Cậu bé trong bức ảnh đón bộ đội ngày 10/10/1954
Bóng quân Pháp vừa mất hút, Tháp đã tuột khỏi vòng tay mẹ, leo lên nóc tầng ba nhà mình. Ngóng về phía hồ Hoàn Kiếm, nơi mà từ nhiều đêm trước, bố bế cậu lên đó, chỉ tay về phía xa và nói rằng, ngày mai các chú bộ đội sẽ xuất hiện từ đấy. Dáng nhỏ bé của Tháp vắt vẻo trên ban công sân thượng tầng ba.
Tháp là người đầu tiên trong nhà trông thấy các chú bộ đội trong đội hình đều tăm tắp, hùng dũng tiến về. Cậu reo lên thật to rồi vụt chạy xuống đường. Đó cũng là lúc người phố Hàng Đào nghe thấy tiếng reo “bộ đội về” và ùa ra đường, tràn ngập ngập trong hoa và nước mắt. Cậu bé 7 tuổi Lê Bảo Tháp lẫn trong biển người hân hoan đó. Và trong sự tình cờ, hình ảnh của cậu đã lọt vào bức ảnh lịch sử ghi lại khoảnh khắc dân phố Hàng Đào chào đón đoàn quân chiến thắng. Người chụp bức ảnh, như sự sắp đặt của số phận, là anh trai cậu.

Ông Lê Sửu, anh trai của Lê Bảo Tháp, kể lại: “Khi mà đoàn quân chưa tiến vào thì tất cả hàng phố hai bên hầu như vắng lặng hết. Tôi là một trong những người đầu tiên chạy xuống và chụp ảnh. Và thật tình cờ là Tháp cũng nằm trong ống kính máy ảnh. Khi đó tôi đang là chàng thanh niên mới 17 tuổi. Sáng 10/10, người dân ra đường mỗi lúc một đông, ai nấy đều cảm thấy vỡ oà vui mừng và sung sướng khi nhìn thấy bộ đội ta đi trên phố. Đó cũng là lúc tôi ghi được khoảnh khắc đoàn quân đi qua phố Hàng Đào. Đây là bức ảnh được gia đình tôi lưu giữ tới ngày nay”.

Đó là thời khắc của lịch sử. Bà Hoàng Lan Hương, vợ ông Sửu, kể rằng những ngày trước khi các cánh quân ta vào giải phóng Thủ đô, mọi nhà đều cửa đóng then cài, vì quân Pháp bắt đầu rút đi mà quân ta chưa về. Càng gần đến ngày 10/10, người Hà Nội càng phải chong đêm thức, thay phiên nhau dùng đũa cả gõ vào nồi, vào mâm đồng, như để “thông báo” với bọn người xấu rằng “nhà tôi vẫn thức đấy, đừng có vào làm bậy”. Các gia đình hay dùng chiếc gương soi qua khe cửa để xem tình hình bên ngoài.
Sáng 10/10, tiếng giày lính Pháp rút lui nặng nề qua trục phố Hàng Đào - Hàng Ngang. Không một nhà nào dám mở cửa ra nhìn. Sự chờ đợi căng thẳng như được sổ tung khi người phố nhìn thấy “quân ta” đội ngũ chỉnh tề tiến vào thành phố.

Ông Lê Sửu sinh ra trong gia đình khá giả, chơi ảnh từ nhỏ. Tấm ảnh có cậu bé Tháp được ông Sửu chụp bằng chiếc máy Telka II của Pháp, loại máy chỉ chụp được cỡ phim 4 x 6. Chiếc máy ảnh năm xưa không giữ được đến hôm nay, người em trai trong tấm ảnh cũng không còn. Tấm ảnh ông Sửu chụp tình cờ có mặt em trai đã được gia đình gìn giữ như của báu, bởi 12 năm sau đó, anh thanh niên Lê Bảo Tháp lên đường nhập ngũ và mãi mãi không trở về. Người trai Hà Nội đã nằm lại chiến trường Quảng Trị. Mãi tới gần đây, gia đình mới tìm được mộ của ông.
70 năm về trước, cậu bé Lê Bảo Tháp may mắn trở thành chứng nhân của thời khắc lịch sử khi Thủ đô được giải phóng. Nhưng anh không bao giờ được nhìn thấy ngày toàn thắng, đất nước thống nhất, Tổ quốc được độc lập, tự do.


Nghệ sĩ, ca sĩ Quỳnh Hoa là một người con của Hà Nội luôn cất tiếng hát về Thủ đô bằng cả trái tim với tình yêu dành cho mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên.
Hai giờ sáng, khi cả thành phố chìm trong giấc ngủ, ở làng Mạch Tràng, một ngày mới lại bắt đầu với những người làm bún.
Thạch đen sương sáo đã trở thành món quà vặt dân dã gắn liền với ký ức của người Hà Nội. Được làm từ lá sương sáo - một loại thảo mộc lành tính, món ăn này mang vị thanh mát, mềm mịn, giúp giải nhiệt và hỗ trợ tiêu hóa.
Tháng 5 là thời điểm các gia đình làm cốm ở làng Mễ Trì bắt đầu một vụ cốm mới. Từ sáng sớm tinh mơ, những bàn tay đã thoăn thoắt rang cốm, giã cốm, gói cốm trong những tàu lá sen, lá duối thơm ngát.
Chả cá Hà Nội – món ăn thơm lừng trên chảo nóng kích thích mọi giác quan. Đây không chỉ là món ăn ngon mà còn là minh chứng cho sự tinh tế, cầu kỳ của người đầu bếp.
Với hơn 50 năm gắn bó với nghề mộc, nghệ nhân Nguyễn Khắc Tiến (Chàng Sơn, Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển tinh hoa nghề mộc và kỹ thuật làm nhà gỗ truyền thống của quê hương.
0