Cây khế sau hè

Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều có một miền ký ức yêu thương không thể nào quên. Trong trái tim của một cô gái, luôn có một khu vườn xanh mát, nơi có cây khế buông những trái chín vàng xuống nền cát trắng.

Nơi đó có một nếp nhà bình dị với niêu cơm nếp, chén mắm cà, vài con cá đồng kho mặn, nồi canh cá kình với khế chua….Tất cả luôn theo cô trong suốt những tháng năm lưu lạc trên đường đời.

Sau hè nhà nội tôi có trồng một cây khế. Những ngày thơ bé, mỗi lần có dịp về thăm bà, tôi không để ý đến loại cây này lắm. Tôi chỉ mải trèo cây vú sữa trước sân hay quanh quẩn bên gốc mãng cầu đầu ngõ, bởi đơn giản vú sữa và mãng cầu đều ngon hơn khế, ít nhất là trong suy nghĩ của một đứa hảo ngọt như tôi.

Dưới mắt tôi, cây khế chỉ để thỉnh thoảng nội sai tôi hái vài quả bỏ vào nồi canh chua cá kình, hoặc cho các chị con bác tôi cắt lát chấm muối ớt, vừa ăn vừa hít hà để thỏa mãn sở thích của một thời thiếu nữ.

Có một cây khế buông những trái chín vàng xuống nền cát trắng. Ảnh minh hoạ.

Nhiều lúc bắt gặp các chị ngồi đông vui bên rổ khế, tôi cũng chen vào giả vờ nhấm nháp mấy lát khế cho ra vẻ, chủ yếu là để nghe xem mấy chị nói gì, nhưng ngồi một hồi thấy toàn chuyện vớ vẩn, tôi lại bỏ ra sân làm bạn với cây vú sữa.

Tôi có ngó ngàng đến cây khế một chút dạo bà kể chuyện cổ tích "Cây khế". Chuyện này thì chắc ai hồi còn bé cũng đều được nghe.

Tôi thích lắm, hóa ra trái khế lại có giá như vậy. Kể từ hôm đó, tôi hay ra sau hè đứng chờ chực dưới gốc khế, chờ chim thần bay đến để đòi vàng. Tôi đã thề là nếu nó đến thật, tôi chỉ may túi đúng ba gang thôi. Nhưng trẻ con ham chơi, nhòm ngó cây khế dăm ba ngày chẳng thấy chim chóc gì kéo đến, tôi đâm chán, vụt chạy theo chân tụi bạn trong xóm ra trảng cát chơi thả diều. Niềm hy vọng ngây ngô cũng từ đó nhạt nhòa theo năm tháng.

Tôi lại về nội, chỉ có điều là về sau nhiều năm lưu lạc chứ không đơn giản là về sau một niên học dài chín tháng như những năm còn bé.

Nội đã già nhưng còn minh mẫn, hôm tôi về bà vẫn nhận ra tôi. Các chị con bác tôi đều trưởng thành, có chị đi lập nghiệp phương xa, có chị đã tay bồng tay bế. Mấy đứa cháu tôi còn nhỏ, cũng như tôi mười năm trước, chỉ mải mê với những món đồ ngọt.

Tôi hỏi: "Sao con không thích ăn khế?", một đứa nhe răng cười bảo: “Khế chua lắc, con thèm vú sữa hơn!”.

Rồi nhanh như con sóc, nó phóng lên cây vú sữa, ngồi vắt vẻo trên chạc ba, thò đầu xuống hỏi: "Dì ăn không, con hái cho?".

Tôi lắc đầu cười, bây giờ tôi đã lớn, chẳng còn thích thú gì với những thức quà con trẻ. Có chăng tôi tìm đến chúng cũng chỉ để ngắm, để nhìn và để hồi tưởng lại một tuổi thơ đã vĩnh viễn đi qua.

Tôi ra đứng cạnh giếng nước sau nhà, bồi hồi nghe tuổi thơ gọi tên. Qua bao năm xa cách, cây khế vẫn nhận ra tôi. Nó vui vẻ vẫy những chiếc lá xanh và những bông hoa tím thay cho lời chào hỏi, làm tôi vui lòng bằng cách tặng lứa trái chín đầu mùa vào đúng hôm tôi trở lại.

