con người, về cách giao tiếp, tôn trọng và thấu hiểu người khác- đó chính là giá trị sống, kỹ năng sống, là năng lực cảm xúc xã hội, là tâm lý của con người…  Ai cũng có năng lực, thày giáo tôi còn nói, cần được khai phá, phát huy để trở thành điểm sáng. Theo thầy giáo của tôi, nếu thầy cô giáo chỉ chăm chăm việc dạy kiến thức, dạy sao học sinh trở thành học sinh giỏi, dạy sao để mình trở thành giáo viên giỏi trong bảng danh hiệu thi đua hàng năm, thì không bao giờ tạo ra được sự thay đổi, không thể có môi trường giáo dục tốt đẹp cho học trò.

20 năm trước, giáo viên chủ nhiệm phải có uy. Bây giờ, khi đã làm cha làm mẹ tôi suy nghĩ khác, cái uy ở đây phải là quyền lực mềm, còn lớn hơn cả kỷ luật thép - đó là kỷ luật có được từ sự tôn trọng, thấu hiểu và sẵn sàng thay đổi. Bởi vậy, chất lượng giáo dục của nhà trường không thể chỉ đo bằng điểm số mà cần được đo đồng thời với chỉ số hạnh phúc và sự tiến bộ của mỗi học trò./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cuộc sống cần có sự kết nối. Con người sống lại càng cần sự kết nối hơn bao giờ hết. Nhưng nhịp sống hiện đại, đặc biệt là sự xuất hiện của thế giới công nghệ, đôi khi lại khiến người ta quên đi sự kết nối, gắn kết với những người xung quanh, lãnh cảm với những gì tồn tại quanh mình. Bởi vậy, mỗi người nên chăng ngắt kết nối với những điều không thực sự cần thiết để kết nối với những điều thực sự thiết thực quanh mình?

Tới bây giờ, có người vẫn chưa thể lý giải nổi tại sao hai thứ không có “họ hàng” gì liên quan lại luôn đi kèm với nhau: Thuốc lào – Chè Thái. Dọc theo đường quốc lộ 1A ở xứ Thanh, rất dễ bắt gặp các quán có biển tên chỉ viết đúng bốn chữ này ở ven đường. Thuốc lào thì không viết rõ địa danh ở đâu, chứ chè thì nhất định phải là chè Thái bởi ý niệm: chè ở Thái Nguyên thì mới ngon nhất.

Les Brown, một nhà diễn thuyết nổi tiếng trên toàn nước Mỹ vì những thông điệp đầy sức sống, kêu gọi con người vượt qua mọi khó khăn để vươn lên và khẳng định chính mình, đã từng nói: “Quá nhiều người trong chúng ta không sống với giấc mơ của mình vì chúng ta sống với nỗi sợ hãi”.

Trước đây khi nghe ai đó nói rằng: "muốn yêu thương người khác, trước hết bạn phải biết yêu thương chính mình", có người thường bỏ ngoài tai và luôn tìm cách biện hộ cho việc không chăm sóc bản thân vì chẳng có thời gian. Khi sức khỏe lên tiếng báo động, cô mới giật mình lo sợ và nhận ra mình đã bỏ quên bản thân từ rất lâu rồi.

Tôi vốn không phải là người thích chạy theo xu hướng, kể cả việc thưởng thức phim. Chắc đó là lý do khi mọi người hào hứng tìm kiếm bộ phim "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt" trên khắp các nền tảng mạng xã hội, tôi vẫn bình thản với hiện tượng đặc biệt này. Dẫu thế, trong một ngày phố phường oi ả, cảm thấy đôi phần kiệt quệ vì đời sống, tôi đã ngồi nghiêm chỉnh xem trọn vẹn bộ phim. Có một người cũng giống như tôi.

Mùa nắng ở Hà Nội, có người thường giữ thói quen cùng người bạn thân dạo quanh những góc phố thân thuộc, ngắm nhìn phố phường Hà Nội óng ánh dưới nắng vàng.