Canh măng mực Bát Tràng
Du khách đến Bát Tràng không chỉ được đắm mình trong không gian làng nghề gốm sứ truyền thống mà còn có thể thưởng thức món canh măng mực đặc sắc.
Nằm ven bờ tả ngạn sông Hồng, làng Bát Tràng nổi tiếng với nghề làm gốm lâu đời. Không chỉ ghi dấu ấn bởi những sản phẩm tinh xảo mà nơi đây còn chứa đựng nét văn hóa ẩm thực độc đáo. Với ý nghĩa trường thọ và no đủ, món canh măng mực ở Bát Tràng không chỉ xuất hiện trong mâm cỗ gia đình mà còn được đưa vào sổ tay ẩm thực của nhiều du khách khi đến Hà Nội .
Đã có người lầm tưởng món canh măng mực ở Bát Tràng xuất hiện trên mâm cỗ truyền thống như một thức ăn giải ngấy đơn thuần sau những ngày lễ đặc biệt. Tuy nhiên, món canh tiến vua này mang ý nghĩa kết hợp của trời đất và biển lại mang đến nhiều tầng ý nghĩa thể hiện từ sâu trong các nguyên liệu chính.
Trong món canh măng mực, nước dùng chính là khúc dạo đầu được chăm chút kĩ lưỡng. Thứ nước canh trong veo, sóng sánh màu hổ phách là nước hầm xương cùng với tôm nõn tạo nên vị ngọt thanh nhưng vẫn đâm đà.
Với những người đứng bếp ở Bát Tràng, măng chính là “thước đo tay nghề” của người nấu bởi măng là nguyên liệu tuy gần gũi, dễ kiếm nhưng khắt khe nhất trong khâu chế biến. Mực trong canh măng mực không nổi bật bằng sắc vàng của măng khô, nhưng lại là phần hồn âm thầm tạo nên vị ngọt thanh rất riêng.
Để làm ra món canh đặc trưng này cần sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, người Bát Tràng nấu món canh măng mực cũng đòi hỏi thời gian, công sức và kỹ thuật: ngâm - luộc - ninh và khéo léo kết hợp các nguyên liệu khi gia giảm.
Canh măng mực ngon nhất khi còn nóng hổi. Hương thơm của mực khô, măng chua và các loại gia vị sẽ lan tỏa rõ ràng nhất khi canh mới nấu xong.
Một món ăn tiến vua thể hiện sự khéo tay và tâm huyết của người đầu bếp. Ở đó hội tụ sự kết hợp tinh tế giữa vị giòn ngọt của măng và độ thơm ngon của mực tạo nên hương vị đặc săc khó quên. Nếu hôm nay bạn đã tới Bát Tràng, đừng quên thưởng thức món canh măng mực chính gốc, đó chắc chắn trải nghiệm mà bạn không thể tìm thấy ở đâu khác.