So với khu vườn trong ký ức, khu vườn nhà nội bây giờ trông hẹp và rậm rạp hơn. Mấy cây điều mọc cạnh hàng rào chắc đã bị đốn hạ hoặc bật gốc khi mùa bão về, cả ruộng hoa cúc tím nội hay hái ra chợ bán mỗi ngày rằm giờ chỉ còn là mảnh đất hoang mọc đầy cỏ dại. Chỉ có cây khế vẫn còn, tôi không hiểu sao nó trụ vững được sau nhiều đợt bão mạnh để bây giờ dang tay đón tôi về, nhưng tôi biết nó đã bị bỏ quên trong những năm tôi đi xa.

Không người thăm hỏi, cây khế buồn bã buông những trái chín vàng xuống nền cát trắng. Tôi cứ đứng bất động như vậy thật lâu, bần thần nhìn lên tán lá xanh, nghe trái tim xao xuyến. Tôi chỉ trở vào nhà khi hương thơm của một loài hoa đêm không tên nào đó nấp trong hàng rào chè tàu phảng phất trong hơi gió, khi tiếng đũa bát lanh canh vang lên và tiếng bà trầm khàn gọi tôi vào nhà dùng bữa cơm chiều.

Một bữa cơm bình dị như bao bữa cơm quê nhà trước đây. Ảnh minh hoạ.

Đó là một bữa cơm bình dị như bao bữa cơm quê nhà trước đây, cũng niêu cơm nếp, chén mắm cà, vài con cá đồng kho mặn. Nhưng có lẽ để thết đãi đứa cháu xa quê là tôi, bà còn nấu thêm nồi canh cá kình với khế chua ngoài vườn.

Nhìn mâm cơm nóng hôi hổi, lòng tôi ngổn ngang bao tình cảm bồi hồi. Hẳn là sáng nay bà phải dậy thật sớm, băng qua trảng cát trắng mênh mông, đến khu chợ bên kia thôn để chọn mua loại cá khi xưa cháu bà ưa thích nhất. Tất nhiên bây giờ tôi vẫn thích món cá này và tất nhiên tôi chén sạch nồi canh chua bà nấu.

Tôi không ở lại nhà nội được lâu, sáng sớm hôm sau phải từ biệt bà để tiếp tục những ngày viễn xứ. Trước lúc rời đi, tôi có nhắc các cháu nhớ chăm sóc khu vườn và cây khế, tôi chỉ dặn thế thôi chứ không nói rõ lý do muốn chúng thay mình thực hiện niềm ao ước ngày xưa đã lơ đãng bỏ quên, đó là khát khao cháy bỏng được thấy chim thần đậu trên cành khế.

Biết đâu vào một ngày đẹp trời nào đó nó sẽ sà xuống vườn nhà, vẫy chiếc đuôi dài tuyệt đẹp và nghển cổ hót vang: "Ăn một quả khế. Trả một cục vàng. May túi ba gang. Mang đi mà đựng".

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chứng kiến hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn của Kiến Nhất, Jo Jo càng thêm quyết tâm cùng bạn vượt qua thử thách. Mời các bạn đón xem tập 4 của bộ phim "Cầu vồng trong mưa", phát sóng lúc 13h ngày 21/5, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.

Thời tiết Thủ đô sáng sớm nay tương đối dịu mát, trời nhiều mây, mưa rào nhẹ đang diễn ra ở vài nơi; nhiệt độ ở vào khoảng 26-27 độ; độ ẩm khoảng 90%.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhận Giải thưởng lớn; Nhiều thí sinh tiềm năng tranh tài Hoa hậu Trái đất Việt Nam 2025; Mùa thi - hành trình cùng con trưởng thành; Lễ hội cát Haeundae - không gian độc đáo trên bãi biển;... là những nội dung đáng chú ý trong chương trình hôm nay.

Tách cà phê mang hương vị Hà Nội; Ký ức mùa hoa phượng vĩ; Người hơn 30 năm gìn giữ hương vị bánh tôm Hà Nội... là những nội dung có trong chương trình "Tình yêu Hà Nội" ngày hôm nay.

Mùa tuyển sinh đang nóng dần, kèm theo đó là những áp lực đè nặng lên vai các học sinh cuối cấp chuẩn bị thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT. Vậy làm thế nào để giảm áp lực trước mùa thi? Đây là nội dung được chương trình bàn luận cùng chuyên gia tâm lý - PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Giảng viên trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

HANOITV News | 20/05/2025